Viết về miền núi, trường hợp Cao Duy Sơn

Chủ Nhật, 25/07/2021, 12:56
Văn xuôi về miền núi lâu nay vẫn được hình dung như một thể hợp thành từ hai nguồn tác phẩm: tác phẩm do những nhà văn đích thực là người miền núi viết, và tác phẩm do những nhà văn không phải người miền núi nhưng từng có thời gian sống và làm việc ở miền núi, có những hiểu biết nhất định về đất và người miền núi, viết.


Với cách hình dung theo nguồn gốc xuất thân của tác giả như vậy, tác phẩm văn xuôi của nhà văn Cao Duy Sơn đương nhiên thuộc về nguồn thứ nhất. Bởi, Cao Duy Sơn - tên thật là Nguyễn Cao Sơn - vốn là người Tày, sinh ra và lớn lên tại thị trấn Cô Sầu (Cổ Lâu) thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. "Thị trấn Cô Sầu", theo từ vựng hành chính thì là như vậy. Nhưng trong cách nói của dân gian, nhất là trong văn Cao Duy Sơn, nó đơn giản là "lũng Cô Sầu". Một cái địa danh ấy thôi mà chứa đủ chuyện để ông cho ra đời năm tập truyện ngắn và sáu tiểu thuyết, làm thành một cái viết miền núi mang đặc trưng Cao Duy Sơn.

Tôi muốn nói về cái viết miền núi của Cao Duy Sơn, trước hết và chủ yếu, từ một cuốn sách mỏng nhưng đã giúp ông nhận được những giải thưởng văn chương (tạm coi như) đáng kể nhất: tập truyện ngắn "Ngôi nhà xưa bên suối" gồm bảy truyện, in năm 2007, năm 2008 được giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, năm 2009 được giải thưởng ASEAN. Những chủ đề cơ bản trong văn Cao Duy Sơn, có thể khẳng định, đều tập trung trong "Ngôi nhà xưa bên suối".

Với bảy truyện trong tập này, Cao Duy Sơn không khai thác miền núi ở phương diện đường rừng đầy chất huyền hoặc, rùng rợn, ma quái như những Thế Lữ, Lan Khai, Tchya Đái Đức Tuấn đã làm trước năm 1945. Ông cũng không mô tả miền núi trong làn sóng đấu tranh cách mạng, trong công cuộc tiễu phỉ hay trong sự thay đổi khi tiếp xúc với những "cái hiện đại" miền xuôi như ở tác phẩm của Tô Hoài, Hoàng Triều Ân hay Ma Văn Kháng. Ông lại càng không tỏ ra nỗ lực để viết về số phận cuộc đời và "thân phận tình yêu" đầy những nghịch cảnh éo le của người đàn bà miền núi như trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của Đỗ Bích Thúy, một nữ nhà văn thuộc lớp sau.

Cái viết miền núi của Cao Duy Sơn - ở "Ngôi nhà xưa bên suối" cũng như ở tất cả các tác phẩm còn lại - chỉ là kể và ngẫm về những chuyện vẫn thường xảy ra trong cái "cõi người ta" phổ quát, với những được và mất, vui và buồn, sướng và khổ, hy vọng và tuyệt vọng, yêu thương và thù hận… (Điều này khiến tôi, đến đây, muốn gạch một ghi chú nhỏ: Cao Duy Sơn không viết miền núi với mục đích tạo nên một diễn ngôn "bản sắc mạn ngược" cho người đọc miền xuôi - nhiều tác giả người miền núi đã và đang viết miền núi như vậy - mà ông biết vượt qua cái quán tính tòng thuộc kỳ quặc đó để viết, bằng tâm thế bình đẳng trước mọi người đọc). Câu hỏi cần thiết phải đặt ra ở đây là: vậy, những gì đã thực sự làm nên đặc trưng cho cái viết miền núi của Cao Duy Sơn? Theo tôi, có hai chủ đề chính, là sự xung đột trong gia đình, và… tình yêu của những người già.

Trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam về miền núi nói chung, chủ đề xung đột gia đình thường được triển khai như sự cụ thể hóa cho: 1/ xung đột ý thức hệ chính trị - tín ngưỡng, 2/ sự đối đầu thế hệ (xung đột cũ/ mới), 3/ xung đột luân lý/ dục vọng cá nhân. Theo mô hình trên, sự xung đột gia đình trong cái viết miền núi của Cao Duy Sơn chính là xung đột luân lý/ dục vọng cá nhân. Truyện ngắn "Song sinh" kể chuyện người em chồng thầm mê chị dâu.

