Nhìn lại Ukraine sau hơn một năm xung đột

Chủ Nhật, 30/04/2023, 07:46

Bế tắc trên thực địa, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, phần lớn người dân phải đi tị nạn… là những gì mà Ukraine đang phải đối mặt sau 14 tháng nổ ra xung đột với Nga.

Thực trạng

Kể từ mùa thu năm ngoái, việc tranh giành quyền kiểm soát lãnh thổ hầu hết đã đi vào bế tắc và bất kỳ động thái nào trong những tháng gần đây đều mang tính cục bộ và hạn chế. Tỷ lệ hỏa lực pháo cũng cho thấy xu hướng trong xung đột khi cả Ukraine và Nga đều giảm số lượng đạn pháo sử dụng mỗi ngày do nguồn cung bị thu hẹp.

ukraine.jpg -0
Binh lính Ukraine huấn luyện với xe tăng Leopard tại Tây Ban Nha.   Ảnh: El Pais

Song song với sự bế tắc trên thực địa là việc thâm hụt ngân sách của Ukraine ngày càng lớn. Theo đó, chi tiêu của Kiev, phần lớn dành cho quân sự, tiếp tục vượt xa nguồn thu, buộc chính phủ phải chuyển sang in tiền và nhận viện trợ từ nước ngoài, bao gồm cả các khoản tài trợ từ Mỹ. Điều này đã khiến một số chính trị gia ở Washington đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, các tổ chức tài chính quốc tế vẫn đang tăng cường viện trợ cho Kiev. Vào cuối tháng 3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với sự thúc ép của Mỹ, đã thay đổi các quy tắc để cho phép tổ chức này cho vay tiền với ít đảm bảo hoàn trả hơn và sau đó cho biết, họ sẽ cho Ukraine vay 15,6 tỷ USD trong vòng 4 năm.

Đổi lại, Kiev cam kết thu thuế tốt hơn, vay trên thị trường trái phiếu trong nước và hạn chế in tiền. Về phần mình, Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã đưa ra một sáng kiến “Liên minh châu Âu (EU) vì Ukraine” để tăng tài trợ cho việc khôi phục và tái thiết ở quốc gia bị xung đột tàn phá này.

Xung đột đã thay đổi cuộc sống của người Ukraine khi hơn 1/3 số người dân phải di dời với gần 5,3 triệu người đăng ký tị nạn trên khắp châu Âu (không bao gồm Belarus và Nga). Ngoài ra, có thêm gần 5,4 triệu người phải sơ tán ở trong nước. Chính phủ và nhiều tổ chức xã hội ở các nước sở tại đã đưa ra các chương trình đặc biệt để bảo vệ tạm thời người tị nạn, cấp tư cách pháp nhân và tiếp cận các dịch vụ công cộng.

Khi áp lực lên các nước chủ nhà gia tăng, giao tranh tiếp diễn khiến cho việc trở về an toàn của những người tị nạn ngày càng trở nên không chắc chắn. Thời gian trôi qua, sự gắn kết của họ trong cộng đồng sở tại sẽ ngày càng sâu sắc hơn và những cơ hội mới về giáo dục và việc làm, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, có thể làm giảm nhu cầu quay trở về quê hương. Hiện, các nước láng giềng của Ukraine ở châu Âu đang tiếp nhận trên 5 triệu người sơ tán “một cách hào phóng”.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính chi phí để tiếp nhận một người tị nạn và cung cấp hỗ trợ trong một năm là khoảng 10.000 euro và thường là cao hơn trên thực tế. Điều này ngụ ý rằng, kể từ mùa hè năm ngoái, châu Âu đã chi hơn 40 tỷ euro cho người tị nạn Ukraine - nhiều hơn nhiều so với số tiền khiêm tốn mà Mỹ và Canada đã chi.

Cuộc xung đột đã làm hồi sinh vai trò của Đại hội đồng Liên hợp quốc như một diễn đàn giải quyết khủng hoảng Nga - Ukraine. Nhiều quốc gia thành viên tuyên bố ủng hộ chủ quyền của Ukraine và kêu gọi một nền hòa bình công bằng và lâu dài.

