Người thay đổi Pha Luông

Thứ Ba, 31/08/2021, 21:08

Luôn gương mẫu đi đầu, là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con dân bản, là cánh tay nối dài của lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống ma túy ở địa bàn biên giới, là người tiên phong thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, giúp cho cuộc sống của người dân từng ngày khởi sắc…

Đó chính là ông Sồng A Tủa, Trưởng bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ông là người có uy tín của tỉnh Sơn La vinh dự được tham gia “Gặp mặt người có uy tín toàn quốc” 2 lần.

Từ một Pha Luông hoang sơ, nghèo đói

Pha Luông, địa danh tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người là nơi xa xôi, là nỗi ám ảnh về sự hiểm trở, gian nan và khắc nghiệt của huyện Mộc Châu. Nhưng thời tiết ở đây mát mẻ, đất đai trù phú, chưa ai canh tác đã tạo nên tập quán du canh du cư của người dân tộc Mông.

IMG_8195-1630325544604.JPG
Ông Sồng A Tủa cùng Công an và Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động anh Sồng A Chống cai nghiện ma túy thành công. 

Năm 1986, Sồng A Tủa cùng một số hộ dân từ quê hương vợ chồng A Phủ - xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên đã chọn đỉnh núi Pha Luông xa xôi làm chốn khai hoang, lập nghiệp. Đây là vùng đất hoang sơ, cách biên giới Việt – Lào khoảng 6km, đường lên là những dốc dựng đứng, chỉ có thể đi bộ. Cây rừng lúc ấy chủ yếu là tre, nứa và cây hỗn tạp.

Người dân phá rừng dựng lán để ở, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày để ăn. 3 năm sau, vùng đất mới đã thu hút được 42 hộ dân là đồng bào người Mông đến sinh sống. Đủ điều kiện, bản Pha Luông được thành lập. Và chàng thanh niên 20 tuổi Sồng A Tủa được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản đầu tiên của Pha Luông.

Thế nhưng, đất mỗi ngày mỗi bạc. Đời sống của bà con dần khó khăn. Và thế là cây thuốc phiện trở thành loại cây cho thu nhập cao nhất lúc đó. Pha Luông trở thành một trong những bản trồng nhiều thuốc phiện nhất huyện Mộc Châu. Bình quân mỗi hộ trồng 1 ha cây thuốc phiện, có hộ trồng nhiều hơn. Cũng vì trồng nhiều cây thuốc phiện nên rất nhiều gia đình ở Pha Luông có người nghiện ma túy. Cả bản có 42 hộ, thì 30 hộ có người nghiện ma túy, thậm chí có gia đình cả hai vợ chồng cùng nghiện. Pha Luông được xác định là điểm nóng về ma túy lúc bấy giờ.

Cả bản gần như chìm trong làn khói thuốc, chẳng ai thiết gì đến lao động sản xuất, làm nương rẫy nữa nên cuộc sống ngày càng nghèo đói. Nhất là giai đoạn 1992-1995, khi tỉnh Sơn La quyết liệt chống ma túy, vận động phá bỏ cây thuốc phiện thì nguồn thu nhập chủ yếu từ cây thuốc phiện của bà con trong bản cũng không còn nữa. Bản có tới 32/42 hộ nghèo.

Ông Sồng A Tủa kể: Pha Luông lúc ấy do hoàn toàn tách biệt với xung quanh nên ngoài nghèo đói ra còn hội tụ đủ “4 không” (không điện, không đường, không trường học, không trạm xá). Mơ ước về một cuộc sống sung túc ở mảnh đất mới gần như không có. Cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng và những người nghiện ma túy vẫn hàng ngày chìm trong khói thuốc.

Do đua đòi với đám bạn xấu trong bản, anh Sồng A Nhà ban đầu hút thuốc phiện, rồi chuyển sang ma túy tổng hợp. Cuộc sống khó khăn lại càng thêm khó khăn, thóc gạo không đủ ăn, con cái không được học hành, mâu thuẫn gia đình ngày càng sâu sắc.

