Sau sấm chớp sẽ lại là bão tố

Thứ Tư, 11/01/2023, 12:45

Lệnh ngừng bắn tạm thời khép lại, ngay lập tức, giao tranh tại miền Đông Ukraine lại diễn ra căng thẳng, nhất là với những gói viện trợ quân sự khổng lồ, bao gồm các khí tài thiết yếu dành cho Kyiv, từ Mỹ và phương Tây. Nguy cơ cuộc giao tranh tiếp tục kéo dài, khốc liệt hơn càng lúc càng rõ rệt.

Vết thương không liền miệng

“Tôi kêu gọi các đồng minh hành động nhiều hơn nữa, nhằm bảo đảm cho Ukraine chiếm ưu thế và Tổng thống Nga Vladimir Putin không chiến thắng, vì lợi ích an ninh của chính chúng ta”, ngày 30/12/2022, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg trả lời phỏng vấn hãng tin Đức DPA.

Cho đến thời điểm đó, nghĩa là khi kết thúc năm 2022, Ukraine đã nhận được khoản hỗ trợ tài chính kỷ lục lên tới 32,1 tỷ USD từ các nước phương Tây và tổ chức quốc tế. Trong đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là những “nhà tài trợ” lớn nhất.

Sau sấm chớp sẽ lại là bão tố -0
Những cuộc giao tranh sẽ còn kéo dài và khốc liệt gấp bội.

Theo báo cáo mà Ngân hàng Trung ương Ukraine công bố ngày 7/1/2023, với 12 tỷ USD, Mỹ đứng đầu danh sách các nước hỗ trợ tài chính cho Kiev, tiếp đến là EU (8 tỷ USD), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (2,7 tỷ USD), Canada (1,9 tỷ USD) và Đức (1,6 tỷ USD).

Ở một khía cạnh khác, dữ liệu chính thức do Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Phát triển kinh tế và thương mại Ukraine Yulia Svyrydenko công bố ngày 5/1 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm 2022 giảm 30,4%. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận trong 30 năm. Dĩ nhiên, nguyên nhân chính là tác động của xung đột Nga-Ukraine.

Đánh giá về hiện trạng này, trong bài viết trên tờ The Washington Post, cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates của Mỹ cho rằng: “Nền kinh tế Ukraine bị hủy hoại, hàng triệu người dân đã phải rời bỏ quê hương, cơ sở hạ tầng đổ nát và phần lớn tài nguyên khoáng sản, tiềm năng công nghiệp và đất nông nghiệp đáng kể của nước này nằm dưới sự kiểm soát của Nga”.

Nói cách khác, họ cho rằng tiềm năng quân sự và kinh tế của Ukraine hiện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ phương Tây, điều có thể buộc Mỹ và châu Âu bắt đầu thúc đẩy Kyiv tiến tới đối thoại.

Sau sấm chớp sẽ lại là bão tố -0
Sau Mỹ, EU là khối viện trợ nhiều nhất cho Ukraine.

Song, những nhận định của hai quan chức hàng đầu ngành ngoại giao và quốc tế ấy có vẻ như không đúng lắm với thực tế. Sự phát triển của Ukraine có thể bị kéo lùi hàng thập kỷ, nhưng Mỹ và phương Tây, như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, vẫn muốn thúc đẩy Kyiv trở thành một dạng “tiền đồn” chống lại “người anh em một nhà” cũ, biến Ukraine thành một mũi dao của phương Tây thọc sâu vào không gian hậu Xôviết (vốn in đậm tầm ảnh hưởng truyền thống của Nga), qua đó khiến nước Nga suy kiệt, khi phải chịu đựng một “vết thương” có thể khiến Moscow “rỉ máu đến chết”.

Cuối năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với Ukraine, mà điều đó là do chính quyền Kyiv thực hiện. Tất nhiên, điều này xuất phát từ chuyện lập trường giữa hai bên còn quá khác biệt. Họ chưa có một điểm chung nào về quan điểm, để tạo dựng bước khởi đầu cần thiết.

