Di dời người Do Thái khỏi dải Gaza: Đau đớn nhưng cần thiết

Thứ Năm, 08/09/2005, 08:25

Cuộc di dời lịch sử của những người định cư Do Thái ra khỏi dải Gaza đã không tránh khỏi những xô xát và đổ máu giữa cảnh sát Israel và đồng bào của họ. Đau đớn, nhưng cần thiết - đó là quan điểm của ông Ariel Sharon, Thủ tướng Israel.

Không phải bất cứ lực lượng nào trong chính giới Israel cũng ủng hộ quyết định trên của ông Sharon. Chẳng hạn như cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người ngồi trên ghế Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của ông Sharon, đã tuyên bố từ chức để phản đối và gây sức ép... Những nhóm cực đoan trong nội bộ cộng đồng Palestine cũng tỏ ra không mấy thích thú với quyết định của ông Sharon vì họ sợ rằng nếu hai bên hòa hoãn với nhau thì họ cũng sẽ mất đất làm ăn...

Nước mắt của sự tỉnh táo

Cuộc di dời hàng nghìn người định cư Do Thái ở dải Gaza được triển khai từ ngày 15/8 và dự định kết thúc vào ngày thứ hai 22/8. 21 địa danh Do Thái sẽ bị xóa sổ ở đây. Cộng thêm vào đó là 4 khu định cư biệt lập ở Bờ Tây sông Jordan cũng sẽ bị xóa sổ. Cũng theo kế hoạch đã được định sẵn, tới cuối tháng 9, các lực lượng an ninh Palestine sẽ chính thức tiếp quản việc kiểm soát các khu vực mà người định cư Do Thái đã để lại. Và tới trước ngày 3/10, ngày Tết Rosh ha-Shana của người Do Thái, mọi việc sẽ được hoàn tất.

Trước đó, các công tác chuẩn bị đã được tiến hành rất kỹ lưỡng để đối phó với mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra. 42 nghìn binh lính và cảnh sát Israel đã được huy động vào chiến dịch vận động và cưỡng bức người định cư Do Thái rời khỏi dải Gaza. Những lực lượng này được trang bị xe có thang máy, vòi rồng, dùi cui và cả những chiếc cũi sắt để đối phó với sự chống đối của các phần tử ngoan cố. Chính quyền Israel còn cho triển khai cả xe tăng và tàu biển ở những nơi cần thiết trong tư thế sẵn sàng ứng cứu.

Giải tán những người Do Thái phản đối.

Thực tế cho thấy, sự chuẩn bị này không thừa một chút nào vì quả thực, không phải tất cả những người Do Thái từng định cư ở dải Gaza đều muốn rời bỏ mảnh đất mà mình đã chọn lựa làm quê hương và quả thực là đã đổ khá nhiều mồ hôi và tâm huyết xuống để gây dựng nên những cơ ngơi khá trù mật.

Nhưng đúng như ông Sharon đã từng nhấn mạnh trước đồng bào của mình, cuộc di dời khỏi dải Gaza lần này là không thể tránh khỏi nếu muốn tạo dựng một tương lai khả dĩ hơn cho quốc gia Do Thái (Thủ tướng Israel thực ra muốn bỏ dải Gaza để củng cố chắc chắn hơn nữa quyền lực của Tel Aviv ở khu vực Bờ Tây sông Jordan, vùng đất mà nói cho cùng, chính quyền Palestine cũng rất muốn lấy về cho mình). Đau đớn, nhưng cần thiết, đầy hứa hẹn nhưng cũng nhiều hiểm họa, tràn trề hy vọng nhưng cũng mạo hiểm tương đương như thế!

