Bút danh... muôn hình vạn trạng

Thứ Năm, 29/08/2024, 08:10

Bút danh là tên riêng ghi vào đầu hoặc cuối tác phẩm khẳng định sở hữu tác giả bài viết, sáng tác, nghiên cứu, phê bình. Muôn hình vạn trạng bút danh, chẳng ai giống ai, nhưng có thể quy vào một số ước lệ như: Lấy địa danh quê hương, hoặc một vùng nào đó làm bút danh; bỏ bớt họ, hoặc bỏ chữ lót, hoặc bỏ tên làm bút danh; lấy họ mẹ, họ cha làm bút danh; lấy tên con làm bút danh; nhà văn đàn chọn bút danh cho nhau; thậm chí có những bút danh vô cùng bí ẩn, không biết tên tác giả thật là ai… 

1. Người sáng tác lấy tên quê hương làm bút danh rất phổ biến. Nhà văn Nguyễn Khắc Hiếu bút danh là Tản Đà với “Khối tình con”, “Thề non nước”, “Giấc mộng con”, Giấc mộng lớn”… nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20. Nhà văn Nguyễn Tuân nể phục cụ, tôn vinh cụ đến mức: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy, trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”.

Còn Hoài Thanh thì viết: “Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa”. Tôi đã cùng nhà văn Văn Giá đến làng Khê Thượng, cách núi Tản Viên một cánh đồng, lặng nhìn sông Đà mùa cạn mới thấy giang sơn kì vĩ biết bao. Người thơ ấy, người văn ấy, không lấy bút danh Tản Đà là ghép tên núi Tản Viên và sông Đà mới là chuyện lạ.

Bút danh... muôn hình vạn trạng -0
Bút danh Tản Đà là ghép tên núi Tản Viên và sông Đà.

Nhà văn Tô Hoài nổi tiếng với “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Chiều chiều”, “Cát bụi chân ai”, “Ba người khác”… tên thật là Nguyễn Sen sinh ra tại quê nội ở làng Cát Động, Kim Bài, Thanh Oai, nhưng lớn lên và sống ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, Hà Đông. Ông lấy chữ đầu con sông Tô Lịch chảy qua làng Nghĩa Đô và chữ đầu phủ Hoài Đức làm bút danh. Còn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri quê ở tổng Cao Đà, huyện Nam Sang (nay là huyện Lý Nhân) thuộc tỉnh Hà Nam. Ông đã ghép chữ đầu tên của huyện (Nam) và chữ đầu của tổng (Cao) ghép thành bút danh Nam Cao để nhớ ơn nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Các nhà văn thế hệ sau cũng có nhiều người lấy tên quê hương làm bút danh như: Nhà văn Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương tác giả của “Trại bảy chú lùn”, “Nỗi buồn chiến tranh”, “Hà Nội lúc 0 giờ”… sinh ở Diễn Châu, Nghệ An nhưng quê gốc ở xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh (nay là thành phố Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. Ông lấy bút danh Bảo Ninh như là một hoài niệm về quê hương. Nhà văn Châu La Việt nổi tiếng với tác phẩm “Những tầng cây săng lẻ”, “Chiếc khăn màu lửa cháy”, “Người mẹ và cánh rừng”… tên khai sinh là Lê Khánh Hoài. Tôi hỏi ông về cái bút danh vừa miền núi vừa đồng bằng chẳng giống ai ấy, ông bảo: “Châu là chữ đầu của xã Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh nơi anh sinh ra. La chính là con sông La chảy qua trước nhà anh. Còn Việt là chữ sau của Cửa Việt (Quảng Trị) là quê mẹ anh”… 

Nhà văn trẻ Uông Triều xôn xao văn đàn những năm gần đây với “Đôi mắt Đông Hoàng”, “Cô độc”, “Tưởng tượng và dấu vết”… Lúc anh mới về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi tò mò hỏi anh về cái bút danh có hơi hướng Tầu ấy. Hóa ra, nhà văn trẻ tên khai sinh là Nguyễn Xuân Ban, mà trên văn đàn đã có nhà văn Đức Ban, nhà văn Y Ban tên khai sinh là Phạm Thị Xuân Ban rồi. Không muốn trùng cái âm hưởng “Xuân Ban”, “Ban… Ban” ấy, anh nghĩ đến địa danh quê hương để làm bút danh. Thế là bút danh Uông Triều ra đời, ghép từ hai chữ đầu của Uông Bí nơi sinh ra và Đông Triều là nơi anh làm thầy đứng lớp hơn 10 năm trước khi chuyển về Hà Nội làm biên tập viên văn xuôi…

