Chống khủng bố bằng mạng xã hội

Thứ Năm, 25/06/2015, 10:58
Hôm 22/6, cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) tuyên bố thành lập đơn vị chống tội phạm mạng để đối phó với các tài khoản mạng xã hội tuyên truyền tư tưởng thánh chiến, đặc biệt là các tài khoản của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trong khi đó, theo lời kêu gọi của Thủ tướng Australia Tony Abbott được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực về chống khủng bố ở Sydney hồi giữa tháng, nhiều quốc gia khác ở châu Á-Thái Bình Dương cũng đang tham gia vào một cuộc chiến thông tin toàn cầu chống khủng bố với phương châm “lấy độc trị độc”.

Cuộc chiến thông tin toàn cầu

Với những dữ liệu có được do các cơ quan tình báo của những nước thành viên thuộc Liên minh Châu Âu (EU) cung cấp, đơn vị chống tội phạm mạng nói trên của Europol sẽ chính thức hoạt động vào tháng 7, đặt trụ sở tại The Hague (Hà Lan). 

Giám đốc Europol Rob Wainwright cho biết, tham gia chiến dịch đầu tiên chống khủng bố trên mạng Internet có 20 thành viên của đơn vị cùng một nhóm chuyên gia an ninh mạng đến từ hai trang mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu. 

Nhiệm vụ của họ sẽ là tập trung theo dõi các nhân vật chủ chốt đăng những thông điệp và sở hữu các tài khoản dụ dỗ những phần tử thánh chiến tiềm năng ở các quốc gia trên thế giới tới Iraq và Syria cũng như việc tuyển chọn cô dâu cho các phần tử thánh chiến. 

Tham vọng mà đơn vị này đặt ra là từ nay đến cuối năm sẽ ngăn chặn hiệu quả làn sóng thanh niên phương Tây gia nhập các nhóm thánh chiến và tiếp đó là hình sự hóa hành động du lịch tới những điểm nóng khủng bố. 

Nguồn tin từ hãng Telegraph cho hay, ý tưởng về một đơn vị chống tội phạm mạng đã được các nhà chức trách EU đưa ra trong cuộc họp từ hồi tháng 3 và khẩn trương thực hiện trong suốt 3 tháng qua. 

Những chuyên gia Mỹ làm việc tại Hurlburt, bang Florida đang rà soát các mạng xã hội để phát hiện nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố. ảnh: Defenseone.

Mô hình của đơn vị này được xây dựng giống mô hình lực lượng chống khủng bố trên Internet (CTIRU) được thành lập ở Anh từ năm 2010, thời điểm các chiến binh thánh chiến tại Syria và Iraq liên tiếp đăng tải những video tuyên truyền trực tuyến. Đến nay, CTIRU vẫn đang cùng hợp tác với cảnh sát các nước trong việc “gỡ những tài liệu tuyên truyền cực đoan trên Internet xuống”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh không gian mạng đang được các phần tử khủng bố lợi dụng khai thác triệt để trong trao đổi thông tin, thu hút và tuyển mộ chiến binh thì việc hợp tác trên toàn cầu để tạo ra một mặt trận thông tin chống khủng bố mà cụ thể là IS rất quan trọng. Vì thế, cùng với các hoạt động của Europol, nhiều quốc gia khác ở châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương cũng đang mở các chiến dịch chống khủng bố trên mạng Internet để từ đó bổ sung cho nhau những lỗ hổng nhằm không để cho khủng bố bị “lọt lưới”. 

Cụ thể, tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã thành lập một đơn vị chống tuyên truyền trên mạng Internet gồm 50 chuyên viên quân sự với mục tiêu hàng đầu là các thanh niên bị IS “tẩy não”, có khả năng xuất cảnh sang Syria hoặc Iraq; dự đoán các chiến dịch tuyên truyền của Nhà nước Hồi giáo; khoanh vùng các phần tử chuyên đi tuyển mộ người và các trạm liên lạc của bọn chúng. 

Bên cạnh đó, Pháp cũng kiểm soát chặt chẽ nội dung trên Internet và các mạng xã hội căn cứ luật chống khủng bố; sẵn sàng khóa các trang web kích động hay cổ súy khủng bố… 

Còn ở Pakistan, nỗ lực chống lại các tổ chức khủng bố trực tuyến được thể hiện ở Ủy ban Viễn thông (PTA) với chức năng chống lại các trang mạng truyền thông xã hội và các video trực tuyến  mà các nhóm khủng bố đăng tải. Nhiều hoạt động và chương trình chống khủng bố tương tự cũng đang diễn ra ở Anh, Đức, Australia, Canada và các quốc gia châu Á.

