Tình người trên biển hồ Tonle Sap

Thứ Năm, 02/02/2023, 10:49

Năm 2006, trong chuyến du lịch Campuchia rồi tận mắt nhìn thấy nỗi cơ cực của những người dân sống trên mặt hồ Tonle Sap, tỉnh Siem Reap, thạc sĩ, bác sĩ Jon Morgan, người Mỹ, chuyên ngành y học cộng đồng tại Đại học Hawaii, Mỹ, sau khi được sự chấp thuận của Bộ Y tế Campuchia và chính quyền Siem Reap, đã thành lập những cơ sở y tế lưu động nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe cho họ với tên gọi Phòng khám bệnh trên hồ...

1. 8 giờ sáng, tôi cùng Suon Piseth, y sĩ người Campuchia lên chiếc xuồng máy của Phòng khám bệnh trên hồ (The Lake Clinic - viết tắt là TLC). Trên xuồng, ngoài tài công Leng Samnang thì còn có nữ bác sĩ Hun Thourida, Giám đốc y tế TLC cùng 4 thùng thuốc men, dụng cụ. Leng Samnang nói: “Mỗi tuần 3 lần, tôi lái xuồng đưa các y, bác sĩ, điều dưỡng đến 6 phòng khám. Mỗi lần như vậy, chỉ riêng tiền xăng dầu là 100 USD, do TLC tài trợ”.

Khởi hành từ ven bờ huyện Prasat Bakong, chiếc xuồng nhắm hướng làng nổi Chong Khneas thẳng tiến. Xung quanh tôi, trên mặt nước là những ngôi nhà phần lớn dựng tạm bợ bằng tranh, tre, lá, ván ép hoặc những tấm thiếc và vải bạt. Tất cả được buộc trên những chiếc bè gỗ hoặc những con thuyền cũ. Theo số liệu của Chính phủ Campuchia, có khoảng 100.000 dân sống trên những làng nổi này, trong đó hơn 6.000 người gốc Việt. Họ là một trong những cộng đồng nghèo nhất Campuchia, mưu sinh bằng cách đánh bắt các loài thủy sản hoặc làm thuê.

Tình người trên biển hồ Tonle Sap -0
Bác sĩ Jon Morgan thăm hỏi bệnh nhân ở phòng khám Peam Bang.

Tôi biết TLC là do bác sĩ Sao Sarieng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế hữu nghị Campuchia, Việt Nam tỉnh Svey Rieng. Trước đó, từ 2009 đến 2015, Sarieng học chung lớp, chung tổ với con trai tôi tại Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh rồi sau khi tốt nghiệp, nơi công tác ban đầu của cậu là Bệnh viện Rasmey Siem Reap. Sarieng nói: “Nằm ở phía Bắc Campuchia, hồ Tonle Sap (hay còn gọi là Biển Hồ) là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Vào mùa mưa, diện tích ngập nước kéo dài 16.000 km2, gấp 6 lần mùa khô với độ sâu trung bình 9m. Hơn 1, 5 triệu người ở các tỉnh Siem Reap, Kongpong Cham, Pursat... dựa vào nơi này để kiếm sống”.

Sau gần 2 tiếng, chiếc xuống máy cập sát phòng khám bệnh nổi Peam Bang. Đó là một căn nhà thuyền rộng khoảng 100 m2 bằng gỗ, mái đặt những tấm pin mặt trời để cung cấp điện. Khi đội ngũ y, bác sĩ chuyển những thùng thuốc men, dụng cụ lên, đã có hơn 30 bệnh nhân ngồi đợi. Y sĩ Suon Piseth cho biết phần lớn mắc bệnh cao huyết áp, đến tái khám theo lịch hẹn: “Chúng tôi cấp thuốc cho họ từng đợt, mỗi đợt 30 ngày đồng thời hướng dẫn họ cách ăn uống, sinh hoạt nhằm tránh tai biến”. Bác sĩ Hun Thourida nói thêm: “Do tính chất đặc thù của cuộc sống, hầu hết cư dân trên hồ đều ăn mặn. Mỗi khi đánh bắt được các loại cá, ngoài phần đem bán, họ ướp muối, phơi khô những con cá nhỏ. Đến mùa nắng, sản lượng thấp cũng như vài tháng trong năm, Chính phủ Campuchia cấm mọi hình thức khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì cá khô là thức ăn chính. Ăn mặn lâu dài, họ cao huyết áp”.

