Mở rộng khu vực phi vũ khí hạt nhân

Thứ Năm, 06/05/2010, 08:58
Ngày 5/5, hội nghị LHQ kiểm điểm thực hiện Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) đã dành khá nhiều thời gian để bàn về khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Trung Đông - "điểm nóng nhất" trên toàn cầu hiện nay.
>> 5 điều kiện cho thế giới phi hạt nhân

Mỹ đã cử đại diện hợp tác cùng đoàn đại biểu Ai Cập thiết lập một cơ chế xây dựng vùng phi vũ khí hạt nhân ở Trung Đông nhằm gây nhiều sức ép hơn nữa đối với chương trình hạt nhân của Iran. Ngay lập tức, Tehran đã có những phản hồi xung quanh vấn đề này. Israel thì có vẻ như phớt lờ mọi lời kêu gọi quốc tế.

Theo ước tính của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Israel hiện đang sở hữu khoảng 200 bom hạt nhân và đây quả là một mối lo lớn không chỉ riêng với quốc gia đối thủ là Iran mà cả các quốc gia khác trong khu vực. Các nhà lãnh đạo Trung Đông đang gia tăng sức ép buộc chính quyền Tel Aviv thực hiện theo các phương cách giải trừ vũ khí hạt nhân của cộng đồng quốc tế…

Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đã thể hiện rõ quan điểm của mình tại Hội nghị. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam đã tham gia tất cả các hiệp ước đa phương quan trọng về cấm các loại vũ khí giết người hàng loạt và luôn thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo những hiệp ước này.

Nhiều nước ủng hộ 5 điều kiện tiến tới thế giới phi hạt nhân do LHQ đưa ra.

Ông Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam ủng hộ việc cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời loại bỏ hoàn toàn loại vũ khí này. Nhận thức rõ những lợi ích cũng như những yêu cầu thiết yếu của an toàn và an ninh của việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân nên Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác để tổ chức hội nghị quốc tế về chủ đề này theo Nghị quyết 1887 của Hội nghị cấp cao tháng 9/2009 của Hội đồng Bảo an LHQ về giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh Nga-Mỹ vừa ký Hiệp ước START-2, ASEAN- nơi Việt Nam đang giữ chức Chủ tịch, ủng hộ tăng cường các nỗ lực tập thể nhằm hủy bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân và hủy bỏ tất cả các loại vũ khí giết người hàng loạt. Đồng thời, ASEAN kêu gọi các bên của Hiệp ước NPT tuân thủ nghiêm chỉnh những nghĩa vụ đã được quy định.

Tất cả các nước sở hữu vũ khí hạt nhân cam kết thực hiện các bước đi cụ thể, có thể kiểm chứng được và trong thời gian cụ thể nhằm giảm kho vũ khí hạt nhân, đồng thời ngừng cải tiến chất lượng, phát triển, sản xuất và tàng trữ đầu đạn hạt nhân và phương tiện phóng. Các nước sở hữu và không sở hữu vũ khí hạt nhân tăng cường các nỗ lực ngăn chặn sự truyền bá và phổ biến vật liệu hạt nhân, ủng hộ và tăng cường vai trò của IAEA trong việc thực hiện sứ mệnh đảm bảo an toàn, an ninh, khoa học và công nghệ, bảo vệ và thanh tra hạt nhân.

Ông Phạm Bình Minh còn nhấn mạnh rằng, tất cả các nước ASEAN đã ký kết Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân và tin tưởng rằng các khu vực không vũ khí hạt nhân là biện pháp quan trọng để tăng cường không phổ biến hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân

Chu Nguyễn
.
.
.