Chính sách của Iran trong quan hệ với Mỹ và khu vực

Thứ Hai, 20/07/2015, 09:15
Ngày 18/7, Lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố thỏa thuận hạt nhân vừa ký kết giữa Tehran và Nhóm P5+1 không phải là dấu hiệu của bất kỳ sự thay đổi nào trong mối quan hệ giữa nước này và Mỹ, hoặc chính sách của Tehran tại Trung Đông. Lãnh đạo tinh thần Iran cũng một lần nữa nhấn mạnh Tehran không tìm kiếm vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm phục vụ các mục đích hòa bình.

Trong bài diễn văn đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, ông Khamenei khẳng định Iran tiếp tục giữ vững các chính sách đối ngoại của mình, trong đó có quan hệ với Mỹ, dù thỏa thuận hạt nhân trên có được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hay không.

Lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei.Ảnh: Reuters.

Ông nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng, chúng tôi không đàm phán với Mỹ về các vấn đề khu vực hay thế giới, thậm chí cả những vấn đề song phương. Có một vài trường hợp ngoại lệ như chương trình hạt nhân của Tehran chúng tôi đã đàm phán với người Mỹ là vì lợi ích của mình. Các chính sách của Washington trong khu vực hoàn toàn đối lập với chính sách của Tehran”.

Ông Khamenei cũng nêu rõ, thỏa thuận sẽ không ảnh hưởng đến chính sách khu vực của Iran. Theo đó, Tehran sẽ không thay đổi sự hỗ trợ đối với các đồng minh và bè bạn ở Iraq, Syria, Liban và Bahrain.

Ông phát biểu: “Chúng tôi sẽ không bao giờ ngừng hỗ trợ bạn bè của chúng tôi trong khu vực và người dân Palestine, Yemen, Syria, Iraq, Bahrain và Lebanon. Ngay cả sau khi đạt được thỏa thuận này, chính sách của Iran đối với nước Mỹ “kiêu ngạo” vẫn không thay đổi”. Ngoài ra, Iran không cho phép xâm nhập các cơ sở quân sự của nước này dưới danh nghĩa thực hiện thỏa thuận hạt nhân. Bên cạnh đó, ông Khamenei cho biết, ông đã ban hành một sắc lệnh Hồi giáo nghiêm cấm vũ khí hạt nhân: “Người Mỹ nói họ ngăn cản Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ biết là điều đó không đúng. Chúng ta có một điều luật tôn giáo nói rõ vũ khí hạt nhân bị cấm về mặt tôn giáo theo luật đạo Hồi. Nó chẳng liên quan gì tới các cuộc đàm phán về hạt nhân hết”.

Chia sẻ quan điểm với ông Khamenei, trong bài diễn văn cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, thỏa thuận hạt nhân mới đạt được sẽ cải thiện quan hệ của Iran với các nước láng giềng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, thỏa thuận sẽ đưa Iran gần gũi hơn với các nước láng giềng, đặc biệt là Qatar”. Thật vậy, phát biểu trong cuộc điện đàm với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani trước đó, Tổng thống Rouhani khẳng định rằng, thỏa thuận hạt nhân mới đạt được không chỉ có lợi đối với Iran mà còn góp phần khôi phục an ninh và thúc đẩy sự thịnh vượng trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh rằng bản thỏa thuận này cho thấy các vấn đề khu vực cũng như mâu thuẫn giữa các quốc gia có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao.

Tổng thống Rouhani cho biết Tehran sẵn sàng trao đổi quan điểm với các nước khu vực, đồng thời kêu gọi Qatar cùng chung tay ngăn chặn các nhóm khủng bố và cực đoan, tăng cường các nỗ lực nhằm giúp xoa dịu căng thẳng và duy trì ổn định tại Trung Đông. Còn trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pakistan Mamnoon Hussain, Tổng thống Iran Rouhani đã kêu gọi thúc đẩy mối quan hệ “rất sâu sắc và thân thiện” giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực và nỗ lực đưa kim ngạch hai chiều lên hơn 5 tỷ USD. Đề cập đến tình hình khu vực, Tổng thống Rouhani ca ngợi chính sách của Islamabad đối với Yemen và nhấn mạnh sự cần thiết tiến hành các cuộc tham vấn thường xuyên giữa hai nước về vấn đề này.

Trong khi đó, trong một thông điệp gửi tới các nước Hồi giáo và Arab nhân dịp lễ Eid al-Fitr, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định rằng: “Bằng việc giải quyết cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân của chúng tôi bằng con đường ngoại giao nên đã xuất hiện  một cơ hội mới cho hợp tác trong khu vực và quốc tế”. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Marzieh Afkham cũng nhấn mạnh, Iran đã nghiêm túc quyết tâm tiếp tục mở rộng quan hệ với các quốc gia trong khu vực và các nước láng giềng.

Thỏa thuận mang tính lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran đã khép lại một trong những hồ sơ quốc tế phức tạp nhất của lịch sử thế giới đương đại. Đối với Iran, thỏa thuận này là cơ hội mở ra những mối quan hệ hợp tác thương mại với thế giới. Nhiều quốc gia đã thẳng thắn đề cập tới những kỳ vọng về cơ hội kinh tế mà thỏa thuận hạt nhân Iran mang đến. Tại khu vực, Cố vấn An ninh nước láng giềng Pakistan đã bày tỏ hoan nghênh và hy vọng thỏa thuận sẽ “bật đèn xanh” cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Pakistan vốn bị Washington áp lệnh cấm.

Từ châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngay lập tức tuyên bố sẽ tới thăm Iran trong thời gian tới để đánh giá tiềm năng hợp tác kinh doanh giữa hai nước. Trong khi đó, từ châu Á, Hàn Quốc cũng coi thỏa thuận vừa đạt được “là một tin tốt lành”. Một khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Iran có thể trở thành một vùng đất đầy cơ hội cho các công ty của Hàn Quốc. Các tập đoàn xây dựng, sản xuất ôtô, năng lượng… của Hàn Quốc đang tỏ ra rất sốt sắng chờ đợi cánh cửa Iran mở ra. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Năng lượng Taner Yildiz thì cho rằng, thỏa thuận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy hạn chế chương trình hạt nhân của Iran sẽ khai thông cho dòng đầu tư vào nhà nước Hồi giáo này.

Theo giới chuyên gia, điều quan trọng hơn là, thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và Nhóm P5+1 đã chứng tỏ các biện pháp ngoại giao và hợp tác có thể giúp vượt qua những căng thẳng, đối đầu trong nhiều thập kỷ giữa các quốc gia. Đồng thời, nó cũng có khả năng trở thành hình mẫu để cộng đồng thế giới giải quyết những điểm nóng hiện nay trên thế giới.

Khổng Hà
.
.
.