'Bóng ma' cực đoan đe dọa hòa bình thế giới

Thứ Ba, 13/01/2015, 08:27
Gần một tuần sau vụ tấn công khủng bố tòa báo Charlie Hebdo và vụ bắt cóc con tin ở cửa hàng tạp hóa người Do Thái tại thủ đô Paris (Pháp), không chỉ riêng châu Âu mà cả thế giới chìm trong nỗi lo về chủ nghĩa cực đoan. Những vụ tấn công liên tiếp vào một số tờ báo khác ở châu Âu từng đăng biếm họa của Charlie Hebdo tiếp tục gióng lên một hồi chuông cảnh báo mới, khiến Pháp và Mỹ đang gia tăng nỗ lực thiết lập một mặt trận mới chống khủng bố.

Phát biểu khi tham gia cuộc tuần hành lịch sử chống khủng bố tại thủ đô Paris của Pháp với 40 nguyên thủ  đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, tình trạng bạo lực do các phần tử cực đoan gây ra vẫn sẽ là một mối đe dọa trong nhiều năm tới.  Cảnh báo về nguy cơ có thể có một cuộc tàn sát đẫm máu tại Anh như những gì xảy ra ở Pháp, ông David Cameron cho biết, hiện các cơ quan cảnh sát tại Metropolitan và cơ quan tình báo đã xem xét kỹ lưỡng tình hình nước Anh và tập trung tinh thần cảnh giác cao độ.

Đồng quan điểm với người đứng đầu số 10 phố Downing, nhiều nhà lãnh đạo khác cũng cho rằng, nguy cơ khủng bố cực đoan đang thực sự đe dọa nền hòa bình và sự phát triển của châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung. Trung tướng Michael Flynn, cựu Giám đốc cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ trong lần trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức hôm 11/1 còn nhấn mạnh rằng, các thông tin tình báo cho thấy có ít nhất 4 nhóm khủng bố đã xâm nhập vào các quốc gia châu Âu trên danh nghĩa những người tị nạn và những kẻ bị tiêu diệt vừa qua chỉ là một nhánh của 1 trong 4 nhóm mà thôi. Nghĩa là, châu Âu đang thực sự đối mặt với một “cuộc chiến đầy cam go thử thách”.

Thậm chí, châu Âu đã trở thành mục tiêu hàng đầu của chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và bên cạnh đó lại phải đối diện với sự mâu thuẫn trong xã hội với xu hướng chống Hồi giáo ngày càng gia tăng. Theo tin từ hãng Reuters, hôm 10/1, nhật báo Hamburger Morgenpost của Đức tại thành phố cảng Hamburg đã trở thành mục tiêu của một vụ phóng hỏa. Nguyên nhân được cho là tờ báo này đã đăng lại các hình biếm họa về Nhà tiên tri Mohammed của tờ Charlie Hebdo. Một ngày sau đó, nhật báo tiếng Pháp Le Soir của Bỉ từng đăng tải các bức biếm họa của tờ Charlie Hebdo cũng đã phải sơ tán khẩn cấp sau khi nhận được cú điện thoại nặc danh đe dọa đánh bom.

Hãng Telegraph dẫn lời một nhà phân tích chính trị cho hay, nhiều khả năng, cuộc chiến chống khủng bố sẽ bùng nổ một cách đầy ám ảnh đối với cả châu Âu. Ông này lý giải, không phải ngẫu nhiên mà bọn khủng bố nhắm đến Pháp bởi đây là quốc gia có số người Hồi giáo và Do Thái sinh sống đông nhất châu Âu. Việc tên Amedy Coulibaly (thủ phạm vụ bắt cóc con tin ở thủ đô Paris) thừa nhận có hợp tác với 2 anh em nhà Kouachi (được Al-Qaeda đào tạo) tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo và thề trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong một đoạn băng video đăng tải trên mạng Internet cho thấy, liên minh giữa IS và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã bắt đầu gieo rắc nỗi sợ hãi khắp thế giới như những gì chúng cảnh báo. Thêm vào đó, các thông tin tình báo châu Âu thu thập được về con số 3.000 người châu Âu tham chiến với IS ở Iraq, Syria và gần 700 người đã trở về nước càng cho thấy mối nguy cận kề khi châu Âu phải chống lại với chính những người cùng gốc nhưng lại bị tiêm nhiễm  ý thức hệ cực đoan…

Nước Pháp được đặt trong tình trạng báo động vài tuần lễ tới. Ảnh: Reuters.

Có lẽ vì nhận thấy những sợi dây vô hình mà IS cùng Al-Qaeda đang dần dần siết quanh mình mà các quốc gia châu Âu đã bắt đầu thể hiện sự đoàn kết nhất trí trong một cuộc chiến chung chống khủng bố. Hôm 11/1, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cùng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã có cuộc họp với những người đồng cấp châu Âu tại thủ đô Paris nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ những kẻ khủng bố.

Tại đây, các Bộ trưởng đã thống nhất thành lập một cơ sở dữ liệu tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin về hành khách đi lại giữa các quốc gia thành viên,; đồng thời châu Âu cũng cần phải kiểm soát việc lạm dụng mạng Internet để truyền bá tư tưởng cực đoan cũng như các hình thức chiêu mộ thanh niên gia nhập các hoạt động khủng bố. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ còn tuyên bố, vào ngày 18/2, Mỹ sẽ đăng cai tổ chức một hội nghị cấp cao bàn về cách thức chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực trên toàn thế giới…

Từ Trung Đông, Ngoại trưởng Iran thì tuyên bố hợp tác trong khu vực là chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chính phủ các nước nhất định phải thay đổi chính sách sai lầm trước đây. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền đã có động thái khá mạnh khi trục xuất 1.065 người nước ngoài vào Thổ Nhĩ Kỳ như trạm trung chuyển để tham gia IS. 7.833 đối tượng cũng bị cấm nhập cảnh vì lý do tương tự.

Vatican và Italia nm trong danh sách b tn công

Kênh 1 của truyền hình Israel ngày 12/1 dẫn nguồn tin tình báo Mỹ khẳng định rằng tòa thánh Vatican và Italia nằm trong danh sách tấn công khủng bố tiếp theo của IS. Hiện Italia đã thắt chặt và tăng cường an ninh ở mức tối đa trên cả nước. Các lực lượng an ninh và cảnh sát được huy động tuần tra 24/24h. Đặc biệt, Đại sứ quán các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Đức… cũng đã được tăng cường canh gác. Tuy chính phủ đã trấn an người dân song hiện tại, bầu không khí ở quốc gia này vẫn đang rất căng thẳng.

Kết quả một cuộc thăm dò mới nhất do Viện IXE tiến hành cho thấy, có tới 63% người Italia được hỏi đều tỏ ra lo lắng về nguy cơ các hành vi khủng bố, bạo lực trên lãnh thổ nước này. Trong khi đó tại Canada, Bộ trưởng An ninh công cộng và tình trạng khẩn cấp cũng đã phải lên tiếng trấn an người dân sau khi xuất hiện một đoạn video kêu gọi người Hồi giáo tiến hành các cuộc tấn công vào quốc gia này.


Gia Nam
.
.
.