Bước ngoặt an ninh đáng chú ý tại châu Âu

Thứ Sáu, 13/05/2022, 08:25

Phần Lan ngày 12/5 tuyên bố sẽ nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “ngay lập tức”, nước láng giềng Thụy Điển được cho là chuẩn bị có động thái tương tự, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine leo thang khiến nhiều người lo ngại về an ninh tại châu Âu.

Trong một tuyên bố chung ngày 12/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin nhấn mạnh nước này “cần nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức và không trì hoãn”.“Việc trở thành thành viên của NATO sẽ giúp tăng cường đảm bảo an ninh của Phần Lan và chúng tôi cũng sẽ giúp củng cố toàn bộ liên minh quốc phòng này. Phần Lan hy vọng các bước đi cần thiết để tiến tới quyết định này sẽ được thực hiện nhanh chóng trong vài ngày tới”. Như vậy, Phần Lan đã thay đổi lập trường từ một quốc gia trung lập, vốn được duy trì từ thời Chiến tranh Lạnh, để gia nhập NATO sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2.

Phần Lan và Thụy Điển đều là những thành viên EU lớn nhất không thuộc NATO. Theo Reuters, các thành viên đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển ngày 15/5 tới dự kiến sẽ đưa ra quyết định về việc có chấm dứt quan điểm phản đối gia nhập NATO đã được duy trì nhiều thập kỷ hay không. Nhiều nhà ngoại giao cho biết các đồng minh NATO khác rất mong muốn hai nước nói trên tham gia liên minh quân sự “càng sớm càng tốt”, mở đường cho việc tăng cường sự hiện diện quân sự của NATO tại Bắc Âu. Phần Lan có đường biên giới trên đất liền dài 1.300km với Nga, việc nước này gia nhập NATO sẽ củng cố phòng tuyến của khối với Moscow.

Trong cuộc họp báo ngày 11/5, Tổng thống Phần Lan khẳng định “gia nhập NATO không chống lại bất kỳ ai”, bất chấp cảnh báo của Moscow rằng Helsinki sẽ phải “hứng chịu hậu quả” nếu tìm cách trở thành thành viên liên minh quân sự. Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đã đồng ý về các thỏa thuận mới với Thụy Điển và Phần Lan nhằm thúc đẩy an ninh châu Âu, đồng thời cam kết hỗ trợ hai quốc gia Bắc Âu này trong trường hợp bị tấn công.Trước đó, Mỹ cũng cam kết đảm bảo an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển trong thời gian hai nước này xin gia nhập NATO và đến khi họ được chấp thuận vào liên minh này.

Bước ngoặt an ninh đáng chú ý tại châu Âu -0
Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có thể là bước ngoặt an ninh đáng chú ý nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ. Ảnh Getty Images

Thông báo xin gia nhập NATO của Phần Lan được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine vẫn có những diễn biến phức tạp. Động thái này chắc chắn khiến Nga không hài lòng và cũng có thể khiến căng thẳng giữa Moscow và NATO thêm leo thang. Cần lưu ý rằng, Nga coi việc “NATO mở rộng” là một mối đe dọa và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng viện dẫn đây là một trong các yếu tố dẫn đến quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Moscow từng không ít lần cảnh báo rằng, nếu gia nhập NATO, Phần Lan sẽ mất đi vị thế là một quốc gia trung lập, bên cạnh đó, an ninh của Phần Lan sẽ bị đe dọa thay vì được đảm bảo vì Nga sẽ phải phản ứng trước động thái này. Mới đây nhất, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/5 cho rằng động thái của Phần Lan gia nhập NATO chắc chắn là mối đe dọa với Nga, đồng thời cảnh báo sự mở rộng khối quân sự này sẽ không khiến châu Âu hay toàn thế giới ổn định hơn. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nhấn mạnh các bước đi do Phần Lan thực hiện nhằm gia nhập NATO là “nguồn cơn gây hối tiếc” và lý do buộc Moscow phải đáp trả tương xứng.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng ngày lên tiếng khẳng định việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO sẽ củng cố liên minh quân sự này và cả Phần Lan. “Nếu Phần Lan quyết định nộp đơn, NATO sẽ hoan nghênh nhiệt liệt động thái này, quá trình xét duyệt sẽ suôn sẻ và nhanh chóng. Phần Lan là một trong những đối tác thân thiết nhất của NATO, một thành viên của EU và là một nhân tố quan trọng đóng góp cho an ninh châu Âu-Đại Tây Dương”, ông Stoltenberg nêu rõ.

Các quốc gia thành viên NATO khác là Đan Mạch và Estonia cho biết họ sẽ hoan nghênh Phần Lan gia nhập liên minh quân sự. “Chúng ta đã thấy thông điệp mạnh mẽ từ Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan. Đan Mạch tất nhiên sẽ nhiệt liệt chào mừng Phần Lan gia nhập NATO. Điều này sẽ củng cố NATO và an ninh chung của chúng ta. Đan Mạch sẽ làm mọi thứ để quá trình gia nhập NATO diễn ra nhanh chóng sau khi Phần Lan chính thức nộp đơn xin gia nhập”, Bộ Ngoại giao Đan Mạch dẫn lời Thủ tướng Mette Frederiksen trong một bài đăng trên Twitter ngày 12/5. Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết, nước này ủng hộ “một quá trình nhanh chóng” để Phần Lan gia nhập NATO, đồng thời nói thêm rằng việc nộp đơn xin gia nhập của Phần Lan sẽ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ từ Estonia.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng hoan nghênh việc Phần Lan sẵn sàng nộp đơn xin gia nhập NATO. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Phần Lan, Tổng thống Zelensky đăng tải trên Twitter: “Chúng tôi cũng thảo luận về sự hội nhập châu Âu của Ukraine, và hoạt động hợp tác quốc phòng”. Bản thân Ukraine, một đồng minh của Mỹ nằm sát Nga, cũng bày tỏ mong muốn được gia nhập liên minh quân sự do Washington dẫn đầu, dù vậy cho đến nay, đề xuất của Kiev vẫn chưa có tiến triển khả quan.

Có thể thấy hai thái cực ủng hộ và phản đối rất rõ rệt giữa một bên là NATO và bên kia là Moscow trước động thái này. Giới quan sát nhận định đây có thể là một trong những thay đổi lớn nhất đối với an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ.

Tiến Anh
.
.
.