Bài học về hạnh phúc của bác sĩ gốc Ấn

Chủ Nhật, 15/05/2022, 10:32

Từ cái chết của người cha, bác sĩ - tác giả nổi tiếng nước Anh Rangan Chatterjee đúc kết các bàihọc về việc làm sao sống hạnh phúc trong một thế giới nhiều cạnh tranh, áp lực và bất định.

9 năm trước đây, bác sĩ Rangan Chatterjee, 44 tuổi, tác giả nhiều cuốn sách về sức khỏe và lối sống ở Anh, mất đi người cha yêu dấu của mình. Cha của ông, một chuyên gia y tế nổi tiếng ở Ấn Độ, đã di cư đến Anh vào thập niên 60 của thế kỷ 20 để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Suốt 40 năm, người cha chỉ ngủ 3 tiếng mỗi đêm và làm việc chăm chỉ để có thể thành công và đủ tiền trả học phí cho hai con trai tại những ngôi trường đắt đỏ.

Và ở tuổi 59, cha của Ragan bị chẩn đoán mắc căn bệnh suy giảm miễn dịch Lupus ban đỏ, ông sống thêm 15 năm tiếp theo trong bệnh tật và đau khổ, cho đến một ngày người cha từ giã cõi đời vì chứng suy thận.

Sau nhiều năm vật lộn suy ngẫm về những khía cạnh trong đời sống của cha mình, Ragan nhận ra, điều thực sự đã giết chết ông cụ không phải là bệnh tật, chính là do lối sống không hạnh phúc. “Tôi hiểu sự theo đuổi thành công đã giết chết cha mình. Một chiếc ôtô đời mới, một ngôi nhà rộng hơn, một chiếc ti vi lớn hơn, sự thăng chức và trọng vọng của người đời có thể làm bạn hạnh phúc, nhưng cũng có thể làm hại bạn”.

Từ những nghiên cứu của mình, Ragan nhận ra việc con người không thể cảm thông, bao dung, tha thứ, không thể trút bỏ sự oán giận có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư, bệnh tự miễn dịch, bệnh tim và đột quỵ. Trong trường hợp của cha mình, Ragan tin rằng sự oán giận tích tụ là nguyên nhân dẫn đến bệnh lupus của ông, một căn bệnh tự miễn dịch. Chính khi hấp hối, người cha đã nói với Ragan về số lần ông ấy không được đề bạt thăng chức. “Đó là một câu chuyện rất phổ biến mà bạn sẽ nghe từ những người nhập cư Ấn Độ vào những năm 1960, nhưng bố tôi chưa bao giờ phàn nàn một lần nào,” anh giải thích. “Thay vào đó, ông ấy đã chôn chặt sự tức giận đó và điều đó giống như axit. Nó sẽ ăn mòn bạn bên trong”.

Bài học về hạnh phúc của bác sĩ gốc Ấn -0
Bằng cách loại bỏ sự lựa chọn, bạn sẽ đơn giản hóa cuộc sống của mình theo những cách có thể thay đổi cả sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Ảnh: S.t

Ragan đã nhìn thấy xu hướng tương tự với các bệnh nhân của mình và anh cũng tận mắt chứng kiến điều đó. Rất nhiều người thành công với địa vị xã hội, danh tiếng, tài sản nhưng đổi lại là sự mệt mỏi, căng thẳng, tức giận kéo dài. Những cảm xúc tiêu cực bị dồn nén vào bên trong cộng thêm lối sống làm việc quá nhiều, ăn uống vô độ, lạm dụng đồ ngọt và các chất kích thích, khiến họ sinh ra đủ bệnh tật.

Theo đuổi thành công là câu chuyện chủ đạo của thời đại chúng ta, nơi mà mạng xã hội khuyến khích mọi người thể hiện một hình ảnh hoàn hảo về cuộc sống của mình. Tuy nhiên, việc hướng tới một ngôi nhà lớn hơn, công việc tốt hơn, kỳ nghỉ hào nhoáng có thể dẫn đến một chiến thắng trống rỗng. “Phần lớn những gì xã hội dạy chúng ta, đặc biệt là ở xã hội phương Tây, là tập trung vào những điều sai trái. Và rất nhiều người cuối cùng phải moi ruột để có được những thứ đó. Đôi khi mọi người thực sự nhận được những điều đó và họ vẫn không hạnh phúc. Hoặc trong quá trình phấn đấu, họ bỏ bê những điều thực sự khiến người ta hạnh phúc ”, Ragan nói.

Bằng trải nghiệm từ đời sống cá nhân cũng như đúc kết từ 21 năm hành nghề bác sĩ lâm sàng, Ragan nhận ra, có một tầm nhìn dài hạn trong đời có thể giúp bạn sống thọ hơn và bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật. “Khi chúng ta sống hạnh phúc hơn, viên mãn hơn với sự thấu hiểu bản thân là ai, giá trị của mỗi người là gì, điều thực sự giúp ta sống hạnh phúc nằm ở đâu, thì chúng ta sẽ ít có xu hướng thực hiện những hành vi vô ích và gây hại cho bản thân”.

Theo vị bác sĩ Ấn Độ, hạnh phúc đích thực và cốt lõi được biểu thị như một chiếc ghế có ba chân, kiềng thứ nhất là an yên, bình an với cuộc sống và những lựa chọn của mình; kiềng thứ hai là kiểm soát được lý trí và ham muốn; kiềng thứ ba là song hành giữa con người bên trong và con người bên ngoài, rằng con người bạn và người bạn muốn ra ngoài thế giới đều giống nhau.

