Ăn cơm bụi ở Myanmar

Thứ Sáu, 15/04/2022, 21:45

Cuối 2018 vắt sang nửa năm 2019, may mắn thay tôi được thong thả đạp xe qua các nước lục địa Đông Nam Á, kịp lúc trước khi COVID xuất hiện. Trong bằng ấy nước đi qua, nếu chỉ được chọn một nước để quay lại, có lẽ tôi sẽ chọn Myanmar (Miến Điện). Với tình hình chính trị phức tạp liên miên, gần như Myanmar được coi là đất nước bí ẩn nhất Đông Nam Á.

Mãi đến đầu thập niên trước, quốc gia này mới mở cửa rộng rãi với thế giới, du khách khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng một “nàng công chúa ngủ trong rừng” còn giữ nguyên nhiều truyền thống tập tục, kể cả sau mở cửa gần thập niên. Đến Myanmar, bạn sẽ không tránh khỏi cảm giác như được gặp lại Việt Nam của ngót nghét ba chục năm trước. Đến Myanmar, giữa vô vàn những khác lạ, đặc trưng, bạn sẽ thấy thoảng đâu đó hình bóng quê nhà của tuổi ấu thơ: một bến xe chập choạng tối, một con đường xa ngái bụi mù, một quán cơm bên đường mà tôi không khỏi bồi hồi nhớ về cơm bụi của những năm 90 thế kỷ trước.

Cơm bình dân nhưng vô cùng vương giả

Sảy nhà ra ăn quán. Nếu có điều kiện rong ruổi trên các con đường quê chẳng mấy khách du lịch đi qua, ăn hàng quán ở những vùng thôn dã, bạn sẽ thấy mỗi nước, hay thậm chí mỗi vùng đều có phong cách phục vụ riêng. Đến Thái Lan hay Lào, thứ phổ biến nhất là một cốc nước đá khách tự phục vụ. Đến Malaysia vào quán Ấn, quán Mã bạn sẽ phải đặt niềm tin vào chủ quán vì mọi đồ ăn đều sền sệt cà ri như nhau. Còn nếu bạn đến khu ăn uống cộng hợp của người Hoa, bạn sẽ thấy mình như lạc vào một bộ phim Hong Kong với những giọng Quảng Đông, Phúc Kiến rõ to xướng tên món ăn đến bếp chuyên môn về món đó.

Ăn cơm bụi ở Myanmar -0
Quán mohinga ở Yagon, Myanmar.

Còn đến Myanmar, khác xa với cái nghèo nghèo của những nếp nhà lá trên đồng bằng Irrawaddy mùa hạn, mỗi bữa cơm bụi ở đây khách có cảm giác như được tận hưởng một bữa tiệc đầy bàn, đâu đó chừng 8 – 9 món. Tất cả những gì bạn cần làm là chọn cho mình một món chính, thường là món thịt hoặc cà ri. Còn lại là cơm, là canh, là rau tươi, rau trần nước sôi quẹt đồ chấm và chừng 3-4 món phụ khác như cá, đậu, lạc, rau xào, rau dưa… Thực ra thì người Myanmar không gọi đây là cơm bụi, họ gọi là quán ven đường hay cơm ven đường, nhưng tôi thấy đường nhiều bụi thì tự gọi là cơm bụi thôi. Có lẽ 30 năm trước cơm bụi Việt Nam tên là cơm bụi cũng vì lý do này vậy. Nếu để ý bạn sẽ thấy giờ không còn ai gọi thế nữa rồi.

So với thức ăn của những nơi khác, tôi cảm thấy thức ăn Myanmar hợp khẩu vị mình hơn cả. Không quá ngọt như Thái, không quá cay như Mã Lai và đặc biệt luôn thừa mứa rau xanh. Ẩm thực Myanmar bị coi là lép vế giữa những hàng xóm Ấn, Thái, nhưng với tôi nó phong phú và đa dạng vô biên. Đến quán cơm bụi Myanmar, tôi thấy mình vương giả như vua, trong khi số tiền bỏ ra, nói không ngoa thì cũng là rẻ nhất Đông Nam Á.

