Những quan ngại mới của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông

Thứ Tư, 10/06/2015, 06:43
Tình hình Biển Đông đang ngày càng trở nên phức tạp nhất là sau khi Trung Quốc bị cáo buộc gia tăng hoạt động xây đảo nhân tạo. Hiện không chỉ Mỹ mà các thành viên khác của Nhóm các quốc gia công nghiệp phát triển (G7) cùng nhiều nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều lên tiếng phản đối và kêu gọi ASEAN sớm cùng Bắc Kinh thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Từ tuyên bố của nhóm G7

Trong tuyên bố chung dài 23 trang được đưa ra vào phiên bế mạc của Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại lâu đài Elmau ở miền Nam nước Đức hôm 8/6, ngoài một loạt vấn đề về thương mại, chống biến đổi khí hậu, xung đột ở Ukraine… lãnh đạo các nước thành viên nhóm G7 đã ra tuyên bố chung về Biển Đông, bày tỏ những quan ngại sâu sắc về hành động xây lấn biển đơn phương của Trung Quốc.

Tuyên bố nhấn mạnh cần duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Cương quyết phản đối việc sử dụng các biện pháp đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây ở Biển Đông, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh rằng, việc giải quyết xung đột một cách hòa bình là phương cách hữu hiệu và quan trọng nhất để bảo đảm tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển một cách hợp pháp.

Hãng tin Reuters cho hay, việc bàn thảo vấn đề Biển Đông ban đầu không có trong nội dung chương trình nghị sự. Nhưng tại cuộc họp hôm 7/6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát biểu rằng hành động của Trung Quốc là “căn nguyên của tình trạng căng thẳng trong khu vực” và kêu gọi quốc tế “không thể khoanh tay đứng nhìn”.

Ngay sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chấp nhận đưa vấn đề này ra bàn thảo và mọi ý kiến từ các quốc gia thành viên đều được ghi nhận. Các lãnh đạo G7 khác đã tán đồng quan điểm của ông Shinzo Abe, với tiền đề quan trọng là tài nguyên biển được sử dụng một cách hòa bình, tự do hàng hải và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương được bảo vệ.

Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trái phép đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ảnh: EPA.

Đến cuộc đối thoại Ấn Độ-Nhật-Australia

Hãng tin The Hindu cho hay, vấn đề Biển Đông lại tiếp tục được Nhật Bản đưa ra tại cuộc đối thoại 3 bên Ấn Độ-Nhật Bản-Australia về an ninh khu vực lần đầu tiên được tổ chức tại New Delhi (Ấn Độ) hôm 8/6.

Tại đây, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại và Thương mại Australia Peter Verghes đã bày tỏ quan ngại về tốc độ và quy mô xây đảo của Trung Quốc tại Biển Đông và khẳng định: “Đây là vấn đề mà chúng tôi và các nước thành viên ASEAN đã bày tỏ công khai”. Quan điểm của ông Peter Verghes là Ấn Độ, Nhật Bản và Australia không chống lại Trung Quốc nhưng thấy có những mối lo về an ninh hàng hải. Trong khi đó, một quốc gia khác trong khu vực châu Á là Hàn Quốc cũng đang hối thúc các bên nỗ lực đạt giải pháp hòa bình cho tình trạng hiện nay ở Biển Đông.

Và vai trò của ASEAN

Đáp lại sự lo lắng của cả cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông, ASEAN cũng đã có những quyết sách cụ thể hơn. Chẳng hạn như tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) ở Kuching, bang Sarawak (Malaysia), giới chức ASEAN đã đề xuất bàn thảo về COC tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới tại thủ đô Kuala Lumpur.

Các quan chức ASEAN đều cho rằng, những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á là vấn đề phức tạp, đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên.

Việc giải quyết cũng cần phải được thực hiện thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và việc sớm đạt được COC là cách tốt nhất.

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác phát triển Timor Leste nhấn mạnh: “Một môi trường hòa bình, thân thiện trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ mang lại hòa bỉnh, ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực”.

Còn Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi trả lời phỏng vấn báo giới đã nhận định, quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đi đúng hướng, song chất lượng hội nhập phụ thuộc vào nỗ lực của các nước thành viên trong việc giải quyết những vấn đề lớn hiện nay như tranh chấp trên Biển Đông...

Trong một diễn biến khác, tờ Philstar cho hay, ngày 9/6, Philippines đã cho công bố một tấm bản đồ cổ chứng tỏ đường 9 đoạn mà Trung Quốc dùng làm bằng chứng để đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là phi lý. Tấm bản đồ này được in tại Manila năm 1734 và được đem đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby của thủ đô London (Anh) hồi năm ngoái.

Doanh nhân Philippines Mel Velarde sau khi mua lại tấm bản đồ này đã đem tặng lại cho Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Chính quyền Manila dự định sẽ chuyển tấm bản đồ này lên tòa án trọng tài biển để phục vụ cho vụ kiện của mình với Trung Quốc.

Huyền Chi
.
.
.