Hòa bình Trung Đông: Thất bại

Thứ Sáu, 09/05/2014, 15:55

Ngày hạn chót 29/4 để nối lại đàm phán về một hiệp định hoà bình, với giải pháp "hai nhà nước", giữa Israel và Palestine đang đến, nhưng tình hình chung được giới quan sát đánh giá là "hoàn toàn thất bại", với việc Israel đơn phương rút khỏi tiến trình đàm phán. Khả năng cứu vãn hoàn toàn không có.

Hòa bình "chết"

Tuyên bố rút khỏi đàm phán của Chính phủ Israel được đưa ra sau một cuộc họp nội các khẩn cấp kéo dài 6 giờ. Giới quan sát đánh giá động thái hết sức tiêu cực này của Israel đã đóng chiếc đinh cuối cùng vùi chôn tiến trình hòa bình trong khu vực Trung Đông, dập tắt mọi nỗ lực từ hơn 3 năm qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc tìm kiếm một giải pháp tối ưu cho tiến trình hòa bình tại khu vực này, đặc biệt là những hoạt động ngoại giao con thoi không mệt mỏi của Ngoại trưởng John Kerry từ khi ông lên nhậm chức đến nay. Đây sẽ được xem là một trong những thất bại lớn nhất trong các chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama.

Động thái tiêu cực của Israel được lý giải là để phản ứng lại với việc các phái Palestine tìm lại được sự đoàn kết dân tộc sau 7 năm chia rẽ. Thông tin báo chí cho biết, từ hôm chủ nhật 20/4, lãnh đạo hai phái Palestine là Fatah ở khu Bờ Tây sông Jordan và Hamas ở Dải Gaza đã gặp nhau tại Cairo, Ai Cập, để thảo luận các điều khoản thỏa thuận và Hamas đã đồng ý về nguyên tắc các điều khoản trong thỏa thuận.

Kế đến, thứ tư 23/4, các phái Palestine đã ký kết bản thỏa thuận hòa giải dân tộc, đồng ý trên nguyên tắc về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc bao gồm các nhà kỹ trị (không phải chính khách) thuộc tất cả các phái người Palestine như Fatah, Hamas và Islamic Jihad.

Các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Dân tộc Palestine (Tổng thống) sẽ được tiến hành vào năm tới. Một cơ cấu lãnh đạo lâm thời của Tổ chức Giải phóng Palestine cũng sẽ được bố trí lại và sẽ bao gồm nhân sự của tất cả các phái Fatah, Hamas và Islamic Jihad. Hiện các phái Palestine đang tiến hành các bước đàm phán trong 2 tuần để thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, sau đó mới ấn định ngày bầu cử và công việc cải tổ cơ cấu PLO.

Ngoài các vấn đề trên, hai phái Palestine vẫn còn nhiều vấn đề khác chưa thể nhất trí với nhau, như vấn đề Hamas phải giải tán lực lượng vũ trang hoặc đặt dưới sự giám sát và chỉ huy của lực lượng an ninh của Chính quyền Palestine.

Theo giới phân tích, việc hai phái Palestine Fatah và Hamas nối lại đàm phán rồi đi đến ký kết thoả thuận hoà giải dân tộc là "giải pháp thay thế" của Tổng thống Palestine Abbas. Trước khi ông Abbas đi đến giải pháp này, tình hình ở khu vực Bờ Tây sông Jordan rất căng thẳng do việc Israel đơn phương tiến hành xây dựng nhà ở trên phần đất chiếm đóng của người Palestine, bất chấp lời kêu gọi từ "nhà trung gian" Mỹ và yêu cầu của Tổng thống Palestine Abbas.

Sự bảo thủ, cố chấp của Israel trong vấn đề trao trả tù nhân và dừng xây nhà trên phần đất chiếm đóng đã khiến cho tiến trình đàm phán bế tắc trong khi hạn chót kết thúc đàm phán là ngày 29/4 đang đến gần, vì thế Tổng thống Palestine Abbas đã phải "dọa" sẽ giải tán cơ quan Chính quyền Palestine (PA) và giao lại cho Israel chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ khu Bờ Tây.

Benjamin Netanyahu (phải) và Mahmoud Abbas: "Hòa bình đã chết rồi"!