Tuy nhiên, trong 6 nghị quyết khẩn cấp về Ukraine cho đến nay, một số quốc gia đã giữ quan điểm “trung lập” hoặc có phần ủng hộ Nga, trong đó có cả các thành viên của G20, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Điều này phản ánh quan điểm của nhiều quốc gia không thuộc phương Tây rằng, xung đột Nga-Ukraine là một vấn đề khu vực không ảnh hưởng trực tiếp đến họ và việc hỗ trợ Ukraine không phải là lợi ích trước mắt của họ.

Một phép thử lớn

Các đối tác phương Tây của Ukraine có chiến lược là cung cấp cho nước này nhiều vũ khí công nghệ cao hơn, như xe tăng, hệ thống phòng không và tên lửa, để chuẩn bị cho một cuộc phản công mùa xuân, đồng thời cũng giúp Ukraine bảo vệ các thành phố chính trước các cuộc tấn công từ trên không của Nga.

Mặc dù Ukraine chỉ chia sẻ số ít chi tiết về kế hoạch quân sự với Mỹ và các đồng minh, nhưng nhiều khả năng chiến dịch phản công có thể diễn ra ở phía Nam của đất nước này, trong đó có vùng dọc theo bờ biển của Ukraine trên Biển Azov, gần bán đảo Crimea. Trong khi phía Kiev cho biết, mục tiêu của họ là phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga và gây thiệt hại lớn cho quân đội Nga, các quan chức Mỹ đánh giá rằng, cuộc tấn công này khó có thể dẫn đến bước thay đổi đáng kể cho Ukraine.

Ông Alexander Vershbow, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga và là quan chức cấp cao của NATO, nhận định: “Mọi thứ đều xoay quanh cuộc phản công này. Mọi người đều hy vọng, có thể là quá lạc quan. Nhưng nó sẽ quyết định liệu rằng người Ukraine có nhận được một cái kết tốt đẹp hay không, về việc giành lại lãnh thổ trên chiến trường và tạo ra đòn bẩy quan trọng hơn để đạt được một số giải pháp thương lượng”.

Về phía Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, Moscow đã vấp phải những nghi ngờ về năng lực của các chỉ huy và nguồn binh sĩ được đào tạo bài bản, cũng như đạn pháo và thiết bị quân sự.

Nga đã hao tổn nhiều tên lửa hành trình của họ, chịu thương vong nặng nề riêng ở Bakhmut và cạn kiệt kho đạn dược nhanh hơn nhiều so với khả năng sản xuất trong nước. Nhưng Nga đang nỗ lực để giải quyết những lỗ hổng đó. Quân đội Nga đã mài giũa kỹ năng sử dụng máy bay không người lái và pháo binh để nhắm mục tiêu vào lực lượng Ukraine hiệu quả hơn.

Gần đây, họ đã bắt đầu sử dụng bom lượn - sử dụng trọng lực và các thiết bị dẫn đường cơ bản để tiếp cận mục tiêu mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào - để cho thấy họ vẫn có khả năng triển khai vũ khí mới hơn trên chiến trường. Những nỗ lực này đồng nghĩa với việc cơ hội để Kiev giành được những lợi thế đáng kể trước Moscow sẽ không mở ra.

Trọng tâm chính của Mỹ và phương Tây là cố gắng ngăn cản Nga tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí mới. Mỹ và NATO đã cản trở hoạt động sản xuất trong nước của Nga bằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, đồng thời gây áp lực ngoại giao lên các nước khác để từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí của Moscow.

Trung Quốc dường như đã bị đẩy lui ý định, ít nhất là vào lúc này, cung cấp đạn dược hoặc viện trợ vũ khí sát thương khác cho Nga. Tương tự, những nỗ lực của Nga để có được tên lửa dẫn đường từ Iran cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả. Một thành công rõ ràng khác là Ai Cập.

Trong khi đó, một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, lại đang thúc đẩy hai bên đàm phán. Hiện tại, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky không đạt được tiếng nói chung nên khó có thể ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai gần.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.