Những bông hoa đẹp trong vườn hoa đa sắc của phong trào thi đua yêu nước

Thứ Hai, 07/12/2015, 17:19
Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, có nhiều tham luận của các đại biểu gây xúc động mạnh. Họ là những bông hoa trong rừng hoa đa sắc màu của phong trào thi đua yêu nước...

Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân: Trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Vùng 4 Hải quân đóng quân và làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo trọng yếu là Căn cứ quân sự Cam Ranh và quần đảo Trường Sa. Đây là căn cứ quân sự rất quan trọng của Hải quân Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt cả về kinh tế, chính trị và quốc phòng - an ninh của đất nước.

Đại tá Nguyễn Công Sơn.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tập trung huấn luyện theo phân cấp, chú trọng nâng cao kỹ chiến thuật, trình độ tổ chức chỉ huy, tham mưu, tác chiến, nâng cao năng lực điều hành lực lượng và xử trí đối với các tình huống phức tạp trên biển.

Nhờ vậy, Vùng 4 vừa giỏi tác chiến độc lập, vừa thành thạo tác chiến trong đội hình quân binh chủng… Liên tục từ 2010 đến nay, Vùng 4 Hải quân được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Cờ Thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác. Phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, làm chủ vùng biển”, Vùng 4 xin đại diện cho Quân chủng Hải quân và toàn quân nguyện trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, đem hết tinh thần trách nhiệm, luôn trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, chấp nhận hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại úy Sằn A Phật, Phó Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh: Người thông thạo 4 "ngoại ngữ"

"Trải qua 8 năm công tác, tôi đã quản lý trên 40 thôn, khe, bản đồng bào dân tộc thiểu số, nói thông thạo 4 thứ tiếng là Tày, Hoa, Sán chỉ và Dao; đồng thời luôn gần gũi, tạo được thiện cảm, sự đồng tình của đồng bào dân tộc với người chiến sĩ CAND.

Đại úy Sằn A Phật

Những lần lên bản, tôi giành nhiều thời gian chuyện trò, tâm sự, động viên các già làng, người có uy tín, dạy các cháu nhỏ học bài, giúp người dân làm nương rẫy, tạo niềm tin để họ ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc lên bản với tôi như là về nhà, gặp những người thân của mình, được nói tiếng đồng bào mình. Nhờ đó, tôi đã tham mưu, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Những việc làm trên tôi không coi là thành tích hay chiến công, mà đó là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an. Cũng giống như những chiến sỹ an ninh khác đang ngày đêm bám bản, “4 cùng”, giúp đỡ bà con từng việc làm nhỏ để có được cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc".

TS. Nguyễn Bá Hải, Giảng viên, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh: Đam mê sáng tạo để phụng sự cộng đồng.

"Bản thân tôi đã gặp những thất bại trong 8 phiên bản nghiên cứu mắt thần cho người khiếm thị trong nhiều năm, đã từng nghe người khiếm thị phản hồi tiêu cực về sự nặng nề của sản phẩm. Đã từng rớt từ độ cao 3m vì điện giật khi đi hàn điện thuê kiếm tiền để học, tôi và đồng nghiệp cũng từng gặp nguy hiểm khi để thiết bị nghiên cứu tăng áp suất cao và chờ chực nổ, từng cô đơn trong nhiều cái Tết Nguyên đán chỉ vì dành trọn thời gian cho nghiên cứu nơi đất khách quê người...

TS. Nguyễn Bá Hải.

Thậm chí, do kinh tế khó khăn, tôi đã phải trăn trở suy nghĩ vì mỗi ngày đi học tốn 200 đồng gửi xe đạp, đã bán sách báo, đồng hồ, mắt kính dạo khi còn là sinh viên và bị xã hội đen đe dọa đâm kim tiêm dính máu hoặc trấn lột.

Đến ngày hôm nay, thông qua Trung ương đoàn và đoàn cơ sở ở các tỉnh thành cùng những mạnh thường quân, chúng tôi – những người trẻ Việt Nam đã trao tặng người khiếm thị gần 1.000 thiết bị dẫn đường ở hơn 10 tỉnh thành tại Việt Nam và một số nước khác; dự án gia tăng giá trị nông sản là hạt cà phê nhờ phát triển công nghệ Pha chế độc quyền Nhật – Việt – Ý từ lúc lỗ khoảng 70 triệu đồng/tháng đến nay đã tạo thêm 10 điểm bán cà phê sạch giá chỉ 10.000 đồng, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên khó khăn...

Tất cả những việc tôi làm tuy còn rất nhỏ với kết quả khiêm tốn, nhưng đó là tất cả tấm lòng mà tôi mong muốn gửi gắm vào cuộc sống này".

Em Nguyễn Thế Hoàn, cựu Học sinh chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên: Ước mơ “biến” những giọt mồ hôi, nước mắt của ba mẹ thành những tấm huy chương.

"Sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuộc quê lúa Thái Bình, ngay từ bé em đã cảm nhận được sự vất vả của ba mẹ. Ba làm công việc bốc dỡ hàng hóa cho một doanh nghiệp nhỏ, mỗi chiều muộn trở về nhà đều có phần quà cho chúng em là những chiếc bánh mì nhỏ. Thời gian dần trôi, em dần nhận ra, chiếc bánh mì đó không phải ba em mua sau khi đi làm về, mà đó là một phần bữa trưa của ba...

Em Nguyễn Thế Hoàn.

Đến lúc nhận thức được điều đó thì em chỉ biết học và học để ba mẹ đỡ khổ. Nhưng tài chính luôn là vấn đề lớn đối với gia đình em, việc học tập ở Thủ đô là một gánh nặng quá lớn. Ba mẹ đã phải cùng nhau lên Hà Nội làm những công việc chân chính nhưng nặng nhọc với đồng lương ít ỏi, để em có những tháng ngày theo đuổi đam mê. Ba mẹ không chỉ sinh ra em mà còn tạo cho em những động lực tuyệt vời nhất.

Những giải thưởng Học sinh giỏi Quốc gia, những tấm Huy chương Vàng tại những kì thi Olympic Toán quốc tế là những thành công em gặt hái được, nhưng là thành công của một tập thể những người đã luôn ở bên em trong lúc khó khăn. Giờ đây, trở về từ những thành công đó, em lại nuôi cho mình những ước mơ lớn hơn. Đó là biến những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi vất vả của ba mẹ thành những tấm huy chương khác trong tương lai...".

GS.TS Bùi Đức Phú, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế: Tự hào “Nhà thương Anh hùng” trong lòng nhân dân.

"Đứng chân trên vùng đất miền Trung giàu truyền thống, BVTW Huế với lịch sử 120 năm, là Bệnh viện hạng đặc biệt được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp y tế Việt Nam, đóng vai trò đầu tàu, hạt nhân trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân Thừa thiên-Huế, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

GS.TS Bùi Đức Phú.

Hàng năm bệnh viện đón 450.000 lượt bệnh nhân khám bệnh, 95.000 bệnh nhân điều trị nội trú, phẫu thuật lên đến 27.000 ca. Bệnh viện đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực ghép tạng, như ghép thận với 250 ca thành công 100%; ghép tế bào gốc, ghép giác mạc, phẫu thuật nội soi, điều trị ung thư...

Nhờ vào sự đầu tư nguồn nhân lực đồng bộ, bài bản và lâu dài, đến nay đội ngũ thầy thuốc, cán bộ của bệnh viện có gần 2.500 người, trong đó có 400 bác sĩ với trình độ sau đại học chiếm đến 70%. Các phong trào thi đua tiêu biểu như “Ba xin”,“Nụ cười bệnh nhân - niềm vui người thầy thuốc”, “Đón tiếp niềm nở - chu đáo, điều trị kịp thời - hiệu quả, ứng xử thanh lịch - văn minh”... đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Nhờ vậy, trải qua bao bể dâu, bao thay đổi diện mạo và tên gọi, hai chữ “Nhà thương” vẫn gắn chặt với quá trình phát triển của BVTW Huế và bây giờ còn được gọi là “Nhà thương Anh hùng” trong lòng nhân dân".

Bà Đỗ Thị Thúy, công nhân bậc 6/6, Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định: Nỗ lực không ngừng nghỉ làm chủ những cỗ máy sợi

"Tôi bắt đầu sự nghiệp của một người công nhân nhà máy Sợi tại Nhà máy Sơi Nam Định năm 1990, nay là Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định - thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đơn vị đầu mối quan trọng trong chuỗi tạo liên kết sợi nhuộm, cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngành dệt may Việt Nam. Nhớ lại những ngày đầu làm thợ, tôi rất lo lắng khi nhìn thấy những cỗ máy to lớn, chằng chịt những sợi, con thoi với nhiều tiếng ồn, bụi…

Bà Đỗ Thị Thúy.

Cũng có lúc tôi nản chí, muốn bỏ nghề nhưng những tấm gương của các cô chú, các bác, các anh chị đi trước với biết bao gian khổ vừa làm việc vừa sẵn sàng chiến đấu, máy móc cũ kỹ lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần thiếu thốn đủ bề đã khiến tôi phải quyết tâm vượt qua khó khăn và học hỏi để làm chủ những cỗ máy sợi. 25 năm qua tôi luôn duy trì thói quen đến sớm 20 phút, tận dụng tối đa giờ sản xuất, trước giờ ăn cơm kiểm tra, xử lý toàn bộ các máy và phân công chị em trong tổ thay nhau trông máy, sau giờ nghỉ về ngay vị trí làm việc kiểm tra và xử lý lỗi trên máy.

Đây cũng là nguyên nhân tổ máy Sợi con chúng tôi luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về năng suất, có thu nhập cao. Tại Hội thi thợ giỏi lần thứ II (năm 2000) của ngành Dệt May Việt Nam tôi đã đạt danh hiệu "Bàn tay vàng" ngành Sợi. Từ thợ bậc 2 năm 1990, đến năm 2000 tôi đã đạt bậc 6/6, bậc cao nhất của công nhân công nghệ ngành Sợi...".

An Quỳnh – Hiếu Anh
.
.
.