Lợi dụng sự giống nhau bề ngoài của hai anh em sinh đôi, hắn đã giả làm người chồng để xâm phạm người vợ và bị anh trai bắt quả tang tại trận. Cái kết của sự tích trầu cau viết ngược này khá bi thảm: hai vợ chồng người anh bỏ làng vào Tây Nguyên, người em phải thế thân anh để trở lại đơn vị bộ đội, đi tháo mìn và bị mìn nổ làm cụt cả đôi chân, phải sống cảnh tàn phế suốt đời dưới một thân phận giả. Thông điệp của truyện đã rõ ràng: khi người ta để cho dục vọng cá nhân phá hoại luân lý thì cái giá phải trả sẽ là rất đắt.

Trong truyện ngắn "Hòn bi đá màu trắng", người đàn ông tên Dồ vì yêu cây nhị hơn tất cả mọi thứ trên đời, hơn cả vợ con hắn, nên rốt cuộc phải ngồi tù tám năm vì cơn ghen tình phát tác. Khi Dồ ra tù thì nhà cửa trống trơn, vợ con đã bỏ đi hết, cái còn lại cho Dồ chỉ là hòn bi đá màu trắng mà con trai hắn gài trong bầu cây nhị. Dục vọng cá nhân ở đây đã chuyển dịch từ ham muốn thân xác vào ham muốn nghệ thuật, xác lập một tuyên chiến với sự tồn tại ổn định và giá trị của đời sống gia đình. (Thêm một lần nữa tính chất lưỡng trị của nghệ thuật được đề cập: nó có thể sinh tạo đấy, nhưng nó cũng đầy khả năng hủy diệt đấy).

Tuy nhiên, phải đến tác phẩm mới nhất, tiểu thuyết "Biệt cánh chim trời", Cao Duy Sơn mới đẩy xung đột gia đình lên tận độ. Lão Lục Kin Phúng và con dâu vì không kìm chế được nhục dục nên đã làm chuyện tày trời với nhau (có con) và bị Chuân, con trai lão Phúng, phát giác. Bi kịch đã diễn ra và kéo dài suốt mấy chục năm trong cái gia đình ấy, như một hệ quả tất yếu, khi mọi thành viên sống chỉ để tra tấn lẫn nhau từ ngày này qua ngày khác, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Thậm chí họ lấy sự tra tấn lẫn nhau làm niềm vui sống, qua đó tự biến ngôi nhà đá lợp ngói âm dương của gia đình mình thành một cái trại tâm thần kinh khủng giữa lòng lũng Cô Sầu. Kết cục của lão Phúng là chết treo trên cây dẻ. Lão chết vì tự tử hay bị sát hại, tác giả để ngỏ, không nói, nhưng lại đặt vòng dây thòng lọng từng treo cổ lão trên bàn thờ cùng với mảnh giấy ghi những chữ đầy đe dọa: "Xem xong đặt lại chỗ cũ". Chi tiết ấy không chỉ bí ẩn hóa cái chết của nhân vật, mà thực chất, nó hình ảnh hóa sự bế tắc và tàn lụi của đời sống gia đình một khi người ta đã thả trôi bản năng, để dục vọng cá nhân đưa mình tới chỗ loạn luân.

 Về chủ đề tình yêu của những người già, quả thực, đây là một đặc sắc trong cái viết miền núi của Cao Duy Sơn. Những gì là trữ tình nhất, thơ mộng nhất, thấm thía nhất, ngậm ngùi nhất trong văn Cao Duy Sơn, có lẽ nằm gọn ở chủ đề này. Những người già ấy, dù họ là lão Sinh và "Ếm" của lão trong truyện ngắn "Chợ tình", là lão Khơ và bà Dình trong truyện ngắn "Hoa bay cuối trời", hay Súc Hỷ và bà Dinh trong truyện ngắn "Súc Hỷ", thì đều chung một motif: họ yêu nhau từ trẻ nhưng không thành vợ thành chồng được với nhau, dù vậy họ vẫn giữ vẹn nguyên trong mình tình yêu ấy cho đến tận khi răng long đầu bạc, bất kể sự trôi chảy của con nước bạc thời gian.

Điểm chung thứ hai: khung nền cho tình yêu của họ luôn là những sinh hoạt văn hóa - phong tục mang nét riêng của người Tày Cao Bằng, như chợ tình Âu Lâm, hội cướp đầu pháo Pác Gà, hay tục hát khai vài xuân Cô Sầu. (Do vậy, dù không định tạo nên diễn ngôn "bản sắc mạn ngược", truyện ngắn Cao Duy Sơn nói chung vẫn chứa đựng cảm giác thú vị từ những hiểu biết văn hóa - phong tục miền núi rất rành rẽ). Nhưng ở mỗi truyện nhà văn lại cấp cho nó một ý nghĩa riêng. "Chợ tình" là nỗi ngậm ngùi trước sự tàn lụi, già đi, chết đi mang tính tất yếu của đời người. Thời gian của chuyện kể là ba năm, tương đương với ba lần lão Sinh đến chợ tình Âu Lâm. Lần thứ nhất "Ếm" của lão nói chân lão đã nhỏ đi, mang không vừa đôi giày vải bà tự tay làm cho lão năm nào.

