Phép thử với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Tư, 15/02/2023, 06:31

Đã một tuần, kể từ khi trận động đất kinh hoàng đột nhiên thay đổi cuộc sống của hàng chục nghìn người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm khắc phục hậu quả của thảm kịch, nhiều người đã chủ động góp sức giúp đỡ như hiến máu, tình nguyện đào mộ hoặc cung cấp bữa ăn miễn phí.

Những nghĩa cử cao đẹp

Trận động đất nghiêm trọng đã san phẳng nhiều tòa nhà khắp 10 tỉnh, thành của Thổ Nhĩ Kỳ, gây thiệt hại nặng nề cho các ngôi làng ở vùng biên giới tại Bắc Syria. Tính đến chiều 14/2 (giờ Việt Nam), đã có trên 37.000 người thiệt mạng tại hai quốc gia khiến trận động đất ngày 6/2 là trận động đất chết chóc nhất trong khu vực trong nhiều thập niên.

earthquake.jpg -0
Người dân đốt lửa sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh sau khi bị mất nhà cửa trong trận động đất tại tỉnh Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ.

Công tác cứu hộ, cứu nạn đang diễn ra hết sức khẩn trương với sự tham gia của các đoàn cứu hộ từ nhiều nước trên thế giới. Ít nhất 160.000 người, bao gồm cả các nhân viên cứu hộ nước ngoài, đang tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tình trạng thời tiết lạnh giá khắc nghiệt và đường sá hư hại phần nào đã cản trở công tác cứu hộ này.

Trong bối cảnh đó, nhiều người dân sống sót tại Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) đã cùng đoàn kết, tổ chức đội phản ứng láng giềng để giúp đỡ lẫn nhau. Vài tiếng sau khi động đất xảy ra, nhiều chủ nhà hàng và quán bar đã mở cửa hàng phân phát trà nóng, bánh mì cùng nơi an toàn để bảo vệ các nạn nhân khỏi giá lạnh.

Ông Mehmet Tasdelen, chủ một nhà hàng ở khu Gazimuhtar thuộc thành phố Gaziantep trong nhiều ngày sau động đất đã mở cửa hàng cho tất cả mọi người cần nơi ấm áp và thực phẩm. Tại một cửa hàng cà phê khác ở Gazimuhtar, người chủ đã tặng chăn và bữa ăn miễn phí trong cả ngày dành cho những người có nhu cầu.

Trong thập niên qua, kể từ khi nội chiến Syria bùng phát, nhiều người Syria tị nạn đã đến Gaziantep. Hiện nay, 1/3 dân số thành phố này là người Syria. Khi động đất xảy ra, các tình nguyện viên Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã sát cánh cùng nhau bảo vệ Gaziantep cũng như người dân nơi đây.

Người dân tại Gaza đã tham gia chương trình tình nguyện hiến máu giúp đỡ những người bị thương sau trận động đất. Trong khi đó, nhiều tình nguyện viên đã đến Jandaris, Syria để hỗ trợ chôn cất hàng trăm nạn nhân trận động đất hôm 6/2. Khu vực nghĩa trang tại Jandaris đã trở thành nơi chôn cất hàng loạt với nhiều rãnh dài được hình thành. Những tình nguyện viên liên tục chuyển túi đựng thi thể từ các xe tải để chôn cất trong các rãnh đủ lớn dành cho 100-130 thi thể mỗi ngày.

Có những thi thể khá lớn, cần có 2 tình nguyện viên vận chuyển nhưng cũng có nhiều thi thể nhỏ bé, nằm gọn trong tay tình nguyện viên. Các thi thể được đặt trên nền bằng gạch, sau đó, tình nguyện viên rải một lớp đá hoa cương lên trên trước khi lấp các rãnh lại. Danh tính của những nạn nhân cũng được đặt gần các ngôi mộ.

Thách thức trước kỳ bầu cử

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phản ứng mạnh với những lời chỉ trích nhưng đã thừa nhận những thiếu sót trong xử lý hậu quả động đất. Điều này cho thấy cách phản ứng của ông đối với trận động đất kinh hoàng vừa xảy ra sẽ định hình những tháng cuối cùng của chiến dịch bầu cử.

Trong chuyến thăm thành phố Kahramanmaraþ ngày 8/2, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích những người mà ông cáo buộc đã lợi dụng thảm họa để thúc đẩy chương trình nghị sự riêng. Bài phát biểu đã cho thấy thách thức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong duy trì sự ủng hộ của người dân sau một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất của nước này trong nhiều thập kỷ.

Thảm họa xảy ra chỉ ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, mà các cuộc bầu cử này vốn được coi là khó khăn nhất của ông trong hai thập niên cầm quyền. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã dẫn dắt Thổ Nhĩ Kỳ qua một thời kỳ thịnh vượng kinh tế trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, nhưng sau đó, ông đã nghiêng về lập trường cứng rắn hơn kể từ các cuộc biểu tình vào năm 2013 và âm mưu đảo chính ba năm sau đó. Trong những năm gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ siết chặt các tổ chức nhà nước.

Cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 5 tới là một trong số ít cơ hội mà các đối thủ của ông Recep Tayyip Erdogan có để thay đổi cán cân. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giảm xuống trước khi thảm họa xảy ra, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng, mà các nhà kinh tế cho rằng là do các chính sách kinh tế cứng rắn mà chính phủ, ngân hàng Trung ương nước này theo đuổi.

Điều gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào cách cử tri cảm nhận phản ứng của nhà lãnh đạo 68 tuổi này đối với cuộc khủng hoảng ngày càng sâu rộng. Các nhà phân tích đưa ra nhiều quan điểm trái chiều về việc liệu các sự kiện liên quan động đất sẽ làm tổn hại hay cải thiện triển vọng bầu cử của ông Recep Tayyip Erdogan.

Ông Emre Peker, Giám đốc khu vực châu Âu của tổ chức cố vấn Eurasia Group, nhận định: “Với mức độ nghiêm trọng của thảm họa, phản ứng đã diễn ra nhanh chóng và khá mạnh mẽ. Nếu duy trì được mức độ phản ứng mạnh mẽ này, thì Tổng thống Erdogan sẽ có lợi trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử”.

Nhưng ông Selim Koru, nhà phân tích tại tổ chức tư vấn Tepav phản bác rằng: “Mọi người đang khốn khổ và họ có xu hướng bỏ phiếu ủng hộ thay đổi khi họ khốn khổ”. Theo nhà phân tích này, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn vì cả trận động đất và lạm phát cao. Ông cho rằng, chính phủ sẽ tìm cách hoãn cuộc bầu cử, một phần vì những thách thức trong thu gom phiếu bầu ở những khu vực bị thiệt hại nặng nề sau động đất.

Các đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đã bám sát trận động đất và tìm kiếm cơ hội để chỉ trích Tổng thống. Ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập lớn nhất, nói: “Nếu ai đó chịu trách nhiệm chính về việc này thì đó chính là ông Erdogan. Hơn 20 năm, chính phủ này đã không chuẩn bị sẵn sàng cho đất nước trong trường hợp xảy ra động đất”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.