Chính trật tự từ này đã được Thủ tướng Israel chọn lựa để lý giải cho kế hoạch di dời của chính phủ trên màn ảnh nhỏ ngày 19/8. Ông nhấn mạnh: "Hành động này quan trọng đối với Israel... Chúng ta không thể mãi mãi kiểm soát dải Gaza, nơi có hàng triệu người Palestine đang phải sống trong các trại tị nạn, trong đói nghèo và thù hận, không có một tia hy vọng nào lóe lên ở đường chân trời...". Tình hình đó, theo quan điểm của ông Sharon, buộc Israel phải nhìn nhận đúng thực tế và đưa ra những quyết sách hợp lý. "Đó không phải là vì yếu thế mà là bởi mạnh thế" - ông khẳng định.

Thủ tướng Israel cũng tỏ ra thấu hiểu tâm sự của những người di cư buộc phải từ giã nơi ở của mình trên dải Gaza: "Nỗi đau và những giọt nước mắt của ông bà, anh chị cũng sẽ là một phần lịch sử của quốc gia Do Thái này và chúng tôi sẽ không bỏ rơi quý vị!".

Không có gì dễ dàng

Theo Elie Wiesel, người từng đoạt giải Nobel hòa bình, một gương mặt quen thuộc trên diễn đàn chính trị Israel, quyết định di dời người định cư Do Thái khỏi dải Gaza có thể đóng một vai trò tốt trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Trung Đông. Một Nhà nước Palestine ra đời càng sớm thì càng có khả năng cải thiện đời sống của các cư dân Palestine và càng làm giảm thiểu những nguy cơ khủng bố từ phía các nhóm vũ trang cực đoan.--PageBreak--

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thấy rằng, không chỉ vì bị bần cùng hóa mà một số người đã trở thành các phần tử khủng bố. Như các cuộc điều tra cho thấy, phần lớn những tên khủng bố dính líu tới sự kiện 11/9/2001 tấn công vào nước Mỹ đều xuất thân từ những gia đình khá giả. Lý do chính khiến một số người đi theo Osama Bin Laden là vì cuồng tín chứ không phải vì thiếu cơm ăn áo mặc! Và trong tình thế đó, rất có thể Israel vẫn tiếp tục phải đối mặt với các vụ đánh bom tự sát ngay cả sau khi một Nhà nước Palestine độc lập đã ra đời.

Quả bóng hiện nay đã được đá sang sân của các chính khách đang nắm quyền chủ đạo trong bộ máy quyền lực Palestine. Không thể phủ nhận được rằng, người Palestine đã chứng minh được lòng yêu nước và quyết tâm không gì lay chuyển được trong đấu tranh vì độc lập và tự do của dân tộc mình. Chính vì họ đã làm được như vậy nên quốc gia Do Thái đã phải nhượng bộ và mới có cuộc di dời dân định cư Do Thái khỏi dải Gaza. Trước chính phủ của Tổng thống Mahmoud Abbas đang hiển hiện một thách thức lớn: Làm gì để chế ngự những tham vọng hiếu chiến của các tổ chức vũ trang Palestine, vốn nổi tiếng bất trị và luôn có mâu thuẫn với phong trào Fatah của những người kế nghiệp Yasser Arafat?

Hơn nữa, mục tiêu cuối cùng của cuộc đấu tranh mà người Palestine đã đặt ra cho mình là xây dựng một quốc gia độc lập ở dải Gaza, Bờ Tây sông JordanJerusalem. Trong khi đó, chính Israel cũng muốn biến một phần Jerusalem thành thủ đô của họ. Thêm vào đó, đúng như tờ “Thời báo New York" số ra ngày 15/8 nhận xét, Thủ tướng Israel có thể chỉ muốn việc di dời những người định cư Do Thái ra khỏi dải Gaza như một hành động đánh lạc hướng dư luận về việc quốc gia Do Thái muốn chiếm đóng vô thời hạn khu vực Bờ Tây sông Jordan. Cách đặt vấn đề như thế hiển nhiên sẽ không hứa hẹn sự bình ổn ở tương lai.

Trung Đông vì thế có lẽ vẫn tiếp tục là thùng thuốc nổ

Dương Phùng
.
.
.