Nguyễn Ngọc Xuân: Từ Bộ trưởng không bộ đến Trưởng phòng quân giới đầu tiên

Chủ Nhật, 01/12/2013, 15:22
Về Hà Nội, vào Bắc Bộ Phủ gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Ngọc Xuân mới biết mình được bầu vào Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ chức Bộ trưởng không bộ (cùng ông Cù Huy Cận).

Học xong trường Kỹ nghệ Hà Nội (1924-1925), Nguyễn Ngọc Xuân ra làm thợ ở các xưởng Trường Thi, La Phù và phòng thí nghiệm khoáng chất – hóa học ở Hà Nội. Năm 1929, ông tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, được giao nhiệm vụ phụ trách việc in báo “Đường cách mạng”, đảm nhiệm việc liên lạc, vận chuyển vũ khí mua ở Hải Phòng.

Sau khởi nghĩa Yên Bái (tháng 2 - 1930) của Việt Nam Quốc dân đảng thất bại, cũng như những người yêu nước khác, Nguyễn Ngọc Xuân bị thực dân Pháp bắt, xử tù chung thân đày ra Côn Đảo. Trong thời gian bị đày ở Côn Đảo, ông nhận thấy Việt Nam Quốc dân đảng đã dần dần lùi xa quần chúng nhân dân, đồng thời được gần gũi với những người Cộng sản, ông đã giác ngộ lý tưởng Cộng sản.

Năm 1936, nhờ thắng lợi của phong trào Mặt trận Bình dân, Nguyễn Ngọc Xuân được tha. Nhưng chỉ ba năm sau, khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh bắt giam lại những chính trị phạm mới ở tù ra. Nguyễn Ngọc Xuân bị giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) nửa năm, rồi đưa về giam thêm ba tháng ở căng Vụ Bản (Hòa Bình). “An trí” xong, không moi được tin tức gì, thực dân Pháp đưa ông về quản thúc tại quê nhà (Mỹ Hào - Hưng Yên). Mỗi tháng, ông phải hai kỳ lên huyện trình diện.

Cùng với hai người em ruột là Phùng và Vân, trong đó Phùng là chính trị phạm cũng đang chịu cảnh quản thúc, ba anh em thường đi lại thăm nhau, động viên nhau hoạt động gây dựng phong trào và tìm mọi cách để bắt liên lạc với Đảng.

Được một thời gian, đồng chí Lê Liêm – Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ đã bắt được liên lạc và giao nhiệm vụ cho ba anh em Nguyễn Ngọc Xuân xây dựng lại phong trào quần chúng cách mạng trong vùng Mỹ Hào. Đồng thời, đồng chí Lê Liêm còn cho biết phương hướng cách mạng trong giai đoạn tới: “Cướp vũ khí của giặc đánh giặc, đồng thời phải chuẩn bị chế tạo một số vũ khí cần thiết, nhất là lựu đạn”.

Làm theo gợi ý của đồng chí Lê Liêm, do có kiến thức về công nghiệp và hóa chất, ông và người em trai là Vân cùng nhau mày mò chế tạo vũ khí và lựu đạn. Nhờ có vốn kiến thức hồi học ở Trường Kỹ nghệ Hà Nội (1924-1925), ông không xa lạ với hoạt động công nghiệp. Tuy nhiên, đối với công nghệ làm vũ khí mới mẻ, ông phải đi từ con số không. Vì vậy, ông không ngừng tự học để có thêm những hiểu biết về thuốc nổ. Cuối cùng, sau ba tháng nghiên cứu, Nguyễn Ngọc Xuân đã chế thử thành công thuốc đen và phuy-mi-nat thủy ngân – một loại thuốc gợi nổ rất cần trong sản xuất vũ khí.

Bước sang tháng 8 /1945, khí thế khởi nghĩa sôi sục. Ngày 20/8/1945, Nguyễn Ngọc Xuân mang vũ khí do mình chế tạo tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bắc Ninh. Ngay sau đó, ông nhận được lệnh yêu cầu bàn giao xưởng vũ khí để về Hà Nội nhận công tác mới của Trung ương.

Về Hà Nội, vào Bắc Bộ Phủ gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Ngọc Xuân mới biết mình được bầu vào Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ chức Bộ trưởng không bộ (cùng ông Cù Huy Cận). Ông giữ chức vụ này cho đến khi Chính phủ Liên hiệp chính thức ra mắt ngày 2/3/1946.

Giữa tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng – cơ quan điều hành cao nhất của ngành Quân giới Việt Nam lúc bấy giờ. Bác giao nhiệm vụ phụ trách chung cho đồng chí Vũ Anh và đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân làm Chánh Văn phòng phụ trách với hai nhiệm vụ: thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí.

Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân dưới sự hướng dẫn của đồng chí Vũ Anh, đã triển khai ngay việc mua sắm vũ khí và xây dựng binh công xưởng.

Bước sang tháng 3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tổ chức lại cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó Phòng Quân giới chuyển thành Cục Quân giới do đồng chí Nguyễn  Ngọc Xuân làm Phó Cục trưởng Cục Quân giới kiêm Bí thư Đảng ủy Cục Quân giới.

Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11, Bí thư Đảng ủy Cục Quân giới đã trực tiếp lên báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình sản xuất vũ khí ở cơ sở. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân báo cáo, Hồ Chủ tịch căn dặn: “Có thể giặc Pháp sắp tiến công mình… Về Quân giới, phải gấp rút chuyển hết máy móc, nguyên liệu ra khỏi Hà Nội, mang lên rừng núi lập căn cứ chống lại nó…”.

Chấp hành chỉ thị của Chủ tịch nước, ông cùng cán bộ và công nhân của ngành vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu ra khu căn cứ, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, để vừa di chuyển, vừa ổn định tổ chức, triển khai sản xuất lại vừa sát cánh chiến đấu cùng chiến sĩ ngoài mặt trận.

Khi địch nhảy dù xuống Bắc Kạn, cách cơ quan có 500m, ông đã cùng anh em cất giấu tiền bạc, tài liệu, máy móc để khỏi lọt vào tay địch, rồi hướng dẫn cả đoàn cán bộ và công nhân về Thái Nguyên. Địch lại nhảy dù ở làng Ngò và Vũ Nhai, ông lại cùng anh em bám máy, bám xưởng, tiếp tục sản xuất, chiến đấu.

Trong những năm tháng chiến tranh, đời sống của cán bộ, công nhân sản xuất vũ khí rất gian khổ, thiếu thốn vì phải sống và làm việc ở những nơi “rừng thiêng nước độc”. “đèo heo hút gió”. Đây là nỗi lo canh cánh ngày đêm của các đồng chí lãnh đạo quân giới. Luôn trăn trở trước những khó khăn, vất vả, thiếu thốn của cán bộ, công nhân viên, vì thế ông đặc biệt quan tâm, coi trọng cuộc sống sinh hoạt và chăm lo đến sức khỏe, việc ăn ở cho anh em.

Vượt qua những khó khăn, những cán bộ quân giới cũ luôn nhớ đến người thủ trưởng cũ của mình với những tình cảm trân trọng nhất. Đại tá Trần Tiệu nhớ lại, năm 1950, khi lên Việt Bắc nhận công tác được gặp Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Cục trưởng Cục Quân giới Nguyễn Ngọc Xuân: “Tôi có cảm tình ngay buổi đầu làm việc với anh. Anh nói nhỏ nhẹ, dáng thư thả khoan thai, giống một thầy giáo huyện hơn là một quan nhà binh...”

Khải Đăng
.
.
.