Kết thúc Hội nghị cấp cao Trung Quốc – EU: Vẫn còn bất đồng

Thứ Tư, 02/12/2009, 09:05
Sau 2 ngày nhóm họp tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc (từ 30/11), Hội nghị cấp cao Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 12 đã kết thúc. Mặc dù hai bên đã đạt được sự nhất trí trong nhiều lĩnh vực, nhưng vấn đề tiền tệ, biến đổi khí hậu và tiếp cận thị trường vẫn chưa tạo được bước đột phá.

Tuy chỉ là hội nghị giữa Trung Quốc với EU, nhưng dư luận đặc biệt quan tâm bởi song phương đề cập tới những vấn đề được cả thế giới chú ý.

Thông cáo chung sau cuộc họp kín chỉ đi vào những chi tiết nhỏ, không cho thấy dấu hiệu khả quan về một bước tiến lớn tương xứng với mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận cũng khá quan tâm tới 5 văn kiện hợp tác EU-Trung Quốc mặc dù nó chỉ đề cập tới khoa học công nghệ, sử dụng than sạch, quản lý môi trường, ủng hộ đầu tư vào Trung Quốc và sử dụng hiệu quả năng lượng trong xây dựng. EU và Trung Quốc là những đối tác thương mại lớn của nhau.

Tính đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU. Giao dịch thương mại song phương đạt 425,58 tỉ USD (2008), tăng 19,5% so với năm 2007. EU đã nhìn thấy tiềm năng kinh tế của tam giác Trường Giang (Thượng Hải, Giang Tô và Triết Giang), khu vực chiếm tới 18% tổng kim ngạch giao dịch giữa Trung Quốc và EU.

Giới bình luận cho rằng, sau khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực (1/12), EU muốn mở ra sự hợp tác mới với Trung Quốc. Theo giới truyền thông, Trung Quốc luôn nhất quán quan điểm, bình đẳng hợp tác, 2 bên cùng có lợi cho dù song phương vẫn còn một số kỳ thị, đối kháng và bất đồng. Trung Quốc hy vọng hợp tác với EU trong việc phản đối chủ nghĩa bảo hộ đầu tư và thương mại, cũng như nới rộng hạn chế xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật cao cho nước này.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến đổi sâu sắc, cùng sự điều chỉnh lớn, quan hệ Trung Quốc - EU cần phải tăng cường hơn nữa tính chiến lược, toàn diện và ổn định.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo (giữa), Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt (trái) và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso (phải).

Với tư cách là liên minh quốc gia phát triển nhất (EU), là nước đang phát triển lớn nhất (Trung Quốc) nên những quyết định được thông qua tại hội nghị lần này sẽ có ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới khu vực và thế giới. Dư luận coi những chủ đề được thảo luận và thông qua sẽ tạo bước đệm cho Hội nghị Copenhaghen về biến đổi khí hậu (khai mạc hôm 7/12), cũng như những biện pháp nhằm thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu. Nhưng không một cam kết cụ thể nào về lĩnh vực này được đưa ra.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định, EU sẽ duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với Trung Quốc và cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nước này. Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt mặc dù ghi nhận cam kết giảm sự gia tăng khí thải từ nay đến năm 2020 của Trung Quốc, nhưng vẫn cho rằng, chưa đủ để đối phó với hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra con số cụ thể về việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính, theo đó đến năm 2020 sẽ cắt giảm từ 40% đến 45% lượng khí thải nhà kính so với mức khí thải của năm 2005.

Ngay tại phiên khai mạc Hội nghị (30/11), Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã khẳng định, châu Âu chọn sai đối tượng khi muốn ép Trung Quốc thay đổi tỷ giá NDT. Trung Quốc khẳng định, châu Âu đã bỏ mặc để USD trượt giá (từ tháng 3) khiến đồng tiền này giảm tới 15%, làm cho hàng hóa tính bằng EURO tăng lên và điều này không có liên quan tới NDT. Châu Âu lo ngại, nếu EURO tăng giá sẽ bất lợi cho ngành xuất khẩu và đó là nguyên nhân chính khiến họ yêu cầu Trung Quốc phải tăng giá NDT.

Giới kinh tế nhận định, sức mạnh của EURO với NDT là vấn đề nhức nhối đối với các chính trị gia châu Âu. Cách đây không lâu, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Pittsburgh, Mỹ và Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Italia, nhiều nước đã yêu cầu Trung Quốc phải nâng giá NDT, nhưng bất thành. Tờ Global Times số ra ngày 30/11 cũng cho rằng, vấn đề liên quan đến tỷ giá NDT là trọng tâm tại các phiên họp cấp cao lần này.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cho rằng, 27 thành viên EU vẫn duy trì các chính sách thương mại mà Bắc Kinh phản đối và đó là điều không công bằng bởi nó đang hạn chế sự phát triển của Trung Quốc. Ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, Trung Quốc không tìm kiếm thặng dư thương mại quá mức hợp lý. Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định, đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, việc duy trì sự ổn định căn bản của tỉ giá NDT là sự truyền dẫn đối với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế toàn cầu

Quốc Trung
.
.
.