Con đường suy tàn của 'đế chế' Keangnam Enterprises

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:18
Hôm 14/5, trong quá trình trình diện trước cơ quan công tố tại Thủ đô Seoul, cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Wan-koo vẫn một mực bác bỏ sự liên quan của ông trong bê bối tham nhũng, hối lộ và lập quỹ đen của Tập đoàn Keangnam Enterprises. Cuộc điều tra tại tập đoàn này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận trong và ngoài nước, trong đó có Việt Nam bởi sự phá sản của Keangnam Enterprises tác động nhiều đến số phận của tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower cao 72 tầng.
Lục soát, thẩm vấn và bắt giữ

Theo tin từ hãng Korea Times, cựu Thủ tướng Lee Wan-koo là nhân vật cấp cao thứ 3 trong chính giới Hàn Quốc bị điều tra vì bê bối nói trên. Ông Lee Wan-koo bị nghi ngờ nhận 30 triệu won (tương đương 30.000 USD) tiền mặt từ cựu Chủ tịch Tập đoàn Keangnam Enterprises Sung Wan-jong, người đã tự sát hồi đầu tháng 4 và để lại một danh sách gồm 8 chính trị gia nhận hối lộ.

Nhiều khả năng, vào cuối tháng này, Thị trưởng Busan Suh Byung-soo và Thị trưởng Incheon Jeong-bok cũng sẽ phải trình diện trước cơ quan điều tra bởi hai người này đều có tên trong danh sách mà cựu Chủ tịch Keangnam để lại với số tiền nhận hối lộ lần lượt là 200 triệu won (200.000 USD) và 300 triệu won (300.000 USD). Vào cuối tháng 4 vừa qua, Tỉnh trưởng Nam Gyeongsang Hong Joon-pyo và Nghị sĩ Hong Moon-jong thuộc đảng Saenuri cũng đã bị thẩm vấn.

Ông Hong Joon-pyo thì bị cho là nhận 100 triệu won (100.000 USD) vào năm 2011 khi tranh cử vào vị trí thủ lĩnh đảng Đại Dân tộc, tiền thân của đảng Saenuri; còn ông Hong Moon-jong thì nhận 200 triệu won (200.000 USD) vào năm 2012. Điều đáng chú ý là thời điểm đó, ông Hong Moon-jong đang là một trong những người đứng đầu đội ngũ vận động tranh cử cho Tổng thống Park Geun-hye.

Song song với những cuộc thẩm vấn, cơ quan điều tra đặc biệt mới được Tổng thống Hàn Quốc thành lập này cũng cho lục soát lần thứ 3 trụ sở của Tập đoàn Keangnam Enterprises và phát hiện một số bằng chứng cho thấy, tập đoàn này đã tiêu hủy một số bằng chứng quan trọng. Cụ thể là rất nhiều đoạn băng trong video giám sát CCTV và file máy tính tại trụ sở của tập đoàn đã bị xóa. Khi được hỏi về việc này, cựu  Giám đốc điều hành Park Jun-ho đã không đưa ra được lời giải thích nào rõ ràng.

Cựu Thủ tướng Lee Wan-koo trình diện trước Cơ quan công tố tại Thủ đô Seoul hôm 14/5 vì liên quan đến bê bối ở Tập đoàn Keangnam Enterprises. Ảnh: Yonhap.

Được biết, ông Park Jun-ho làm việc cho Tập đoàn Keangnam Enterprises từ năm 2003 với vai trò là trợ lý của ông Sung Wan-jong lúc đó là Chủ tịch Tập đoàn Keangnam Enterprises và Nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền Saenuri. Hôm 22/4, các công tố đã bắt giữ ông Park Jun-ho mà không có lệnh bắt, và chỉ sử dụng quyền bắt giữ nghi phạm tạm thời vì mục đích khẩn cấp nhằm ngăn chặn những thủ đoạn che đậy khác.

