Tổng thống Pháp kêu gọi chấm dứt lệnh trừng phạt Nga

Thứ Tư, 07/01/2015, 10:01
Trong một diễn biến khá bất ngờ, Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 5/1 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Nga nếu tiến trình giải quyết khủng bố Ukraine đạt nhiều kết quả khả quan. Nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức ủng hộ, bởi lẽ, việc trừng phạt Nga cũng khiến cho những nước này lâm vào tình trạng suy thoái kinh tế và gặp nhiều khó khăn.

Xúc tiến đối thoại

Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh France Inter hôm 5/1, Tổng thống Francois Hollande thừa nhận, việc trừng phạt kinh tế Nga không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho EU.

Đồng thời, với kinh nghiệm hoạt động chính trị, ngoại giao, ông Francois Hollande cũng nhận định rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có ý đồ xâm chiếm miền Đông Ukraine, mà mục tiêu chính chỉ là kiềm chế việc Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vì thế, theo người đứng đầu điện Elysee, EU nên chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Nga và tìm cách tháo gỡ khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, đang khiến nhiều quốc gia thành viên điêu đứng. 

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp cũng khẳng định rằng, để chấm dứt lệnh trừng phạt, Nga phải tỏ thiện chí trong việc hợp tác giải quyết dứt điểm vấn đề miền Đông ở Ukraine.

Các cuộc thương lượng chính trị theo công thức Normandie, hay còn gọi là cuộc gặp “nhóm Normandie”, nhằm giải quyết vấn đề Ukraine ngày 6/1 và 7/1 được coi là những tín hiệu khả quan ban đầu.

Và ông Francois Hollande đang hy vọng rằng, những tiến triển có thể đạt được tại cuộc thương lượng quốc tế dự kiến diễn ra vào ngày 15/1 tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Lãnh đạo cấp cao của các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine đều tuyên bố sẽ tham dự cuộc gặp này.

Nhiều quốc gia đã ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm này của Tổng thống Pháp. Italia, Hungary, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ còn hy vọng, EU sẽ sớm dừng việc cấm vận Nga, nếu không kinh tế những nước này sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo của Đức Hans-Werner Sinn còn cảnh báo, nếu kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghiệp Đức và các ngân hàng ở châu Âu.

Trong khi đó, một số tờ báo của Đức đã dẫn lại câu nói của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Sigmar Gabriel rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU có thể tiếp tục gây bất ổn đối với Nga, nhưng cũng khiến cho châu Âu lao đao và thêm nguy hiểm.

Ông Sigmar Gabriel còn nhấn mạnh: “Một số thế lực ở châu Âu và Mỹ muốn khuất phục các đối thủ siêu cường trước đây. Song đó không phải là điều mà Đức và châu Âu mong muốn. Khi Nga không còn là đối tác để giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới thì đó sẽ là điều cực kỳ nguy hiểm với toàn thế giới”.

Tránh dựng lại “bức tường Berlin”

Rõ ràng, sau hơn nửa năm chạy đua cùng Mỹ trong cái gọi là “cuộc chiến trừng phạt” đối với Nga, châu Âu đã quá mệt mỏi với những khó khăn về kinh tế. Phải khẳng định rằng, thật khó để trừng phạt Nga mà EU lại không liên đới. Đây chính là lý do mà nhiều quốc gia EU không còn mặn mà trong việc gây áp lực đối với nước Nga.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Đức đã bị chững lại trong năm 2014 vì gói biện pháp trừng phạt Nga. Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo cho biết, các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng đối với Nga còn gây rủi ro đối với 350.000 người lao động trong các cơ sở lệ thuộc vào quan hệ thương mại Đức-Nga… Hay như ở Italia, kinh tế cũng thiệt hại gần 3,7 tỷ Euro vì những lệnh trừng phạt của EU với Nga và bởi xuất khẩu vào Nga sụt giảm.

Trong một cuộc họp ở Brussel (Bỉ) hồi đầu tháng 12/2014, người đứng đầu Chính phủ Bulgaria cũng than rằng, nước này đang cần trợ giúp một cách nghiêm túc cả về kinh tế lẫn tài chính vì xuất khẩu từ Bulgaria sang Nga năm 2014 đã giảm 22% so với năm 2013. Còn Pháp, chỉ riêng khoản bồi thường cho Nga về việc không bàn giao 2 tàu Mistral cũng tiêu tốn 3 tỷ Euro. Các chuyên gia kinh tế thế giới ước tính, nếu Nga mất hàng chục tỷ Euro do lệnh trừng phạt thì EU cũng mất khoảng 40 tỷ Euro vì các biện pháp trả đũa của Moskva.

Nhiều tờ báo châu Âu khi phân tích sâu về việc EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga đều cho rằng, đây có thể là những sai lầm chính trị lớn của châu lục này. Có người còn khẳng định, bức tường Berlin đã sụp đổ không có nghĩa là châu Âu cần dựng lên một bức tường Berlin mới. Trong một lần trả lời phỏng vấn hãng APA, Tổng thống Áo Heinz Fischer còn nhấn mạnh, sẽ là sai lầm và gây tác hại khi gia tăng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga nhằm đạt các mục tiêu chính trị.

Theo ông Heinz Fischer, kinh tế Nga có tiềm năng ổn định, và việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không giải quyết được cuộc xung đột Ukraine. EU cần tạo điều kiện cho Ukraine xây dựng quan hệ đối tác với cả châu Âu cũng như Nga. Hơn nữa, quan hệ hiện nay giữa Nga và phương Tây đang trong tình trạng xung đột nghiêm trọng nhưng không thể xem là chiến tranh lạnh, và các nước cần phải nỗ lực để tránh xảy ra bất cứ cuộc chiến tranh nào, bao gồm chiến tranh lạnh mà hậu quả có thể khôn lường.

Gia Nam
.
.
.