Bộ Công Thương sẽ ưu tiên các dự án điện rác của Hà Nội

Thứ Sáu, 14/08/2020, 06:59
Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về các cơ chế chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực công thương của TP Hà Nội.

Chiều 13/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương về các cơ chế chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực công thương của TP Hà Nội cũng như các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần phối hợp thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là cuộc làm việc thứ 6 trong kế hoạch làm việc với 8 bộ, ngành Trung ương của Hà Nội nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của TP trong giai đoạn tới.

Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay, Hà Nội đang gặp khó khăn với các dự án trong ngành môi trường như các dự án đốt rác phát điện. Theo đồng chí Vương Đình Huệ: “Khi phát được điện thì lại vướng quy hoạch phát triển điện lực. Hiện TP triển khai một dự án chưa xong ở Sóc Sơn. Một ngày Hà Nội 6.000 tấn rác, vì vậy phải áp dụng công nghệ hiện đại đốt phát điện, nhưng lại vướng mắc quy hoạch”. 

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đánh giá, TP có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nhất là loại hình điện mặt trời, điện áp mái, nhưng chưa phát triển được… Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy điện rác, điện sinh khối, các tổ chức tham gia vào phát triển các dự án điện mặt trời, áp mái.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hiện nay, Hà Nội đang có 3 dự án điện rác quy hoạch phát triển trong thời gian tới, trong đó 2 dự án đã được bổ sung vào quy hoạch, một dự án đang lấy ý kiến các bộ, ngành.

“Riêng về điện rác thì Bộ có hẳn nghị quyết, ưu tiên xem xét hàng đầu, nên nếu Hà Nội có dự án nào nữa thì đưa sang Bộ thẩm định để bổ sung ngay trong năm 2020, vì sang năm tới, khi có quy hoạch điện mới, việc bổ sung sẽ không được nữa”, ông Vượng nói.

Dự án điện rác với mức đầu tư 7.000 tỉ đồng ở huyện Sóc Sơn vẫn chưa hoàn thành.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng tình với chủ trương, định hướng phát triển của TP Hà Nội trong dài hạn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: “Định hướng phát triển kinh tế của TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác cơ hội, dư địa của TP Hà Nội về phát triển thương mại nội địa, xuất khẩu. 

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ cụ thể hóa hoạt động phối hợp với Hà Nội thông qua việc đề nghị TP xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống Logistics, hạ tầng năng lượng, giao thông...”. 

Riêng về lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số mặc dù còn tồn tại, bất cập về thể chế, chính sách nhưng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, gắn với hạ tầng thương mại truyền thống vì vậy Bộ Công Thương rất mong Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cho loại hình thương mại này. 

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ nội địa tiếp cận mặt bằng, Logistics để qua đó thâm nhập sâu rộng vào hệ thống bán lẻ quốc tế. “TP Hà Nội sau khi ký kết hợp tác với Bộ Công Thương cần chỉ đạo các đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể”, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị.

Cuối cuộc làm việc, đại diện Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương và Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã ký kết biên bản hợp tác, phối hợp trong nhiều lĩnh vực như xây dựng các khu công nghiệp, xúc tiến đầu tư FDI, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, sắp xếp đủ vốn cho đơn vị truyền tải điện lực trên địa bàn thành phố, thẩm định bổ sung các công trình điện lực, quy hoạch phát triển điện lực…

Trúc Linh
.
.
.