Tương lai nào cho “cuộc hôn nhân” Hy Lạp - Eurozone?

Thứ Ba, 06/01/2015, 09:13
Trong khi truyền thông Đức loan tin, “Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể tồn tại mà không cần Hy Lạp”, ngày 4/1, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel vẫn khẳng định, Chính phủ Đức muốn Hy Lạp ở lại Eurozone.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức - ông Georg Streiter cũng bác bỏ thông tin đăng trên Tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) rằng, Berlin đã thay đổi quan điểm về việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone và Eurozone đủ khả năng đối phó nếu điều này xảy ra.

Ông Gabriel nêu rõ, Eurozone ngày càng ổn định trong những năm gần đây, vì thế không thể bị đe dọa. Ông Gabriel nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ Đức, Liên minh châu Âu (EU) và cả Chính phủ Athens là giữ cho “Xứ sở Thần thoại” ở lại Eurozone. Ông khẳng định, chưa từng có kế hoạch nào khác với mục tiêu này, đồng thời bày tỏ hy vọng, Chính phủ mới của Hy Lạp, dù ai đứng đầu sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, dự kiến diễn ra vào ngày 25/1 tới, sẽ tuân thủ các thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ đã cam kết với EU.

Trước đó, tờ ABC phiên bản tiếng Tây Ban Nha dẫn nguồn từ tạp chí Der Spiegel đưa tin, Chính phủ Đức cho biết, việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone “là điều không thể tránh khỏi”, nếu thủ lĩnh Alexis Tsipras của đảng đối lập cánh tả Syriza giành chiến thắng và Chính phủ Đức đã chuẩn bị cho việc này.

Tờ báo còn khẳng định, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính nước này Wolfgan Schaeuble tin rằng, Eurozone đã thực hiện đủ các cải cách nhằm đảm bảo sự rút lui của Hy Lạp sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng.

Tờ báo còn dẫn thông điệp của bà Merkel rằng: “Không có con đường nào khác ngoài những cải tổ hiện nay và sẵn sàng để Hy Lạp rời Eurozone nếu người dân nước này chọn một chính phủ chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng hiện tại”.

Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi lập trường như trên là cả bà Merkel lẫn ông Schaeuble đều tin rằng, Eurozone đã thực hiện đủ cải cách cần thiết kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm vào năm 2012. Vào thời điểm đó, nhiều người lo ngại Hy Lạp rời Eurozone có thể khiến khối này tan vỡ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và người đồng cấp Hy Lạp Antonio Samaras.

Theo các cuộc thăm dò mới nhất, đảng Syriza đang dẫn đầu và hơn 3 điểm so với đảng Dân chủ mới của Thủ tướng Antonis Samaras. Nếu phần thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thuộc về đảng Syriza, đảng này có thể yêu cầu các chủ nợ (Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng châu Âu (ECB) và EU) giảm bớt nợ công của Hy Lạp (hiện chiếm đến 175% tổng sản phẩm quốc nội). Nếu không đạt được thỏa thuận, Hy Lạp sẽ vỡ nợ và rời khỏi Eurozone.

Các nhà phân tích cho rằng, khả năng xảy ra kịch bản Grexit (Hy Lạp rời khỏi Eurozone) là 30%. Tuy nhiên, một số ý kiến lạc quan cho rằng, khủng hoảng Hy Lạp lần này khó có thể lan tới toàn bộ Eurozone vì dù có thắng cử, đảng Syriza cũng sẽ phải thay đổi lập trường cứng rắn với các chủ nợ. Hơn nữa, kể từ khi khủng hoảng nổ ra, Eurozone đã thiết lập nhiều “tuyến phòng thủ” để bảo vệ đồng euro.

Trước những diễn biến khó lường tại Hy Lạp, nhất cử nhất động từ Athens đang được các nhà lãnh đạo châu Âu dõi theo từng ngày. IMF đã thông báo ngừng các cuộc đàm phán với Hy Lạp liên quan đến việc giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo cho tới khi nước này thành lập được chính phủ mới. ECB cũng cho biết, sẽ chờ ý kiến của tân Chính phủ Hy Lạp về kế hoạch trợ giúp tài chính của nước này mới đưa ra quyết định tiếp theo.

Trong bối cảnh như vậy, ngày 3/1, cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã thành lập chính đảng mới mang tên “Phong trào Dân chủ Xã hội” để tham gia cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn trong tháng này.

Phát biểu tại trung tâm thủ đô Athens của Hy Lạp, ông George Papandreou kêu gọi người dân nước này tham gia phong trào tiến bộ và cải cách mới để cùng nhau thay đổi “Xứ sở Thần thoại”. Chính trị gia George Papandreou cho biết, đảng mới đặt mục tiêu đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài đã 5 năm qua. Theo giới phân tích, đảng “Phong trào Dân chủ Xã hội” nhiều khả năng sẽ chia rẽ lực lượng cử tri ủng hộ đảng Pasok và giành được phiếu từ những cử tri ủng hộ đảng “Dòng sông-Potami” trung tả và đảng cánh tả cấp tiến Syriza.

Giới phân tích coi ông George Papandreou và đảng mới của ông là một trong những lực lượng quan trọng sau cuộc tổng tuyển cử tới đây. Tuy nhiên, dù đảng nào lên nắm quyền thì Athens sẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Một cách nói khác, số phận cuộc “hôn nhân” Hy Lạp - Eurozone đổ vỡ hay không sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của cử tri trong ngày “định mệnh” 25/1 tới.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.