Nhưng, chính vì vậy, cũng như rất nhiều cuộc chiến khác từng diễn ra, phía nào cũng muốn chiếm ưu thế trên chiến trường, trước khi thực sự tiến hành đàm phán nghiêm túc. Nói như ông Stoltenberg: “Gần như mọi cuộc chiến đều kết thúc trên bàn đàm phán, cuộc chiến này có thể cũng vậy. Chúng ta cũng hiểu những gì Ukraine đạt được trong đàm phán phụ thuộc chặt chẽ vào tình hình chiến sự”.

Ở khía cạnh khác, khi đường đua bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 xem như đã bắt đầu, những tin tức tích cực từ chiến trường Ukraine hiển nhiên sẽ được xem là các thành tựu quan trọng đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như đảng Dân chủ.

Hơn thế, duy trì và củng cố thế giới đơn cực trước việc Moscow không giấu giếm tham vọng lật đổ trật tự thế giới ấy, vẫn sẽ luôn là ưu tiên của nước Mỹ. Không những thế, sau hơn 10 tháng chiến dịch quân sự đặc biệt bùng nổ, nước hưởng lợi nhiều nhất, về mọi mặt, chính là Mỹ. Do đó, các nước phương Tây đề cập ngày càng nhiều đến sự cần thiết của việc tiếp tục cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như cung cấp vũ khí và huấn luyện cho lực lượng vũ trang Ukraine, trên lãnh thổ của họ.

Bất kể, Moscow đã nhiều lần tuyên bố: Hành động cung cấp vũ khí của phương Tây chỉ kéo dài cuộc xung đột và việc vận chuyển vũ khí sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga. Cụ thể và mới nhất, ngày 7/1, thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cảnh báo: “Động thái này có thể trở thành bước mở đầu cho việc cung cấp các loại vũ khí tấn công khác cho Ukraine, điều có nguy cơ kéo NATO vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga”.

“Động thái này” mà ông Puskov đề cập đến, là chuyện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định chuyển giao xe chiến đấu bộ binh AMX-10 RC cho Ukraine. Nhưng, song song, ý chí chiến đấu của quân đội Ukraine còn đang được thúc đẩy để trở nên mạnh mẽ hơn, với những động lực lớn chưa từng có khác.

Bước ngoặt nào cho những cuộc giao tranh?

Ngày 6/1, Washington công bố khoản hỗ trợ quân sự mới trị giá 3,75 tỷ USD dành cho Ukraine, cũng như các quốc gia khác liên quan bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột hiện nay ở Ukraine. Trong đó, gói viện trợ cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp các khí tài quân sự có tổng giá trị lên đến 2,85 tỷ USD từ kho dự trữ thiết bị quân sự của Lầu Năm Góc, trong đó có xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine và những quốc gia liên quan khác.

Sau sấm chớp sẽ lại là bão tố -0
Thiết giáp Bradley sẽ được Mỹ chuyển giao cho Ukraine.

Những phương tiện thuộc diện viện trợ có thể là xe thiết giáp và xe bánh xích hạng nhẹ có hỏa lực tầm trung và tầm xa, có khả năng tiêu diệt các phương tiện quân sự khác, bao gồm cả xe tăng. Mỹ cũng sẽ chuyển các hệ thống pháo binh, xe bọc thép chở quân, tên lửa đất đối không, đạn dược và những mặt hàng khác tới Ukraine như một phần trong khoản viện trợ trị giá 2,85 tỷ USD nêu trên.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ gói viện trợ mới còn bao gồm 225 triệu USD để hỗ trợ Ukraine xây dựng “năng lực dài hạn và hỗ trợ hiện đại hóa”. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nhu cầu thời chiến của quân đội Ukraine và cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ duy trì các thiết bị mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine trước đây.

Gói viện trợ quân sự mới đánh dấu lần thứ 29 Mỹ viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Một phần khác của gói viện trợ trên là 682 triệu USD tài trợ quân sự cho các nước đối tác châu Âu và những quốc gia đồng minh “để khuyến khích và bù đắp các khoản tài trợ thiết bị quân sự cho Ukraine” của các nước này.

