Nhân sĩ, trí thức góp ý xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh

Thứ Sáu, 05/06/2020, 17:57
Các ý kiến đóng góp tập trung vaò quy hoạch kiến trúc, phát triển hạ tầng của Thủ đô và tính đến việc phát triển không gian ngầm.

Ngày 5/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến của đại diện văn nghệ sỹ, các nhà khoa học, trí thức, chức sắc tôn giáo của Thủ đô; Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng các Trường Đại học, Cao đẳng, Học viện trên địa bàn TP vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần XVII.

Khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân để từ đó định hình chính xác phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. 

“Tất cả để có Dự thảo Văn kiện tốt nhất trình ra Đại hội, làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030 (thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) và năm 2045 (thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định.

Tại Hội nghị, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cho rằng, trong dự thảo văn kiện nên tách phần xây dựng Đảng thành mục lớn riêng rẽ, vì xây dựng đảng là một trong những nội dung quan trọng nhất của đại hội. 

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Ninh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội… nhấn mạnh đến lợi thế vô cùng to lớn của Hà Nội là có hệ thống trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước. 

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ tâm đắc với thành tố “sáng tạo” trong phương châm của Đại hội; đồng thời coi đây là chính là ý tưởng có thể nâng tầm Thủ đô lên một đô thị sáng tạo. Ông cũng đề nghị phải viết nổi bật hơn về kết quả xây dựng nông thôn mới, vì đây là lĩnh vực có thành tích rất lớn, làm cho thành phố vững tin vào thực hiện các chỉ tiêu trong giai đoạn mới…  

Về quy hoạch kiến trúc và phát triển cơ sở hạ tầng, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, trong báo cáo chính trị của Đảng bộ TP cần lưu tâm giải pháp để giải quyết hai việc lớn của Thủ đô nhiều năm qua là ách tắc và ngập úng. Góp ý về phát triển không gian ngầm, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Trần Danh Lợi nhấn mạnh: “Trong nội thành, trên mặt đất không còn diện tích nữa rồi nên bắt buộc chúng ta phải tính đến công trình ngầm. Nên sớm hoàn thành quy hoạch, sau đó kêu gọi xã hội hóa để làm từng khu vực một”.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng góp ý dự thảo văn kiện cần có phần nội dung xứng đáng về phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát huy tinh thần hòa hợp, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo…

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội góp ý tại Hội nghị.

Sau khi nghe các ý kiến, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc tại hội nghị, khẳng định rất nhiều ý kiến góp ý của giới trí thức, văn nghệ sĩ tại hội nghị có thể “tiếp thu ngay được” để bổ sung sâu sắc hơn vào dự thảo văn kiện như: quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển và liên kết Vùng Thủ đô; bổ sung, chỉnh sửa Luật Thủ đô, vận hành chính quyền đô thị, phát triển đô thị thông minh; xây dựng Thủ đô thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo... 

Riêng về các ý kiến góp ý liên quan đến phát triển nguồn nhân lực Thủ đô, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế để khai thác “mỏ vàng” chất xám ở Hà Nội theo hướng thiết lập mạng lưới “Sáng kiến Thủ đô”. Bí thư Thành ủy khẳng định, với mô hình đó, mỗi trường đại học, học viên ở Hà Nội sẽ đều là một trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo để đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của thành phố. Tất cả nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới. 

C.L
.
.
.