Luồng sinh lực mới vực dậy Iran

Thứ Tư, 04/08/2021, 06:22

Ngày 3/8, Tổng thống đắc cử Iran, ông Ebrahim Raisi đã tuyên thệ nhậm chức sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua.

 

Trong nhiệm kỳ 4 năm tới, tân Tổng thống Iran và ban lãnh đạo mới đứng trước một loạt nhiệm vụ hết sức khó khăn, như vực dậy một nền kinh tế vốn đang điêu đứng do các lệnh trừng phạt của Mỹ, khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, vượt qua đại dịch COVID-19 và những vấn đề còn tồi tại ở quốc gia Hồi giáo này.

iran.jpeg -0
Tân Tổng thống Iran, ông Ebrahim Raisi. Ảnh: AP 

Tân Tổng thống Ebrahim Raisi được kỳ vọng sẽ mang lại một luồng sinh lực mới, đưa Iran vượt qua những khó khăn, nhất là về kinh tế. Nền kinh tế quốc gia Hồi giáo rơi vào suy thoái nghiêm trọng do sức tàn phá từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt hồi tháng 5/2018 sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để ép buộc Tehran phải nhất trí đàm phán một thỏa thuận mới.

Nhằm cắt nguồn tài chính của Iran và đưa quốc gia Trung Đông này ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu để Tehran không thể giao thương với nước ngoài, Mỹ đã thực hiện triệt để các lệnh trừng phạt trên các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, ngân hàng, sản xuất vũ khí, công nghệ ôtô, kim loại quý, đá quý và ngành công nghiệp.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ lạm phát ở Iran sẽ tăng từ 36% năm ngoái lên 39% vào năm 2021 và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 10,8% lên 11,2%. Dịch COVID-19 cũng tác động không nhỏ đến nền kinh tế khi Iran là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của virus SARS-CoV-2.

Theo kế hoạch, buổi lễ nhậm chức của ông Ebrahim Raisi sẽ diễn ra vào ngày 5-8 khi ông công bố đề xuất nội các. Và mặc dù chưa chính thức nhậm chức song tân Tổng thống Iran gần như đã bắt đầu nhiệm kỳ đầy thách thức của mình với việc khởi động cuộc chiến chống tham nhũng mà ông từng nhiều lần nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử.

Chống tham nhũng - "phát súng mở màn" của Tổng thống Ebrahim Raisi đã đem tới kỳ vọng lớn cho người dân Iran, khi vấn đề này được cho là làm trầm trọng thêm những tác động tiêu cực do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nền kinh tế Iran.

Tân Tổng thống Iran cũng cam kết thúc đưa sản xuất vào nhóm ưu tiên hàng đầu và lập kế hoạch thúc đẩy dòng tiền hướng tới khu vực sản xuất; tiến hành tư nhân hóa thực sự; giảm một nửa chi phí điều trị y tế; tăng cường quản lý thị trường; tạo ra một triệu việc làm mỗi năm bằng cách khai thác 70% tiềm năng kinh tế sẵn có ở trong nước cũng như khai thác tiềm năng của lĩnh vực nhà ở, không gian mạng và kinh tế biển; giảm tỷ lệ lạm phát xuống còn một con số.

Ông Ebrahim Raisi cũng đã cam kết xây dựng một "Iran mạnh mẽ", vực dậy nền kinh tế và thắt chặt quan hệ thương mại với các nước láng giềng. "Chính sách đối ngoại của nước Cộng hòa Hồi giáo đó là hợp tác với tất cả các nước, đặc biệt là các quốc gia láng giềng. Chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả những người không có ý định làm tổn hại đến Iran", ông cho hay.

Về vấn đề hạt nhân Iran, tân Tổng thống Iran cam kết sẽ đi theo con đường đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định việc ông Ebrahim Raisi nhậm chức Tổng thống Iran sẽ không ảnh hưởng tới tiến trình khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy mục tiêu của Washington khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran càng thêm khó khăn.

Giới chức Mỹ cho rằng, dù ông Ebrahim Raisi làm tổng thống thì Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei mới là người sẽ có quyết định cuối cùng và ông Khamenei cũng là người đã ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói: "Quan điểm của Tổng thống và quan điểm của chúng tôi là người ra quyết định chính là lãnh tụ tối cao Iran. Trước và sau bầu cử ở Iran cũng vẫn vậy và về sau này cũng sẽ như thế". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì bày tỏ: "Chúng tôi hy vọng lãnh tụ tối cao Iran vào tháng 8 tới vẫn là cùng một người như bây giờ, như trước bầu cử, như năm 2015 khi thỏa thuận được ký lần đầu".

Trong khi đó, Bà Karim Sadjapour, thành viên cấp cao tại tổ chức cố vấn đối ngoại Carnegie và là người đã cố vấn cho nhiều chính quyền Mỹ về vấn đề Iran, nhận định: "Khi chúng ta bỏ trừng phạt để họ quay lại thỏa thuận, tôi cho rằng họ sẽ không có thêm động lực để nhượng bộ thêm. Nếu chúng ta ép họ bằng trừng phạt để quay trở lại đàm phán, họ sẽ nói rằng chính chúng ta bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân".

Còn theo ông Rich Goldberg, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Donald Trump, rõ ràng người Iran sẽ không bao giờ đàm phán thứ gì ngoài thỏa thuận hạt nhân cũ. Quan chức này nói rằng ông Raisi còn không quan tâm tới các cuộc đàm phán tương lai. Điều phức tạp với tiến trình đàm phán ở Vienna là ông Ebrahim Raisi sẽ trở thành tổng thống Iran đầu tiên bị chính quyền Mỹ trừng phạt trước khi lên cầm quyền.

Tình hình này sẽ khiến các chuyến thăm cấp nhà nước và bài phát biểu tại các diễn đàn quốc tế của tân Tổng thống Iran thêm phức tạp. Chưa hết, cả bà Jen Psaki và ông Ned Price đều khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bắt ông Raisi chịu trách nhiệm vì những hành vi mà Mỹ cho là vi phạm nhân quyền và bị chính quyền trước trừng phạt. Trong bối cảnh đó, tương lai của tiến trình đàm phán tại Vienna ngày càng mờ mịt.

Để thực hiện một loạt cam kết của mình, nhất là nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế, cải thiện điều kiện sống cho người dân cũng như tạo một môi trường ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài, ông Ebrahim Raisi và ban lãnh đạo mới của Iran sẽ có nhiều việc phải làm. Trước hết, trong tiến trình đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, Iran cần tìm được cách tiếp cận phù hợp để phá vỡ  bế tắc hiện nay.

Bên cạnh những cải cách cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế và chống tham nhũng, Iran cũng cần giải quyết những mâu thuẫn lâu nay với các nước láng giềng Arab trên tinh thần xây dựng để hướng tới xây dựng lòng tin, qua đó tạo môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực. Giới phân tích kỳ vọng với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sẽ giúp ông Ebrahim Raisi thực hiện chính sách dễ dàng hơn, đưa đất nước Iran vượt qua những khó khăn, nhất là về kinh tế.

Khổng Hà
.
.
.