Iraq, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tấn công quân sự người Kurd ở Iraq

Thứ Ba, 03/10/2017, 11:03
Ngày 25-9, hàng triệu người dân đang sinh sống tại khu vực tự trị người Kurd (KRG) ở Iraq đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về nền độc lập của vùng đất này. Cuộc bỏ phiếu đang châm ngòi cho chia rẽ và bạo lực, thậm chí có thể là một cuộc chiến tranh mới. Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq đã ngay lập tức điều quân tới gần khu vực có người Kurd sinh sống; tăng các cuộc tập trận, cấm vận... với mục đích chặn tham vọng của người Kurd ở Iraq.

Cuộc trưng cầu mất nhiều hơn là được

Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Iraq và các nước láng giềng, ngày 25-9, cộng đồng người Kurd ở miền Bắc Iraq đã tham gia cuộc trưng cầu ý dân về độc lập gây nhiều tranh cãi. Cuộc bỏ phiếu được tổ chức trên khắp 3 tỉnh miền Bắc của khu tự trị của người Kurd ở Iraq là Arbil, Sulaimaniyah và Dohuk, cũng như các khu vực giáp giới có tranh chấp, như tỉnh Kirkuk giàu dầu lửa. Tỷ lệ tham gia bỏ phiếu đạt 72%. Hiện chưa có thông báo về kết quả cuộc trưng cầu, song dư luận dự đoán sẽ có đa số phiếu ủng hộ độc lập cho khu vực này.

Quân đội Iraq đang được tăng cường ở Kirkuk. Ảnh: Alalam News Network.

Cuộc trưng cầu đang gây ra bất ổn, hỗn loạn chính trị trong khu vực. Ngày 27/9, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã yêu cầu hủy kết quả cuộc bỏ phiếu. Phát biểu trước các nghị sĩ, ông al-Abadi nói: "Cần phải hủy kết quả cuộc trưng cầu ý dân và khởi động đối thoại theo khuôn khổ của hiến pháp".

Ông cho biết thêm rằng Chính phủ Iraq sẽ không bao giờ tiến hành đàm phán về kết quả cuộc trưng cầu này, đồng thời khẳng định "sẽ áp dụng luật pháp Iraq trên toàn bộ vùng tự trị của người Kurd theo hiến pháp".

Giới chuyên gia nhận định, người Kurd ở Iraq đang mất nhiều hơn là được khi họ cố tình phớt lờ các cảnh báo của cộng đồng quốc tế. Báo cáo đánh giá của Nhóm Nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Brussels (Bỉ), nhận định cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sẽ không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao, vì cuộc trưng cầu này đơn thuần chỉ là động thái mang tính tham vấn và không ràng buộc về mặt pháp lý. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cảnh báo cuộc trưng cầu về độc lập của cộng đồng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại khu vực. 

Quân đội Iraq đang được tăng cường để phong tỏa Kirkuk. Ảnh: Al-Masdar News.

“Chiến tranh sắc tộc” và giải pháp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ

Bày tỏ quan điểm cứng rắn nhất là các nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố can thiệp quân sự vào Iraq nhằm đáp trả cuộc bỏ phiếu này, đồng thời nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận người Kurd lập quốc gia riêng.

Đây được xem là những tuyên bố cứng rắn nhất của Tổng thống Erdogan liên quan tới cuộc trưng cầu của cộng đồng người Kurd tại Iraq diễn ra hôm 25-9. Ankara luôn coi cuộc trưng cầu là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và lo ngại hành động này sẽ thổi bùng chủ nghĩa ly khai trong cộng đồng người Kurd tại nước này.

Ngoài ra, Tổng thống Erdogan cũng đe dọa sẽ cắt đứt tuyến đường vận chuyển dầu từ khu vực miền Bắc Iraq đi qua nước này nhằm gia tăng áp lực lên chính quyền khu tự trị người Kurd. Ngày 26-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cảnh báo cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của cộng đồng người Kurd ở Iraq có nguy cơ làm nổ ra một cuộc "chiến tranh sắc tộc", đồng thời tuyên bố tất cả các phương án, từ các biện pháp trừng phạt kinh tế tới các biện pháp quân sự trên không và trên bộ, đều được cân nhắc nhằm đáp trả cuộc trưng cầu này.

Binh lính thuộc lực lượng Peshmerga của người Kurd mừng lễ hội vào đầu năm 2017.  Ảnh Reuters.

Trong bài phát biểu tại Phủ Tổng thống, Tổng thống Erdogan cảnh báo nếu chính quyền khu tự trị người Kurd tại Iraq không sửa lại "sai lầm" này nhanh nhất có thể, cộng đồng này sẽ mang theo nỗi xấu hổ vì đã kéo cả khu vực vào cuộc chiến tranh sắc tộc và bè phái.

