Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại (19-5-1959/19-5-2019)

Phát huy kỳ tích đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới

Thứ Bảy, 11/05/2019, 08:47
Đường Hồ Chí Minh là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.


Góp phần làm nên những “kỳ tích” trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đường Hồ Chí Minh nằm ở phía Tây đất nước, có vị trí quốc phòng và an ninh quan trọng, có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên đất, rừng và các khu bảo tồn thiên nhiên, khoáng sản.

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết cần có một tuyến đường hoàn chỉnh, thống nhất, xuyên suốt nhằm đáp ứng cho hoạt động phát triển kinh tế, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ năm 1996, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy hoạch tuyến đường để hình thành trục dọc đường bộ thứ hai ở phía Tây đất nước với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc Nam (nay là đường Hồ Chí Minh).

Ngày 24-9-1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 789/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc Nam với điểm đầu tại Hoà Lạc (Hà Tây, nay là Hà Nội), điểm cuối tại ngã tư Bình Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), tổng chiều dài xấp xỉ 1.800km, cơ bản bám theo hướng tuyến của các quốc lộ 21A, 15A, 15B, 14 và 13.

Đồng thời, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu nhánh phía Tây từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam).

Trong quá trình nghiên cứu lập dự án, có nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cán bộ lão thành cách mạng bày tỏ nguyện vọng đặt tên cho con đường là “đường Hồ Chí Minh” để xứng đáng với vai trò và tầm vóc của tuyến đường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đường Hồ Chí Minh từ lâu đã là tên gọi rất quen thuộc không những được nhân dân cả nước mà các nước trên thế giới biết đến. Việc lấy tên công trình là “đường Hồ Chí Minh” còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Ngày 3-12-2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km); điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).

Ngày 5-4-2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng; đến ngày 21-3-2008, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng đã tiến hành nghiệm thu công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (đoạn từ Thạch Quảng tới Ngọc Hồi).

Không phải đến khi nghiệm thu cấp Nhà nước đường Hồ Chí Minh mới được đưa vào khai thác, mà ngay từ năm 2003, rất nhiều tuyến trên đường Hồ Chí Minh sau khi nghiệm thu cơ sở đã phát huy hiệu quả, tạo ra diện mạo mới cho nhiều vùng quê từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và từ Bắc chí Nam.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh. Đường Hồ Chí Minh trở thành trục giao thông chính, nối thông phía Bắc Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và liên thông sang nước bạn Lào và Campuchia.

Đường Hồ Chí Minh là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế.

Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.

Di tích quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh

Ngày 30-7-2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 123/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh đoàn 12 triển khai các Dự án thành phần, gồm: Hoàn thiện hệ thống bia di tích Đường Hồ Chí Minh; Các di tích trọng điểm trên đất Quảng Bình; Khu quản lý, điều hành, phát huy giá trị di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Binh đoàn 12 - đơn vị chủ đầu tư và Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam làm phương án xây dựng tổng thể, đồng bộ từ đơn vị chủ quản đến các thành viên trong hệ thống di tích Trường Sơn trên cơ sở của các biên bản, bản đồ quy hoạch khu vực bảo vệ di tích...

Theo đó, UBND các tỉnh có di tích thuộc Đường Trường Sơn, đóng vai trò nòng cốt để khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị cũng như tiềm năng của di tích một cách bền vững. 

Bên cạnh đó, là việc xây dựng bản đồ du lịch, xuất bản sách về di tích mạng lưới Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh,… để quảng bá cũng như giáo dục, tuyên truyền, giới thiệu lịch sử Trường Sơn đối với khách tham quan và các thế hệ mai sau.

Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Bình Phước) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2013).

37 di tích tiêu biểu thuộc Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trọng điểm

Tỉnh Nghệ An: Di tích Km0 - Tân Kỳ (thị trấn Tân Kỳ, Nghệ An). Tỉnh Hà Tĩnh:  Di tích Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc); Di tích Hương Đô - Hương Khê (huyện Hương Khê). Tỉnh Quảng Bình: Di tích Ngầm Khe Rinh (huyện Minh Hóa); Di tích Phà Gianh (huyện Bố Trạch); Di tích Đèo Đá Đẽo (huyện Minh Hóa);  Di tích Hang Hóa Tiến - Chỉ huy sở Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn (huyện Minh Hóa); Di tích Bến phà Xuân Sơn (huyện Bố Trạch); Di tích Hang Thông tin Km4 - Đường 20 (huyện Bố Trạch); Di tích Hang NH (Tổng kho NH) (huyện Bố Trạch); Di tích Dốc Ba Thang - Đường 20 Quyết Thắng (huyện Bố Trạch); Di tích Phà Long Đại (huyện Quảng Ninh);  Di tích Km0 - Đường 10 (huyện Quảng Ninh); Di tích Cầu Ka Tang (huyện Tuyên Hóa); Di tích Ngã tư Thạch Bàn (huyện Lệ Thủy); Di tích Làng Ho (huyện Lệ Thủy); Di tích Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 - Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh); Di tích Hang Tám Thanh niên xung phong (huyện Bố Trạch). Tỉnh Quảng Trị: Di tích Khe Hó (huyện Vĩnh Linh); Di tích Cầu treo Bến Tắt (huyện Gio Linh); Di tích Nghĩa trang Liệt sỹ QG Trường Sơn (huyện Gio Linh); Di tích Chỉ huy sở BTL559 (1974 - 1975) (huyện Gio Linh); Di tích Cầu Đắk Rông (huyện Đắk Rông); Di tích Cảng Đông Hà (thành phố Đông Hà). Tỉnh Thừa Thiên - Huế: Di tích Km0 đường B.45A (huyện A Lưới); Di tích Km0 đường B71 (huyện A Lưới); Di tích Cụm địa đạo Chỉ huy Sở Binh trạm 42 (huyện A Lưới); Di tích Dốc Con Mèo (huyện A Lưới). 

Tỉnh Quảng Nam: Di tích Bến Giằng (huyện Nam Giang); Di tích Khâm Đức - Chỉ huy sở tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn (huyện Phước Sơn). Tỉnh Kon Tum: Di tích Mô Ray (huyện Sa Thày). Tỉnh Gia Lai: Di tích Ia Dom (xã Ia Dom - huyện Đức Cơ). Tỉnh Đắk Lắk Di tích Serêpôc (huyện Buôn Đôn). 

Tỉnh Đắk Nông: Địa điểm bắt liên lạc Khai thông đường Hồ Chí Minh - đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ (huyện Đăk Song); Di tích Bu Prăng (huyện Tuy Đức). Tỉnh Bình Phước: Di tích Bù Gia Mập (huyện Phước Long); Di tích Kho xăng Lộc Quang (huyện Lộc Ninh).


PV
.
.
.