Sự hình thành 6 Phòng khám trên hồ bắt nguồn từ việc bác sĩ Jon Morgan, người Mỹ, lúc đi chơi Biển Hồ hồi giữa năm 2006, được một phiên dịch cho biết tình hình chăm sóc sức khỏe của những cư dân sống trên mặt nước gần như là con số 0. Mỗi khi ốm đau, họ tự chữa bằng những loại cỏ cây rễ lá theo truyền khẩu. Nếu không khỏi, họ chèo thuyển vào bờ, đến những tiệm thuốc Tây mua thuốc. Vài người khá giả vào bệnh viện tư, nơi việc thăm khám, điều trị tính bằng USD nhưng rất đắt còn bệnh viện công thì nhiều bệnh nhân lại không đủ giấy tờ tùy thân. Jon Morgan nói: “Nghe xong, tôi nghĩ đây là cơn ác mộng. Phải có ai đó làm một điều gì đó”.

Thế là, được sự chấp thuận của Bộ Y tế Campuchia và chính quyền tỉnh Siem Reap, 6 phòng khám lần lượt ra đời từ 2007 đến 2012, gồm 5 phòng đặt trên mặt nước Biển Hồ, 1 đặt ở sông Stung Sen liền kề, hoạt động bằng sự tình nguyện của 5 bác sĩ, 2 y sĩ, 4 nữ hộ sinh, 1 y sĩ nha khoa cùng các nhân viên hỗ trợ. Cứ mỗi tuần, họ thực hiện 3 chuyến đi đến các phòng khám. Bác sĩ Hun Thourida cho biết sau khi tốt nghiệp Học viện Y khoa St Petersburg II Mechnikov, Nga, cô làm việc cho TLC từ năm 2012. Hun Thourida nói: “Tôi có thể dễ dàng tìm được công việc ở Nga với mức lương cao nhưng tôi quyết định trở về quê nhà để giúp đỡ người nghèo”. Ngoài tiếng Khmer, Hun Thourida còn thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga nên cô cùng bác sĩ Jon Morgan là cầu nối giữa TLC với các nhà hảo tâm ở nhiều nơi trên thế giới.

Tình người trên biển hồ Tonle Sap -0
Bệnh nhân chờ khám bệnh ở Phòng Khám trên hồ.

2. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cứ 10.000 người Campuchia mới có 1,7 bác sĩ trong lúc ở Việt Nam, con số này là 9,6. Tỷ lệ trẻ em Campuchia suy dinh dưỡng nói chung là 32% nhưng trên Biển Hồ là 59%. Lúc ghé vào vài căn nhà thuyền, tôi thấy thức ăn chính của người dân phần lớn là muối ớt cùng mấy con cá. Tôi hỏi ông Samouth, chủ một căn nhà thuyền tương đối khang trang khi nhìn thấy con trai ông 14 tuổi nhưng như đứa trẻ lên 10 đang ngồi ăn cơm mà thức ăn là vài con tép rang bé tí, rằng nghe nói ông là một trong những người đánh được nhiều cá nhất nhưng sao không để ăn? Ông đáp: “Ăn cá không quan trọng bằng bán để lấy tiền vì tiền có thể làm được nhiều việc”. Bác sĩ Jon Morgan nói: “Thiếu chất đạm, chất béo và vi chất dinh dưỡng, trẻ con còi cọc, dễ mắc một số bệnh như lao, giun sán và các bệnh về đường tiêu hóa. Tôi vẫn thường giải thích với họ rằng nước mà các bạn múc dưới hồ lên uống, nhìn thì thấy trong vắt nhưng cũng chính hồ nước ấy là nơi các bạn tắm rửa, giặt giũ quần áo và... đi vệ sinh!”.

