Ukraina: Phe ly khai phản công
Cuộc khủng hoảng Ukraina tiếp tục có những diễn biến bất ngờ khi phe ly khai sau nhiều ngày bị vây hãm đã tiến hành phá vòng vây. Hội nghị hòa bình cho Ukraina diễn ra trong bầu không khí đầy nghi kỵ.
Hai thành trì cuối cùng của phe ly khai ở miền Đông Ukraina là Donetsk và Luganks từ nhiều ngày nay đã bị quân đội chính phủ vây hãm, cắt đứt mọi nguồn điện, nước, lương thực… Quân chính phủ đã nhiều lần "thử tấn công" vào các cứ điểm của phe ly khai trong vùng này nhưng mọi cố gắng đều bị đẩy lùi.
Chính quyền Kiev gần đây phải lên tiếng thừa nhận rằng, bạo lực dường như không thể đem lại hòa bình cho khu vực Đông Nam của đất nước. Và họ thay đổi chiến thuật bằng cách cách ly những vùng do phe ly khai kiểm soát khỏi biên giới với Nga vì cho rằng quân chống chính phủ vẫn được tiếp tế từ phía Nga.
Trước sự bế tắc về quân sự của Chính phủ Kiev, lực lượng ly khai Ukraina đã tiến hành phản công dữ dội trong mấy ngày qua. Kết quả là quân đội Ukraina hiện đang bị phe ly khai bao vây ở các thành phố Amvrosievka, Ilovaisk và Elenovka. Tiểu đoàn chinh phạt Dnepr-1 của quân đội Ukraina đang mắc kẹt tại Ilovaisk.
Chỉ huy tiểu đoàn thú nhận: "Chúng tôi bị bao vây tứ phía. Bộ chỉ huy đã dối trá khi nói rằng chúng ta đã chiếm được Ilovaisk. Chúng tôi đang ở trong địa ngục! Không có một sự trợ giúp nào!".
Giao tranh ác liệt giữa quân đội Chính phủ và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraina.
Ngoài ra, theo lực lượng ly khai Ukraina, lọt vào vòng vây của họ còn có Bộ chỉ huy Quân đoàn 8, ba lữ đoàn cơ giới, Lữ đoàn Không vận số 95, các tiểu đoàn chinh phạt Aidar, Donbas, Shaktersk, các tiểu đoàn Cận vệ Quốc gia và nhiều bộ phận khác.
Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) đề xuất những người lính Ukraina bị bao vây nên ngừng kháng cự. Những ai đồng ý hạ vũ khí sẽ được bàn giao cho Ủy ban Các bà mẹ chiến sĩ hay người thân.
Theo DNR, binh lính chính phủ phải giao nộp vũ khí, khí tài cho dân quân tự vệ. Những ai ra hàng được đảm bảo tính mạng. Số còn lại sẽ không có cơ hội sống sót và trách nhiệm thuộc về các tướng lĩnh quân đội Ukraina. Hơn một trăm người lính Ukraina đã nghe theo lời kêu gọi của lực lượng ly khai. Họ chủ yếu thuộc các đơn vị bị bao vây trong Amvrosiev, nơi có khoảng 7.000 quân nhân Ukraina bị vây hãm.
Ngày 27/8, lực lượng ly khai tiếp tục tấn công các vị trí của lực lượng an ninh chính phủ ở phía nam Donbass, tiến gần đến Mariupol. Theo nhiều nguồn tin, không chỉ các tiểu đoàn chinh phạt mà cả đại diện quan chức Ukraina đều vội vã rời khỏi thành phố. Ở Mariupol có trụ sở của Cơ quan hành chính Donetsk do tỷ phú Taruta chỉ đạo - một người nhiệt thành ủng hộ giải pháp quân sự cho vấn đề Donbass.
Theo ghi nhận của truyền thông địa phương, trong ngày 28/8, nằm trên con đường giữa thành trì Donetsk của lực lượng ly khai và biển Azov về phía nam, quang cảnh ở thị trấn Starobesheve cho thấy rõ sự rút lui vội vàng của quân đội Ukraina. Phát ngôn viên an ninh của quân đội Ukraina Andriy Lysenko thừa nhận rằng, Starosbesheve đã rơi vào tay lực lượng ly khai ở Donetsk.
Tổng thống Nga Putin (trái) và người đồng cấp Ukraina Poroshenko tại Belarus ngày 27/8. |
Cùng lúc này, một hội nghị hòa bình cho Ukraina diễn ra tại Belarus với sự tham gia của Nga, Ukraina và EU. Cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Tổng thống Nga V.Putin và người đồng cấp Ukraina Poroshenko kéo dài 2 giờ đồng hồ đã không đem lại kết quả khả quan nào.
Trong cuộc tiếp xúc với ông Poroshenko, Tổng thống Putin không đưa ra bất kỳ điều kiện ngừng bắn hoặc đề xuất nào về thỏa thuận có thể giữa Kiev, Donetsk và Lugansk. Nga không phải là một bên tham gia xung đột. Thảo luận về lệnh ngừng bắn phải là các bên xung đột - Kiev và quân nổi dậy Donetsk và Lugansk. Nga chỉ có thể làm những việc để tạo ra một môi trường tin cậy.
