Vệ tinh Kosmos-2410 thế hệ mới của Nga ra đi không trở lại

Thứ Hai, 28/03/2005, 07:48
Trên vùng thảo nguyên đầy tuyết trắng gần thành phố Orenburg, phía đông nam dãy Ural tại Siberia, quân đội Nga đang triển khai nhiều đội chuyên trách kết hợp với các chuyên gia cứu hộ, trang bị các máy dò tìm kim loại hiện đại để tiến hành một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn.

 Mục tiêu của họ là phát hiện ra xác vệ tinh KOSMOS - 2410 hiện đại nhất của nước này đã bị rơi ngày 9/1/2005. Do tiết trời mùa đông tuyết rơi dày, nên công việc của họ xem ra vô cùng vất vả. Hiện tại Nga đang hết sức lo ngại, vì nếu không tìm thấy vệ tinh, cơ sở dữ liệu hình ảnh lưu giữ trong bộ nhớ của các camera quan sát có thể bị mất và Nga sẽ không thể cập nhật được các thông tin tình báo quan trọng.

 

Tệ hại hơn, nếu chúng rơi vào tay tình báo nước khác, thì chưa biết thiệt hại sẽ như thế nào. Tác động lớn nhất là tới chương trình kiểm soát vũ khí của Nga. Hiện nay, Moskva sử dụng các hình ảnh do vệ tinh do thám cung cấp như là phương tiện chủ chốt để theo dõi chương trình cắt giảm vũ khí chiến lược theo các hiệp định kiểm soát vũ khí. Nếu như bị mất công cụ này, Nga có thể bị bất ngờ về phương diện chiến lược và lâm vào trạng thái mất an ninh nghiêm trọng.

Tờ "Kommersant" của Nga cho biết, KOSMOS - 2410 thực chất chỉ là cải tiến từ các vệ tinh trinh sát kiểu cũ lớp Kobalt. Thế hệ vệ tinh này được phát triển từ thập niên 80 của thế kỷ trước để thay thế cho vệ tinh do thám kiểu cũ. Trong suốt hành trình, vệ tinh này có thể chụp rất nhiều ảnh và lưu giữ vào bộ nhớ nhỏ gọn, sau đó truyền về dưới mặt trên trái đất. Khi hết hạn phục vụ, toàn bộ phần chính của vệ tinh sẽ được đưa về căn cứ, mang theo nhiều hình ảnh còn lại trong bộ nhớ. Hệ thống quang học của nó cũng sẽ được tái sử dụng cho các chuyến bay sau.

Khi Liên bang Xôviết tồn tại, ngân sách dành cho chương trình nghiên cứu và quản lý vệ tinh tình báo rất lớn, các vệ tinh Kobalt được phóng từ 6 đến 8 lần mỗi năm và hoạt động nhiều tháng trên quỹ đạo. Các đợt hoạt động của chúng gối lên nhau, cho phép Liên Xô giám sát liên tục các mục tiêu trên trái đất.

Thế nhưng kể từ năm 1991 tới nay, chương trình vệ tinh do thám của Nga bị thiếu kinh phí nghiêm trọng, khiến cho tổ hợp sản xuất thiết bị không gian tại Kuybyshev (nay là Samara) trên sông Volga gần như lâm vào tình trạng phá sản. Số lần phóng vệ tinh giảm dần và gần đây trở nên hết sức hiếm hoi. Kết quả là các vệ tinh của Nga dần dần biến mất khỏi bầu trời. 

Theo các quan sát của tình báo Mỹ, các tên lửa hãm phanh để đưa vệ tinh về căn cứ đã khởi động từ lúc 2 giờ GMT ngày 9/1. Theo kế hoạch, vệ tinh đã trở về trái đất vào khoảng gần trưa cùng ngày trên lãnh thổ Nga, trong khi các chỉ số thời tiết như nhiệt độ, vận tốc gió... hoàn toàn bình thường. Điều đó cho thấy rằng có thể KOSMOS - 2410 đã gặp phải trục trặc nào đó, nếu không nó chắc chắn sẽ được tìm thấy không mấy khó khăn.

 

Giống như các vệ tinh do thám khác của Nga, KOSMOS - 2410 được trang bị các lượng nổ đặc biệt có thể tự phát hỏa nếu như vệ tinh bay khỏi không phận của Nga. Do hiện tượng này không được các cơ quan tình báo cả của Nga lẫn các nước khác quan sát thấy nên người ta vẫn hy vọng nó chỉ rơi đâu đó gần căn cứ Orenburg.

 

Cũng có ý kiến cho rằng hệ thống dù bảo vệ bị hư hỏng nên vệ tinh đã phát nổ và bốc cháy ngay trong khi tiếp xúc với khí quyển trái đất. Trong trường hợp này, chắc chắn nó đã bị vỡ vụn ra thành nhiều mảnh và không thể sử dụng hay thu hồi được nữa

Tiến Nhất (Theo Global Security)
.
.
.