Thăm khám xong các bệnh nhân ở Phòng khám Peam Bang, bác sĩ Hun Thourida lên xuồng đến nhà một phụ nữ tên Pott, 28 tuổi, bị lao cột sống. Đó là một cái chòi mái lợp lá dừa nước, vách làm bằng những tấm giấy dầu, dựng trên một bè tre nứa. Ở chung với Pott là đứa con gái 8 tuổi cùng bà mẹ già mắc bệnh liệt rung (Parkinson). Cha Pott, cụt chân vì hoại thư cũng mắc bệnh lao còn chồng cô đã bỏ đi khi cô nằm liệt giường. Nguồn sống của cả gia đình chỉ trông cậy vào người đàn ông duy nhất là Danh Thith, chồng chị gái Pott. Thith nói: “Tôi làm nghề đánh cá nhưng càng lúc càng khó khăn. Cá bắt được bằng 1/5 so với vài năm trước...” mà nguyên nhân là do khai thác quá mức, do ô nhiễm nguồn nước và xa hơn là do việc xây dựng các con đập thủy điện ở thượng nguồn.

Trong khi bác sĩ Hun Thourida cấp thuốc cho gia đình Pott, máy bộ đàm gọi từ Phòng khám Kampong Khleang cho biết bác sĩ Chhuom Sary, nữ hộ sinh Ky Kolyan và y sĩ Chan Soda vừa thực hiện xong một ca mổ bắt con. Bác sĩ Hun Thourida nói: “Phương tiện di chuyển chính của người dân Biển Hồ là ghe xuồng, hầu hết chèo bằng tay bởi lẽ thu nhập trung bình chỉ khoảng 2,5 USD/người/ngày. Vài gia đình mua được máy nổ nhưng nếu cần đi lại trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tốn 200.000 riel tiền xăng dầu (khoảng 1.200.000 tiền Việt) nên nhiều trường hợp, vì đưa người bệnh đến phòng khám bằng xuồng chèo tay, bệnh nhân đã vô tình đánh mất khoảng “thời gian vàng” để giữ được mạng sống”.

Không chỉ với những bệnh nội, ngoại, sản, nhi, cơ, xương khớp, TLC còn khám và điều trị các bệnh về mắt, tai mũi họng. Y sĩ Suon Piseth nói: “Mùa mưa, mực nước hồ dâng cao nên xuồng dễ dàng cập sát phòng khám nhưng đến mùa khô, nước hồ cạn, trong số 6 phòng khám thì có 4 phòng chúng tôi phải lội bùn vào, có nơi phải lội vào gần 500m”. Vẫn theo Suon Piseth, năm 2021 TLC thực hiện hơn 2.000 ca nhổ răng, tặng 3.000 bộ bàn chải, kem đánh răng cho trẻ em trên hồ. Cũng thời điểm ấy, TLC đón nhận thêm 5 tình nguyện viên đến từ Palestine, Na Uy và Mỹ. Họ là những chuyên gia về cơ xương khớp, vật lý trị liệu và các bệnh truyền nhiễm do nước sinh hoạt

Bệnh nhân cuối cùng mà các y, bác sĩ TLC ghé thăm trước khi quay lại Phòng khám Peam Bang là bà Yely Sarun, 68 tuổi. 4 năm trước, bà đến với một vết loét trên mũi nhưng sau vài lần điều trị, bà bỏ ngang. Hỏi ra mới biết những lần trước, bà đi nhờ chiếc xuồng của một người hàng xóm, cũng đến Peam Bang để điều trị chứng thoái hóa cột sống. Khi thuyên giảm, người này không đi nữa nên bà Yely Sarun cũng bỏ vì không có tiền thuê xuồng.

