Nguy cơ từ những trại tị nạn ở Trung Đông và Bắc Phi

Thứ Tư, 03/04/2024, 16:35

Tình hình phức tạp tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi kéo dài nhiều thập kỷ đã tạo nên dòng người tị nạn khổng lồ. Đó cũng là nguồn cơn cho những cuộc khủng hoảng mới.

Trại tị nạn khổng lồ

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính số người phải di dời cưỡng bức trên toàn thế giới lên tới 131 triệu vào giữa năm 2024.

Trong số này có 63 triệu người phải di dời trong nước, trong khi 5,3 triệu người cần được quốc tế bảo vệ ngay lập tức. 15,8 triệu người, tương ứng với 12% số người tị nạn trên toàn thế giới đến từ khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA). 60% số người này đang sinh sống trong các trại tị nạn rải rác khắp các quốc gia. Khác với các khu vực khác, người tị nạn ở MENA hầu hết thuộc nhóm “những người buộc phải di dời và không quốc tịch” (để chỉ những người tị nạn phải rời bỏ đất nước của mình và không đủ điều kiện để trở thành công dân của một quốc gia nào đó).

Nguy cơ từ những trại tị nạn ở Trung Đông và Bắc Phi -0
Những trại tị nạn ở Trung Đông.

Phần lớn người tị nạn ở khu vực MENA hiện nay đến từ Syria, nơi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011 khiến gần 7 triệu người đã phải rời bỏ đất nước. Trong khi đó, gần 6 triệu người tị nạn Palestine thuộc nhiều thế hệ sống trong các khu vực nằm dưới sự quản lý của Liên hợp quốc. Khoảng 1,5 triệu người tị nạn Palestine sống trong các trại tị nạn ở Dải Gaza, Bờ Tây, Syria, Lebanon và Jordan, cũng như một số lượng nhỏ hơn cư trú tại các quốc gia MENA khác. Đây là hai nhóm cư dân chính trong các trại tị nạn ở khu vực MENA hiện nay.

Theo Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), cơ quan giám sát các trại dành cho người Palestine thì: “Điều kiện kinh tế, xã hội trong các trại nói chung là nghèo nàn, với mật độ dân số cao, điều kiện sống chật chội và cơ sở hạ tầng cơ bản không đầy đủ”. Ví dụ, gần 500 nghìn người tị nạn Palestine ở Lebanon là người không quốc tịch và “có khả năng tiếp cận rất hạn chế với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục hoặc nền kinh tế chính thức”.

Thống kê cho thấy, điều kiện tồi tệ của người Palestine ở Gaza với tỷ lệ nghèo đói là hơn 80%, cũng như tỷ lệ người dân phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo chiếm phần lớn bởi tỷ lệ thất nghiệp là 47% tính đến tháng 8/2022. Anera (Tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người Palestine) vào năm 2023 cho biết, 13% thanh niên phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Đó là thống kê vào trước thời điểm Israel tổ chức chiến dịch tấn công Dải Gaza tháng 10/2023. Cuộc tấn công này đã làm trầm trọng thêm tình trạng người di cư tị nạn trong khu vực hiện tại và trong cả tương lai.

Báo cáo của UNHCR nêu rõ: “Các cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài cũng như các thách thức chính trị và an ninh của khu vực vẫn tiếp tục diễn ra vào năm 2024. Một loạt các tình huống khẩn cấp mới xảy ra trong khu vực vào năm 2023, làm gia tăng thêm các cuộc khủng hoảng hiện có”. Dự kiến sẽ có thêm 11,7 triệu người trong khu vực phải di dời trong nước vào năm 2024 và UNHCR hy vọng sẽ tiếp cận hỗ trợ được một nửa trong số họ. Điều đó biến cả khu vực MENA thành một trại tị nạn khổng lồ.

Nguy cơ từ những trại tị nạn ở Trung Đông và Bắc Phi -0
Trẻ em chiếm số lượng lớn tại các trại tị nạn.

Những vấn đề

Các quốc gia trong khu vực đã phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc xử lý hàng triệu người tị nạn trong nhiều năm qua. Con số người tị nạn khổng lồ lại dồn về một nhóm những nước có nền kinh tế chưa phát triển khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Thống kê vào đầu năm 2023 của Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết có hơn 3/4 số người tị nạn ra nước ngoài được tiếp nhận ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong đó Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu với số lượng tuyệt đối là 3,6 triệu người, tiếp theo là Iran với 3,4 triệu người. Trong khi đó, Lebanon có số lượng người tị nạn bình quân trên số dân lớn nhất (chiếm 1/8 tổng dân số), tiếp theo là Jordan (1/14). Chỉ riêng sự áp đảo về số lượng cũng đủ nói lên tính phức tạp của vấn đề.