Trước đó nữa, Tổng thống Abbas cũng đã có động thái trình thư lên Liên Hiệp Quốc đề nghị tham gia 15 tổ chức quốc tế thuộc LHQ với tư cách một quốc gia độc lập. Động thái này được ông Abbas tuyên bố là để đáp trả việc Israel nuốt lời không thực hiện cam kết trao trả tự do cho một nhóm tù nhân Palestine bị Israel giam giữ trên 20 năm, trong đó có một số lãnh đạo, chính khách chủ chốt của Palestine, kể cả một số người Israel gốc Arập. Lúc nào cũng vậy, Israel chỉ đưa ra lời giải thích duy nhất: Những người này đe dọa an ninh Israel.

Sự ngoan cố, bất chấp tất cả của Israel là nguyên nhân quan trọng nhất làm cho đàm phán hoà bình không thể tiến triển được. Đến nỗi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải lên tiếng tố cáo "việc Israel tiếp tục xây dựng nhà ở trong các khu định cư đã dìm chết tiến trình hòa bình".

Ngay trong vấn đề hòa giải dân tộc của người Palestine, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố "ông Abbas chỉ có thể chọn lựa hòa bình với Hamas hay với Israel chứ không được chọn cả hai". Lý do muôn thuở: Vì Hamas không công nhận sự tồn tại của Nhà nước Do Thái - Israel.

Israel không bao giờ muốn hòa bình

Trong một bài viết đăng ngày 24/4, tờ báo Haaretz của Israel đã phân tích rằng, thỏa thuận hòa giải dân tộc của hai phái người Palestine nên được nhìn nhận dưới góc độ tích cực, là một diễn biến có lợi cho Israel. Bản chất tiến trình hòa bình giữa Israel và người Palestine là phải bao gồm tất cả các phái Palestine thống nhất trong đàm phán với Israel thì mọi vấn đề gút mắc giữa Israel với người Palestine mới được giải quyết thấu đáo, và hòa bình đúng nghĩa công bằng và thực chất mới được thiết lập ở khu vực Trung Đông.

Nếu Israel thật sự muốn có hòa bình thì phải tận dụng mọi cơ hội để giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, xung đột với các phái vũ trang Palestine, như Hamas, Islamic Jihad. Đằng này, từ khi hai phái Palestine Hamas và Fatah xung đột rồi tách rời nhau, mỗi phái quản lý một khu vực lãnh thổ từ năm 2007, Israel đã xem đó như là cơ hội cực tốt để làm cho lộ trình hòa bình đi xa mãi mãi; một mặt, Israel tích cực lôi kéo ông Abbas và phái Fatah ở khu Bờ Tây, mặt khác kiềm chế, bao vây Hamas trong phạm vi Dải Gaza; đây gọi là chính sách chia để trị của Israel.

Binh lính israel bắn súng cao su và đạn hơi cay vào người biểu tình bạo động Palestine ở Hebrom Khu Bờ Tây.

Thực chất là Israel không cần hòa bình với người Palestine, mặc dù giới chức nước này, từ Thủ tướng Netanyahu cho đến các quan chức diều hâu như Ngoại trưởng Avigdor Lieberman và Bộ trưởng Tư pháp kiêm Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Tzipi Livni đều luôn miệng "muốn có hòa bình", luôn miệng "thúc đẩy đàm phán hòa bình với người Palestine". Đây là "hòa bình" kiểu đạo đức giả của Israel (cây bút Ramzy Baroud viết trên tờ Asia Times ngày 23/4).

Hòa bình theo quan điểm của giới chức lãnh đạo Israel là phải bao gồm tất cả lợi ích của Israel, bất chấp lợi ích của người Palestine bị chà đạp. Cái Israel cần chỉ là an ninh trong phạm vi lãnh thổ mình, là những vùng đất chiếm đóng của người Palestine phải được duy trì, không trao trả cho chủ cũ.

Mỹ không phải là "bên thứ ba"

Trong khi hố ngăn cách giữa Israel và người Palestine ngày càng sâu, rộng thêm, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hầu như không có động thái nào đủ sức để cho thấy họ có khả năng thu hẹp (chứ chưa thể nói là lấp đầy) cái hố đó. Cho đến nay, những gì người Mỹ đã làm chỉ là "chỉ trích" Israel trong vấn đề xây dựng nhà ở trong các khu định cư ở Bờ Tây.

Có ý kiến trong giới phân tích cho rằng, chính nước Mỹ ngay từ đầu đã là nguyên nhân dẫn đến thất bại của đàm phán hoà bình. Tuy chỉ trích Israel không dừng xây dựng nhà ở khu tái định cư, nhưng Washington không quyết liệt gây sức ép để buộc Tel Aviv phải làm theo ý mình.