Mất hơn 1 năm tưỡi tìm kiếm, bác sĩ Thourida mới xác định được nơi ở của bà Yely Sarun. Khi đến thăm bà lần đầu tiên cách đây 6 tháng, bác sĩ Thourida nhận thấy vết loét đã lan rộng cả khuôn mặt, cổ, vai và lưng. Theo bác sĩ Thourida, bà Yely Sarun bị viêm da tiếp xúc và vì ngứa nên bà thường hay gãi, dẫn đến nhiễm trùng: “Mỗi tuần 3 lần, chúng tôi rửa các vết loét bằng thuốc sát khuẩn rồi điều trị kháng sinh cùng các vitamin nhằm nâng cao thể trạng. Bây giờ các vết loét đã khô, hết ngứa”.

Tình người trên biển hồ Tonle Sap -0
Một ca phẫu thuật do bác sĩ của Phòng khám bệnh trên hồ thực hiện, điện thoại dược dùng làm đèn chiếu sáng.

Và không chỉ có các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, bộ máy của TLC hoạt động trơn tru còn nhờ vào sự đóng góp của nhiều người. Đó là ông Sakhem, cựu chiến binh Quân đội Hoàng gia Campuchia, gia nhập TLC từ năm 2008, hiện là giám đốc kỹ thuật các dự án đặc biệt. Đó là Madeline Njos, người Mỹ. Cô cùng chồng từ thành phố Seatlle, bang Washington, Mỹ, đến thăm Campuchia năm 2016. Khi chứng kiến cuộc sống của người dân Biển Hồ và những công việc của TLC, năm 2019 vợ chồng cô chính thức tham gia với vai trò giám đốc phát triển, phụ trách gây quỹ từ thiện. Đó là dược sĩ Phil Pihrom, dược sĩ Sery Odom và đó là điều phối viên lâm sàng Savann, quản lý tài chính Khim Chantha... Ông Sakhem cho biết: “Việc chăm sóc sức khỏe được chúng tôi thực hiện dưới các hình thức như xét nghiệm, làm các phẫu thuật nhỏ, khám và cấp thuốc ngoại trú. Nếu tình trạng bệnh nhân cần đến sự điều trị cao hơn, chúng tôi chuyển họ lên bệnh viện tuyến trên. Trong trường hợp này, nhân viên của TLC sẽ đánh giá điều kiện kinh tế của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được xác định là nghèo, chúng tôi sẽ cung cấp phương tiện chuyển viện miễn phí đồng thời tạo điều kiện cho họ được hưởng bảo hiểm từ Quỹ công bằng y tế...”. Bác sĩ Korng Sombun cho biết thêm: “Bên cạnh việc giúp đỡ người dân Biển Hồ tiếp cận với y học hiện đại, TLC còn tổ chức các nhóm hỗ trợ y tế ở từng khu vực trên hồ. Họ được đào tạo về phòng, chống dịch bệnh, nhận biết các triệu chứng cơ bản và các dấu hiệu nguy hiểm...”. Thống kê cho thấy từ khi ra đời đến nay, trung bình mỗi năm TLC khám và điều trị cho 20.000 người. Với sự trợ giúp của Na Uy, chiếc xuồng cao tốc TLC-4 dài 9m, rộng 3,5m, động cơ diesel 110 mã lực cùng các trang thiết bị y tế hiện đại, hiện đang là “xe cứu thương đường thủy”, vận chuyển bệnh nhân từ các phòng khám trên hồ đến các bệnh viện ở đất liền trong những trường hợp cần đến sự can thiệp chuyên sâu.

Cuối tháng 12/2022, tôi điện thoại cho bác sĩ Sok Buntha, anh nói tình hình sức khỏe của phần lớn cư dân Biển Hồ thuộc địa bàn tình Siem Reap đã được cải thiện đáng kể, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa nhờ vào việc tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức y học. Hỏi về hoạt động của 6 phòng khám, anh cười: “Vẫn như vậy, mỗi tuần 3 chuyến. Mùa này nước còn lớn nên đỡ phải lội bùn”...

Cao Xuân Hòa
.
.
.