Từ “Làng một đêm” đến “Làng văn hóa du lịch”

Thứ Năm, 17/03/2022, 10:22

Cuộc trường chinh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc đã gần 50 năm, nhiều người lính một thời ra trận nay đã tuổi đã về già nhưng trong câu chuyện kể, trong tâm trí họ vẫn thường nhắc đến xã Cự Nẫm (Làng Cự Nẫm), huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Bởi ngôi làng đơn sơ hiền hòa này từng được coi là “Làng một đêm”, hay “Làng binh trạm”, những người lính từ Hà Tĩnh trở ra Bắc trước khi vượt Trường Sơn, vượt Vĩ tuyến 17 vào đánh giặc đều ít nhất ở lại một ngày, ngủ lại một đêm ở Làng Cự Nẫm. Hoặc những thương, bệnh binh ở chiến trường trước khi được đưa ra hậu cứ miền Bắc chữa trị cũng thường ở lại một đêm ở Cự Nẫm. Và có những chàng trai mười tám, đôi mươi rời ghế giảng đường, trường học, làng quê yên ả qua Cự Nẫm đã tìm được tình yêu của mình, có người lần đầu biết đến nụ hôn và mang cả tình yêu đi theo năm tháng cuộc đời…

Làng một đêm

Năm nay đã bước qua tuổi 70, và mỗi lần ngồi bên ấm nước chè xanh, hay ly rượu nồng cùng bạn già ở làng, ông Trần Đình Thanh, quê Thanh Chương, Nghệ An vẫn thường kể về cuộc đời binh nghiệp của mình. Trong câu chuyện của một thời trai trẻ, ông vẫn nhắc nhớ đến một làng quê xa xăm trong vùng cát trắng Quảng Bình, đó là Làng Cự Nẫm. 19 tuổi, rời làng quê yên ả và dòng sông ăm ắp tuổi thơ, chàng trai trẻ Trần Đình Thanh cũng như bao trai làng lên đường theo tiếng gọi non sông “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trên đường hành quân, các anh được ở lại một ngày, một đêm ở Làng Cự Nẫm. Anh thấy vui vui  khi bắt gặp những người con ở Cự Nẫm gọi bố mẹ (cha, mẹ) là Bọ, Mạ. Rồi các anh cũng gọi theo những người làng lớn tuổi là Bọ, Mạ. Bọ, Mạ lần đầu gặp nhưng những tình cảm thương yêu, trìu mến dành cho các anh có khác gì đâu cha mẹ ở quê nhà.

Đêm, bữa cơm tối bên ánh đèn dầu hỏa, anh bắt gặp đôi má ửng hồng của Hằng, cô con gái lớn của Bọ, Mạ gắp thức ăn bỏ vào chén cơm của anh. Khi ánh trăng non đầu tháng chênh chếch bên sườn đồi, sương ướt vai Thanh và Hằng mới bịn rịn chia tay nhau, nụ hôn vội vàng đầu đời đã đi theo anh rất nhiều năm ở chiến trường và đến tận bây giờ. Hơn 10 năm đi hết chiến trường gần, chiến trường xa khi tiếng ca hòa bình được cất lên anh về Cự Nẫm thì Hằng đã đi lấy chồng xa trước đó.

Từ “Làng một đêm” đến “Làng văn hóa du lịch” -0
Làng Cự Nẫm có nhiều thế mạnh để phát triển thành “Làng văn hóa du lịch” hấp dẫn ở Bắc Trung Bộ.