Đặt bút danh theo cách nói lái, hoán vị âm vần như nhà thơ Trinh Đường tên thật là Trương Đình cũng là một bút danh ấn tượng. Nhà Phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên còn có bút danh dịch thuật là Ngân Xuyên. Trong một cuộc “trà dư tửu hậu”, ông kể về sự tích bút danh Ngân Xuyên bằng lựa chọn lái vần. Chữ lót và tên Xuân Nguyên lái vần là Xuyên Nguân. Nguân thì không có nghĩa gì nên ông bỏ chữ “u” thành là Xuyên Ngân, rồi đảo chữ lần nữa thành… Ngân Xuyên. Chọn được bút danh ưng ý mà Phạm Xuân Nguyên phải trải qua một hành trình rất “loằng ngoằng”, nhưng tôi công nhận rằng Ngân Xuyên là một bút danh đẹp, ông đã gặt hái vinh quang và tiền bạc nhiều từ bút danh này.

Phạm Xuân Nguyên là người có trí nhớ siêu việt. Thơ văn, tác giả cũ mới cứ thuộc vanh vách. Bút danh muôn màu muôn vẻ đang đà cao hứng, ông cứ tông tốc kể ra các loại bút danh: Nhà thơ Thế Lữ tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ, sau đó đổi là Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Hoán vị vần và thanh Thứ Lễ thành Thế Lữ với ý nghĩa người bộ hành trên đường đời, “người khách đi qua trần thế”.

Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng. Ông đảo chữ lót và tên thành bút danh Bằng Việt. Nhà văn Thai Sắc tên khai sinh là Cái Văn Thái. Chữ Thái được đánh vần là thai sắc… Thái. Rất có thể nhà văn đặt bút danh như đánh vần cái tên của mình? Thai Sắc là một bút danh rất độc đáo.

Bút danh... muôn hình vạn trạng -1
Nhà văn Trần Hữu Tri đã ghép chữ đầu tên của huyện (Nam) và chữ đầu của tổng (Cao) ghép thành bút danh Nam Cao.

Có một cách dặt bút danh khá phổ biến là rút gọn tên khai sinh. Chỉ lấy chữ lót và tên làm bút danh như: Nhà thơ Huy Cận (Cù Huy Cận), nhà văn Nguyên Hồng (Nguyễn Nguyên Hồng), nhà thơ Duy Khán (Nguyễn Duy Khán), nhà thơ Hữu Thỉnh (Nguyễn Hữu Thỉnh), nhà văn Đình Kính (Bùi Đình Kính), nhà văn Hữu Ước (Nguyễn Hữu Ước), nhà thơ Hữu Việt (Trần Hữu Việt)…

Không lấy chữ lót, chỉ lấy họ và tên như: Nhà thơ Nguyễn Bính (Nguyễn Trọng Bính), nhà văn Chu Lai (Chu Văn Lai), nhà văn Đào Thắng (Đào Đình Thắng), nhà văn Phạm Hoa (Phạm Văn Hoa), nhà thơ Đặng Hiển (Đặng Đức Hiển), nhà văn Nguyễn Trường (Nguyễn Xuân Trường), nhà văn Nguyễn Hiệp (Nguyễn Văn Hiệp), nhà thơ Lữ Mai (Lữ Thị Mai)…

Chỉ lấy họ và chữ lót làm bút danh như: Nhà thơ Nguyễn Duy (Nguyễn Duy Nhuệ), nhà thơ Nguyễn Hoa (Nguyễn Hoa Kỳ), nhà văn Triệu Xuân (Triệu Xuân Điến)…

2. Cách đây hơn 10 năm tôi có dịp xuống Hải Phòng chơi với nhà văn Đình Kính, nhà văn Phạm Xuân Hiếu và nhà văn Bão Vũ. Đọc tập truyện ngắn “Mây núi Thái Hàng” của ông từ năm 2000, văn ông và bút danh Bão Vũ ám ảnh tôi mãi. Ông hỏi tôi về bút danh Sương Nguyệt Minh, còn tôi cũng “được lời như cởi tấm lòng” hỏi về bút danh Bão Vũ. Ông bảo: “Mình tên khai sinh là Vũ Bão, khi mình viết văn thì đã có một ông nhà văn Vũ Bão hơn 11 tuổi quá nổi tiếng từ thời in tiểu thuyết đầu tay “Sắp cưới”. Mình thế hệ viết sau, nên phải tránh cái tên tác giả đã định danh trong nền văn học. Vũ Bão đảo thành bút danh Bão Vũ là thế”.

