Phòng, chống "diễn biến hòa bình"

Nhận diện và phòng, chống nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ - Tiếp theo

Thứ Ba, 25/11/2014, 05:08
3. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong một quá trình và thường biểu hiện qua những dấu hiệu sau:
>> Phần 1

- Nói và làm không theo và thậm chí ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Thể hiện thái độ hoang mang, dao động, đồng tình với quan điểm “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” và hơn thế nữa đòi thực hiện chế độ đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Phản bác, phủ định Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn;

- Phủ nhận mọi thành tựu mà Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được trong cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay;

- Xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, đả kích, bôi nhọ, phủ nhận công lao to lớn nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thậm chí cả Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và của phong trào Cộng sản, công nhân và nhân dân lao động trên thế giới;

- Truyền bá học thuyết, văn hóa, lối sống tư sản, cũng như các quan điểm tư tưởng phi mác-xít, phi xã hội chủ nghĩa, đối lập thù địch với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 

- Phá hoại nội bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ qua các hành vi gây bè phái, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ, kích động tư tưởng bất mãn, bất bình, chống đối trong nội bộ các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội thuộc hệ thống chính trị của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Móc nối, câu kết, phối hợp với các thế lực thù địch bên ngoài và các phần tử chống đối ở trong nội bộ và ngoài xã hội chống lại Đảng, chính quyền Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Bảo vệ quan điểm, tư tưởng, hành động sai trái của các phần tử chống đối ở trong nội bộ và ngoài xã hội nước ta. Thậm chí ca ngợi chúng như những nhân vật “anh hùng” đấu tranh cho “dân chủ”, “nhân quyền”…

4. Để thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng về phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần phải tiến hành đồng bộ các công tác cơ bản và cấp bách sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trước hết, cần làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thấy được: (1) Tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, các ngành; (2) Phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là cuộc đấu tranh hết sức cam go, phức tạp diễn ra ngay trong nội bộ, giữa ta với ta. Trong cuộc đấu tranh này, không chỉ là phê bình và tự phê bình mà bằng nhiều hình thức, biện pháp từ biện pháp tổ chức cho tới biện pháp pháp luật; (3) Sự quyết tâm, ý thức trách nhiệm, dám nói, dám làm vì động cơ, mục đích rõ ràng, trong sáng, vì chế độ xã hội chủ nghĩa, vì nhân dân; (4) Thực hiện nghiêm túc “Quy định về những điều đảng viên không được làm” (Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01-11-2011 của Đảng).

Hai là, tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI). Trước hết là xây dựng Đảng cả về tư tưởng - chính trị và tổ chức cán bộ. Thực hiện phương

châm “chống và xây”, “xây và chống”, “nói đi đôi với làm”. Trong công tác xây dựng Đảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản về tổ chức và sinh hoạt Đảng. Thực hiện dân chủ rộng rãi đi đôi với coi trọng kỷ cương, kỷ luật, đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bản vị, “địa phương chủ nghĩa” trong công tác cán bộ.

Cần tuyển chọn những cán bộ, đảng viên có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, chuyên môn, lập trường tư tưởng - chính trị vững vàng, đạo đức, phẩm chất tốt vào bộ máy Đảng, chính quyền Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Kiên quyết thanh lọc những cán bộ, đảng viên không có đức, không có tài, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không dám bảo vệ và thậm chí còn vi phạm kỷ luật… ra khỏi cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước các cấp. Trước hết, cần coi trọng những cán bộ, đảng viên có đức, coi trọng “đức trị”; có tài mà không có đức thì không nên bố trí vào vị trí lãnh đạo dù bất cứ ở cấp nào.

Ba là, tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, cốt lõi là công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Cụ thể là: bảo vệ cơ sở tư tưởng - chính trị (Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh), bảo vệ chủ trương, đường lối, quan điểm, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng; tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tăng cường “sức đề kháng” nhằm vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động phá hoại tư tưởng, thâm nhập, chuyển hóa, lũng đoạn nội bộ, tha hóa cán bộ Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch và đối tượng khác. Bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành bằng nhiều biện pháp công tác, song quan trọng nhất là giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao khả năng “miễn dịch” của mỗi cán bộ, đảng viên trước sự tác động chuyển hóa từ bên ngoài và bên trong. Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Bốn là, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và kỷ luật của Đảng. Thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm.

Năm là, duy trì thường xuyên cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/1/2006 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chỉ thị số 03/CT-TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng và có thể xem là một trong những giải pháp cơ bản phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, nó cần phải được tiến hành một cách nghiêm túc, thiết thực, tránh phô trương, hình thức, mất thì giờ, tốn kém công sức, tiền của của nhân dân, học phải đi đôi với hành, nói phải đi đôi với làm như Bác Hồ đã dạy.

Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những nội dung sau: (1) Những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống cũng như có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; (2) Suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các ngành, các cấp, các địa phương tới mức độ nào; (3) Nguyên nhân, điều kiện dẫn tới sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên trong ngành mình, địa phương mình và có thể cả ở tổ chức, đơn vị mình. Trên cơ sở đó đề ra và tiến hành các giải pháp, áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với từng cán bộ, đảng viên và cơ quan, đơn vị. Nhận diện và phòng, chống suy thoái và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là một vấn đề hết sức cấp bách.

Có thể nói, đây là một cuộc đấu tranh vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và bằng những biện pháp quyết liệt, tinh thần thái độ kiên quyết, không khoan nhượng thì mới có thể đạt được kết quả như mong muốn

P.N.H.
.
.
.