Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết phản đối Mỹ:

Vũ đài của “kẻ tám lạng, người nửa cân”

Thứ Tư, 27/12/2017, 09:37
Tinh thần phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã được thể hiện rõ qua các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Hội đồng Bảo an LHQ. Để phản ứng lại, truyền thông quốc tế ngày 25-12 đưa tin: nước Mỹ đã thể hiện vai trò cũng như ảnh hưởng to lớn của mình trong lĩnh vực bang giao quốc tế bằng việc tiến hành một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Palestine (PA) - động thái báo hiệu cho viễn cảnh sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Palestine trong tương lai không xa.

Khi “sự lựa chọn của Mỹ” bị chỉ trích

Bị cả Đại Hội đồng và Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết phản đối với tỷ lệ số phiếu thuận áp đảo, nước Mỹ cảm thấy như bị dính các cú đấm liên hoàn trên vũ đài. Vào ngày 21-12, Đại Hội đồng LHQ đã tiến hành phiên họp đặc biệt bất thường để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Cuộc họp khẩn được triệu tập theo đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen, thay mặt nhóm nước Arab cũng như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Hãng tin CNN cho hay, nghị quyết đã được thông qua với 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống. 35 nước bỏ phiếu trắng bao gồm Australia, Mexico, Canada...

Các nước bỏ phiếu chống gồm Mỹ, Israel và một số nước khác như Micronesia, Nauru, Togo, Tonga, Palau, Guatemala và Honduras. Tuy Nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng phản ánh tiếng nói chính trị mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Còn trước đó, trong cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm 18-12, 14 trên 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã ủng hộ dự thảo nghị quyết phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại LHQ đã khẳng định trước 193 thành viên của Đại Hội đồng: Dù kết quả cuộc bỏ phiếu như thế nào cũng không làm thay đổi quyết định của Washington. Bà nói: “Nước Mỹ sẽ ghi nhớ ngày hôm nay - ngày mà đất nước chúng tôi bị chỉ đích danh để chỉ trích tại Đại Hội đồng LHQ vì một hành động thuộc quyền của một quốc gia có quyền tự quyết. Chúng tôi sẽ ghi nhớ chuyện này khi chúng tôi được kêu gọi trở thành nước đóng góp số tiền lớn nhất thế giới cho LHQ cũng như rất nhiều quốc gia khác. Như thế chúng tôi sẽ sử dụng nhiều hơn nữa ảnh hưởng của chúng tôi cho các lợi ích của mình”.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 21-12 bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: Getty.

Trên Twitter, bà Haley nói cuộc bỏ phiếu này là hành động cụ thể cho thấy phần lớn cộng đồng quốc tế “chỉ trích lựa chọn của Mỹ” và Washington sẽ “điểm danh” các nước trong cuộc bỏ phiếu. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ cắt viện trợ cho bất cứ quốc gia nào bỏ phiếu chống lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel tại Đại Hội đồng LHQ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết: “Chúng tôi bị yêu cầu phải bỏ phiếu “chống” hoặc sẽ phải chịu hậu quả, thậm chí có cả đe dọa cắt viện trợ phát triển. Đây là kiểu hù dọa không thể chấp nhận khi một nước lớn buộc lá phiếu và danh dự của nhiều quốc gia thành viên của LHQ vào chuyện trao đổi mua bán”. Đại sứ Pháp, Francois Delattre, một nước bỏ phiếu thuận phát biểu trong một thông báo: “Nghị quyết được thông qua hôm nay đã xác nhận các vấn đề về pháp luật quốc tế đối với vấn đề Jerusalem”.

Việc bỏ phiếu ủng hộ Mỹ của Mexico được giới quan sát quốc tế cho rằng, từ khi ông Trump đắc cử, Mexico đã có chính sách đối ngoại theo hướng xích lại gần Washington. Đây là lúc Mexico tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và để đảm bảo Mỹ không rút lui khỏi Hiệp định Thương mại tự do NAFTA.

“Miệng nhà quan có gang có thép”

Đúng là trong tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, nước Mỹ đóng góp nhiều nhất: 28,5% cho khoản ngân sách 7,3 tỉ USD để gìn giữ hòa bình của LHQ và 22% trong ngân sách 2,7 tỉ đô la của LHQ. Theo số liệu của Cơ quan viện trợ Mỹ USAID, năm 2016 Mỹ đã cung cấp 13 tỉ USD viện trợ về kinh tế và quân sự cho các nước ở vùng quanh Sahara ở châu Phi và 1,6 tỉ USD cho Đông Á và châu Đại Dương. Mỹ cũng viện trợ 13 tỉ USD cho các nước Trung Đông và Bắc Phi, 6,7 tỉ USD cho các nước ở Trung và Nam Á, 1,5 tỉ USD  cho châu Âu và vùng lục địa Á-Âu cùng 2,2 tỉ USD cho các nước ở châu Mỹ (gồm cả Bắc Mỹ, Nam và Trung Mỹ). 

