Những ân tình đất Bắc

Thứ Tư, 17/11/2021, 10:36

Cho đến tận bây giờ, di chứng của thời kì bị địch bắt tù đày, tra tấn vẫn cứ đeo đẳng tôi. Cuộc đời tôi - một chiến sĩ trinh sát An ninh vũ trang T30 (Biệt động thành) thật may mắn được gặp những ân nhân luôn khắc sâu vào tim.

Đó là những người có chức, có quyền nhưng đầy nhân ái trên đất Bắc đã quan tâm sâu sát, giúp tôi vượt qua bao gian khó trong những tháng năm tôi học và trị bệnh ở thủ đô Hà Nội vào đầu những năm 80.

1. Tôi sinh năm 1956 ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Má thường kể khi vừa sinh tôi thì má bị giặc bao vây, má túm vội tôi băng qua mấy con mương, chạy ra cánh đồng, lủi vô ruộng lúa chín vàng. Giặc đuổi theo sát, lùng sục khắp nơi. Trời nóng hầm hập, lá lúa cứa vào da thịt non nớt của tôi. Sữa má chưa kịp về nên tôi đói lả. Má lo tôi khóc nhưng không hiểu sao tôi lại im thin thít không hề ọ ẹ. Lùng sục một lúc, chúng rút đi. Năm 1969, sau khi cha tôi bị giặc Mỹ bắn chết, mới 13 tuổi đầu, tôi một thân một mình tìm đường đánh giặc. Tôi gia nhập đơn vị An ninh vũ trang T30 đánh giặc giữa nội thành từ miền Tây sang miền Đông. Đã bao lần tôi suýt rơi vào tay giặc và thoát chết trong gang tấc.

Những ân tình đất Bắc -0
Phan Thị Ngọc Tươi hồi học Đại học An ninh tại Hà Nội (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Khi 16 tuổi, trong lần tôi chặn địch cho đồng đội rút lui sau trận đánh vào Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa do tôi trực tiếp chỉ huy, tôi đã rơi vào tay giặc khi trái đạn cuối cùng chia đôi với địch không nổ. Tôi bị chúng tra tấn dã man rồi bị đày tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, vì dư luận quốc tế, địch buộc phải giải tán nhà lao này. Một số tù nhân nam tuổi tác lớn chúng ép vào lính, một số ít chúng đày đi nơi khác, một số chúng thả ra. Riêng tôi chúng thả rồi cho theo  dõi 24/24. Tôi liên lạc với đơn vị và được lệnh bám trụ nội thành để trị bệnh và tạo thế hợp pháp tiếp tục hoạt động. Trong tình thế bọn mật thám đeo bám suốt ngày đêm, tôi xin lệnh rút và được chấp thuận. Tôi đánh lạc hướng giặc, thoát ra vùng giải phóng trị bệnh ở các quân, dân y cho đến ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1975 tôi được cử đi học. Sau 5 năm miệt mài đèn sách, cuối năm 1980, tôi đã hoàn tất chương trình văn hóa, thi tốt nghiệp cấp 3 đạt điểm tuyệt đối, được Sở Giáo dục tặng bằng khen. Ít lâu sau, tôi nhận được giấy chiêu sinh học Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh) tại Hà Nội. Lúc này tôi rất yếu do di chứng tù đày "nổi loạn" sau các kỳ thi. Tôi ra sức "đại tu" sức khỏe để lên đường. Hành trang ra Hà Nội của tôi là ý chí học đến cùng, học thay cho cả những đồng đội đã ngã xuống với đủ các loại thuốc điều trị bệnh dài hạn mà tôi đã bán hết số nữ trang hiện có để mua.

Hà Nội đón tôi bằng những cơn gió mùa đông bắc lạnh se sắt - một dạng thời tiết khắc nghiệt lần đầu tiên tôi biết đến. Mặc dù trước khi ra Bắc tôi có sắm ít đồ lạnh mang theo, nhưng một cơ thể yếu ớt và nhiều thương tích từ những năm tháng tù đầy như tôi thì thật khổ sở. Toàn thân tôi nhức buốt ngày đêm. Bao nhiêu bệnh tật - tàn tích của những ngày tù đày lại thi nhau hành hạ tôi. Thuốc tôi mang theo dùng rất tằn tiện nhưng cạn dần rồi cũng hết. Thời đó Hà Nội không có hiệu thuốc tư nhân để mua, tôi lại không quen bác sĩ nào... Tôi âm thầm chống chọi, không chia sẻ với bất cứ ai. Tôi ra sức học tập như những người khỏe mạnh. Tôi nghĩ "Quyết tâm sẽ làm được".

