Quốc hội tăng cường ứng dụng công nghệ, xem xét họp trực tuyến

Thứ Năm, 26/03/2020, 08:57
Trong đầu tháng Tư (dự kiến từ ngày 6 đến 8/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhưng không họp tập trung mà tiến hành họp trực tuyến thông qua phần mềm được cài đặt trên máy tính bảng (IPAD) đã trang bị cho đại biểu Quốc hội.

Sáng 25/3, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 43.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình Phiên họp thứ 43. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu các nội dung trình tại phiên họp; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hiệu quả hơn; đồng thời ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch bệnh của Văn phòng Quốc hội, giúp phiên họp được tiến hành an toàn.

Kết thúc phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai các kết luận của từng nội dung để thực hiện các bước tiếp theo, nhất là nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý 7 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Trong đầu tháng Tư (dự kiến từ ngày 6 đến 8/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhưng không họp tập trung mà tiến hành họp trực tuyến thông qua phần mềm được cài đặt trên máy tính bảng (IPAD) đã trang bị cho đại biểu Quốc hội.

Để tổ chức Hội nghị thành công, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, sớm gửi tài liệu của 5 dự án luật sẽ được thảo luận tại Hội nghị để đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị nội dung tham gia được chất lượng. Văn phòng Quốc hội cần chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm về trang thiết bị, đường truyền… và kịp thời hướng dẫn về cách thức tham gia để phục vụ tốt cho Hội nghị.

Phiên họp thứ 44 (dự kiến được tổ chức vào tháng 4-2020) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến có khá nhiều nội dung, cần được các cơ quan tích cực chuẩn bị. Vừa qua, Chính phủ đề nghị bổ sung một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ xem xét kỹ lưỡng về tính cấp thiết, cũng như khả năng chuẩn bị trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 hiện nay để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định việc bổ sung hay rút gọn chương trình làm việc tại kỳ họp tới.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong trường hợp đầu tháng 4 tới tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, quyết định thời gian tổ chức kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Chính phủ vừa qua đã có chỉ đạo kiểm tra, rà soát không để người mắc, nghi mắc COVID-19 từ nước ngoài về nước lan rộng ra cộng đồng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những ngày gần đây, dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tính đến sáng 25/3 nước ta đã có 134 ca mắc bệnh. Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian tới cần thực hiện tốt các quy định pháp luật, theo dõi và chấp hành đúng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các khuyến cáo của ngành Y tế; hạn chế ra đường, tuân thủ việc không tập trung đông người, phải đeo khẩu trang nơi công cộng.             

Theo Chủ tịch Quốc hội, tiếp tục chỉ đạo, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong bộ máy nhà nước, tất cả các công việc phải được tiến hành trôi chảy, theo kế hoạch, có điều chỉnh phương pháp làm việc cho phù hợp. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải quán triệt tinh thần này.

Những công việc từ nay đến tháng 5 tới vẫn phải được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành, phục vụ nhân dân qua dịch vụ công trực tuyến, hạn chế các cuộc họp, làm việc đông người. 

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, cần thực hiện những giải pháp phù hợp để ổn định kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề xâm nhập mặn, hạn mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong điều kiện hiện nay, sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định, nhất là chăm lo đời sống nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để có những đề xuất kịp thời, hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội (trong đó lưu ý xử lý các vấn đề của người dân, doanh nghiệp… theo đúng quy định của pháp luật).

Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 34 Điều.

PV
.
.
.