An ninh hạt nhân: Ngồi trên lửa

Thứ Sáu, 22/04/2016, 16:13
Cộng đồng quốc tế đang đặc biệt quan tâm đến Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4, diễn ra trong hai ngày 31/3 và 1/4 tại thủ đô Washington của Mỹ. Hội nghị đạt được thành tựu đáng ghi nhận khi lãnh đạo 50 nước đưa ra tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan.

Kèm theo bản tuyên bố chung này là một phụ lục gồm 5 kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tham dự hội nghị và các cơ quan quốc tế. Điều này càng trở nên cấp bách trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, nhiều điểm nóng xuất hiện cùng với các tổ chức khủng bố, mưu toan sở hữu hạt nhân cho các mục đích nguy hiểm.

Nguy hiểm vẫn hiện hữu

Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân vừa kết thúc tại Washington được tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Barack Obama đưa ra hồi năm 2010, và cũng là hội nghị cuối cùng do ông chủ trì trước khi rời Nhà Trắng. 

Sáu năm trước, tại hội nghị lần đầu tiên, Tổng thống Obama từng vẽ ra viễn cảnh một thế giới không vũ khí hạt nhân, với những cam kết mạnh mẽ cùng Nga giảm mạnh kho hạt nhân chiến lược và nỗ lực thúc đẩy các quốc gia tăng cường bảo đảm an ninh hạt nhân và sử dụng vào mục đích hòa bình.

Hội nghị lần thứ tư trong chuỗi sự kiện cấp cao do chính ông Obama đề xuất này là dịp để Tổng thống Mỹ cùng các nhà lãnh đạo đánh giá mức độ bảo đảm an ninh hạt nhân và thúc đẩy hiệu lực Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, văn kiện được kỳ vọng là "hiệp ước chủ chốt" với khoảng 100 nước tham gia.

Sự phối hợp giữa các nước thực thi các thỏa thuận về an toàn hạt nhân đạt kết quả tích cực. Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 đạt được thông qua đàm phán góp phần khẳng định cách thức hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này. Ngoài ra, việc giám sát và bảo đảm an toàn tại các cơ sở có lưu giữ nguyên liệu hạt nhân có nhiều chuyển biến khả quan.

Theo đó, chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng urani làm giàu cấp độ cao tại 12 quốc gia, đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng urani làm giàu cấp độ thấp tại 24 lò phản ứng và nâng cấp an ninh tại 32 cơ sở lưu giữ nguyên liệu có thể phân hạch.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2016 tại Washington.

Hội nghị năm nay cũng đã thảo luận các sáng kiến nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân và các chất phóng xạ, cùng các kế hoạch hành động đối với năm tổ chức quốc tế chính, gồm Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên Hợp Quốc, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân, và Hợp tác toàn cầu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Mỗi kế hoạch hành động đã vạch ra mục tiêu để các nước tham gia thể chế và sáng kiến quốc tế đó theo đuổi. Hội nghị đã trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định cam kết ở mức cao nhất về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh "nguy cơ thường trực và ngày càng gia tăng" về khủng bố hạt nhân toàn cầu và cam kết ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay các phần tử cực đoan.

Từ đầu năm tới nay, Triều Tiên tuyên bố thử thành công một quả bom nhiệt hạch, phóng một tên lửa tầm xa mang vệ tinh lên quỹ đạo và liên tiếp thử tên lửa tầm ngắn, khiến dư luận quốc tế không khỏi quan ngại về tiến trình phi hạt nhân hóa tại bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó là mối quan ngại từ nguy cơ khủng bố hạt nhân toàn cầu, nổi lên là hiểm họa từ việc các lực lượng thánh chiến, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sở hữu bom phóng xạ. 

Theo giới chuyên gia, IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ - loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và sức khỏe.

Tham vọng và từ bỏ

Trên thực tế, nhiều ý kiến nhận định hội nghị an ninh hạt nhân cuối cùng của ông Obama không thực sự thành công và càng làm dấy lên hoài nghi về quyết tâm của Mỹ. Các cuộc thảo luận chịu áp lực từ sự vắng bóng của "cường quốc hạt nhân" Nga và "bên liên quan trực tiếp" Iran.

Giới phân tích cho rằng, việc Tổng thống Nga từ chối tham dự khiến hội nghị do ông Obama chủ trì chỉ mang tính hình thức. Nói cách khác, muốn đạt được an ninh hạt nhân thực sự, vốn là vấn đề được ông Obama tỏ ra hết sức quan tâm từ khi lên nắm quyền, Mỹ phải "nói chuyện" với Nga.

Để xây dựng một thế giới phi hạt nhân trong tương lai, các "ông lớn" phải bỏ qua mọi cạnh tranh và lợi ích cá nhân để hướng tới hợp tác chặt chẽ và toàn diện.

