Trong ngôi nhà từ những mảnh bom

Thứ Ba, 15/08/2023, 09:23

Hai mươi năm qua, có một người đàn ông đã đi sưu tầm kỷ vật chiến tranh để dựng nên một ngôi nhà bằng hơn 300 vỏ bom đạn các loại gần Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Ngôi nhà bom này như một bảo tàng nhỏ lưu giữ những kỷ vật chiến tranh, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về cuộc chiến cũng như sự mất mát của dân tộc.

Nỗi buồn chiến tranh

Chiều tháng 7, Quảng Trị nắng đổ vàng như rót mật, bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại có một ngôi nhà nằm lấp ló dưới những hàng cây. Ngôi nhà ấy nằm đối diện con đường vào Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nơi ngày ngày vẫn đón những đoàn người vào thăm hàng vạn mộ phần liệt sĩ.

1.jpg -0
Công trình “Nhà bom của kỷ vật - Ký ức chiến tranh” nhìn từ phía cổng vào

Nằm ở phía nam cầu Bến Tắt, ngôi nhà làm từ hơn 300 vỏ các loại bom, pháo và hàng ngàn kỷ vật chiến tranh đã được dựng lên từ cách đây mấy tháng và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Thấp thoáng dưới bóng cây, ông Trần Công Chức (54 tuổi, sống tại thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Linh, Quảng Trị) trầm ngâm lau chùi, sắp xếp lại từng kỷ vật chiến tranh trong ngôi nhà bom này.

Ông Chức thủ thỉ, rằng mình vốn là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lửa Quảng Trị. Cuộc đời ông cũng trải qua những mất mát của chiến tranh. Mẹ ông cống hiến cho cách mạng và là mẹ Việt Nam anh hùng. Ông có 6 người thân trong gia đình mất vì chiến tranh và bom đạn. Năm 1967, 6 anh chị ruột của ông đã bị bom Mỹ giết chết. Chừng ấy nỗi đau ập xuống gia đình ông là một nỗi đau không thể kết xiết. Ngay từ lúc chỉ mới ngoài 30 tuổi, ông đã ấp ủ sưu tầm những quả bom thời chiến tranh còn sót lại để thực hiện xây dựng nhà trưng bày… bằng bom đạn. Hơn 20 năm sau, “ngôi nhà bom” ông hằng mong ước đang dần thành hình hài.

Trong ngôi nhà từ những mảnh bom -0
Tường nhà bom xây bằng gạch thẻ, sàn nhà lát đá và là nơi trưng bày các kỷ vật chiến tranh

Có lẽ, chẳng ai nghĩ rằng người đàn ông với ước mơ viển vông ấy đã dần thực hiện được niềm nguyện ước của mình về ngôi nhà bom đạn ấy. Trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, Quảng Trị được ví như túi bom, là vùng “đất lửa”. Mỗi người dân Quảng Trị ngày ấy phải gánh chịu nhiều tấn bom đạn trút xuống từ quân địch. Ông Chức bảo, khắp đất nước này đâu đâu cũng phải hứng chịu những nỗi đau chiến tranh, nhưng có lẽ đất lửa Quảng Trị là nơi hứng chịu nhiều bom đạn nhất bởi đây là giới tuyến của những ngày chia ly Nam - Bắc. Và bây giờ, Quảng Trị có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như địa đạo Vịnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Cồn Tiên, Dốc Miếu, sân bay Tà Cơn, Đường 9 Khe Sanh… Quảng Trị còn được ví như “bàn thờ Tổ quốc” khi có đến 2 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9, có Thành cổ Quảng Trị - nơi một nấm mồ chung tưởng nhớ hàng ngàn anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi này trong những ngày bão lửa.