Anh Sồng A Chu và nhiều thanh niên khác cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Bản thân nghiện ma túy, cuộc sống khó khăn, vất vả, con cái nheo nhóc, vợ chồng lục đục. Và điều quan trọng là trong suy nghĩ của anh cũng như nhiều người trong bản, việc nghiện ma túy là điều bình thường vì thế hệ trước của bản cũng có đến vài chục người nghiện. Nếp nghĩ ấy ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân ở Pha Luông. Trưởng bản Tủa bảo: Lúc đấy tôi còn trẻ lắm, lại không biết chữ, không có kinh nghiệm gì nên nhìn bà con nghiện ngập, đói khổ, bản thân tôi cũng trăn trở lắm nhưng chưa nghĩ được phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu.

Người thay đổi Pha Luông -0
Ông Sồng A Tủa trực tiếp động viên, giúp đỡ anh Sồng A Chống chăm lo phát triển kinh tế. 

Thời điểm đó, huyện Mộc Châu có chủ trương vận động bà con người Mông định cư, vận động các bản vùng sâu, vùng xa, khó khăn di chuyển đến địa điểm mới, tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Nhà nước cũng có chủ trương kêu gọi người dân không phá rừng bữa bãi. Ông là người đầu tiên vận đồng bà con thay đổi tập quán, thói quen sản xuất, là người tích cực tuyên truyền người nghiện ma túy tự cai tại nhà… Thay đổi của Pha Luông bắt đầu từ đây!

Bước ngoặt

Năm 2004, khi cả bản chuyển xuống định cư ở chân núi Pha Luông, Nhà nước hỗ trợ cho mỗi hộ 5 triệu đồng nhưng vẫn chồng chất khó khăn vì không có đất canh tác và số người nghiện vẫn nhiều. Trưởng bản Sồng A Tủa bắt đầu hành trình tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ ma túy, không tái trồng cây thuốc phiện, vận động bà con khai hoang ruộng bậc thang, mở đường, phát triển chăn nuôi và học cách trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Đồng thời, ông cũng đích thân đi xin hỗ trợ vốn vay ngân hàng cho bà con để phát triển kinh tế. Ông tiên phong đưa cây chanh leo về trồng. Ông kể: Trong một lần ra chợ huyện dự hội chợ, được nghe giới thiệu về hiệu quả của loại cây này, ông đã bỏ tiền mua giống, tìm hiểu kỹ thuật, học cách chăm sóc, làm giàn sao cho đạt năng suất cao. Dù nhiều người nghi hoặc ông vẫn mạnh dạn trồng hơn 200 gốc chanh leo đầu tiên.

Người thay đổi Pha Luông -0
“Tài sản” của ông Sồng A Tủa sau 32 năm làm Trưởng bản là những tấm Bằng khen, Giấy khen của các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể trao tặng. 

Vụ mùa năm ấy, ông thu về hơn 100 triệu đồng. Thấy ông làm được, nhiều người dân trong bản cũng làm theo. Sau này, cây chanh leo rớt giá dần thì cả bản chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác và phát triển chăn nuôi. Hiện nay, cả bản có 60 ha ruộng bậc thang, 36 ha cây hoa quả, chủ yếu là sơn tra đã bắt đầu có quả, mỗi nhà có ít nhất 5-6 con trâu bò, có nhà 10-15 con trâu bò, gà vịt nhà nào cũng có…

Từ một bản “4 không”, Pha Luông sau 15 năm đã khởi sắc từng ngày, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/người/năm, có hộ thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình anh Sồng A Xê tích cực khai hoang diện tích lớn ruộng bậc thang để trồng lúa, phát triển đàn trâu bò 20 con, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Hay anh Sồng A Chu cũng là một trong những hộ có diện tích ruộng bậc thang lớn nhất trong bản, có đàn trâu, bò, dê 30 con, thu nhập trên 150 triệu đồng mỗi năm.

Anh Sồng A Chu không giấu được sự xúc động khi nhắc đến Trưởng bản Tủa: “Tôi và nhiều người trong bản biết ơn Trưởng bản Tủa lắm, từ việc vận động khai hoang làm ruộng nước, rồi đến việc trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, cái gì không biết ông Tủa cũng chỉ bảo cho”. Cả bản giờ có 86 hộ, 515 nhân khẩu thì chỉ còn 6 hộ nghèo, không có hộ cận nghèo.