Tôi tập luyện thêm ngoài giờ, khi cả trường chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng kết quả không như mong muốn. Chạy ngắn thì tôi bị ngất, nhảy xà thì càng tập càng tệ đi. Một hôm tôi đang ôm xà tập thì đột ngột thầy Thông - chủ nhiệm lớp xuất hiện: "Đã quá nửa đêm rồi, cô về nghỉ đi để còn giữ sức học các môn khác. Tôi nói cô đừng buồn nghe, mấy đêm rồi, tôi đều thấy cô ra tập. Tôi thấy cô quyết tâm nhưng cô càng tập càng tệ. Cô không đủ sức khỏe để vượt qua những môn cần thể lực, không cố được đâu. Cô nên trình bày sức khỏe của cô cho lãnh đạo và Trường biết đi!". Tôi trả lời: "Dạ, em cảm ơn thầy quan tâm, khuya rồi, thầy về ngủ đi". Nói xong, tôi tiếp tục tập. Tôi không muốn nhận đặc cách. Tôi vẫn tiếp tục học tập theo kế hoạch của mình.

2. Bệnh tôi ngày càng nặng thêm, rồi một ngày tôi nằm bẹp luôn, bỏ giờ lên lớp. Nhiều lúc lịm đi, trong những cơn chập chờn, hình ảnh mình cùng đồng đội hồi đánh Mỹ ở tuổi thiếu niên cứ hiện lên... khỏe mạnh, nhanh nhạy xông pha lửa đạn... Tôi thấy mình không thể gắng gượng thêm nữa. Tôi cảm nhận rõ cơ thể rệu rã, sức cùng lực kiệt sau một thời gian dài bị di chứng tù đày hành hạ nên xuống dốc không phanh. Tôi không thể bỏ học giữa chừng. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định tới gặp Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Nguyễn Minh Tiến - người mà tôi vinh dự được gặp trong ngày đầu tiên tôi đặt chân tới Hà Nội.

Những ân tình đất Bắc -0
Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi chụp cùng GS.TSKH Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện 19-8, Bộ Công an, tại nhà riêng của Giáo sư năm 2018 (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Lúc này người tôi xanh xao, thể trọng 38kg. Tới được nhà chú tại số 16 Trần Bình Trọng, tôi ngồi bẹp trước cửa lấy lại sức, định đỡ mệt mới vô gặp chú. Bất thình lình, chú mở cửa, thấy tôi, chú hỏi: "Con tới hồi nào mà ngồi đây, sao không gọi chú?". Vừa hỏi, chú vừa đỡ tôi dậy, dìu vô nhà. Chú nhìn tôi chăm chú khi tôi trình bày, mắt chú ngấn lệ, chú thốt lên: "Sao con khổ vậy mà bây giờ con mới nói?". Rồi chú vội viết lá thư tay gửi Viện trưởng Bệnh viện 19-8 Bộ Công an lúc đó là Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hoàng Tuấn, xong cho ôtô chở tôi tới bệnh viện.

Tôi  mang thư đến gặp chú Hoàng Tuấn. Chú Hoàng Tuấn trân trọng đón lấy lá thư của Thứ trưởng nhưng chú không mở ra xem. Viện trưởng nhìn tôi trìu mến nói: "Chú Minh Tiến là người ân của chú nhưng cháu không cần sự giới thiệu của Thứ trưởng đâu. Chú đã biết cháu từ lâu. Trông cháu quá yếu rồi. Cháu yên tâm, chú sẽ trực tiếp trị bệnh cho cháu".