Ông Erdogan cũng cáo buộc ông Masoud Barzani, người đứng đầu chính quyền khu tự trị người Kurd tại Iraq, “hành động bội bạc” khi theo đuổi cuộc trưng cầu đòi độc lập, đồng thời cảnh báo cộng đồng người Kurd tại đây sẽ bị bỏ đói khi Thổ Nhĩ Kỳ chặn các xe tải của Iraq đi qua khu vực biên giới. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hi vọng chính quyền khu tự trị người Kurd tại Iraq sẽ quay lại con đường hành động một cách thích hợp.

Quan điểm cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ còn được thể hiện trong một tuyên bố tấn công khác từ Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Phát biểu trên kênh truyền hình địa phương AHaber, ông Cavusoglu cho hay: "Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ can thiệp ngay lập tức nếu người anh em Turkmenistan của chúng ta bị tấn công".

Trước đó, Bộ Ngoại giao cũng phát đi tuyên bố cảnh báo Ankara sẽ "tiến hành mọi biện pháp" theo luật pháp quốc tế nếu cuộc trưng cầu có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định nước này và Iraq đã tiến hành tập trận chung tại khu vực giáp với khu bán tự trị của người Kurd ở Iraq.

Iraq - Iran muốn phối hợp hành động quân sự

Sự cứng rắn không chỉ tới từ “hàng xóm” Thổ Nhĩ Kỳ, mà một “láng giềng” khác cũng đã lên tiếng. Iran là một trong những nước phản đối quyết liệt cuộc trưng cầu và lo ngại kết quả của cuộc trưng cầu có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình trong nước.

Ngay sau cuộc trưng cầu của người Kurd ở Iraq, Bộ Ngoại giao Iran đã đóng cửa biên giới với khu vực dân cư này. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi nêu rõ: "Theo yêu cầu của Chính phủ Iraq, chúng tôi đã đóng cửa biên giới trên không và trên bộ giữa Iran và khu vực của người Kurd".

Ông cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd là "bất hợp pháp và không được công nhận", đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Iran đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq. Iran cũng đã chặn tất cả các chuyến bay đến và đi khỏi khu vực tự trị của người Kurd theo yêu cầu của chính quyền trung ương Iraq cũng như tiến hành tập trận tại vùng biên giới giáp khu tự trị nói trên.

Người Kurd tham gia bỏ phiếu hôm 25-9. Ảnh: Reuters.

Một tướng lĩnh của Iran cho biết, Tehran phản đối người Kurd độc lập bởi nước này lo sợ rằng hành động đó sẽ khuyến khích cộng đồng thiểu số người Kurd ở Iran cũng đòi quyền tự trị lớn hơn. Mặc dù Iran có thể không công khai sử dụng quân đội để ngăn chặn KRG giành độc lập song nước này có nhiều công cụ sát thương khác có thể được sử dụng để gây áp lực.

Quân đội Iran đã tiến hành tập trận theo những tình huống giả định về một cuộc tấn công vào người Kurd tại một khu vực gần biên giới với khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq. Truyền thông Iran cho biết cuộc tập trận nằm trong chuỗi các sự kiện thường niên theo kịch bản cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1980-1988 giữa Iran và Iraq. Cuộc tập trận có sự tham gia của các lực lượng pháo binh, thiết giáp, không quân, các đơn vị lính dù, đặc nhiệm.

Quốc hội Iraq cho phép điều động quân đội

Thủ tướng Iraq cũng đã ra tối hậu thư cho người Kurd. Hôm 27-9, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abadi ra tối hậu thư cho lãnh đạo của người Kurd ở Iraq ông Masoud Barzani, phải bàn giao việc kiểm soát các sân bay quốc tế trong khu vực vào ngày Thứ sáu (29-9) hoặc phải đối mặt với một lệnh cấm các chuyến bay đến khu vực người Kurd.

Trong khi đó, Quốc hội Iraq đã yêu cầu Thủ tướng Haider al-Abadi triển khai binh lính tới khu vực Kirkuk do người Kurd nắm giữ và kiểm soát các giếng dầu ở đây. Nghị viện nhấn mạnh rằng, Chính phủ Iraq nên đưa tất cả các mỏ dầu ở Kirkuk và các khu vực tranh chấp đặt dưới sự kiểm soát của quân đội. Kiên quyết không để các bên can thiệp vào tình hình tại khu vực này.

