Quanh cuộc "đấu khẩu" giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Pháp: Răng cắn vào môi!

Thứ Hai, 26/11/2018, 16:59
“Tổng thống Pháp Macron đề nghị châu Âu tự xây dựng lực lượng quân đội để bảo vệ mình khỏi Mỹ, Trung Quốc và Nga. Rất xúc phạm. Có lẽ châu Âu nên trả đủ khoản chia sẻ chi phí của NATO mà hiện Mỹ phải bao cấp rất nhiều!” - Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đăng những dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter như vậy ngay khi chiếc chuyên cơ Không lực Một chở ông và phu nhân hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Paris nước Pháp ngày 9-11 trong chuyến thăm châu Âu.


Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại

Đây là chuyến thăm Pháp lần thứ hai của ông D.Trump kể từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, cũng là để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. 

Nhưng, những lời đấu khẩu mà hai bên ném vào nhau trước, trong và sau chuyến thăm của ông Trump đã biến chuyến thăm này bị đa phần giới phân tích đánh giá là “thảm họa” (về mặt ngoại giao) đối với Tổng thống Mỹ.

Xuất phát điểm của lời kết tội “rất xúc phạm” mà Tổng thống D.Trump nói đến trong dòng tweet của mình là nội dung bài phát biểu của Tổng thống Pháp Macron trên Đài Europe-1 rằng “chúng ta (tức châu Âu) phải tự bảo vệ chính mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ”.

Mối quan hệ “môi hở răng lạnh” lâu nay giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu đã có những dấu hiệu rạn nứt. Ảnh: L.G.

Phát biểu này, rõ ràng là bằng một cách nào đó, đã bị (cố tình hoặc ngẫu nhiên) cắt xén khi nó đến tai Tổng thống Mỹ khiến ông Trump nổi đóa lên. Bối cảnh bị cắt xén khỏi câu nói của Tổng thống Pháp chính là việc ông Macron đề cập tới việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Hạt nhân về tên lửa tầm trung INF thì châu Âu và an ninh của châu Âu sẽ là “nạn nhân” chính và do vậy, châu Âu cần phải tự lo lấy thân chứ không nên quá phụ thuộc vào Mỹ.

Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại, những lời đấu khẩu giữa hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc phương Tây không dừng lại ở đó. Trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất tổ chức ở Paris có mặt ông Trump, Tổng thống Pháp đã không ngần ngại “vỗ mặt” người đồng cấp khi tuyên bố rằng “chủ nghĩa dân tộc là con quỷ già đang nhăm nhe quay trở lại mặt đất để gieo rắc sự hỗn loạn và cái chết”, khẳng định nó là “sự phản bội lại lòng yêu nước”.

Một người như ông Trump đời nào lại để bị dội nước lạnh vào đầu như thế. Trở về Washington, ông trút cơn thịnh nộ vào những dòng tweet, chế nhạo Tổng thống Pháp có tỷ lệ ủng hộ thấp, chỉ trích việc rượu vang Pháp nhập khẩu vào Mỹ được hưởng mức thuế thấp trong khi rượu vang Mỹ bán ở Pháp bị áp thuế rất cao, đồng thời cho rằng không có nước nào “theo chủ nghĩa dân tộc” lớn như ở Pháp...

Đáp lại, khi trả lời câu hỏi của phóng viên Đài TF1 trên tàu sân bay Charles de Gaulle, ông Macron thẳng thừng: việc Pháp là đồng minh của Mỹ không có nghĩa Pháp phải trở thành chư hầu của Mỹ!

Trục Paris - Berlin

Vượt ra khỏi những tiếng bấc tiếng chì giữa hai nhà lãnh đạo ở hai bờ Đại Tây Dương, câu chuyện này chỉ ra một thực tại: mối quan hệ “môi hở răng lạnh” bấy lâu nay giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu đã có những dấu hiệu rạn nứt mà nguyên nhân sâu xa không nằm ở (thuế) rượu vang hay những dòng tweet giận dữ...

Vấn đề nằm ở những phát biểu của Tổng thống Macron về việc châu Âu cần xây dựng một “đội quân” để tự mình đảm bảo an ninh không chỉ đại diện cho nước Pháp!

Chỉ ít ngày sau phát biểu của ông Macron, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã công khai ủng hộ ý tưởng này khi tuyên bố rằng châu Âu cần “tự nắm lấy số phận của mình” bằng cách thành lập ra một đội quân riêng của châu Âu.

Một tuần sau đó, khi Tổng thống Pháp Macron thăm Đức, ý tưởng này tiếp tục được hai nhà lãnh đạo nhắc lại và trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức, Tổng thống Macron còn khẳng định rằng “châu Âu không được trở thành món đồ chơi của các cường quốc!”.

Sau khi Anh đã bắt đầu tiến trình Brexit, châu Âu giờ đây được dẫn dắt bởi hai đầu tàu Pháp - Đức và sự đồng thuận của trục Paris - Berlin trong ý tưởng thành lập một đội quân riêng của hai người đứng đầu chính phủ hai nước truyền đi một thông điệp rõ ràng: châu Âu muốn biến mong muốn thầm kín bấy lâu nay về việc thoát khỏi sự phụ thuộc (ít ra là về mặt an ninh) vào Mỹ, trở thành hiện thực.

Hệ lụy khi INF gãy đổ

Quay lại với tuyên bố của ông Macron về ý tưởng thành lập đội quân châu Âu có xuất phát điểm là việc Mỹ đe dọa rút hỏi Hiệp ước Thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung INF.