Ngoài ra, theo ông Blinken, gói viện trợ mới cũng sẽ được sử dụng để xây dựng năng lực cho các quốc gia đối tác của Mỹ bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, bao gồm mở rộng hội nhập quân sự với NATO, nâng cao năng lực phòng thủ trên không gian mạng và “tăng cường chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa các lực lượng an ninh”.

Ở một diễn biến khác, Pháp và Đức - hai quốc gia lãnh đạo EU - cam kết gửi xe bọc thép tới Ukraine. Từ lâu, Ukraine đã kêu gọi phương Tây hỗ trợ nhiều loại vũ khí hạng nặng, trong đó có xe tăng. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây miễn cưỡng chuyển giao các loại khí tài này do lo ngại bị lôi kéo thêm vào xung đột hoặc khiêu khích Nga. Song, đến lúc này, như báo Junge Welt của Đức bình luận, thông tin về việc cung cấp những chiếc xe tăng đầu tiên từ kho vũ khí của NATO cho Ukraine là nỗ lực để kiểm tra trên thực tế xem Moscow có bao nhiêu kiên nhẫn, để không đáp trả các thách thức của liên minh này.

Sau sấm chớp sẽ lại là bão tố -0
Ukraine hy vọng tạo đột phá trong năm 2023 nhờ những gói viện trợ quân sự.

Cũng trong ngày 7/1, Thư ký Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Danilov, tuyên bố: Quân đội Ukraine có thể chuyển từ thế trận phòng ngự sang tiến công tổng lực vào năm 2023. Ông Danilov cũng nhận định, các vũ khí hiện đại do phương Tây viện trợ sẽ chính là yếu tố góp phần xoay chuyển cục diện chiến trường Ukraine trong năm nay.

“Xe bọc thép Bradley, Marder, Bastion và AMX-10, tổ hợp phòng không Patriot và nhiều hơn thế nữa. Có nhiều loại vũ khí sẽ được gửi thêm cho Ukraine dù chưa từng được tiết lộ trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Danilov tiết lộ về những khoản viện trợ mà Ukraine có thể nhận được trong năm 2023.

Theo ông, vào thời điểm đầu của xung đột, các tên lửa vác vai NLAW, Stinger và Javelin chỉ có thể giúp quân đội Ukraine tiến hành chiến tranh du kích nhằm chống lại hỏa lực và sức mạnh vượt trội của Nga. Tuy nhiên, sau khi phương Tây tăng tốc viện trợ và chuyển giao những vũ khí có uy lực và độ sát thương cao hơn cho Ukraine, thế trận của quân đội nước này đã được cải thiện và chuyển từ phòng ngự thụ động sang phản công.

Pháo phản lực phóng loạt HIMARS, lựu pháo M777, tên lửa Harpoon, tên lửa Excalibur, pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, tổ hợp phòng không IRIS, pháo tự hành Caesar và Krab cùng nhiều loại vũ khí khác đã giúp Kyiv khắc chế những ưu thế vượt trội của quân đội Nga. Nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine vì vậy cũng đã được giành lại.

Ngày 21/12/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Mỹ sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine, thuộc gói viện trợ 1,85 tỷ USD của Mỹ cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD để cung cấp cho Ukraine “năng lực phòng không và tấn công chính xác tăng cường”, cùng 850 triệu USD hỗ trợ an ninh.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu có ai biết chắc, Điện Kremlin đã dự trù cho những nấc thang căng thẳng này hay chưa? Và, nước Nga có thể cũng như sẵn sàng làm gì để cùng lúc giành ưu thế trên chiến trường, làm các nền kinh tế EU tiếp tục kiệt quệ, cũng như thách thức vị thế siêu cường duy nhất của nước Mỹ?

Cho đến hiện tại, Moscow vẫn chỉ xem đây là một chiến dịch quân sự đặc biệt, chứ chưa kích hoạt toàn bộ các phương diện cũng như nguồn lực của một cuộc chiến tranh quy ước đúng nghĩa. Đẩy tình thế phát triển đến mức đó, cũng sẽ là cạm bẫy, đối với chính Mỹ cũng như phương Tây.

Mây Linh
.
.
.