Chiến thuật “gậy ông đập lưng ông”

Riêng tại Mỹ, từ tháng 9 năm ngoái, Bộ Ngoại giao nước này đã mở chiến dịch trực tuyến chống IS mang tên “Think again turn away” (tạm dịch là Hãy nghĩ lại, quay lưng lại). Các video trong chiến dịch là sản phẩm của Trung tâm Thông tin chống khủng bố sách lược (CSCC) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Nội dung của các đoạn băng nhằm chỉ trích việc IS hành quyết các con tin, phá hủy các di tích lịch sử Hồi giáo trong thời gian qua, phơi bày tội ác của các tổ chức khủng bố… 

Tuy nhiên, đây chỉ là bức bình phong cho một chiến dịch khác khá là hiệu quả mà Mỹ đang dùng chống IS. Đó là sử dụng chính các trang mạng xã hội và các tài khoản trên mạng xã hội của các phần tử khủng bố để truy tìm chúng. Tướng Hawk Carlisle, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy không chiến Mỹ đã gọi đây là chiến dịch “gậy ông đập lưng ông”. 

Theo đó, trong khi IS dùng truyền thông xã hội cho mục đích tuyển mộ thì tình báo không quân Mỹ cũng vào đó để truy tìm các chiến binh của tổ chức này. Tướng Hawk Carlisle nói: “Những chuyên viên này làm việc tại Hurlburt, bang Florida bằng việc rà kỹ hết các mạng xã hội. Khi phát hiện được nơi những thủ lĩnh của IS đang đứng hoặc ẩn náu, chỉ 24 tiếng sau, máy bay Mỹ trang bị bộ phận JDAM sau đuổi bom sẽ cất cánh để tiêu diệt”. 

Mới đây nhất là vào ngày 4/6, các chuyên gia tại Florida đã xác định được vị trí chính xác một “hang ổ” của một nhóm khủng bố IS sau khi chúng đăng ảnh tự sướng trên một diễn đàn xã hội. Một ngày sau đó, máy bay Mỹ cất cánh và giội bom xuống, tiêu diệt toàn bộ những tên này. 

Theo một nguồn tin từ không quân Mỹ, cũng trong ngày hôm đó, Mỹ đã tiến hành 17 cuộc không kích tại Iraq và Syria, tiêu diệt nhiều chiến binh IS tại Hasekeh, Raqqa và Ramada. 

Tướng John Allen, Đặc phái viên Mỹ điều phối chiến dịch chống IS nhấn mạnh: "Để làm suy giảm và tiêu diệt thông điệp của IS, cũng như đối phó với sự hiện diện của chúng trên không gian thông tin và trực tuyến đòi hỏi một cách tiếp cận cấp độ quốc tế, một sự kết hợp toàn diện quân sự, hành pháp, tình báo, các công cụ kinh tế và ngoại giao… Chỉ khi chúng ta chống lại sự hiện diện của IS trên mạng Internet, phủ nhận tính hợp pháp trong thông điệp chúng gửi tới những người trẻ tuổi dễ bị tác động thì IS mới thực sự bị tiêu diệt”.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích khủng bố quốc tế (TRAC), trong hơn nửa năm qua, IS đã tung ra hơn 2 triệu tin tức, hình ảnh, video và băng ghi âm lên Internet, thông qua hệ thống hàng chục nghìn tài khoản mạng xã hội khác nhau, tạp chí trực tuyến Dabiq, và một kênh truyền hình riêng với tên gọi Caliphate Channel. 

Các hình ảnh, video của IS đều được dàn dựng công phu và phát tán nhanh chóng, thậm chí được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức… với mục đích rao giảng lý tưởng, lôi kéo và xúi giục các phần tử cực đoan trên thế giới, bên cạnh việc đe dọa chống Mỹ, phương Tây và liên minh chống IS. 

Riêng trên mạng xã hội Twitter, chúng đã tạo lập tới 4.600 tài khoản khác nhau và thu hút được ít nhất 300.000 độc giả. IS đang hy vọng, bằng Internet, chúng sẽ lôi kéo được khoảng 3.400 người phương Tây và ít nhất 300 người Mỹ gia nhập tổ chức của chúng. 

Vì vậy, chống IS nói riêng và khủng bố nói chung trên mạng Internet là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách nhất hiện nay trên toàn thế giới.

Châu Anh
.
.
.