Được nhà lãnh đạo Xôviết Mikhail Gorbachev ký với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987, trong một thời gian dài, INF là công cụ cơ bản để đảm bảo cho châu Âu an toàn trước các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Liên Xô và sau đó là Nga. Lý do là bởi về mặt địa lý, chỉ có châu Âu, mà phần lớn ở đây là các thành viên trong NATO, mới có vị trí nằm gần nước Nga, chứ còn nước Mỹ ở xa tít mù tắp.

Công cuộc “Đông tiến” của NATO sau khi Liên Xô sụp đổ rõ ràng đã khiến Moscow không thể an lòng. Cũng là điều dễ hiểu khi mà Nga tăng cường năng lực phòng thủ của mình bằng các biện pháp răn đe nhằm vào những đối tác châu Âu thành viên của NATO, bằng cách cho phép tiến hành tập trận hoặc thậm chí triển khai các đơn vị vũ khí tác chiến trên lãnh thổ của mình.

Việc Mỹ xóa bỏ ABM và nay tiếp tục đe dọa rút khỏi INF là kết quả tất yếu của phương châm “Nước Mỹ trước tiên” về mặt an ninh. Bởi nó cho phép Mỹ hoàn toàn rảnh tay trong việc triển khai các đơn vị tên lửa hạt nhân tầm trung của mình, không chỉ ở Tây Âu như trước, mà còn có thể ở Ba Lan, Romania hay các nước vùng Baltic. 

Điều này trực tiếp đe dọa an ninh của Nga và hệ quả tất yếu là Moscow sẽ phải dồn các nguồn lực đáng kể nhằm tăng cường khả năng sống sót các hệ thống vũ khí của mình, trong khi nền kinh tế Nga đang đòi hỏi phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng.

Thực chất, nó vẫn là một cuộc đua về tiềm lực giữa Mỹ và Nga mà Mỹ hy vọng sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc chạy đua này, ấy là chưa kể với việc đe rút khỏi INF, Mỹ cũng tạo ra mối đe dọa tiềm tàng với Trung Quốc, đối thủ mà Mỹ đang trong cuộc thương chiến khốc liệt.

Nhưng, với việc Mỹ rút khỏi INF (nếu thành sự thực), tức là việc kiểm soát vũ khí chiến lược, vốn là cột trụ cốt lõi trong quan hệ Nga-Mỹ đã gãy đổ thì có nghĩa là Nga cũng có quyền tự do phát triển các loại vũ khí của mình. Thế nên là điều đương nhiên khi các nước châu Âu ở gần biên giới với Nga bị đặt dưới sự đe dọa các hệ thống vũ khí hiện đại của Nga.

Việc xóa bỏ ABM và đe dọa rút khỏi INF cho phép Mỹ triển khai các đơn vị tên lửa hạt nhân tầm trung ở Ba Lan, Romania và các nước vùng Baltic. Ảnh: L.G.

Bởi thế nên ý tưởng về việc thành lập một đội quân châu Âu, vốn không phải là mới mẻ gì, đã nhanh chóng được thể hiện qua các phát biểu của lãnh đạo châu Âu và là nguồn cơn cho những cơn thịnh nộ của ông Trump. 

Hình hài của đội quân đó như thế nào, có xung khắc với chính sự hiện diện của NATO hay không... chưa được chỉ ra một cách rõ ràng. Tuy nhiên, ngay cho dù đó chỉ là một cách diễn đạt mang tính chính trị thì điều hiển nhiên là mối quan hệ “môi hở răng lạnh” xuyên Đại Tây Dương đã có những thay đổi cơ bản.

Răng bây giờ có thể thỉnh thoảng cắn vào môi!

Phép thử nghiệt ngã

Có vẻ như Đại Tây Dương đang ngày càng rộng hơn nếu xét đến những động thái quyết liệt giữa Mỹ và châu Âu gần đây, không chỉ giới hạn trong việc Mỹ đe dọa rút khỏi INF.

Trầm trọng hơn cả sự gãy đổ INF là số phận của Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA, thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran mà Tehran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, nay đã trở thành P4+1 sau sự rút lui của Mỹ.

Việc Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA không chỉ khiến cho Mỹ (và phần nào cả Israel và Saudi Arabia) bị cô lập trên trường quốc tế. Vấn đề nằm ở chỗ châu Âu coi kế hoạch của Mỹ quay trở lại áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran không chỉ vi phạm JCPOA, một thỏa thuận đa phương Washington đã ký, mà nó còn đe dọa trực tiếp đến các lợi ích kinh tế và an ninh của châu Âu tại Iran, rộng lớn hơn là địa bàn chiến lược Trung Đông.

Khi mà những nỗ lực của châu Âu nhằm níu kéo Mỹ ở lại JCPOA đã thất bại thì ưu tiên hàng đầu của châu Âu là kiểm soát thiệt hại, bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu có liên quan đến Iran.

Phương án hỗ trợ, bù đắp cho các doanh nghiệp đang hoạt động ở Iran bị thiệt hại bởi lệnh trừng phạt của Mỹ rõ ràng là chưa đủ. Châu Âu đang cố gắng bảo toàn các kênh đối thoại và trao đổi thương mại với Iran, nỗ lực thuyết phục Tehran về những lợi ích có được nếu ở lại JCPOA.

Hiệp định này đang là phép thử tính thống nhất của châu Âu trong cuộc đối đầu nhằm giành quyền tự quyết chiến lược lớn hơn từ tay Mỹ và đương nhiên, nó là một vỉa đá ngầm đe dọa mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Yên Ba
.
.
.