Nhà văn Vũ Bão - cha đẻ của “Sắp cưới” tên thật là Phạm Thế Hệ. Hơn 20 năm trước, tôi may mắn có dịp đi thực tế Quảng Ninh với ông, lại chuyện văn, chuyện đời tưng bừng trên ôtô và chuyện bút danh Vũ Bão, Bão Vũ của hai ông nhà văn đem ra kể. Nhà văn Vũ Bão vốn là người sáng tác đậm chất trào phúng, giễu nhại, ông cười rất hóm, bảo: “Cái ông Vũ Bão thật lại sợ ông Vũ Bão “giả”, phải đổi tên. Đời cứ tréo ngoe thế!”.

 Nhà văn Y Ban, cứ mỗi lần nghe là có cảm giác chị như là người dân tộc Tày. Thực ra, chị là người Việt dưới xuôi, tên khai sinh là Phạm Thị Xuân Ban. Chị bảo khi bắt đầu viết văn chị đang dạy ở Trường Cao đẳng Y Nam Định. Y Ban hiểu một cách đơn giản là “Ban trường Y” thôi mà. Đặt bút danh một cách “đơn giản” thế mà lại thành độc đáo và rất ấn tượng, rất khó quên.

Nhà văn An Bình Minh tên thật là Bùi Bình Thiết. Ông có hai cô con gái sinh đôi tên là An và Minh. Ông viết văn lấy bút danh là An Nguyệt Minh với mong muốn cuộc đời và sáng tác như đêm trăng sáng bình yên. Một lần đi trại viết, nghe giới thiệu, bạn văn vồ vập bắt tay reo lên: “A. Ông An Nguyệt Minh à. Tôi đã đọc ông nhiều lắm rồi. Tối qua, tôi nghe đài đọc truyện ngắn của ông. Truyện có cô Sao thương binh y sĩ Trường Sơn về đến bến đò thì thuyền của người yêu cưới vợ vừa sang sông ấy”.

Ông giật mình. Thôi, chết rồi. Nhầm rồi. Mình mới viết vài ba truyện ngắn “phọt phẹt” đã mấy ai biết mà “đọc nhiều lắm”. Bạn văn nhầm sang ông Sương Nguyệt Minh viết truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” rồi. Ông kể chuyện nhầm tên với tôi rồi cười ha hả. Ông bảo: “Sau đó, mình nghĩ đến đổi bút danh và chợt nhớ đến mẹ. Mẹ mình tên là Bình, bẩy người con đều lấy tên mẹ làm chữ lót. Anh cả là nhà văn Bùi Bình Thi, mình là Bùi Bình Thiết… Tại sao không đưa tên mẹ vào bút danh?” Thế là bút danh An Nguyệt Minh được thay bằng An Bình Minh.

3. Lại có chuyện nhà văn đặt bút danh cho nhà văn. Nhà văn Văn Xương ở Quảng Trị tên khai sinh là Nguyễn Văn Bốn. Tôi có may mắn biên tập truyện ngắn đầu tay “Hoa gạo đỏ bên sông” của ông với bút danh Văn Bốn. Được đà in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông viết ào ào, rồi ra tập truyện ngắn đầu tay. Nhà văn Đỗ Chu vào Quảng Trị công tác và giao lưu với nhà văn Cao Hạnh, Văn Bốn. Sau vài ngày ở miền đất khói lửa, nhà văn đàn anh Đỗ Chu quý mến Văn Bốn làm cán bộ văn phòng mà tính nghệ sĩ say mê văn chương, ông bảo: “Cậu viết văn được đấy. Cố mà theo”. Nói xong, ông dừng lại một lát, bảo: “Người ta văn mười, văn đại học còn chẳng ăn ai. Cậu Văn… Bốn thì dưới trung bình à. Không ổn. Phải đặt bút danh khác”.

Văn Bốn ngượng ngùng: “Em cũng không biết lấy bút danh gì, nhờ anh chọn giùm”. Nửa đêm hôm ấy, Đỗ Chu gọi điện thoại bảo Văn Bốn: “Anh nghĩ ra rồi. Bút danh Văn Xương phù hợp với cậu. Từ nay, Văn Bốn, Văn Năm… bỏ hết nhé”. Sao Văn Xương thuộc hành Kim trong bộ đôi Văn Xương và Văn Khúc, chủ về thông minh, tài năng, và chủ về năng khiếu nghệ thuật, văn chương. Từ đó, văn đàn có một nhà văn mang bút danh Văn Xương.

Còn những bút danh J.Leiba, Tchya, T.T.Kh rất bí ẩn, đi tìm xuất xứ cũng ly kì bí ẩn như chính cái tên ấy. Đặc biệt bút danh T.T.Kh - tác giả của bài thơ “Hai sắc hoa Tigon” nổi tiếng thì đến nay vẫn không biết tên tác giả thật là ai? Đúng là muôn hình vạn trạng bút danh. Bút danh viết mãi không bao giờ hết. 

Sương Nguyệt Minh
.
.
.