tác phẩm có ý nghĩa thời sự sâu sắc:

"Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân"

Thứ Tư, 04/02/2009, 09:30
40 năm trước, đúng Ngày kỷ niệm thành lập Đảng lần thứ 39 (3/2/1969), Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng công bố bài viết "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh T.L. Sau tác phẩm đó, cho đến lúc từ biệt thế gian này sau đó 7 tháng, Hồ Chủ tịch còn viết một số thư, một số bài nhưng tôi nghĩ rằng đây là tác phẩm về đạo đức cách mạng quan trọng nhất cuối đời của Người.
Một tác giả đã đánh giá có phần hợp lý rằng, có thể coi tác phẩm này như một di chúc về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng với cán bộ, đảng viên. Trong Di chúc lịch sử, Người dặn: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư". Nhưng trong tác phẩm nói trên, Người nói kỹ, nói sâu sắc về đạo đức cách mạng.

Trong không khí tiếp tục cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhắc lại và cùng nhau phân tích tác phẩm quan trọng này của Người có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất lớn, để ôn lại lời dạy của Người góp phần thúc đẩy cuộc vận động trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta làm cho Đảng ta thêm vững mạnh, xã hội thêm lành mạnh, tiếp tục công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Xã hội nào cũng có cách phân định thiện - ác, tốt - xấu, vinh - nhục... Những phạm trù đó có những tiêu chí giống nhau nhưng có những khác nhau của mỗi hình thái kinh tế - xã hội, của mỗi dân tộc trong từng giai đoạn phát triển, hình thành hệ giá trị cốt lõi của văn hóa mỗi dân tộc, chủ yếu để định hướng phát triển của xã hội và là tiêu chí để bình xét, đánh giá các hiện tượng và con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm HTX Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên trong mùa thu hoạch lúa (năm 1954).

Cùng với hệ giá trị của mỗi dân tộc, lại có chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa ràng buộc với những ai ở trong cộng đồng đó. Đạo đức cách mạng là chuẩn mực đạo đức của những người cách mạng, có những tiêu chí chung và nhất quán như sự hy sinh vì lý tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân... đồng thời lại có những yêu cầu riêng của từng thời kỳ cách mạng.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngay trong tác phẩm "Đường Cách mệnh" tập hợp những bài giảng cho lớp thanh niên tiến bộ chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã đề cập các nội dung về đạo đức của người chiến sĩ cách mạng.

Khi cách mạng thành công, Đảng lãnh đạo chính quyền, đảng viên có nhiều cơ hội có địa vị, quyền hành, Hồ Chủ tịch lại đặc biệt quan tâm việc giáo dục cán bộ, đảng viên mà có tác giả nước ngoài đã đánh giá là vị lãnh tụ quan tâm nhất tới việc giáo dục đạo đức của cán bộ cầm quyền. Ngay từ rất sớm, những nhà nghiên cứu thường nhắc tới hai bức thư Người gửi cho các đồng chí Bắc Bộ, Trung Bộ khi mới trải qua hơn một năm Cách mạng Tháng Tám thành công và tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" mà chúng ta vừa kỷ niệm 50 năm ngày công bố.

Ngay từ lúc đó Người đã nhìn ra bệnh "quan cách mạng" có thể phát triển, nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tránh các bệnh địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, hẹp hòi, quân phiệt quan liêu, ham chuộng hình thức, làm việc bàn giấy xa rời nhân dân, bệnh kiêu ngạo tự mãn vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa, "óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia", chỉ "lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư", "giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con bằng hữu đặt vào chức này, việc kia", rồi "không phê bình giúp nhau sửa đổi, mà lại che đậy cho nhau", làm hỏng việc của đất nước, làm mất niềm tin của nhân dân.

Theo Người, cán bộ, đảng viên phải là người vừa có đức vừa có tài nhưng đức là gốc vì "Trước mặt quần chúng, không phải ta viết lên trán hai chữ "cộng sản" mà ta được họ mến. Quần chúng chỉ yêu quý những người có tư cách, đạo đức"; "Muốn hướng dẫn quần chúng phải làm mực thước cho người ta bắt chước, hô hào nhân dân tiết kiệm thì mình phải tiết kiệm trước đã"...

Rèn luyện đạo đức cách mạng là để làm cách mạng, làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao, để xứng đáng là công bộc của dân.

Trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng", sau khi nêu rõ "thói quen và lạc hậu cũng là do kẻ địch to, nó ngấm ngầm cản trở cách mạng tiến bộ" cho nên phải đổi mới, Hồ Chủ tịch đề cập kẻ địch thứ hai là chủ nghĩa cá nhân. Tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" tập trung đề cập "kẻ thù thứ hai" mà Người cho là mẹ đẻ ra các thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên khi Đảng cầm quyền.

Người cho rằng, người mắc chủ nghĩa cá nhân thì "việc gì cũng nghĩ tới lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình". Tuy nhiên, khi chỉ ra phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân thì Hồ Chủ tịch lại nói: "Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân", "mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với tập thể thì không phải là xấu".

Khi nói về tác hại của chủ nghĩa cá nhân, Người nhấn mạnh: "Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, tham địa vị, quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập tiến bộ... Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân".

Đọc lại những dòng viết này vào những ngày này khi liên hệ với thực tiễn, tôi có cảm giác như thấy Người đang nhìn chúng ta vừa âu yếm với tình thương bao la vừa nghiêm khắc với cháu con khi chưa làm được những điều Người dặn lại, vì Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3, khóa X (tháng 7/2006 đã đánh giá: "Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức", và chỉ rõ "Cuộc đấu tranh còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu nhiều mặt, làm giảm lòng tin của nhân dân, là một nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ".

* * *

Trong cuộc đấu tranh về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bao giờ cũng phải giải quyết mối quan hệ xây và chống, phòng ngừa và đấu tranh; về cơ bản và lâu dài thì bao giờ cũng lấy xây và phòng ngừa là chính, khuyến khích và phát huy những cái tốt đẹp để át đi cái xấu. Đó là tư tưởng xuyên suốt của Nguyễn Ái Quốc khi từ năm 1924, Người đã cho rằng một tấm gương sáng có thể có hiệu quả hơn nhiều bài diễn thuyết. Và vào cuối đời, Người trực tiếp chỉ đạo viết sách "Người tốt việc tốt" để nêu gương sáng cho mọi người cùng làm theo. Do đó, sau khi nêu lên những tác hại của chủ nghĩa cá nhân, trong tác phẩm quan trọng này Người đã nêu lên 5 giải pháp để khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Đó là:

- Phải thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh;

- Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên;

- Phải nghiêm túc thực hiện chế độ sinh hoạt;

- Phải nghiêm minh thực hiện kỷ luật  của Đảng;

- Tiến hành chặt chẽ công tác kiểm tra của Đảng.

Có lẽ, trong lúc này, đã qua 40 năm, đã có nhiều Nghị quyết, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước, riêng tôi nghĩ không thấy có biện pháp nào mới hơn, chỉ có điều các biện pháp đó đều làm chưa tốt, có biện pháp làm rất ít hiệu quả, do đó các tiêu cực do chủ nghĩa cá nhân sinh ra vẫn cứ phát triển ngày một nghiêm trọng. Từ "một số ít" đến "một số", "một số không nhỏ" mắc tiêu cực, từ chỗ chỉ là cán bộ sơ cấp, trung cấp, cán bộ thừa hành tới chỗ "không ít cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ cao cấp còn thiếu gương mẫu trong giữ gìn phẩm chất, đạo đức" như Nghị quyết Trung ương 3 đã khẳng định.

Nghe các đồng chí giúp việc Bác kể lại, đầu đề của bản thảo tác phẩm lúc đầu là "Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng" nhưng khi đưa cho một số đồng chí góp ý kiến thì Bác sửa lại như đã công bố; tuy sửa lại theo ý kiến đóng góp nhưng Bác vẫn nói rằng: lúc này phải nhổ cho sạch cỏ thì cây cối mới mọc lên được.

Nghe kể lại như thế tôi lại chợt nhớ tới buổi bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 (khóa X), trong bài phát biểu, đồng chí Tổng Bí thư đã phân tích: "Nhìn xuyên suốt cả nhiệm vụ đấu tranh thì phòng ngừa là chính. Nhưng trước tình hình bức xúc hiện nay, phải hết sức coi trọng việc kiên quyết đấu tranh, phát hiện, xử lý kịp thời, cũng là để răn đe, là một biện pháp phòng ngừa".

Cuộc đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân vị kỷ là một nhiệm vụ lâu dài nhưng trong tình hình hiện nay lại có ý nghĩa cấp bách, do đó tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" có ý nghĩa thực tiễn mang tính thời sự nóng hổi

Ngày 1/1/2009
H.T.
.
.
.