Thế giới năm 2020 đầy biến động

Thứ Tư, 30/12/2020, 15:37
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chắc chắn là sự kiện lớn nhất của năm 2020. Nhưng, các sự kiện khác, ít nhiều bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng có những tác động không hề nhỏ. Trong ấn bản tháng 12, Time gọi năm 2020 là “năm tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Đại dịch COVID-19 định hình thế kỷ 21

Đến nay, số nạn nhân của COVID-19 đã vượt quá 1,7 triệu người và tổng số người nhiễm bệnh là khoảng 80 triệu người. Tin tốt là sự xuất hiện của vaccine chống COVID-19 ở một số quốc gia. Nhiều quốc gia đã tiến hành tiêm chủng vaccine COVID-19 trên diện rộng.

Các chuyên gia dự báo, đến giữa năm 2021, khả năng đại dịch này sẽ được khống chế hoàn toàn. Nhưng, hậu quả mà nó để lại cho nhân loại là vô cùng lớn. Nó chứng tỏ sự lệ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc giữa những con người, doanh nghiệp và các quốc gia. Nó bộc lộ thực tế về những nguy cơ toàn cầu từ y tế, tài chính, công nghệ, đến khí hậu, chiến lược.

Đứng trên góc độ địa chính trị, đại dịch COVID-19 với tầm vóc toàn cầu, sự dữ dội và phức tạp của nó đang trở thành khuôn mẫu cho thế kỷ 21. COVID đẩy nhanh và bộc lộ một thế trận mới, sau mô hình thế giới lưỡng cực kết thúc năm 1989 và hậu Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc là kẻ thắng lớn: chế ngự được virus, là cường quốc duy nhất tăng trưởng được 1,8% trong năm 2020. Mỹ bị thiệt hại nhiều nhất do đại dịch, tuy đã dành 17% GDP cho y tế và dù tránh được suy thoái nhưng sẽ không bao giờ tìm lại được mức tăng trưởng của năm 2019. Châu Âu còn tệ hại hơn: suy thoái 7,5%, thất nghiệp 8,5%, nợ công tăng vọt từ 85 đến 105% GDP. Các quốc gia mới nổi cũng vất vả chống chọi với cú sốc đại dịch và suy thoái. Nga cũng bị đình trệ kinh tế: suy thoái hơn 6% và dân số giảm...

Năm thảm họa của tình báo Iran

2020 được coi là năm thất bại của tình báo Iran khi nước này để xảy ra 2 vụ ám sát nhằm vào các vị tướng cấp cao của quân đội. Vào ngày 3-1, Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lực lượng Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bị ám sát tại Baghdad trong một cuộc không kích được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Moh­sen Fakhrizadeh - Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị ám sát ngay tại Tehran.

Cuối tháng 11, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Moh­sen Fakhrizadeh bị ám sát ngay tại Tehran. Iran cho biết ông Fakhrizadeh bị tình báo Israel và một nhóm đối lập lưu vong sát hại trong một chiến dịch rất phức tạp, sử dụng thiết bị điện tử và không ai xuất hiện ở hiện trường”. Hiện tại, chính quyền Iran chọn cách chờ đợi cho tới khi nhiệm kỳ Tổng thống mới của Mỹ bắt đầu để có những động thái cụ thể.

Trong suốt năm qua, Iran hứng chịu nhiều đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ. Tehran cũng đã gia tăng các hoạt động hạt nhân hòng gây sức ép với cộng đồng quốc tế để giúp nước này hạn chế thiệt hại kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ gây cho.

Xung đột Trung Quốc - Ấn Độ

Vào tháng 5, một cuộc tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa Bắc Kinh và New Delhi đã xảy ra gay gắt. Nhiều lính Ấn Độ thiệt mạng và những tổn thất về phía Trung Quốc không được công bố. Mặc dù New Delhi và Bắc Kinh tuyên bố phải tìm cách giảm leo thang nhưng tình hình căng thẳng vẫn ở mức cao. Sau vụ đối đầu này, nhiều cuộc thương lượng quân sự giữa hai bên đã được tổ chức nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào.

Binh sĩ Trung Quốc đứng cạnh nhóm lính Ấn Độ nằm dưới đất sau vụ ẩu đả gần hồ Pangong Tso hồi tháng 5-2020.

Theo các chuyên gia, vào lúc phải đau đầu với dịch COVID-19, không bên nào thực sự muốn có chiến tranh nhưng chừng nào cuộc cạnh tranh trong khu vực còn tiếp diễn và các vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết, các vụ đối đầu, chạm trán hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra. Từ trước đến nay, Ấn Độ không muốn bị lôi kéo vào một liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu và chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi giữa năm là chỉ dấu cho thấy Ấn Độ đã chọn phe khi New Delhi và Washington ký thỏa thuận an ninh quan trọng sau đó.

Cuộc chiến Nagorno - Karabakh và vai trò của Nga

Năm 2020, cuộc đối đầu vũ trang nổ ra ở Nagorno-Karabakh giữa Armenia-Azerbaijan là trận chiến dài nhất và đẫm máu nhất mà khu vực Kavkaz từng biết kể từ khi kết thúc chiến tranh Nagorno-Karabakh. Hàng ngàn người, gồm cả binh sĩ và thường dân thiệt mạng, bị thương trong vụ đụng độ mới nhất này.

Cuộc chiến Nagorno - Karabakh gây nhiều tổn thất cho cả hai bên.