Nghị quyết của Quốc hội Iraq cũng kêu gọi Thủ tướng Abadi "ra lệnh cho các lực lượng an ninh triển khai ở các khu vực tranh chấp, bao gồm cả Kirkuk", nơi các tay súng thuộc lực lượng vũ trang Peshmerga của người Kurd đã chiếm quyền kiểm soát Kirkuk từ năm 2014 khi quân đội Iraq rút lui khi giao chiến với nhóm khủng bố IS.

Để tăng cường sức mạnh quân sự nhằm trấn áp lực lượng quân sự người Kurd, ngày 27-9, một phái đoàn quân đội Iraq đã đến Iran để phối hợp và tăng cường hoạt động quân sự. Ngay sau đó, những cuộc tập trận bắn đạn thật với tình huống giả định lấy lực lượng quân sự người Kurd làm đối tượng tấn công được cả hai nước tiến hành chung.

Nhà lãnh đạo người Kurd Massud Barzani tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ở Erbil. Ảnh: Reuters.

“Cuộc bỏ phiếu đòi ly khai của chính quyền tự trị người Kurd là vi hiến và gây chia rẽ sắc tộc, khiến người dân Iraq đối mặt với những hiểm họa khôn lường trong bối cảnh cuộc chiến chống IS vẫn chưa thực sự ngã ngũ”, Thủ tướng Iraq Abadi nói và nhấn mạnh, sự kiện này có thể đẩy tình hình tại khu vực Kurdistan trở nên bất ổn, thậm chí là một cuộc nổi loạn.

Ai đổ dầu vào lửa?

Ngược dòng lịch sử, sau khi Thế chiến I kết thúc, khi thực hiện định hình lại bản đồ chính trị thế giới, với tư cách là phe chiến thắng, Anh, Pháp, Nga đã quyết làm tan rã Đế chế Ottoman và tạo ra một bàn cờ chính trị mới tại Trung Đông. Ngày 19-5-1916, đại diện Anh là Mark Sykes và đại diện Pháp là Francois Georges Picot đã bí mật ký kết một thỏa thuận - Thỏa thuận Sykes-Picot - chia vùng lãnh thổ Ảrập do Đế chế Ottoman cai trị thành các vùng ảnh hưởng của Anh và Pháp.

Thỏa thuận Sykes-Picot đã tạo ra các ranh giới của khu vực Trung Đông thời hiện đại và hòa trong dòng chảy đó của lịch sử, vị thế của người Kurd - một tộc người sinh sống tại vùng đất do Đế chế Ottoman cai trị - cũng được xác lập.

Chỉ có điều, thay vì người Kurd được sống trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ - thực thể kế thừa Đế chế Ottoman - Thỏa thuận Sykes-Picot lại chia ly tộc người này khi quyết định người Kurd phải sống tại ngã tư biên giới giữa Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, khi bị chia ly thì địa vị chính trị của người Kurd lại không được xác lập. Từ đó phong trào đấu tranh của người Kurd nhằm nâng cao địa cho mình đã diễn ra, song đã không mang lại kết quả.

Vì vậy, đến trước ngày 5-4-1991, khi Nghị quyết 688 của HĐBA LHQ được thông qua, không ai có thể nghĩ rằng người Kurd tại Trung Đông lại nhanh chóng có được địa vị chính trị như hiện nay.

Dựa vào Nghị quyết 688, Mỹ đã lập vùng cấm bay tại bắc Iraq, bảo vệ người Kurd trước chính quyền thời kỳ Saddam Hussein. Đây là một nước đi quyết định của Mỹ giúp xác lập địa vị chính trị cho người Kurd không chỉ ở Iraq, mà còn ở cả vùng Trung Đông. Có thể thấy tiến đánh Kuwait là một sai lầm chết người của Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Bởi khi LHQ thành lập liên quân 34 nước nhằm giải phóng Kuwait thì Mỹ được giao đứng đầu liên quân và Tổng thống Mỹ là Tổng tư lệnh chiến dịch. Washington đã tận dụng lá cờ LHQ trong việc giải phóng Kuwait để làm "một công đôi chuyện", “đuổi” quân Iraq khỏi Kuwait, đồng thời tìm cách nâng cao vị thế cho người Kurd nhằm sử dụng quân cờ này cho chiến lược mới của Mỹ tại Trung Đông.

Khi IS nổi lên và tiến như vũ bão về Baghdad, thời cơ cho nước đi mới của Mỹ trong việc nâng cao địa vị cho người Kurd được nhận diện và Washington đã kêu gọi người Kurd tham gia chống IS đổi lấy việc cơ cấu lại quyền lực khi chiến thắng IS. Do vậy, sau khi IS tại Iraq bị đánh đuổi, cũng là lúc người Kurd đã tiến hành cuộc trưng cầu dân ý dưới sự “làm ngơ” của Mỹ, CNN phân tích.

Nguyễn Hòa
.
.
.