Lần thứ hai đi chợ lão không gặp bà, đành ra về mà "trong lòng có ngọn gió buồn nhẹ thổi". Lần thứ ba thì lão biết bà đã qua đời, lão đốt đôi giày vải, như thể hóa vàng kỷ vật tình yêu cho hương hồn người khuất núi. "Súc Hỷ", ngược lại, là cảm giác ấm lòng khi rốt cuộc, những tình nhân năm xưa lại được nương tựa nhau ở cái tuổi gần đất xa trời. Năm xưa ấy, khi Dinh lấy chồng, Hỷ đã vượt tường vào nhà định cướp Dinh đi. Bị người nhà Dinh bắt, đánh cho một trận nhừ tử, Hỷ nhục nhã ê chề bước vào đền Phja Phủ, cuồng loạn đánh vào cái chuông đền cho đến khi nó nứt ra. Còn năm nay, khi hai người chính thức làm bạn với nhau vào đêm trừ tịch, thì: "Ngoài xa chợt vọng về tiếng chuông đền Phja Phủ. Âm thanh của chiếc chuông đồng bị nứt ngân nga như bè hát Hà lều. Mú Dinh mủm mỉm cười. Tiếng chuông vọng vang vách núi bỗng nhắc mú nhớ chuyện ngày xưa. Mú kín đáo quay vào nhà, nâng vạt áo thấm những giọt nước mắt mỏng như những bụi mưa xuân"…

Ở "Hoa bay cuối trời", thậm chí tình yêu của tuổi già còn được Cao Duy Sơn làm cho trở nên thăng hoa, đẹp lung linh một sắc màu huyền thoại. Truyện ngắn kể rằng Khơ và Dình đã có lời hẹn ước thì bất đồ Dình bị bại liệt. Không muốn Khơ phải khổ vì mình, Dình tung tin đã lấy chồng ở xa, rồi bị ốm, rồi chết. Cỗ xe ngựa tự tay Khơ đóng để đón Dình về trong ngày cưới đành nằm im đó suốt mấy chục năm trời. Cỗ xe ấy chỉ được sử dụng vào lúc Khơ và Dình đã thành ông thành bà và sự sống của Dình đang trở nên rất đỗi mong manh. Cỗ xe có "màu gỗ lên nước đỏ sẫm", đánh vào con ngựa hồng, trên xe là một người đàn bà "mặt tươi như bông đào" đang ngủ. Cỗ xe đi về nơi ngày xưa hai người từng trao lời ước hẹn, "nơi có con suối và những cây đào cổ thụ đang trút lá vàng". Ngày cưới của họ là thế, tuy muộn, nhưng rốt cuộc nó vẫn đến, vẫn mang lại một chút niềm vui cho người trước giờ vĩnh quyết: "Dường như bà đã đem theo vào giấc ngủ một tâm trạng vui. Niềm vui trong ngày cưới không phù dâu, phù rể sóng bước hai bên chiếc xe ngựa do chính tay lão Khơ đóng cách đây đã mấy mươi năm, chưa một lần lăn bánh, chưa một lần có ai ngồi lên, đang đưa bà đi về cuối chân trời"…

Chưa bao giờ là một gương mặt nổi bật của văn học Việt Nam đương đại - theo cái nghĩa là một tác giả được đông đảo độc giả săn đón và giới phê bình báo chí quan tâm sâu sát - nhưng Cao Duy Sơn, bằng những tác phẩm truyện ngắn và tiểu thuyết của mình, bằng cái viết miền núi của mình, vẫn tạo được một chỗ đứng riêng, vững chắc. Trở đi trở lại với những câu chuyện - tôi muốn gọi là những dật sự - ở lũng Cô Sầu cũ kỹ, ông đã bóc tách được cuộc sống và số phận con người nói chung ở những phương diện khá mới mẻ, cấp cho nó những hình thức có khả năng khiến cho người ta thấy "cuộc sống này" không khi nào xưa cũ. (Xuân Diệu: Sự sống chẳng bao giờ chán nản). Làm được như vậy, đối với một nhà văn, không thể nói là không đáng kể.

Hoài Nam
.
.
.