Đề nghị mỗi đoàn có 2 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Thứ Tư, 13/11/2019, 09:11
Chiều 12-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) bày tỏ đồng tình với việc tăng ĐBQH hoạt động chuyên trách nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo yêu cầu chất lượng của ĐBQH.

Theo bà, ĐBQH đều được bầu ra từ địa phương, tập hợp thành đoàn, nhưng đa số mỗi đoàn chỉ có một ĐBQH hoạt động chuyên trách tại địa phương. Mà địa phương là nơi để ĐBQH nghiên cứu chính sách và sát hạch, kiểm tra xem chính sách đó có đi vào cuộc sống hay không.

Đồng quan điểm, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị quy định rõ 35-40% ĐBQH hoạt động chuyên trách đồng thời có chỉ đạo làm sao tăng 2% đại biểu chuyên trách trên số ĐBQH hoạt động chuyên trách hiện hành.

“Cần có việc xây dựng vị trí việc làm, quy định cụ thể số lượng để phù hợp với Nghị quyết số 18 của Trung ương và Nghị quyết số 56 của Quốc hội”, nữ đại biểu đề nghị. ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị cùng với việc tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách thì nên tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách ở các địa phương giữa 2 kỳ họp.

Về việc nâng Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu lên thành các Uỷ ban trực thuộc Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) đồng ý với đa số ĐBQH. “Chúng ta cần nâng vị thế 2 cơ quan này, phải là cơ quan chuyên môn của Quốc hội để đúng với chức năng nhiệm vụ mà Quốc hội giao, không làm tăng biên chế và chỉ làm rõ vị thế, vai trò, địa vị pháp lý của 2 cơ quan.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị cân nhắc vì Quốc hội chúng ta có 3 chức năng: Lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nâng 2 ban này lên thành Ủy ban thì phải sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Trước nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành thảo luận đã đề nghị lùi thời gian thông qua dự án Luật này sang Kỳ họp thứ 9 để tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng hơn.

An Quỳnh
.
.
.