Tổng thống Putin tuyên bố: Nga sẽ nỗ lực hết sức, sẽ góp phần vào việc tạo dựng bầu không khí tin tưởng trong các cuộc đối thoại giữa chính quyền Kiev và các tỉnh miền Đông trong các cuộc đối thoại nhằm tiến tới ngừng bắn. Điều đó cũng có thể được coi như một thông điệp gửi tới lực lượng nổi dậy ở miền Đông, đối thoại phải là giải pháp duy nhất để giải quyết bất đồng.
Về phía chính quyền Kiev và lực lượng nổi dậy ở miền Đông, các nỗ lực đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài luôn bị cản trở bởi sự thiếu lòng tin giữa hai bên. Nếu Moskva làm được như những gì họ tuyên bố, đó là tạo dựng bầu không khí tin tưởng trong các cuộc đối thoại, đây sẽ là cú hích lớn nhằm tiến tới giải pháp toàn diện cho cuộc đối đầu hiện nay.
Trong cuộc gặp, Tổng thống Ukraina đã không đưa ra được trước người đồng cấp bằng chứng nào về việc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia láng giềng, điều mà Kiev lớn tiếng tuyên truyền. Ông Poroshenko đã không nói bất cứ điều gì về việc đó. Đây là một minh họa cho thấy rằng, cuộc chiến thông tin mà Kiev dấy lên chống lại Moskva chỉ được dựa trên sự bóp méo hiện thực.
Dù sao, cuộc nội chiến ở Ukraina cũng phải kết thúc, và ngay từ bây giờ đã phải nghĩ về cuộc sống hậu chiến tranh. Nga ủng hộ việc đối thoại với nhau. Moskva cho rằng, các bên sẽ tìm được một sự thỏa hiệp, và vấn đề đầu tiên sẽ là kinh tế, chứ không phải chính trị.
Tổng thống V. Putin nói: "Chúng tôi ủng hộ việc thiết lập hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Liên minh kinh tế Á-Âu, bắt đầu tìm cách làm cho hai quá trình này hội nhập với nhau. Tôi hy vọng rằng tất cả những người tham gia cuộc họp ngày hôm nay là những người ủng hộ các mục tiêu chiến lược: đó là lập ra một không gian kinh tế chung từ Lisbon đến Vladivostok. Nga sẵn sàng thảo luận bất kỳ mọi phương án tương tác dựa trên lợi ích chung. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Ukraina, nơi mà cuộc khủng hoảng đã không thể giải quyết bằng cách để cho kịch bản vũ lực leo thang hơn nữa, mà không tính đến lợi ích thiết thực của Đông Nam Ukraina và không có một cuộc đối thoại hòa bình với các đại diện của khu vực này".
Tổng thống Ukraina Poroshenko trong cuộc đối thoại đã kêu gọi Nga xây dựng một cơ chế hiệu quả để kiểm soát vùng biên giới giữa Nga và Ukraina. Nếu hai nước làm được điều đó, thì đây sẽ là một yếu tố quan trọng để chấm dứt xung đột. Sau cuộc gặp, Kiev và Moskva đưa ra tín hiệu sẽ "ngay lập tức" tiến hành các cuộc tham vấn giữa các cơ quan biên phòng và Bộ Tổng tham mưu để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước.
Cũng trong những ngày này liên tục xuất hiện thông tin từ phía Ukraina cho rằng, Nga đang điều động quân đội tới miền Đông Ukraina. Ngày 27/8, Cơ quan An ninh Ukraina cho biết, họ đã bắt giữ 9 lính dù Nga trên lãnh thổ Ukraina.
Tại cuộc họp báo do Cơ quan An ninh Ukraina tổ chức ở thủ đô Kiev, các lính dù Nga khẳng định, họ đã đi lạc vào lãnh thổ Ukraina mà không hề hay biết và họ không tham gia vào bất kỳ một cuộc xung đột nào. Các lính dù cũng cho biết, tất cả đang trong một cuộc tập luyện theo thông lệ và họ không vận chuyển vũ khí.
Moskva nói rằng số lính dù trên lạc sang lãnh thổ Ukraina là do sơ suất. Nga luôn khẳng định không hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraina về khí tài cũng như đạn dược và cũng không đưa quân vào lãnh thổ Ukraina.
Ngày 28/8, Tổng thống Ukraina Poroshenko đã hủy bỏ chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ và khẩn trương triệu tập cuộc họp Hội đồng an ninh và quốc phòng liên quan đến tình hình căng thẳng đột ngột ở khu vực Donetsk. Ông Poroshenko tuyên bố rằng "việc đưa quân đội Nga vào Ukraina đã được thực hiện".
Trong khi đó, Hãng tin Itar Tass của Nga ra thông báo, lấy cớ đối phó với động thái Nga đưa quân vào Ukraina, chính quyền Kiev đang tập hợp lực lượng để chuẩn bị các cuộc tấn công trả đũa vào lực lượng đối lập ở miền Đông, đồng thời kêu gọi sự "hỗ trợ thực sự cũng như các quyết định quan trọng" từ khối NATO.
Còn Alexander Zaharchenko, Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng thì cho rằng, Kiev và phương Tây liên tục cáo buộc Nga can thiệp vào Ukraina để biện minh cho sự thất bại mà quân đội Ukraina đang vấp phải nhiều ngày qua trong trận chiến với lực lượng ly khai