Vận đen của một tập đoàn

Sau vài tháng nằm trong tâm bão của bê bối, Tập đoàn Keangnam, Enterprises đã bị xóa tên khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Thông báo của Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cho hay, nguyên do của việc này là do Keangnam Enterprises làm ăn thua lỗ, gây tổn thất nặng nề đến nguồn vốn của công ty. Thêm vào đó là vụ tự sát của Chủ tịch Sung Wan-jong và bản danh sách các quan chức nhận hối lộ…

Trong khi đó, tòa án quận trung tâm Seoul đang thụ lý tài sản của Keangnam Enterprises để xử lý bởi các chủ nợ gồm ngân hàng Korea Eximbank, ngân hàng Shinhan Bank và Tập đoàn bảo hiểm thương mại Hàn Quốc đã từ chối yêu cầu hỗ trợ thêm tài chính cho tập đoàn này.

Tin từ hãng Korea Times thì cho hay, hàng loạt các dự án của Keangnam ở trong và ngoài nước đều phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ, đặc biệt là các dự án lớn ở 4 quốc gia Việt Nam, Sri Lanka, Ethiopia và Algeria. Riêng ở Việt Nam, từ cuối tháng 4, tòa nhà Keangnam Landmark Tower tại Hà Nội đã bị tập đoàn này rao bán.

Xung quanh việc này hiện còn đang là một mớ thông tin hỗn độn và nghi vấn lừa đảo. Bởi lẽ, chỉ 2 ngày sau khi tờ Korea Times đăng tải thông tin rằng tòa nhà này được bán với giá 800 tỷ won (800 triệu USD) cho Quỹ đầu tư Qatar (QIA). Nhưng nay lại có thông tin rằng, việc mua bán này là giả và người đứng đằng sau vụ việc này là Bahn Joo-hyun, Giám đốc điều hành một công ty bất động sản ở New York (Mỹ).

Bahn Joo-hyun được cho là đã gửi cho Tập đoàn Keangnam Enterprises lá thư giả mạo nói trên với nội dung cho rằng QIA cơ bản xác nhận đã hoàn tất thương vụ mua lại tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower. Đổi lại, Bahn Joo-hyun đã được Tập đoàn Keangnam Enterprises ứng trước 600 triệu won (660.000 USD).

Cho đến nay, các tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được cho thấy, từ năm 2006-2013, Tập đoàn Keangnam Enterprises đã làm giả mọi số liệu trong báo cáo tài chính để được vay nợ 80 tỷ won (80 triệu USD) từ chính phủ và các tổ chức tư nhân khác. Riêng Chủ tịch Sung Wan-jong còn bị cáo buộc làm sai quy trình dẫn đến  một vụ gian lận kế toán có quy mô lên tới 950 tỷ won khác (950 triệu USD) và lập quỹ đen trị giá 25 tỷ won (25 triệu USD) thông qua các công ty liên kết do vợ đứng đầu.

Được thành lập năm 1951 tại thành phố Daegu, Tập đoàn Keangnam Enterprises đã nhanh chóng trở thành một trong 20 công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc tiến ra thị trường quốc tế trong một hợp đồng tại Thái Lan năm 1965.

Sau đó, Keangnam Enterprises mở rộng hoạt động đến Malaysia, Sri Lanka và Trung Đông. Đến năm 1973, Keangnam tiếp tục tạo dấu mốc khi trở thành công ty xây dựng đầu tiên IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán Korea Exchange. Năm 1994, Keangnam Enterprises trở thành tập đoàn xây dựng lớn nhất Hàn Quốc với giá cổ phiếu lên tới 225.000 won.

Nhưng từ năm 2013, tập đoàn bắt đầu làm ăn thua lỗ và xuống dốc không phanh. Keangnam Enterprises bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, thành lập Công ty Keangnam Vina (công ty 100% vốn của Keangnam Enterprises tại Việt Nam) nhưng liên tục báo lỗ cho đến nay.

Chi Anh
.
.
.