Cuộc chiến năng lượng mới của Nga

Thứ Ba, 29/12/2009, 08:25
Không chỉ giới kinh tế, mà nhiều quốc gia trong khu vực đang quan tâm tới sự có mặt của Thủ tướng Nga Putin tại lễ khai trương tuyến đường ống dẫn dầu Đông Siberia - châu Á - Thái Bình Dương (ESPO, được xây dựng từ cuối năm 2004) hôm 28/12 khi ông tới thăm khu vực Primorye vùng Viễn Đông của Nga (từ 28 đến 29/12).

Phát biểu tại lễ khai trương ESPO (với kinh phí 360 tỷ rub, khoảng 13 tỷ USD, chưa tính 60 tỷ rub của công trình xây dựng hải cảng Kozmino, Thủ tướng Putin nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng của Nga vì trong bối cảnh khủng hoảng, công trình vẫn được hoàn thành đúng tiến độ và dự án chiến lược này cho phép Moskva phát triển hơn nữa khu vực Viễn Đông, đồng thời tiếp cận các thị trường mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo giới truyền thông, giai đoạn đầu của dự án "ESPO-I" sẽ xây dựng tuyến đường ống dài 2.757km với công suất 30 triệu tấn dầu/năm (khoảng 220,5 triệu thùng dầu/năm). Tuyến đường ống này sẽ nối với Taishet, khu vực Irkutsk ở Đông Siberia tới Skovorodino, vùng Amur ở Viễn Đông. Tuyến đường ống thứ hai "ESPO-II" sẽ có chiều dài 2.100km có thể cung cấp 367,5 triệu thùng dầu/năm, nối Skovorodino với Thái Bình Dương.

Người phát ngôn của Thủ tướng Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, việc đa dạng hóa các tuyến đường ống cung cấp dầu luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách năng lượng của Nga. Sự đa dạng hóa này không gây tổn hại đến quan hệ đối tác của Nga ở Tây Âu.

Theo giới kinh tế, dự án ESPO được thiết kế để có thể cung cấp 1,6 triệu thùng dầu/ngày (khoảng 200.000 tấn dầu/ngày) từ Siberia tới khu vực Viễn Đông, sau đó qua Trung Quốc và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giới truyền thông cho biết, Nga đang có kế hoạch xuất khẩu khoảng 250.000 thùng dầu/ngày từ ESPO qua Kozmino trong quý I/2010. Lượng xuất khẩu có thể tăng lên 600.000 thùng dầu/ngày trong một vài năm tới. Theo kế hoạch, tuyến đường ống ở vùng Viễn Đông sẽ được hoàn thành trước khi kết thúc năm 2012 và nhanh chóng đưa vào sử dụng.

Cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Igor Sechin từng tuyên bố, dự án ESPO sẽ hỗ trợ Nga giành được thị trường tiêu thụ dầu mỏ mới, đồng thời thúc đẩy việc khai thác các mỏ dầu mới. Dự án này sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho khu vực vùng Viễn Đông, đồng thời tăng thu nhập thuế cho chính quyền địa phương.

Giới kinh tế khẳng định, việc xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Đông Siberia - châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội để Nga và Trung Quốc cùng phát triển, nhất là tại thành phố Skovorodino của Nga và thành phố Đại Khánh của Trung Quốc. Ngay từ năm 2003, Nga đã quyết định đặt tuyến đường ống Angarsk - Nakhodka và xây dựng một phần tuyến đường ống tới Đại Khánh của Trung Quốc.

Được biết, Trung Quốc phụ trách việc xây dựng tuyến đường vượt qua sông Amur (Hắc Long Giang) - ranh giới giữa biên giới Trung - Nga và công trình trong địa phận của nước mình. Ngay từ tháng 2, Tổng Công ty Dầu khí Trung Quốc đã ký với Công ty Đường ống dẫn dầu quốc gia của Nga Transneft hợp đồng thương mại dầu thô dài hạn. Ngoài ra, Trung Quốc còn ký với Transneft các thỏa thuận về lắp đặt, xây dựng và vận hành tuyến đường ống kể trên.

Trong chuyến thăm Nga hồi tháng 10/2008, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Putin và ký bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng song phương. Theo đó, Trung Quốc cung cấp cho Công ty Dầu mỏ quốc gia Nga (Rosneft) và Transneft khoản vay lên tới 25 tỷ USD, đổi lại Nga phải cung cấp cho Trung Quốc 300 triệu tấn dầu mỏ trong vòng 20 năm.

Trung tuần tháng 2/2009, Nga và Trung Quốc đã ký 7 văn kiện hợp tác năng lượng, theo đó Nga sẽ cung ứng khí đốt dài hạn cho Trung Quốc, còn Trung Quốc cung cấp cho Nga những khoản vay để xây dựng tuyến đường ống ở biên giới hai nước. Thủ tướng Putin từng hy vọng, Nga và Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa chiến lược hợp tác năng lượng.

Không những quan tâm tới Trung Quốc, Nga còn ký thỏa thuận xây dựng một tuyến đường ống dẫn khí tự nhiên với TurkmenistanKazakhstan (20/12). Tuyến đường ống này (khởi công cuối năm 2010) sẽ tăng cường khả năng kiểm soát của Nga đối với các tuyến đường xuất khẩu năng lượng tại khu vực Trung Á bởi xuất khẩu tới 20 tỷ m3/năm, đủ đáp ứng nhu cầu của Pháp trong gần 6 tháng. Thỏa thuận kể trên đã khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thất vọng bởi họ đang vận động xây dựng một tuyến đường ống (Nabucco) cạnh tranh dưới biển Caspia.

Cách đây gần 2 năm (18/1/2008), Thủ tướng Bulgaria Sergey Stanishev từng lên tiếng ủng hộ dự án đường ống khí đốt South Stream của Nga. Theo hãng Bloomberg, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã yêu cầu Nhật Bản cung cấp những đường ống dẫn dầu cho dự án đường ống tại vùng Viễn Đông với trị giá lên tới 3 tỷ USD. Cách đây 3 tháng (tháng 9), Bộ trưởng Năng lượng Sergei Shmatko tiết lộ, Nga đã đàm phán với Nhật Bản xung quanh dự án này.

Sự xuất hiện của Thủ tướng Putin tại lễ khai trương tuyến đường ống dẫn dầu Đông Siberia - châu Á - Thái Bình Dương diễn ra đúng thời điểm Gruzia đang cáo buộc thỏa thuận ký khai thác nguồn dầu khí gần biển Đen giữa Nga với chính quyền Abkhazia. Trước đó (tháng 9-2008), Nga cũng triển khai việc xây dựng một đường ống dẫn khí gas mới tới thủ phủ Tskhinvali của Nam Ossetia.

Cách đây 2 tuần (14/12), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tham dự lễ khánh thành "tuyến đường ống dẫn khí đốt thế kỷ" nối liền khu mỏ khai thác khí đốt Samandep của Turkmenistan với Trung Quốc, đi qua lãnh thổ Kazakhstan và Uzbekistan, dài khoảng 7.000km.

Theo hiệp định đã ký, Turkmenistan sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 30 năm, với khối lượng 40 tỷ m3/năm. Những động thái kể trên của Nga và Trung Quốc xung quanh lĩnh vực năng lượng cho thấy, Moskva đã và đang bước vào một cuộc chiến năng lượng mới

Quốc Trung
.
.
.