“Trên đường về lại Cự Nẫm tôi đã đặt ra nhiều tình huống, trong đó cũng nghĩ rất nhiều về việc Hằng đã có gia đình, nhưng vẫn chỉ trông được gặp lại em để thỏa nỗi nhớ mong mà mình luôn canh cánh mang theo. Nhưng Hằng lấy chồng xa. Ngôi nhà Bọ, Mạ vẫn vậy, giếng nước, hàng cây, cánh đồng…không thay đổi mấy, chỉ là không được gặp Hằng. Hôm đó, gia đình cứ giữ ở lại, lúc đầu tôi cũng nghĩ sẽ nghỉ lại, nhưng rồi đến chiều gần tối thì nỗi nhớ cồn cào, không thể chịu được. Nếu mình ở lại thì đêm sẽ dài vô tận nên tôi xuống quốc lộ 1A đón bắt xe về quê khi trời nhá nhem tối…”. Ông Thanh nhìn xa xăm trút tâm sự trong câu chuyện riêng của mình, nhưng cũng là câu chuyện chung của biết bao người cùng thế hệ.

Trên đường hành quân vào chiến đấu ở chiến trường, qua Làng Cự Nẫm, anh lính trẻ Đỗ Đình Chứng đã gửi lại người yêu Phan Thị Ánh chiếc chăn của lính làm kỷ vật và hẹn ngày về. Hơn một năm sau, anh Chứng bị thương và được ra Bắc điều trị. Trên đường ra anh được ở lại Cự Nẫm một ngày để dưỡng thương. Trong rất nhiều người lính bị thương, chị Ánh cứ ngờ ngợ người mình hẹn ước. Bởi khi chia tay anh Chứng vào chiến trường, họ chỉ có 1 ngày ở bên nhau. Khi chị Ánh đánh tiếng với đám bạn cùng lứa "về bay hè" bất ngờ anh Chứng quay lại ôm chầm lấy. Họ nhận ra nhau và nên vợ nên chồng.

Không chỉ có bà Ánh ở Cự Nẫm, còn có nhiều người như bà Nga, bà Diệp… họ chỉ hẹn hò có một đêm với người lính từ miền Bắc hành quân qua làng nhưng đã nên vợ nên chồng. Sau chiến tranh có nhiều thiếu nữ ở Cự Nẫm đã đi theo lời thề hẹn lấy chồng ở Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Cũng có những thiếu nữ ở làng quê đậm tình người Cự Nẫm đã ở vậy thờ người yêu khi anh đã hy sinh ở chiến trường.

Rong ruổi theo đường mòn Hồ Chí Minh đẹp như dải lụa, tôi tìm về Cự Nẫm khi đất trời còn đẫm sương xuân. Những dấu tích Cự Nẫm là căn cứ của Binh trạm 26 trong hệ thống giao liên của đường Trường Sơn huyền thoại gần 50 năm trước vẫn còn đây. Được biết, hơn hai triệu lượt bộ đội vào ra chiến trường an toàn đều được hệ thống trạm giao liên này dẫn đường, bảo vệ và bảo đảm hậu cần.

Tôi may mắn từng được gặp ông Hoàng Tiến Dũng, nguyên Xã đội trưởng Cự Nẫm kể lại: Địch phát hiện ở Cự Nẫm có điểm dừng chân của bộ đội nên bắn phá suốt ngày đêm. Để bảo vệ những người con thân yêu của đất nước trước khi vào chiến trường, tất cả các hộ dân ở Cự Nẫm đã nhường nhà, đào hầm che giấu bộ đội, thanh niên xung phong. Ban ngày người làng Cự Nẫm làm đồng, trồng cây rừng, đêm đêm lại mang vác lương thực, quân trang, vũ khí cho các đoàn quân qua làng. Thiếu gạo, thiếu lương thực, chịu đói, chịu khát nhưng quân lương của bộ đội thì người làng Cự Nẫm cầm chặt tay thề "không đụng đến". Nhiều hộ dân nhường nhà, giường chiếu cho bộ đội ngủ, còn gia đình lại dùng rơm vàng lót ổ để nằm. Nhiều lính trẻ vừa rời ghế nhà trường nhớ nhà, nhớ mẹ được người dân động viên, chở che đùm bọc.