Trong khi đó, đại diện cấp cao của Iran lại không được mời với lý do Mỹ chỉ hoan nghênh các quốc gia "có thái độ tích cực về an ninh hạt nhân", khiến cuộc thảo luận tại Washington trở nên tẻ nhạt.

Nga từng nhấn mạnh, an ninh hạt nhân là vấn đề cấp bách và Nga đã trao đổi với Mỹ trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, Nga không tham dự hội nghị lần này do phía Mỹ không hợp tác trong quá trình chuẩn bị về các vấn đề cũng như đề tài thảo luận. Điện Kremlin từng chỉ trích Nhà Trắng chỉ biết "nói dối", trong khi vẫn âm thầm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

Dưới thời ông Obama, nước Mỹ tiếp tục lên kế hoạch đóng mới các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, chế tạo máy bay ném bom thế hệ mới có khả năng mang vũ khí hạt nhân với ngân sách lên đến khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 30 năm tới.

Cho đến nay, thế giới chưa hề phải đương đầu với chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Dù vậy, giới truyền thông vẫn đồn thổi về việc rò rỉ các công nghệ hạt nhân từ Pakistan, Triều Tiên và thậm chí là cả EU.

Trước tình hình này, cả Nhà Trắng và Điện Kremlin vẫn luôn giữ vững tuyên bố rằng, cả hai bên sẽ cố gắng duy trì cam kết hợp tác trong lĩnh vực chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Bất chấp những bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, Ấn Độ và Triều Tiên, cả Mỹ và Nga đều tuyên bố sẽ nỗ lực để thúc đẩy các quy định về không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm tiến tới một lộ trình dù còn nhiều hạn chế nhưng vẫn đủ để các bên hợp tác với nhau. Và chính Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân là nơi để Mỹ và Nga đối thoại riêng.

Ý tưởng về chống chủ nghĩa khủng bố hạt nhân đã trở thành một trong những trọng tâm của chính sách ngoại giao của Mỹ trong vòng 12 năm qua. Tuy nhiên cho đến thời cầm quyền của ông Obama, Mỹ cũng chỉ đạt được những thành công hạn chế. Và sau khi rời khỏi chính trường, ông Obama có thể để lại cho người kế nhiệm một chính sách hạt nhân mập mờ và không bền vững.

Cho đến nay, thế giới vẫn chứng kiến nhiều quốc gia chưa hề từ bỏ tham vọng hạt nhân cũng như mối đe dọa từ việc các lực lượng thánh chiến sở hữu vũ khí hạt nhân.

Điều này phản ánh một sự thật rằng, mỗi bước đi của Mỹ dường như càng làm nóng thêm cuộc chạy đua vũ trang chứ không hẳn hướng tới viễn cảnh một thế giới phi vũ khí hạt nhân. Giới phân tích cho rằng, Mỹ đang muốn nắm thế thượng phong trong cuộc chơi hạt nhân đầy thử thách này. Mỹ đang tước dần quyền sở hữu hạt nhân của các quốc gia và tạo dựng những "trung tâm quốc tế" mà trên thực tế đều do Washington điều hành, để giám sát mọi hoạt động "nhạy cảm" liên quan đến nguyên liệu hạt nhân.

Phía Washington cũng đưa ra nhiều tuyên bố hành động nhằm giảm số lượng đầu đạn hạt nhân được các nước chế tạo cũng như ngầm cảnh báo về những biện pháp trấn áp nhằm vào các đối tượng bị Mỹ coi là "nguy hiểm".

Tổng thống Obama từng cảnh báo, những "gã điên IS" sẽ không ngần ngại thực hiện một vụ tiến công hạt nhân kinh hoàng. Trong bối cảnh các lực lượng khủng bố tại nhiều điểm nóng xung đột mưu toan sở hữu vũ khí hạt nhân, nhiệm vụ tăng cường an ninh cho các cơ sở hạt nhân càng trở nên cấp bách, và do đó rất cần "sự nêu gương" từ phía Mỹ.

Suy cho cùng, vẫn còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn các lực lượng "phi nhà nước" sở hữu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ có thể sử dụng cho mục đích đen tối. Nhiều quốc gia vẫn không từ bỏ vũ khí hạt nhân, nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay các tổ chức khủng bố vẫn hiện hữu.

Và để loại bỏ "bom khủng bố hạt nhân" vẫn chực chờ phát nổ, ngoài các cam kết lâu nay là giải trừ, không phổ biến hạt nhân và sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thì cần phải thực thi bảo đảm an ninh hạt nhân ở mức cao nhất, cũng như tăng cường tối đa hợp tác giữa các "ông lớn", trong khi bỏ qua mọi cạnh tranh và lợi ích cá nhân. Có như vậy, viễn cảnh một thế giới hòa bình phi hạt nhân mới sớm trở thành hiện thực…

Lê Nam
.
.
.