'Đột nhập' đại bản doanh Airbus

Thứ Tư, 18/02/2015, 16:20
Tôi đến Pháp vào những ngày cuối tháng 11/2014. Sau 14 tiếng ngồi trên chuyến bay của Hãng hàng không Singapore, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Paris). Dù nước Pháp đã vào đông, song ban ngày trời luôn hửng nắng, khiến chúng tôi không còn cảm giác lạnh buốt, hay mệt mỏi sau một chặng bay dài. Chưa dừng lại, để đến được đại bản doanh của hãng sản xuất máy bay Airbus đặt tại Toulouse, từ Charles de Gaulle, chúng tôi lại ngồi thêm 1h40 nữa mới tới được sân bay Blagnac (Toulouse).

1.  Dù trước chuyến đi, một kế hoạch cụ thể về chuyến thăm Airbus đã được gửi tới từng  thành viên trong đoàn, nhưng khi thật sự ngồi trên xe, men theo những con đường với những hàng cây lá đang chuyển vàng, cộng thêm cái thời tiết đầu đông để đến đại bản doanh Airbus, tôi vẫn có cảm giác hồi hộp, khó tả. “Không dễ để vào được đại công trường Airbus”, đó là cảm giác đầu tiên khi chiếc xe chở cả đoàn dừng trước cổng. Việc đầu tiên là phải nộp hộ chiếu để kiểm tra. Một vài thành viên trong đoàn, do đi vội đã để quên hộ chiếu ở khách sạn, thế nhưng, nhân viên của Airbus bắt buộc đưa mọi người quay trở lại để lấy, chứ không thể qua cổng mà thiếu hộ chiếu. Sau đó chúng tôi được nhân viên bộ phận văn phòng phát cho tấm thẻ nhỏ, trên đó ghi rõ các thông số như: Tên; cơ quan làm việc tại Việt Nam; ngày đến làm việc với Airbus; tên nhân viên của Airbus bảo lãnh; một mã số…   

Alizée Genilloud - nhân viên truyền thông của Airbus dẫn chúng tôi qua cửa vòng ngoài. Thêm vài phút di chuyển ôtô mới đến cửa vòng trong. Lại có nhân viên bảo vệ ra kiểm tra kỹ lưỡng tấm thẻ. Barie được mở, chúng tôi mới chính thức bước vào đại bản doanh của Airbus. Nơi này rất rộng. Chỉ riêng các bãi đỗ xe ôtô con cho nhân viên tại đây cũng đã thấy quá lớn. Có hàng chục bãi đỗ xe, mỗi bãi chứa cả nghìn xe. Dọc đường vào là các khu vực ngoài trời với hàng loạt máy bay đã được hoàn chỉnh với các màu sơn và lôgô của các hãng hàng không khác nhau trên thế giới đang chờ được bàn giao đưa vào khai thác, từ Cathay Pacific, Air France, Korean Air… cho đến những hãng lạ hoắc.

Tại khu Mock-up (khu mô hình), nơi trưng bày các dòng A330, A350, A380 có đặc điểm thân rộng, có các máy bay mô hình to như máy bay thật, nhưng chỉ có phần đầu, phần thân. Tuy nhiên, bên trong có đầy đủ khoang hành khách, hành lý, ghế ngồi các loại, phòng tiếp viên, vệ sinh... Tùy loại máy bay còn có cả quầy rượu, giường nằm… Dù là mô hình nhưng máy bay thực tế cũng sẽ như vậy. Khách hàng sẽ yêu cầu lắp đặt nội thất cao cấp cỡ nào, bao nhiêu hàng ghế, khoang hành lý to hay nhỏ… sẽ được Airbus đáp ứng.

Chiếc máy bay A320 đã hoàn thiện và chuẩn bị cất cánh về Việt Nam từ sân bay trong chính đại bản doanh của Airbus (Toulouse -Pháp).

Theo ông Fabrice Brégier, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Airbus, Airbus có nhà máy ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng ở Toulouse có dây chuyền lắp ráp cuối cùng cho các dòng máy bay A320, A321, A380 và A350. Khu vực lắp ráp cuối cùng nằm trong một tòa nhà rộng khoảng 5ha. Các bộ phận và thiết bị của máy bay được sản xuất tại nhiều cơ sở, vệ tinh ở nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ, cánh được sản xuất tại Anh, đầu sản xuất ở Đức, đuôi sản xuất ở Tây Ban Nha…, sau đó một loại máy bay chuyên dụng có tên Beluga sẽ vận chuyển về nhà máy ở Toulouse để hoàn thiện trở thành thành phẩm. Hiện hãng có 5 chiếc Beluga để vận chuyển các bộ phận từ các nơi trên thế giới về lắp ráp tại Toulouse. Từ các bộ phận được đưa tới đây, sẽ mất khoảng 7 tuần để hoàn thành chiếc máy bay. Sau đó, chiếc máy bay sẽ được thử nghiệm và giao cho khách hàng.