Ngoài ra, Ragan nói, mỗi người có thể thực hành một số bí quyết sau để đạt được hạnh phúc:

Từ bỏ những thú vui ngắn hạn

Những áp lực từ cuộc sống có thể khiến con người mất kiểm soát, bất mãn, tiêu cực và nhiều người sẽ tìm cách chạy trốn (một cách bản năng) bằng mọi cách. Thông thường, chúng ta sẽ kiếm tìm những giải pháp nhanh nhất, gần nhất, có tác dụng trong ngắn hạn, ví dụ một người căng thẳng vì công việc, học tập, hoặc quan hệ có thể giải sầu bằng cách mua sắm vô tội vạ, nghiện đồ ngọt và thức ăn nhanh, uống bia rượu, lướt mạng xã hội một cách vô định, đánh bạc… Những thú vui vụn vặt ngay lập tức có thể lấp đầy sự trống rỗng trong nội tâm, nhưng về lâu dài, chúng sẽ gây ra những tác hại xấu về sức khỏe và có thể phải trả giá. Lời khuyên của bác sĩ Ragan là cố gắng hết sức đào thải những thói quen hay thú vui xấu khi bạn gặp điều phiền lòng trong cuộc sống.

Xác định thói quen hạnh phúc của bạn

Viết ra ba điều mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc mãnh liệt, hãy gọi chúng là Thói quen Hạnh phúc, xem liệu bạn có thể làm tất cả chúng mỗi tuần. Ví dụ, một tuần thành công đối với bạn có thể là đi bộ trong thiên nhiên, tắm bồn với tinh dầu và hoa hồng, ba bữa ăn tại bàn với gia đình. Hoặc đó có thể là dành thời gian cho một trong những người bạn thân của bạn, chơi guitar, viết sách, viết nhật ký… và đi ăn trưa với mẹ. Theo thời gian, bạn có thể tăng số lượng Thói quen Hạnh phúc một cách chậm rãi nhưng chắc chắn. Bạn có thể không quản lý để thực hiện tất cả các tuần, nhưng thực hành xác định chúng và đánh giá số lượng bạn đã làm sẽ giúp bạn  cân bằng cuộc sống.

Viết về những kết thúc có hậu của bạn

Hãy dành một chút thời gian để viết ra cuộc sống hạnh phúc của bạn trông như thế nào. Hãy tưởng tượng bạn đang nằm trên giường bệnh. Nhìn lại, ba điều quan trọng nhất bạn muốn làm để cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện là gì? Đây là một bài tập cực kỳ hữu ích vì nó giúp bạn có cái nhìn dài hạn về hướng đi của cuộc đời mình.

Hiểu được những mục tiêu cuộc sống lớn này sẽ giúp bạn hình thành những Thói quen Hạnh phúc hàng ngày và hàng tuần. “Đối với tôi, tôi sẽ hạnh phúc vào cuối đời nếu đã đóng góp cho hạnh phúc của người khác; đã dành thời gian vô hạn (dành thời gian chất lượng) cho bạn bè và gia đình; và có thời gian để tập trung vào các hoạt động (thời gian và tập trung) mà tôi đam mê. Vì vậy, hàng tuần, nếu tôi cố gắng ghi lại một tập của podcast của mình, thường xuyên ngồi ăn với gia đình và tìm thời gian để chơi guitar hoặc một chút bida, tôi biết rằng tôi đang sống có chủ đích hơn và di chuyển đúng hướng”, bác sĩ Ragan chia sẻ.

Ngoài ra, vấn đề lớn nhất mà mọi người gặp phải khi tìm kiếm hạnh phúc là nhầm lẫn nó với thành công. Chúng ta được nuôi dưỡng trong nền văn hóa phương Tây đánh lừa nếu chúng ta tin rằng làm việc chăm chỉ, thành công và giàu có sẽ khiến mọi người hạnh phúc. Đây là một thủ đoạn độc ác, được thiết kế để nuôi sống nền kinh tế thị trường và duy trì nó.

Hạnh phúc không bao giờ có thể được tìm thấy trong một thế giới của những ham muốn, bởi vì “muốn” không bao giờ được thỏa mãn. Thay vào đó, mỗi người nên hiểu những điều thực sự khiến chúng ta hạnh phúc: sống phù hợp với giá trị của bản thân và những thú vui đơn giản, hầu như không tốn kém như tắm nước nóng, một tách trà ấm hay đi dạo trên bãi biển. Bạn có thể chọn cho mình những giá trị như sự tò mò, lòng chính trực, trắc ẩn, tự trọng, tốt bụng, gia đình, sáng tạo… mỗi tuần dành một chút thời gian xem bạn đang thực hiện như thế nào trong con đường trở thành người đó.

Loại bỏ bớt sự lựa chọn

Quá nhiều lựa chọn có thể là một tác nhân gây căng thẳng tiềm ẩn lớn trong cuộc sống của bạn. Nó làm tiêu hao năng lượng nhận thức của bạn và làm suy yếu hạnh phúc cốt lõi của bạn bằng cách khiến bạn cảm thấy ít kiểm soát hơn và ít viên mãn hơn. Bằng cách loại bỏ sự lựa chọn, bạn sẽ đơn giản hóa cuộc sống của mình theo những cách có thể thay đổi cả sức khỏe và hạnh phúc của bạn.Ví dụ, bạn có thể lập bảng kế hoạch các bữa ăn trong tuần, sau đó mua thực phẩm và sơ chế từng món vào cuối tuần sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian thay vì ngày nào cũng nghĩ mình nên ăn món gì và đi chợ để mua. Hoặc bạn có thể chỉ để 3-5 bộ quần áo trong tủ và thay đổi mỗi ngày mà không lo lắng mọi người sẽ đánh giá ra sao về cách ăn mặc giản dị của mình.

Minh Đức
.
.
.