Nói rồi chú rút ngay quyển y bạ mới, lật trang đầu ghi: "Đồng chí Phan Thị Ngọc Tươi là anh hùng chưa được tuyên dương. Đồng chí là đối tượng ưu tiên, các khoa khám theo yêu cầu và cấp thuốc tốt nhất cho đồng chí". Xong chú ký tên và trao quyển y bạ cho tôi rồi dặn: "Khi tới đây thì lên thẳng phòng chú, nếu chú đi vắng thì cầm y bạ này tới phòng khám, không thể để cháu thiếu thuốc điều trị được". Tôi đã có thuốc điều trị, gánh nặng được tháo gỡ nhưng khổ nỗi bệnh tái phát đã lâu mà không được điều trị nên quá nặng. Tôi phải nhập viện. Một thời gian sau, Bệnh viện 19-8 quyết định chuyển tôi tới một bệnh viện chuyên khoa để điều trị và yêu cầu phác đồ điều trị tốt nhất. Khi bệnh viện ngoài thiếu thuốc đặc trị, Giáo sư Hoàng Tuấn yêu cầu "các anh tìm mua tất cả những thuốc đặc trị để điều trị cho bệnh nhân Phan Thị Ngọc Tươi, Bộ Công an sẽ thanh toán hết".

Mất nhiều tháng tập trung điều trị thì bệnh tạm ổn, tôi xin ra viện, mang thuốc về tự tiêm để theo học. Từ đó, mỗi năm vào dịp nghỉ hè và nghỉ Tết, khi mọi người hồ hởi về quê, đi chơi thì tôi lặng lẽ nhập viện để "đại tu" sức khỏe, chuẩn bị bước vào những kỳ học mới. Có nhiều lần bệnh hành dữ dội tôi phải nghỉ học giữa kỳ để nhập viện điều trị, những lúc như vậy, tôi được đặc cách mang tài liệu đến bệnh viện tự học và được đặc cách dự thi cùng lớp.

Cứ đến bệnh viện quấy rầy chú Hoàng Tuấn riết cũng ngại, một lần có ít trái cây tôi mang đến biếu chú. Chú nói: "Trời ơi, quà các bạn thăm ốm, sao cháu không để bồi bổ, mang đến biếu chú làm chi. Từ nay đừng làm vậy nữa nghen. Cháu đừng ngại, chú từng chiến đấu ở chiến trường B. Trị bệnh cho cháu là trách nhiệm của chú. Mọi người được sống trong hòa bình hôm nay luôn trân trọng và biết ơn những người như cháu. Chú trị bệnh cho một nữ anh hùng kháng chiến chống Mỹ chưa được tuyên dương mà". Nghe những lời ấy, tôi trào nước mắt: "Chú ơi, đồng đội cháu hy sinh nhiều lắm. Trong số những liệt sĩ có nhiều anh hùng không được tuyên dương. Cháu đã là gì đâu chú".

Những tháng ngày học ở Đại học An ninh của tôi đã trôi qua giữa bao nhiêu ân tình đất Bắc. Chính nơi đây, tôi đã gặp người gắn bó với cuộc đời mình sau này. Anh học cùng lớp với tôi, đã nhiệt tình chăm sóc những lúc tôi nằm viện. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được kết nạp Đảng (lần 3). Rồi chúng tôi tổ chức cưới tại trường.

Tôi nhớ lắm hình ảnh rất đỗi thân thương, đáng kính trọng của những bậc cha chú đã luôn quan tâm tới tôi, những chia sẻ, giúp đỡ của các thầy cô cùng các bạn học đã nhường cơm sẻ áo cho tôi một thời gian khó. Đó là ngàn vạn tia nắng đã sưởi ấm tôi trong những ngày đông lạnh giá nơi đất Bắc. Giờ thì chú Nguyễn Minh Tiến đã về cõi vĩnh hằng. Lần gần đây nhất tôi ra Hà Nội và cùng các chị em phụ nữ Bộ Công an đến thăm Giáo sư Hoàng Tuấn là năm 2018. Ở tuổi 90, khi tiếp đoàn tới thăm, chú nhìn từng người rồi lắc, không nhận ra ai. Chỉ riêng tôi, chú mừng rỡ thốt lên: "Cháu Tươi đấy à, ra hồi nào vậy". Nghe chú gọi tên, tôi nghẹn ngào như bắt gặp hình ảnh cha mình.

 Huyền Châm (Ghi theo lời kể của Đại tá An ninh, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi)
.
.
.