Thực ra thì, giới phân tích từ lâu đã cho rằng trong tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine, vai trò của Mỹ không phải là "bên thứ ba", tức nhà trung gian xúc tiến đàm phán đến nơi đến chốn, mà là đồng minh cùng phe với Israel để thúc đẩy đàm phán theo chiều hướng có lợi cho Israel. Điều này hoàn toàn đúng.

Khi đưa ra dự thảo khung thỏa thuận chứa đựng nhiều điều khoản nghiêng hẳn về phía Israel, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã cố o ép Tổng thống Palestine Abbas chấp nhận nó để hai bên có được thỏa thuận hòa bình trước ngày 29/4 theo kế hoạch của Mỹ.

Người dân Palestine đổ ra đường mừng thỏa thuận hòa giải dân tộc vừa được ký giữa Fatah và Hamas.

Israel cũng "phản đối" khung thỏa thuận vì trong đó có điều khoản trao đổi là "dừng lại ở 10 khu định cư", để rồi rốt cuộc đâu lại vào đấy, nhà ở vẫn tiếp tục được xây. Khi Palestine tiến hành các động thái cứng rắn để phản đối việc Israel không đáp ứng các điều kiện cần thiết để tiến hành đàm phán hòa bình, Mỹ luôn luôn đứng về phía Israel, ra tuyên bố phản đối và có động thái cụ thể để gây sức ép đối với Tổng thống Palestine Abbas.

Ngày 24/4, hòa điệu với Tel Aviv, Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ xem xét lại các khoản tài trợ dành cho Palestine nếu chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine chính thức được thành lập.

Một biểu hiện rõ nét nhất trong thời gian gần đây về việc Mỹ đứng cùng phe với Israel chèn ép người Palestine chính là việc bổ nhiệm đặc phái viên hòa bình Trung Đông - Marktin Indyk - của Ngoại trưởng John Kerry. Ai đời lại đưa một người Israel ra làm "trọng tài" cho cuộc đấu trí giữa Israel với Palestine!? Indyk năm nay 63 tuổi, là người Do Thái, sinh ở London, lớn lên đi học ở Israel và tham gia làm tình nguyện viên giúp quân đội Israel trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973. Indyk được xem là người đã "dành trọn đời để kiến tạo hòa bình theo kiểu Israel". Ông bắt đầu làm việc cho Ủy ban Các sự vụ công cộng Israel ở Mỹ (AIPAC) vào năm 1982.

Ai cũng biết rằng AIPAC chính là tổ chức đại diện cho quyền lợi Israel ở Mỹ, sẵn sàng tung tất cả nguồn lực để vận động cho lợi ích Israel. AIPAC đã xây dựng được mối quan hệ mật thiết với nhiều tổ chức chính trị, xã hội và cả Quốc hội Mỹ, đến nỗi người ta ví Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ) là một "lãnh thổ chiếm đóng" của Israel. Tuy nhiên, AIPAC chưa phải là sự cống hiến quan trọng nhất của Indyk dành cho Israel, mà chính là tổ chức Viện Chính sách Trung cận đông Washington (WINEP) do chính ông sáng lập vào năm 1985.

Đây là một tổ chức vận động tích cực nhất cho lợi ích Israel thông qua công cụ là các trí thức, chuyên gia đủ mọi lĩnh vực. Và chính các hoạt động của WINEP đã góp phần làm tổn hại nghiêm trọng nhất cho uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế. Như vậy, thực chất nhiệm vụ của Indyk tại Trung Đông lần này đâu phải để xây dựng hòa bình cho khu vực Trung Đông?

Thực ra mà nói, chính quyền của Tổng thống Obama hầu như đang "buông" Trung Đông, vì dù cho tiến trình hòa bình có thất bại thì cũng chẳng sao, quan trọng là lợi ích của đồng minh Israel được bảo đảm. Ông Obama hiện đang có nhiều vấn đề khác quan trọng hơn để đầu tư tâm trí và sức lực.

Đó là cuộc đấu căng thẳng với nước Nga trong vấn đề Ukraina để tranh giành không gian ảnh hưởng tại khu vực Á - Âu; đó là những vấn đề an ninh khu vực tại Đông Á, trong đó cuộc "xoay trục" về châu Á đang bị mất phương hướng và ông Obama cần tập trung "xoay" lại cho đúng, với trọng tâm là bảo đảm an ninh cho các đồng minh quan trọng ở Đông Bắc Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc trước "mối đe dọa" từ Trung Quốc

An Châu (tổng hợp)
.
.
.