Mấy mươi năm qua, thấu hiểu mất mát của đời người và cả sự khốc liệt của chiến tranh, ông Chức luôn mong muốn làm việc gì đó để góp chút sức mọn của mình cho hòa bình sau này, và chí ít cũng để những thế hệ sau biết và hiểu hơn sự kinh hoàng của chiến tranh, sự mất mát của dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, hơn 20 năm qua, ông Chức đã dày công sưu tầm kỷ vật chiến tranh. “Bất kể phải lặn lội từ rừng núi đến vùng sông nước, vào các bãi thu mua phế liệu chiến tranh, hay khi đi ngang trên đường mà bắt gặp một món đồ nào đó, tôi đều dừng lại để tìm hiểu. Có khi là xin, có khi là mua lại, cũng có khi người khác tặng. Khi nghe ở đâu có một món đồ kỷ vật nào đó, tôi đều tìm tới nơi, miễn sao có thể thu lượm về kỷ vật chiến tranh. Đến nay, bộ sưu tập của tôi có cả ngàn kỷ vật như bom, đạn, tăng võng, cuốc xẻng, súng đạn… nói chung là các loại vật tư thiết bị chiến tranh để có thể làm sống dậy những năm tháng khốn khó mà hào hùng, những ngày tháng mất mát đau thương mà đầy bi hùng của dân tộc trong hành trình đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước!”, ông Chức bộc bạch.

Trong ngôi nhà từ những mảnh bom -0
Một số vỏ bom được sơn lại và dán các thông số về chiều dài, cân nặng, loại bom

Trong nhà bom ký ức

Hơn 20 năm sưu tầm, tìm kiếm và nuôi dưỡng ý tưởng xây dựng một địa điểm để tưởng nhớ, cũng như trao truyền lại ý nghĩa của cuộc chiến tranh Vệ quốc của dân tộc Việt Nam. Đã có hàng nghìn phế liệu chiến tranh được ông Chức sưu tầm từ các vùng núi sâu, dòng sông hay từ những cửa hàng thu mua phế liệu, nhưng nhiều nhất phải kể đến là các loại bom, pháo, đạn cối mà quân Mỹ đã rải xuống vùng đất Quảng Trị - nơi được coi là vùng “đất thép, đất lửa” này. Năm 2019, ông Chức đã chuẩn bị để xây dựng khu vực nhà bom này. Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 đã khiến ông phải hoãn lại niềm ấp ủ của mình.

Trong ngôi nhà từ những mảnh bom -0
Những cột trụ của nhà bom được làm bằng vỏ bom

Đầu năm 2023, ông cùng những người bạn tâm huyết đã quyết định thực hiện ý tưởng về nhà bom của mình. Nguyên vật liệu tạm thời được sử dụng từ chính những vỏ bom, đạn pháo ông Chức đã tìm kiếm được. Trên diện tích gần 300 mét vuông được thực dụng để dựng nhà bom, ông Chức đã sử dụng những vật liệu là đạn, bom, pháo... các loại để dựng nhà. Căn nhà làm hoàn toàn bằng bom được xây dựng trên một phần đất rộng chừng 10.000m2 (thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Ông Chức cho biết, mỗi trụ cột có từ 4 - 6 vỏ bom, vỏ đạn kết nối với nhau bằng cách hàn xì kết dính. Riêng phần nhà bom, diện tích khoảng 300m2, với hơn 30 dãy cột nhà được làm từ những quả bom rỗng ruột không còn thuốc nổ và kíp nổ. Có những vỏ bom nặng đến 600kg, việc gắn kết những khối bom lại sao cho thành những cột thẳng đứng thay cho vật liệu thông thường khác như gỗ, cột đúc xi-măng là vô cùng khó khăn. Có những quả bom thường gọi là bom tấn, bom tạ... dù đã không còn thuốc bom bên trong nhưng nặng hàng trăm kg và chỉ có máy móc mới di chuyển được. Một cột trụ 4 - 6 quả bom, đạn kết nối với nhau có trọng lượng lên tới cả tấn. Nhiều người đến tham quan ngôi nhà đều trầm trồ khi nhận thấy toàn bộ các cột của ngôi nhà được làm từ vỏ bom được hàn cố định lại với nhau tạo thành các cột to, nhỏ của ngôi nhà. Ở dưới là các vỏ bom tấn, tạ. Càng lên cao, kích thước vỏ bom càng nhỏ dần. Phía trên, mái nhà được lợp bằng lá cọ, vừa mộc mạc vừa mát mẻ.