Này nhé. Mỗi sáng bạn có món bún mohinga quốc dân 500 kyat là đắt nhất (100 kyat xấp xỉ 1.300 vnd, tính ra bạn chỉ mất chừng 6.500 đồng), có những vùng tôi đi chỉ có 300 kyat. Bạn có thể ăn bánh rán samosa gốc Ấn (100 kyat/cái) với trà cổ truyền Miến Điện (500 kyat). Còn bữa cơm vương giả như trên tôi nói thì dao động từ 1.100 kyat đến 1.500 kyat tùy mỗi vùng, sang chảnh lắm là chỉ khoảng 2.000 kyat.

Năm 2019, thu nhập bình quân tính theo đầu người là 1.270 USD (số liệu của Ngân hàng thế giới).  Theo tỷ giá của năm này thì tương đương với 1.912.000 kyat. Mức lương tối thiểu năm 2019 là 4.800 kyat một ngày, xấp xỉ để một thanh niên độc thân ăn hàng ba bữa và không tiêu gì. Tính ra thì cũng là eo hẹp nhưng sẽ không là quá tệ nếu tình hình giá cả vẫn cứ như thế. Cho đến một ngày…

“Ở đây không ai quan tâm đến COVID!”

“Hàng quán không đóng cửa. Ở đây, không ai quan tâm tới COVID!”, Su Su, cô bạn gái tôi kịp quen trong những ngày ngắn ngủi ở Kawkereik gần biên giới với Thái Lan nhắn tin với tôi vậy khi tôi hỏi thăm tình hình dịch bệnh và phong tỏa. “Nghe thấy gì không, người ta đang chiến đấu với nhau trong khu này. Có thể là giữa KNU với quân đội chính phủ. Chuyện đó đã xảy ra thường xuyên từ tháng 2 năm ngoái. Cũng giống như hơn 10 năm trước thôi”. Và hàng ngày đi làm, cô vẫn đi về giữa những bất ổn khôn lường trên đường như vậy. 

Tháng 2-2021, giữa lúc cả thế giới lo sợ trước đại dịch cúm hoành hành thì nền dân chủ Myanmar vốn mỏng manh lại một lần nữa bị đưa vào vòng lửa thử thách. Quân đội đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự. Aung San Suu Kyi bị bắt. Biểu tình khắp nơi, nhiều phe phái nổi dậy tiếp tục công cuộc đòi ly khai, độc lập. Nhân viên công chức nhà nước thôi việc để phản đối chính quyền. Thậm chí từ chối tiêm vaccine cũng là một hành động đấu tranh. Họa vô đơn chí, những xung đột vũ trang ở Nga và Ukraine gần đây dẫn đến giá dầu mỏ leo thang cũng làm cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn vì dịch bệnh, biến động chính trị, xung đột sắc tộc lại càng khó khăn hơn. 

Ăn cơm bụi ở Myanmar -0
Một mâm cơm bụi ở Myanmar với đủ các món ăn

“So với cách đây 3 năm mọi thứ đều đắt đỏ lên. Đi ăn cơm ngoài giờ phải từ 3.000 đến 5.000 kyat, tức là gấp đôi. Nhiều thứ khác cũng tương tự. Tháng trước một lít dầu ăn 1.300 kyat, giờ đã lên 4.900 kyat. Trước đây, giá xăng 410 kyat, giờ 2.100 kyat. Giá vé xe buýt cũng gấp đôi”. Nho San, cựu giảng viên tiếng Anh ở một trường đại học tại Hpa-an chia sẻ. Từ khi thôi việc ở trường cô bắt đầu đời sống bấp bênh của một freelancer, dạy học trực tuyến, và di chuyển thường xuyên giữa những nhà bà con họ hàng. Cô nói mình phải tránh mặt ở nhà một thời gian.