Cuộc sống khá lên, người dân của bản không còn lo đói nghèo nữa nhưng Trưởng bản Sồng A Tủa vẫn suy tư, trăn trở và lo lắng khi tệ nạn ma túy vẫn còn, nếu không giải quyết dứt điểm thì có thể một ngày nào đó cuộc sống cơ cực trước đây sẽ quay trở lại. Vậy thì bao công sức của ông nhiều năm qua cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương lại hóa ra công cốc. Nghĩ là làm, ông lại tận tình đến từng nhà khuyên bảo những điều hay lẽ phải, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng bản làng văn hóa, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy, phân tích về tác hại của ma túy, hậu quả của việc nghiện ma túy…phối hợp cùng lực lượng Công an đấu tranh với tội phạm ma túy, giữ ANTT trong bản.

Người thay đổi Pha Luông -0
 Ông Sồng A Tủa tuyên truyền cho bà con dân bản hiểu được tác hại của ma túy và cách phòng tránh.

Những người nghiện trước đây và đám thanh niên đua đòi trong bản dẫn đến nghiện ma túy cũng dần dần từ bỏ ma túy để tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Cuối năm 2020, xã tiến hành cuộc vận động chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT tại bản Pha Luông, Công an xã Chiềng Sơn đã bắt 2 vụ, 2 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy.

Thăm gia đình anh Sồng A Nhà, ai cũng ngạc nhiên bởi anh hồng hào, khỏe mạnh, khác hẳn trước đây. Cũng nhờ ông Sồng A Tủa đã cùng với chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, động viên anh cai nghiện và anh đã quyết tâm cai nghiện tại nhà thành công. Giờ đây, anh cùng vợ con chăm chỉ làm nương rẫy, nuôi trâu bò, cuộc sống cũng tương đối ổn định, con cái được học hành.

Còn anh Sồng A Chống được Trưởng bản Tủa vận động, sau 2 năm cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện của tỉnh, anh trở về, tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của ông Sồng A Tủa và cấp ủy, chính quyền địa phương. Hiện giờ, gia đình anh có gần 2 mẫu lúa, 5 con trâu, bò, thu nhập mỗi năm trên 60 triệu đồng. Anh xúc động nói: “Không có Trưởng bản Sồng A Tủa thì không biết cuộc đời của tôi sẽ đi đến đâu. Tôi biết ơn ông ấy nhiều lắm”.

Giờ đây, gia đình anh Sồng A Nhà, Sồng A Chống cùng nhiều người dân trong bản Pha Luông với sự giúp đỡ của ông Sồng A Tủa đã thay đổi nhận thức, không tham gia các hoạt động phạm tội về ma túy, nhiều người đã cai nghiện thành công, tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, phòng chống tội phạm, xây dựng bản làng bình yên, kinh tế phát triển. Nhiều hộ gia đình từ đời sống kinh tế khó khăn nay đã có thu nhập ổn định…Pha Luông bây giờ không có người tham gia buôn ma túy, không có vũ khí tự chế trong nhân dân, không trộm cắp, cờ bạc hay xuất cảnh trái phép…Cả bản chỉ còn 4 người nghiện đang cai tại nhà.

Người Trưởng bản gương mẫu

Đánh giá về vai trò của ông Sồng A Tủa trong công tác phòng chống ma túy ở địa phương, Ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Ông Tủa luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của bản, của xã. Ông không những tích cực vận động cai nghiện và phòng chống các hoạt động liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, mà còn từng bước giúp người dân trong bản xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Có những người như ông Tủa, chúng tôi rất yên tâm.

Năm 2016, ông Sồng A Tủa được kết nạp Đảng, đến nay, chi bộ bản được thành lập với 4 đảng viên. Các đảng viên trong chi bộ đều là những quần chúng ưu tú, được Trưởng bản Sồng A Tủa dìu dắt và giới thiệu vào Đảng. Hiện nay có 4 quần chúng ưu tú của bản đã hoàn thành bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Đây đều là những người ông Tủa kỳ vọng gửi gắm cho tương lai của Pha Luông.

Quá trình hình thành, phát triển của bản Pha Luông gắn với thanh xuân và gần như cả cuộc đời của Trưởng bản Sồng A Tủa. Mảnh đất hoang sơ, nghèo khó năm nào được chàng thanh niên người Mông khai phá, nay đã trù phú, ấm no hơn. Cuộc sống của người dân Pha Luông dẫu vẫn còn nhiều gian khó, nhưng có người Trưởng bản đầy tâm huyết Sồng A Tủa đã viết lên câu chuyện về một Pha Luông nỗ lực thoát khỏi ma túy, thoát khỏi đói nghèo nơi biên cương của Tổ quốc.

Minh Phong
.
.
.