Số vỏ bom, đạn pháo còn lại được ông Chức trưng bày quanh ngôi nhà và sắp tới ông sẽ làm hàng rào xung quanh ngôi nhà bằng vỏ bom. Khi ngôi nhà hoàn thiện, ông đưa toàn bộ gia tài kỷ vật vô giá mà ông đã dày công thu thập hơn 20 năm qua vào trưng bày. Bên trong “nhà bom” này, ông Chức trưng bày hàng ngàn kỷ vật chiến tranh, cùng tranh ảnh, trình chiếu phim tài liệu… để khách tham quan có cái nhìn tổng thể về cuộc chiến tranh Vệ quốc của dân tộc Việt Nam.

Trong ngôi nhà từ những mảnh bom -0
Nhiều loại bom, đạn, pháo được sưu tầm đưa về để người xem hiểu thêm về sự khốc liệt của chiến tranh

Ông Chức bộc bạch, ông đã chọn bỏ tiền mua đất và chọn khu vực gần Nghĩa trang Trường Sơn để xây dựng ngôi nhà bom mong ước. Ông chọn ngay cổng Nghĩa trang Trường Sơn để xây dựng nhà bom bởi Nghĩa trang Trường Sơn là nơi thiêng liêng, ngày ngày có nhiều người đến thăm viếng để thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vậy nên, ông muốn khi mọi người đến đây không chỉ làm tròn bổn phận viếng hương hồn các liệt sĩ đang nằm lại, mà còn có những trải nghiệm thực tế qua việc xây dựng các công trình ký ức chiến tranh xưa, giúp họ có thêm cái nhìn trực quan về chiến tranh. “Nhà bom này là nơi các cựu chiến binh có dịp ghé thăm, nhìn lại những kỷ vật chiến tranh để hoài niệm một thời gian khổ, hi sinh vì độc lập dân tộc. Thế hệ trẻ đến thăm nhà bom để hiểu thêm về sự ác liệt của chiến tranh, để ứng với câu "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Tôi muốn nơi này không chỉ là nơi lưu giữ kỷ vật, là nơi tìm đến của những người đã sống và chiến đấu trong chiến tranh, những người trẻ tuổi muốn tìm hiểu lịch sử. Tôi muốn nơi này là một nơi để mọi người tìm đến để yêu thêm lịch sử và đất nước Việt Nam mình. Học sinh, thế hệ trẻ được học trên sách vở, hình ảnh trên màn hình nhưng không dễ thấy những hiện vật chiến tranh ngoài đời thực. Tôi muốn thế hệ mai sau hiểu sâu sắc và luôn tri ân công lao của ông cha ta đã đổ xương máu để giành độc lập tự do. Hiểu sự ác liệt của chiến tranh để yêu chuộng hòa bình. Du khách nước ngoài đến thăm sẽ hiểu thêm về cuộc kháng chiến hào hùng, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam”, ông Chức chia sẻ.

Trong ngôi nhà từ những mảnh bom -0
Nhiều hiện vật thời chiến được ông Chức thu thập, sưu tầm đưa về nhà bom này

Ngoài việc ngôi nhà bom được xây dựng nên từ hàng trăm quả bom và phế liệu chiến tranh khác, thì khuôn viên của khu vực này còn có những kiến trúc khác như bếp Hoàng Cầm, các khu vực tham quan khác. Ông Chức cho biết thêm, nơi này không bán vé tham quan, không đặt nặng đến lợi nhuận. Mục tiêu của nhà bom này nhằm phục vụ cho người dân cả nước, nhất là các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ khi đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Và ông muốn rằng khi đến đây, mọi người được hồi tưởng, hiểu hơn về cuộc chiến tranh mà đất nước trải qua bằng những dấu tích sót lại, để thấu hơn về những gian khổ mà quân và dân ta ròng rã giữa rừng sâu trường kỳ kháng chiến để đi đến thắng lợi.

Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Hầu, Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, khi ông Chức làm hồ sơ xin cấp phép xây dựng, chính quyền địa phương đã kiểm tra và xét thấy đủ điều kiện để xây dựng nhà bom này nên tạo điều kiện hết sức. Xã đã phối hợp với phòng ban liên quan của huyện kiểm tra, hướng dẫn làm các thủ tục theo đúng quy trình, quy định. Đồng thời chính quyền địa phương hy vọng đây sẽ là một địa điểm lịch sử để người dân cả nước có thể tìm hiểu thêm về sự khốc kiệt của chiến tranh, cũng như sự hy sinh của các cán bộ chiến sỹ để đất nước được độc lập mãi mãi.

Tiêu Dao
.
.
.