Khi rõ ràng những người tị nạn sẽ không sớm trở về nhà, họ sẽ tác động thế nào đến nền chính trị, xã hội tại vùng đất mới? Các thể chế chính trị của cộng đồng hải ngoại này sẽ liên hệ như thế nào với quê hương và những dàn xếp chính trị nảy sinh từ những cuộc chiến? Đó là những câu hỏi đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Và, nó sẽ không chấm dứt chỉ sau một thế hệ khi mà phần lớn những người tị nạn lại là phụ nữ và trẻ em. Tình hình của những người tị nạn này do đó sẽ tiếp tục có tác động, không chỉ đến an ninh mà còn đến nền kinh tế, chính trị và sự phát triển tương lai.

Nguy cơ từ những trại tị nạn ở Trung Đông và Bắc Phi -0
IS hướng sự chú ý vào những đứa trẻ...

Tổ chức Save the Children gần đây đã công bố báo cáo ghi lại những tổn thương khó tin ở trẻ em Syria. Hàng trăm ngàn đứa trẻ này không biết gì ngoài chiến tranh, chết chóc, bị tước đoạt và mất mát. Tỷ lệ đăng ký giáo dục tiểu học đã giảm từ 98% trước chiến tranh xuống còn 61,5% khi chuyển đến các trại tị nạn khiến nhiều nhà quan sát suy đoán rằng cả một thế hệ có nguy cơ bị mất tương lai của chính mình cũng như tương lai của việc tái thiết đất nước. Nghiên cứu quan trọng đã được thực hiện trên toàn cầu về trải nghiệm của trẻ em ở vùng chiến sự cho thấy những thách thức khó khăn đối với thế hệ tiếp theo.

Cảm giác bị cưỡng bức di dời, bị ghẻ lạnh tại vùng đất mới cùng sự thiếu thốn trong đời sống khiến cho thế hệ trẻ tị nạn trở nên mặc cảm và dễ dàng bị lôi cuốn vào những phong trào cực đoan, nơi giúp chúng “sống có chủ đích”. Đây là quá trình giải thoát khỏi cuộc sống tù túng hiện tại, trao cho những đứa trẻ chưa có nhận thức đầy đủ một ý nghĩa, một mục đích nào đó để vượt qua chuỗi ngày buồn chán, thù hận tại các trại tị nạn. Quá trình cực đoan hóa này có thể không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với cuộc sống của chính những đứa trẻ, nhưng nó là vấn đề khiến các chính phủ trên thế giới quan tâm nhất.

Dựa trên kinh nghiệm lịch sử trong quá khứ, rằng các trại và cộng đồng tị nạn sẽ trở thành nơi tuyển dụng chính cho các tổ chức thánh chiến và những kẻ cực đoan khác. Đây sẽ là nguồn gốc cho sự bất ổn trong tương lai. Cuộc tấn công vào nhà hát Crocus của Nga mới đây đã phát đi một lời cảnh báo mới. Khi nhóm ISIS-K, nhánh của IS ở Afghanistan lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công thì cũng là lúc bóng ma khủng bố quay trở lại.

Nguy cơ từ những trại tị nạn ở Trung Đông và Bắc Phi -0
...với ý định biến chúng thành những kẻ bị cực đoan hóa.

Trại tị nạn Al Hol ở Bắc Syria nổi tiếng từ năm 2019 vì sự xuất hiện của một cậu nhóc 15 tuổi được biết với cái tên Abdullah. Cậu nhóc bị bắt khi đang định thực hiện một vụ cài chất nổ tại căn cứ Mỹ gần đó. Cậu nhóc khai mình đã được tuyển mộ khi mới 12 tuổi và “làm những việc được người ta bảo”. Bị bắt ngay lần đầu tiên đi làm “nhiệm vụ” và sau đó được chuyển vào trại giáo dưỡng dành cho trẻ em. “Vụ Abdullah” trở nên nổi tiếng khi nó được các phóng viên của CNN công bố trên toàn thế giới cho thấy nguy cơ hiện hữu của việc IS đang âm thầm tuyển mộ thành viên cho mình từ chính nơi tập trung những người trốn chạy khỏi nó. Do đó, mỗi khi có một vụ tấn công mới của IS, một câu hỏi thường trực sẽ là: kẻ tấn công đến từ trại tị nạn nào?

Ai cũng thấy vấn đề trong những trại tị nạn khổng lồ tại MENA, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng giải quyết. Xung đột sắc tộc và tôn giáo tồn tại hàng nghìn năm đã trở thành bản sắc của khu vực. Trong khi những bất ổn tiếp tục hằn sâu thêm những xung đột đó. Những quốc gia đón nhận thường xuyên quá tải khả năng trợ giúp những người tị nạn, sự trợ giúp quốc tế thì không ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế biến động như hiện nay. Trong khi đó, mong ước thường trực của những người tị nạn luôn là được trở về quê cũ khiến cho các quốc gia sở tại cũng không sẵn sàng hòa nhập họ với cộng đồng. Và, vòng tròn luẩn quẩn tiếp tục lặp lại: xung đột, chiến tranh sẽ tạo ra một thế hệ tị nạn mới, những người tị nạn bị bỏ rơi sẽ khởi đầu cho những cuộc xung đột mới.

Tử Uyên
.
.
.