Những người mẹ nghèo ở Cự Nẫm từng nhường cơm, xẻ áo cho bộ đội ngày hôm qua giờ vẫn còn đây. Thời gian đã làm tóc các mẹ ngả màu, da đồi mồi, lưng còng, nhưng khi kể về những đứa con bộ đội từng qua làng, mắt mẹ lại ánh lên niềm vui. Đó là mẹ Phan Thị Luyên cả ngày trời không hề rời giếng nước để giặt quần áo cho cả một trung đội. Mẹ Nguyễn Thị Xêu nấu nướng chăm sóc từng bữa cơm, giấc ngủ cho cả Đại đội 3. Công việc hàng ngày của mẹ Ngạn là vào núi chặt hàng chục gánh lá cây để ngụy trang pháo cho Tiểu đoàn pháo binh 19...

Hàng vạn người chỉ ở Cự Nẫm có một đêm, ăn một bữa cơm, ngủ vài tiếng đồng hồ nhưng những kỷ niệm về tình người, tình đất và cả tình yêu đã theo họ trọn cuộc đời.

Làng văn hóa du lịch

Trong câu chuyện về Làng Cự Nẫm, ông Hồ An Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình rất hào hứng và vui vẻ nói về mảnh đất lắm yêu thương này: Cự Nẫm có rất nhiều đặc điểm, tài nguyên du lịch nhân văn để tỉnh Quảng Bình phát triển, xây dựng thành Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm; bên cạnh các điểm di tích lịch sử văn hóa như: Đình làng Cự Nẫm có từ thế kỷ XVII. Cự Nẫm còn ngôi chùa Sáp nơi hàng năm người dân mở hội vào rằm tháng 2 âm lịch thu hút đông đảo người tham dự.

Từ “Làng một đêm” đến “Làng văn hóa du lịch” -0
Một điểm di tích ở Làng Cự Nẫm.

Làng chiến đấu Cự Nẫm nổi tiếng trong kháng chiến, nơi từng vinh dự được đón các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm, động viên, khen thưởng… Hiện nay, Quảng Bình xây dựng Cự Nẫm thành Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm bên cạnh hướng đến đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho bà con trên địa bàn thì rất nhiều người tâm huyết còn hướng đến giá trị nhân văn cao cả là được đón, được gặp những người từng một thời xông pha trận mạc, từng một thời tạm biệt thầy cô, trường học, làng quê để ra trận. Tuổi các chú, các bác đã cao nên có thể giờ đây một lần được con, cháu đưa về thăm lại Cự Nẫm cũng đánh thức những kỷ niệm đẹp đẽ, giá trị nhân văn của một đời người.

Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm sẽ được xây dựng thành địa điểm đến tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hấp dẫn tại khu vực Bắc Trung Bộ. Làng được xây dựng trên diện tích 3.279 ha, trong đó có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ ăn uống, mua sắm các sản vật của địa phương.

Theo ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, Quảng Bình: Bố Trạch là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Ngoài di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, Bố Trạch là địa phương có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Cự Nẫm là địa phương có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu nổi bật hàng đầu trên địa bàn tỉnh với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên cùng với những giá trị văn hóa độc đáo…do đó Cự Nẫm phù hợp để phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, chuyển tải đầy đủ các giá trị đời sống sản xuất - sinh hoạt, văn hóa ký ức và hiện sinh của xã Cự Nẫm đến với du khách gần xa là xây dựng Làng văn hóa du lịch theo mô hình "Làng du lịch".

Rong ruổi trên những con đường làng Cự Nẫm hôm nay, chúng tôi càng thấm đẫm niềm tin vào giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc mình. Văn hóa gia đình, văn hóa làng xã, văn hóa địa phương… những khách thể văn hóa đó đã làm nên chủ thể văn hóa dân tộc. Trong khói lửa bom đạn chiến tranh, người dân Cự Nẫm sẵn sàng hy sinh nhưng nhất quyết phải dành cho bộ đội, những người con ưu tú của mình những gì tốt nhất có thể, đó là văn hóa ứng xử của một vùng quê. Và hôm nay, Cự Nẫm đang chuyển mình để trở thành địa chỉ không còn là “Làng một đêm”, mà trở thành Làng văn hóa du lịch đón bạn bè muôn phương.

Dương Sông Lam
.
.
.