Thiếu ăn, đói ăn là thực trạng hiện hữu. Cay đắng thay câu chào cửa miệng “Ăn cơm chưa?” của người Myanmar lại trở thành câu hỏi đúng nghĩa của nó, nhất là trong những khu trại tị nạn, nơi mà người dân bị bứng khỏi ngôi làng của mình sống cuộc đời làm thuê chưa ráo mồ hôi đã hết tiền thì phong tỏa gần như đã đẩy họ vào đường cùng, chỉ sống lay lắt nhờ các quỹ từ thiện. Theo thống kê của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn, cuối năm 2020, Myanmar đã có xấp xỉ 370.000 người phải tị nạn trong nước, và chỉ tính từ tháng 2-2021, con số tăng thêm 189.000 người.

Thức ăn là trại tị nạn cuối cùng

Nhân ngày Hòa Hợp (Harmony Day) 21-3-2016 ở Úc, có một bộ phim tài liệu được trình chiếu với cái tên thật sự ý nghĩa “Trại tị nạn cuối cùng: Câu chuyện thức ăn từ Myanmar đến Coffs Habour”. Tên phim lấy cảm hứng từ nhận định đáng nhớ “Thức ăn là trại tị nạn cuối cùng” trong cuốn sách ẩm thực của nhà nhiếp ảnh người Canada Naomi Duguid: “Burma: Rivers of flavors” (Burma: Những dòng sông chở đầy hương vị). Bộ phim kể về câu chuyện của hơn 300 người dân Myanmar di cư tới Coffs Harbour, Úc.

Một số người đã chờ đợi trong các trại tị nạn hơn 20 năm trước khi cập bến cảng địa phương này. Họ chạy trốn khỏi quê hương, không mang gì ngoài những ký ức và những câu chuyện. Nhưng chính ký ức và câu chuyện đã giúp họ duy trì truyền thống của mình. Và trong số đó thức ăn là một phần quan trọng trong việc tìm lại danh tính văn hóa của họ trên đất khách quê người. Từ những thiếu thốn về các nguyên liệu thành phần, họ dần tìm ra và biến tấu sao cho đúng mùi vị nguyên bản nhất. Thức ăn là nơi kết nối họ với nguồn gốc quê nhà, là chốn bình yên thiêng liêng cuối cùng trong trái tim họ. “Tôi nhớ quê nhà mỗi khi ăn. Nhưng làng của chúng tôi không bao giờ ngừng chiến. Một cuộc sống bình yên thì quan trọng hơn là thức ăn”. Rồi qua thức ăn, người ta lại đau đáu về quê nhà.

Hơn 300 người ở Coffs Habour chỉ là con số nhỏ so với tổng số người tị nạn của Myanmar, so với tổng số người tị nạn, lưu vong của mọi quốc gia trên thế giới này. Và tôi cũng hiểu được phần nào nỗi “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” của những người Việt xa xứ, dù là bất cứ lý do gì. Sáu tháng rong ruổi với tôi, một bát nước canh rau muống vắt chanh luôn là ước ao giản dị mỗi lần nghĩ tới chuyện ăn uống. Đôi khi chính hương vị bình dị, dân dã nhất, đặc trưng nhất của quê hương lại khiến người xa quê khắc khoải muôn phần.

Và trên chính quê hương mình, thức ăn là điều kiện sinh tồn cơ bản nhất của con người. Những ngày này, Myanmar đã mở đường bay. Tôi đang băn khoăn không biết nếu trở lại, tôi có còn được bất ngờ xuýt xoa về cái sự trù phú như bàn tiệc trong một quán ăn bình dị khiêm nhường ven đường bụi đất của xứ sở chùa vàng này hay không nữa. 

Quế Chi
.
.
.