Tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, du lịch

Thứ Sáu, 04/10/2019, 11:09

Sáng nay, 4-10, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tiếp tục Phiên họp toàn thể thứ 15, thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.



Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý người nước ngoài

Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật cho biết: Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47), Bộ Công an thấy cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 để luật hoá chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh.

Thứ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, việc xây dựng dự án Luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tăng cường khoa học công nghệ trong giải quyết cho người nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thứ trưởng Lương Tam Quang trình bày Tờ trình dự án Luật

Dự thảo Luật gồm 2 điều, Điều 1 gồm 20 khoản quy định việc sửa đổi 18 Điều và bổ sung 3 Điều của Luật số 47.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực UBQPAN, qua thẩm tra, Uỷ ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật đã nêu trong tờ trình. Bên cạnh đó, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật số 47 còn nhằm thể chế hoá chủ trương đối ngoại của Đảng và bảo đảm phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập trong thời gian vừa qua.

Hồ sơ dự án Luật bảo đảm các loại tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời, việc chủ động xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật thể hiện sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm cao của Chính phủ và Bộ Công an trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý người nước ngoài, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và bảo đảm QPAN của đất nước.

Bổ sung trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực

Về giá trị sử dụng của thị thực (khoản 2, Điều 1), dự thảo Luật bổ sung trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo cơ hội việc làm, đầu tư cho người nước ngoài tại Việt Nam nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đối ngoại của đất nước.

Theo đó, điều kiện là có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam; có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với người đề nghị; được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc hoặc vào bằng thị thực điện tử và đã có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

Thường trực UBQPAN Nguyễn Thanh Hồng trình bày báo cáo thẩm tra

UBQPAN nhất trí với quy định này bởi phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài đủ điều kiện tiếp xúc ở lại Việt Nam chuyển đổi mục đích thị thực để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm việc làm, cơ hội đầu tư mà không phải mất thời gian, chi phí để làm thủ tục xuất cảnh rồi nhập cảnh.

“Đây là quy định thể hiện sự thông thoáng nhưng chặt chẽ trong việc quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam. Với điều kiện quy định như dự thảo Luật sẽ hạn chế tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam tham quan, du lịch sau đó xin chuyển đổi mục đích khác, đảm bảo yêu cầu công tác quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nhận định.

Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực

Có ý kiến cho rằng, việc bổ sung trường hợp được miễn thị thực “vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ” (khoản 7 Điều 1) và phải đáp ứng các điều kiện về sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt lãnh thổ với bên ngoài (điểm b khoản 18 Điều 1) là chưa thoả đáng.

Đồng thời đề nghị đối với 16 khu kinh tế ven biển ở trong đất liền cần được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh tương tự như đối với các khu kinh tế cửa khẩu mà không phải kèm theo điều kiện. Còn các khu kinh tế ven biển thuộc huyện đảo (Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế Phú Quốc) thì quy định rõ điều kiện như dự thảo Luật đã quy định.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng phát biểu tại phiên họp

UBQPAN cho rằng, nước ta có rất nhiều khu kinh tế ven biển trong đất liền, có diện tích rộng, trải dài theo chiều dọc của đất nước, cách xa sân bay và nhiều nơi có vị trí chiến lược về QPAN, nếu tất cả đều miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về QPAN, khó khăn cho công tác đảm bảo ANTT và quản lý hoạt động của người nước ngoài.

Còn đối với các khu kinh tế cửa khẩu do có vị trí giáp biên giới, phạm vi hẹp, gần cửa khẩu nên sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào khu vực. Vì vậy, việc bổ sung quy định miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển kèm theo các điều kiện chặt chẽ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể là bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Hơn nữa, tại Quyết định số 80 ngày 27-12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã cho áp dụng chính sách miễn thị thực đối với người nước ngoài nhập cảnh tại đảo Phú Quốc. Do đó, UBQPAN tán thành với quy định bổ sung trường hợp được miễn thị thực có điều kiện đối với các khu kinh tế ven biển như dự thảo luật và giao Chính phủ quyết định.

Quy định thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ

Qua thảo luận, một số ý kiến băn khoăn về quy định trường hợp được miễn thị thực, hay quy định đơn phương miễn thị thực, cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, song cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ dễ bị lợi dụng để vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến QPAN...

Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt kết luận nội dung phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, chỉnh lý làm sao các quy định thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, không bị lợi dụng.

Thượng tướng Võ Trọng Việt đánh giá, dự án Luật được chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng và chỉ sửa một số điều. Do đó, ông đề nghị hai cơ quan tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo logic, không xung đột với các luật khác. Đối với các ý kiến tiếp thu, giải trình cần rõ ràng, chặt chẽ hơn để thuyết phục các đại biểu Quốc hội.

Thay mặt Cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn các ý kiến của UBQPAN và các đại biểu góp ý vào dự thảo Luật tại phiên họp. Đồng thời khẳng định, Bộ Công an sẽ phối hợp với UBQPAN và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo với Chính phủ và trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.


Quỳnh Vinh
.
.
.