Chương trình sân khấu hoá kỷ niệm 230 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử

Thứ Bảy, 09/02/2019, 23:02
Tối 9-2 (mùng 5 Tết), Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 – 2019) với chủ đề “Tiếng vọng ngàn năm”. 

Đến dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã ôn lại chiến công hào hùng của binh sĩ nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Tiết mục sân khấu hoá tái hiện chiến công hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), trong trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa, quân Tây Sơn đã tiến công thần tốc đánh tan 20 vạn quân Mãn Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. 

Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Hoàng đế Quang Trung, mãi là bản anh hùng ca bất hủ của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chương trình sân khấu hoá đã tái hiện lại lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta với 2 chương, gồm: “Nơi miền đất võ” và “Việt Nam chào đón những mùa xuân mới”.

Chương trình sân khấu hoá kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019)

Các trích đoạn như: Bình minh đất võ, Khúc hát đồng dao, Hào khí Tây Sơn - Nuôi chí anh hùng, Nữ tướng cờ đào, Khúc khải hoàn, Hành quân thần tốc – Thăng Long mùa xuân đại thắng,... được dàn dựng sinh động, đem đến cho người xem cái nhìn toàn cảnh về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. 

Chiến thắng này cũng đã khẳng định tinh thần đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường, trở thành bản hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc ta.

Chương trình sân khấu hóa này là hoạt động truyền thống hàng năm của TP Hồ Chí Minh, góp phần ôn lại lịch sử cách đây 230 năm, khắc ghi những chiến công hiển hách mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, thể hiện lòng biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của cha ông ta. Đồng thời, nhằm giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ tích cực học tập, lao động sáng tạo, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển.


Nhân Sơn
.
.
.