Đợt bùng phát bạo lực mới này có cả nguyên nhân là các vấn đề nội bộ của các nước xung đột, lẫn các nguyên nhân bên ngoài, mà cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ. Trước tình thế này, Nga đã phải đứng ra dàn xếp mọi việc. Tháng 11, các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Armenia và Nga đã ký thỏa thuận ngừng bắn trong khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.

Theo thỏa thuận, gần 2.000 lính Nga được triển khai để kiểm soát việc thực thi ngừng bắn cũng như kiểm soát việc triệt thoái các lực lượng Armenia khỏi vùng Nagorno-Karabakh ly khai, thuộc lãnh thổ Azerbaijan, nơi tuyệt đại đa số cư dân là người Armenia. Các đơn vị Nga dự kiến sẽ ở lại khu vực này 5 năm và công tác này có thể được triển hạn thêm 5 năm tiếp.

Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng đỉnh điểm

Trong năm qua, quan hệ Mỹ - Trung xấu đi đáng kể, khiến chính quyền Mỹ quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Trung Quốc đã đáp trả bằng việc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Đây chỉ là bước kế tiếp trong số những hiềm khích giữa hai siêu cường của thế giới này. Những nghi kị chồng chất xuất phát từ sự cạnh tranh cả về quân sự, đến ngoại giao và kinh tế, thương mại, công nghệ. Tình hình đã đột ngột xấu đi thêm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo The Wall Street Journal, việc dồn hỏa lực vào Trung Quốc là điều tất yếu, bởi “ảnh hưởng của Trung Quốc quá lớn, Bắc Kinh có quá nhiều mối liên hệ mật thiết với thế giới (...) và đã không ngừng giẫm chân lên Mỹ trong tất cả mọi lĩnh vực”. Khó có thể tin rằng giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung sẽ qua kể cả khi ông Biden vào Nhà Trắng.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy sôi động

Sau khi các kênh truyền thông thân đảng Dân chủ tuyên bố ứng cử viên Joe Biden chính thức đắc cử Tổng thống Mỹ. Tổng thống sắp mãn nhiệm của đảng Cộng hòa Donald Trump và những người ủng hộ ông vẫn không công nhận chiến thắng của Biden và tố cáo có gian lận. Mặc dù Nhà Trắng vẫn để nhóm của Biden tiến hành các thủ tục chuyển giao quyền lực nhưng phe của ông Trump vẫn tiếp tục cuộc chiến pháp lý nhằm đảo ngược thế cờ.

Mọi nỗ lực kiện tụng của nhóm ông Trump đã chấm hết với kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn nghiêng về phía ông Biden. Nhiều nghị sĩ Cộng hòa đã chấp nhận việc đảng của họ sẽ mất Nhà Trắng. Trước đó, khi được hỏi liệu ông có chấp nhận rời Nhà Trắng nếu thua trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri hay không, ông Trump trả lời: "Chắc chắn tôi sẽ và bạn biết điều đó".

Belarus, một năm hỗn loạn

Belarus rơi vào hỗn loạn sau khi có kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8. Theo đó, ông Alexander Lukashenko đã tái cử sau hơn 1/4 thế kỷ nắm quyền tại Belarus. Phe đối lập nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài đã biến Lukashenko, ứng cử viên được 80% phiếu bầu, thành người thất bại thông qua phong trào biểu tình đường phố. Những diễn biến này đã tái hiện những gì đã xảy ra tại Ukraine vào năm 2004 với tên gọi “Cách mạng Cam”.

Điều mấu chốt cho các phong trào này lan rộng và “thành công” là sự hỗ trợ từ chính quyền các nước châu Âu và Mỹ cũng như không thể thiếu vai trò của giới truyền thông phương Tây. Người biểu tình Ukraine khi ấy và cũng như Belarus bây giờ đều giơ cao khẩu hiệu “thoát Nga, theo phương Tây”.

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus đã vượt qua thời kỳ cao trào nhất, hay nói chính xác hơn là Tổng thống Loukachenko đã “gần như thoát nạn”. Mặc dù có ý muốn xa rời Nga, đôi lúc có những phát biểu mang tính bài xích Moscow nhưng trong lúc hoạn nạn nhất, chính Tổng thống Putin lại là người đứng ra che chắn cho ông Loukachenko trước những công kích từ phương Tây.

Khuấy động các vùng biển tranh chấp

Trong năm 2020, Trung Quốc tiến hành 6 cuộc diễn tập tại các vùng biển có tranh chấp với cái cớ là để “trấn áp và ngăn chặn các hoạt động quân sự khiêu khích của Mỹ trong khu vực”. Mỹ và các nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa” khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Mỹ thường xuyên gửi tàu chiến đi ngang qua tuyến đường thủy chiến lược này. Việc cả Trung Quốc và Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng biển này đều không được các nước trong khu vực hoan nghênh.

Tàu hộ vệ Trung Quốc diễn tập chống ngầm ở Biển Đông hồi tháng 3-2020.

Trước sự cạnh tranh và đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, khối ASEAN từ chối chọn phe. Thực tế chính trị và lịch sử của đa số các quốc gia trong vùng Đông Nam Á là duy trì chính sách cân bằng giữa các cường quốc, cũng như luôn bận tâm về nguy cơ một nước thứ ba gây ra một cuộc chiến trong khu vực.

Trong năm qua, những nước có chung Biển Đông và những vùng biển có tranh chấp khác đang trở thành con tin trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, đầu tiên là căng thẳng thương mại, tiếp theo là quan hệ thương mại trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và hiện giờ là chính sách ngày càng hiếu chiến hơn giữa các bên liên quan đến Biển Đông.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.
.