Tiếp chúng tôi tại Hội sở Trung tâm (Airbus Center Entyti) - một tòa nhà thiết kế giống như chiếc tàu bay, ông Alan Pardoe, Giám đốc truyền thông Tập đoàn, tự hào cho biết: Hiện nay Airbus sử dụng khoảng 65.000 nhân công tại 16 địa điểm ở 4 quốc gia khối Liên minh châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và hàng triệu việc làm của 2.000 cơ sở vệ tinh trên khắp thế giới, cung ứng các phụ liệu khác.

Mỗi năm sản phẩm của Airbus vận chuyển 3,3 tỷ hành khách, 51,7 triệu tấn hàng hóa, đóng góp 2,2 ngàn tỷ GDP toàn cầu. Ông Fabrice Espinosa, Giám đốc bán hàng khu vực châu Á cho biết thêm, đến nay tập đoàn đã nhận 14.500 đơn vị đặt hàng, đã chuyển giao 8.600 sản phẩm cho các hãng hàng không, thực hiện 25.000 chuyến bay mỗi ngày. “Để dễ hình dung, quý vị cứ liên tưởng: Cứ 2 giây thì có một chiếc máy bay mang số hiệu Airbus cất cánh hoặc hạ cánh trên toàn thế giới. Mỗi tháng chúng tôi xuất xưởng 42 chiếc, nhưng không kịp giao theo hợp đồng của khách hàng.

Để trở thành đối tác chiến lược của 365 hãng hàng không trên toàn thế giới, Airbus đã ghi những dấu ấn nổi bật trong ngành hàng không: Sản xuất máy bay vận chuyển hành khách siêu nhanh Concord đầu tiên, đưa ra thị trường loại máy bay chở khách điều khiển điện tử tự động (Fly-by-Wire) đầu tiên (A320); sản xuất máy bay chở khách lớn nhất thế giới đầu tiên (A380) từ 555-840 người cùng lúc.

2.  Mối quan hệ của Airbus với Việt Nam bắt đầu từ năm 1991 với đội bay A310 Vietnam Airlines thuê lại từ Công ty Regionnair. Đến cuối năm 1993, Vietnam Airlines có 7 chiếc A320 theo hợp đồng thuê máy bay với AirFrance cùng tổ lái. Việc khai thác dịch vụ hàng không bằng máy bay A320 đã mang đến cho Vietnam Airlines sự chuyển biến ấn tượng như độ tin cậy cao; bảo đảm hiệu quả kinh tế; sự ưa chuộng của hành khách…

Vietnam Airlines hiện đang khai thác hơn 50 máy bay Airbus các loại mà hãng sở hữu hoặc thuê lại.  Được biết tới đây, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận tổng cộng 4 máy bay A350, một trong những dòng máy bay hiện đại bậc nhất hiện nay. Các máy bay này sẽ được sử dụng trên các đường bay dài, xuyên lục địa và giúp Vietnam Airlines khai thác đến các điểm mới ở châu Âu, Bắc Mỹ.

Năm 2008, Jetstar Pacific cũng nhập cuộc, trở thành nhà khai thác dịch vụ hàng không mới bằng máy bay Airbus, đang sử dụng 6 chiếc A320 trên các đường bay giá rẻ trong nước.

Do hiệu quả kinh tế từ Airbus, tiết kiệm 15% nhiên liệu so với máy bay cùng loại Boeing 737, tháng 12/2011, Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng đã quyết định khai thác toàn bộ đội bay bằng máy bay  Airbus. Ngày 25/9/2013 tại Paris, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, Vietjet Air và Airbus đã tổ chức lễ ký kết đặt hàng, mua 92 máy bay A320, A321 với tổng giá trị lên đến 9,2 tỷ USD. Chỉ sau 14 tháng, ngày 26/11/2014, Hãng hàng không Vietjet và nhà sản xuất máy bay Airbus đã thực hiện lễ bàn giao máy bay tại Toulouse, Pháp.  Hai tuần tiếp theo, vào đầu tháng 12/2014, Vietjet lại nhận thêm một chiếc A320 nữa từ Airbus. 

Khu vực lắp ráp thân, cánh và hoàn thiện máy bay.

Trong kế hoạch phát triển của mình, Vietjet sẽ liên tục nhận tàu bay mới -  những chiếc tàu bay Vietjet mua mới hoàn toàn từ Airbus trong gói 100 chiếc máy bay đã ký kết giữa hai bên. Khi sử dụng các máy bay sở hữu của mình, thì chi phí sẽ thấp hơn thuê sẽ là một lợi thế của hãng. Các năm sau, mỗi năm Vietjet sẽ nhận từ 6-12 máy bay. Hiện Vietjet đang khai thác 20 chiếc máy bay A320. Các chuyên gia Airbus nhận định, Vietjet Air đang đi theo con đường của hãng bay giá rẻ khổng lồ của châu Á hiện nay. Ngoài khai thác các tuyến nội địa, hãng đã mở thêm đường bay quốc tế tới Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… mở rộng dịch vụ hàng không giá rẻ đến các nước, và tạo cơ hội đi lại nhiều hơn cho người dân.

Đặng Nhật
.
.
.