Truyền thông quốc tế ngày 25-12 đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định tiến hành một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền Palestine (PA) sau khi Washington nhiều lần khuyến cáo Palestine từ bỏ chiến dịch vận động chống lại quyết định của Tổng thống Trump về vấn đề Jerusalem. Debkafile, một trang mạng của Israel có liên hệ mật thiết với cơ quan tình báo quân đội nước này, cho biết Tổng thống Trump đã quyết định cắt đứt mọi mối quan hệ và liên lạc với PA cũng như với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tiếp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 21-12. Ảnh: Reuters.

Theo Debkafile, Mỹ sẽ không cung cấp kế hoạch hòa bình Israel-Palestine đang được chuẩn bị cho phía PA mà chỉ cung cấp cho phía Tel Aviv cùng một số chính phủ Arab liên quan.

Hồi tháng 5-2017, khi gặp ông Trump tại Nhà Trắng, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói rằng, ông đặt hy vọng vào Tổng thống Mỹ. Nhưng 7 tháng sau, chính ông Abbas là người gay gắt chỉ trích ông Trump. Phản ứng ngay sau công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Mỹ, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã thúc đẩy nỗ lực vận động các nước Trung Đông và tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo trong khối Arab.

Ngày 11-12, Tổng thống Abbas đã có cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Al-Sisi, người đóng vai trò trung gian chính trong các vòng hòa đàm trước đây với Israel và giữa các phe phái Palestine trong nỗ lực hòa giải nội bộ. Sau đó, ông đến Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, phát biểu tại Hội nghị Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Tuần trước, 2 hoàng tử quyền lực nhất thế giới Arab là Muhammed bin Salman của Saudi Arabia và Sheikh Muhammed bin Zayed của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã yêu cầu ông Abbas tới thủ đô của họ, hối thúc ông phải “quay lưng lại” với sự công kích của người Palestine đối với Tổng thống Trump và các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang Hồi giáo Palestine đối với người Israel.

Ông Abbas cũng đã nhận được lời khuyên tương tự từ Quốc vương Qatar là Sheikh Tamim Al Thani, người đã trao đổi với Washington về vấn đề này và quay sang thuyết phục Palestine. Tuy nhiên, tất cả những sức ép này đều không kết quả, bởi ông Abbas không thể chống lại ý chí của người dân Palestine, hơn nữa, ông lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Các nguồn tin độc quyền của Debkafile cho biết, chính quyền Mỹ đã cắt đứt tất cả mối quan hệ với lãnh đạo Palestine để trả đũa cho “chiến dịch chống lại Tổng thống Donald Trump và chính sách công nhận Jerusalem là thủ đô Israel”. Ngoài ra, một số cảnh báo đặc biệt cũng đã được đưa ra với nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas nếu ông không thực hiện những yêu cầu mà Tổng thống Mỹ đã đề xuất.

Trước khi tung ra những cảnh báo này, một số nguồn tin đã tiết lộ kế hoạch trừng phạt mà Mỹ dành cho sự “cứng đầu” của Palestine sẽ được tiến hành theo các bước sau: Thứ nhất, kế hoạch hòa bình của Israel và Palestine được chuẩn bị ở Washington sẽ không còn có sự tham gia của chính quyền Ramallah, nó sẽ chỉ được bàn bạc ở Tel Aviv và các chính phủ Arab liên quan. Như vậy, tất cả những vấn đề có liên quan đến tương lai của dân tộc Palestine sẽ đều do nước ngoài quyết định(!).

Thứ hai, tư cách pháp nhân của Văn phòng đại diện Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại Washington sẽ được “xem lại” nhằm mục đích chấm dứt sự hoạt động của văn phòng này.

Thứ ba, các quan chức của Palestine sẽ không còn được Chính phủ Mỹ mời đến Washington, bao gồm cả Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính. Họ sẽ không được chào đón tại Nhà Trắng hoặc Hội đồng An ninh quốc gia, nơi chính sách Trung Đông - Hoa Kỳ được thiết kế.

Cần biết rằng, công việc soạn thảo và thực hiện chính sách Trung Đông của Mỹ là trách nhiệm của người con rể 36 tuổi của ông Trump, Jared Kushner. Anh được coi là một người mới vào nghề và không phải là người quan sát trung lập, do Kushner từng là đồng Giám đốc Quỹ tài trợ các khu định cư của Israel ở Bờ Tây.

Trong khi đó, những vị trí ngoại giao quan trọng của Mỹ trong khu vực vẫn bỏ trống. 8 sứ quán Mỹ ở Trung Đông, bao gồm ở Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Arab Saudi, không có đại sứ.

Thứ tư, từ nay, chính quyền Mỹ sẽ không đưa ra bất kỳ thông báo công khai nào về việc cắt giảm viện trợ tài chính cho người Palestine. Do phần lớn các khoản tiền đều đã được dành cho các dự án kinh tế cụ thể, nên mỗi khoản phân bổ sẽ được giữ lại để “tiến hành tái thẩm định”.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas từ nay sẽ không còn hy vọng gì vào Tổng thống Mỹ.

