Nga sẽ tiếp tục chuyển giao hệ thống S-300 cho Iran

Thứ Năm, 16/04/2015, 08:14
Ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã tới thủ đô Moskva, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga trong ba ngày. Phát biểu với báo giới ngay trước thềm chuyến thăm, Bộ trưởng Dehghan cho biết, nhân dịp này, ông sẽ ký kết một hợp đồng, theo đó, trong năm nay, Nga sẽ bàn giao cho Iran 300 hệ thống tên lửa phòng không S-300.
Bước đi chiến thuật

Theo hợp đồng năm 2007, Nga đồng ý bán cho Iran 5 hệ thống S-300 PMU-1 cho Iran với tổng trị giá 800 triệu USD. Phía Iran đã trả trước 166,8 triệu. Nhưng cho tới giữa năm 2010, Nga buộc phải ngừng hợp đồng này sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.

Tuy nhiên, sau sự kiện nhóm P5+1 và Iran đạt được thỏa thuận tạm thời về kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran, ngày 13/4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống S-300 cho Iran.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Komoedov đánh giá quyết định này của Tổng thống Putin là một quyết định kịp thời và mở đường để Nga có thể cung cấp các thiết bị quốc phòng khác cho Iran. Về phía Tehran, Bộ trưởng Dehghan cho rằng, quyết định của Tổng thống Putin sẽ giúp đảm bảo an ninh bền vững tại khu vực.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga.                  Ảnh: Itar-Tass

Theo Bộ trưởng Dehghan, bước phát triển trong hợp tác song phương với Nga và các nước láng giềng trong nhiều lĩnh vực có thể sẽ mang lại hiệu quả cho sự ổn định và an ninh bền vững của khu vực. Ông Hossein Dehghan đồng thời cảnh báo các mối đe dọa từ bên ngoài, cũng như sự gia tăng các hoạt động khủng bố đối với khu vực.

Bên cạnh đó, Nga cũng đã bắt đầu chương trình “đổi hàng hóa lấy dầu”. Một quan chức chính phủ cấp cao cho biết Moskva đã bắt đầu cung cấp lương thực, trang thiết bị và vật liệu xây dựng cho Iran để đổi lấy dầu thô theo một thỏa thuận trao đổi hàng hóa. Thỏa thuận này, với giá trị lên tới 20 tỷ USD đang được bàn bạc và có thể sẽ bao gồm việc Nga mua 500.000 thùng dầu/ngày từ Iran.

Mặc dù sau đó các quan chức hai nước đã đưa ra các phát biểu trái ngược nhau xung quanh việc liệu thỏa thuận đó được ký kết hay chưa, song ngày 13/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã chính thức xác nhận rằng thỏa thuận này đang được thực thi. Thứ trưởng Ryabkov cho biết, Moskva hy vọng sự hậu thuẫn vững chắc cho Iran sẽ được đền đáp thông qua hợp tác năng lượng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ryabkov đã từ chối cho biết thêm chi tiết. Bộ Nông nghiệp và Bộ Năng lượng Nga cũng như phía Iran không đưa ra bình luận nào.

Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Địa Chính trị có trụ sở ở Moskva, ông Leonid Ivashov cho rằng, động thái này là một phần của cuộc chạy đua tìm kiếm các hợp đồng trong tương lai với Iran. Ông Ivashov nêu rõ: “Nếu giờ chúng ta lại trì hoãn và để Iran chờ đợi, thì ngày mai, khi các biện pháp trừng phạt được hoàn toàn gỡ bỏ, Washington và các đồng minh của họ sẽ chiếm được thị trường rộng lớn của Iran”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, việc dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran có thể là dấu hiệu cho thấy Moskva sẽ có một khởi đầu thuận lợi trong cuộc đua để giành lấy những lợi ích từ việc quốc tế rốt cuộc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Những mối quan ngại và lời giải thích

Trong khi Iran hoàn toàn ủng hộ quyết định nối lại việc chuyển giao cho Tehran hệ thống S-300 của Nga thì Israel và Mỹ đều bày tỏ sự không hài lòng đối với quyết định.        Ngày 14/4, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã gửi cho Ngoại trưởng nước này - John Kerry một bức thư bày tỏ quan ngại trước việc Moskva nối lại việc chuyển giao cho Tehran hệ thống S-300.

Cùng thời điểm, một quan chức trong Quốc hội Mỹ cũng nói rằng, vấn đề hiện nay không phải cấm vận vũ khí nhằm vào Iran, mà là ngăn cản khả năng Tehran tiếp cận được các tên lửa phòng không giúp bảo vệ các cơ sở hạt nhân, quân sự.

Cùng ngày, Thủ tướng Israel đã bày tỏ mối quan ngại về quyết định này. Thủ tướng Israel cho rằng, dựa vào quyết định này, Iran sẽ tăng cường vũ trang cho chính quyền Syria hay phong trào Hezbollah bao vây Israel. Chính quyền ở Tel Aviv vốn phản đối chính phủ Syria và coi phong trào Hezbollah là tổ chức khủng bố.

Đáp lại quan ngại này, cũng trong ngày 14/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời giải thích chi tiết cho Thủ tướng Israel về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống S-300 của Nga. Theo đó, các thông số kỹ thuật của hệ thống S-300 cho thấy hệ thống này hoàn toàn là một vũ khí phòng thủ chứ không mang mục đích tấn công; do vậy hệ thống S-300 “sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh của Israel hay các nước khác ở Trung Đông”.

Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng thỏa thuận đạt được ở Lausanne khiến cho lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran của Moskva không còn giá trị và, bởi đó chỉ là hệ thống phòng thủ nên sẽ không đe dọa đến kẻ thù của Iran là Israel. Ngại trưởng Lavrov cũng nhấn mạnh thêm, lệnh cấm vận là không còn cần thiết, quyết định này là quyết định tự nguyện từ phía Nga.

Bên cạnh đó, mặc dù lên tiếng phản đối, nhưng phía Mỹ cũng thừa nhận, quyết định này của Nga không vi phạm lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an LHQ và không tác động đến sự nhất quán của Moskva về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.