Đối với các tổ chức quốc tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ ngừng đóng góp cho Tổ chức Việc làm và Cứu trợ của LHQ (số tiền thường niên do Mỹ đóng góp ước tính 1 tỷ đôla). Cần biết rằng, sang năm 2018, cả Mỹ và Israel sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), với cáo buộc là UNESCO thực hiện “chính sách bài Israel”, bởi UNESCO đã công nhận Hebron là “di sản văn hóa thế giới của Palestine”, Núi Đền (Temple Mount) và thành cổ ở Jerusalem là “Các thánh địa Hồi giáo”.

Phải nói rằng, Mỹ đã dọa là làm, gần như không “giơ cao đánh khẽ”. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley hôm 24-12 tuyên bố: Phái đoàn Mỹ tại LHQ đã thương thảo để khiến ngân sách năm 2018-2019 của LHQ bị cắt giảm 285 triệu USD, đồng thời một số cơ quan quản lý và hỗ trợ cũng sẽ bị ngừng hoạt động. Đại sứ Haley còn cho biết, Washington cảm thấy hài lòng với việc điều chỉnh ngân sách LHQ, đồng thời sẽ tiếp tục “tìm kiếm các giải pháp để tăng hiệu quả của LHQ mà vẫn bảo vệ được lợi ích cho nước Mỹ”.

“Đây là một bước đi lớn theo đúng hướng. Ai cũng biết tới sự kém hiệu quả và chi tiêu quá tay của LHQ. Chúng tôi sẽ không để sự hào phóng của người dân Mỹ bị lợi dụng và không được kiểm soát”, hãng tin ABC News dẫn lời Đại sứ Nikki Haley phát biểu.

Một tập hợp các quốc gia tồn tại nhiều bất đồng

Đồng minh Arab thân cận nhất của Tổng thống Trump vào thời điểm này là Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, 32 tuổi, người còn được biết đến với tên gọi MBS, không chỉ có mục đích “tề gia trị quốc” hoặc củng cố vị thế trong nước mà còn muốn tái khởi động toàn bộ chính phủ và xã hội Saudi Arabia.

MBS đã công bố những tham vọng lớn của bản thân trong Tầm nhìn Saudi 2030 - một kế hoạch kêu gọi Saudi Arabia trở thành một cường quốc khu vực hùng mạnh, đa dạng về kinh tế và gia nhập nhóm các nước có GDP trị giá hàng ngàn tỉ USD, đồng thời phát triển xã hội theo hướng khoan dung, sáng tạo về văn hóa và hòa giải với thế giới. MBS tin rằng ông cần có đầy đủ quyền lực để thực hiện nỗ lực táo bạo trên.

Ông được cho là người đề xướng việc Arab Saudi can thiệp quân sự ở Yemen, đặt lệnh cấm vận với Qatar, là người đứng sau tuyên bố từ chức đột ngột của Thủ tướng Lebanon Saad Al-Hariri và gần đây nhất là việc giam giữ tỷ phú Sabih Al-Masri - người điều hành Ngân hàng Arab - nhà tài trợ chính của Chính phủ Jordan và là nhà đầu tư chính trong lãnh thổ của Palestine. Những nỗ lực này nhằm khiến những nước quan trọng trong thế giới Arab phải đi theo sự dẫn dắt của Saudi Arabia. Tuy nhiên, chính sách này cũng làm dấy lên làn sóng chống Saudi Arabia trên toàn khu vực.

Nước Mỹ, với sự phối hợp nhịp nhàng của Saudi Arabia và Israel, cố gắng tạo ra một liên minh để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Iran. Nhà bình luận quốc tế Ben Wedeman của CNN nhận xét: “Chuỗi thời gian hàng chục năm thực thi chính sách trừng phạt và cô lập ngoại giao đã không xóa được ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran. Một tập hợp các quốc gia có nhiều bất đồng được dẫn đầu bởi một siêu cường bị phân tâm bởi rối loạn trong nội bộ của chính mình khó làm được việc đó”.

Các đồng minh châu Âu truyền thống đang rời xa Washington, lùi lại phía sau khi Mỹ và Saudi Arabia cố xử lý các cuộc khủng hoảng tự tạo ra ở Trung Đông.

Trong khi liên minh phương Tây không còn khăng khít, Nga ngày càng xích lại gần Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đến đầu tháng 12 này, Tổng thống Nga đã lệnh rút phần lớn lực lượng quân sự Nga ở Syria về nước với lý do đã “hoàn thành sứ mệnh”. Đây được đánh giá là một chiến thắng lớn của Nga ở Trung Đông, thách thức tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.

Trong khi đó, Nga tiếp tục củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO. Gần đây, Nga đã ký thỏa thuận bán một hệ thống phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow và Ankara cũng trở thành hai trung gian chính cho các cuộc hòa đàm ở Syria. Và như thế, nước Nga đang thể hiện vị thế và tiếng nói ngày càng có tính quyết đoán trong khu vực ở phía đối trọng với Mỹ.

Quang Học (tổng hợp)
.
.
.