Chuyện về người lính đưa tro cốt nạn nhân COVID-19

Thứ Sáu, 17/12/2021, 09:43

Nếu ngày đó anh rời đi là đã hoàn thành xong nhiệm vụ. Nhưng, lương tâm anh không làm thế, ánh mắt ngây dại của đứa trẻ lên 4 níu chân anh lại. Tim anh nhức nhối, mắt anh rướm lệ... và anh phải làm điều gì đó cho em bé mồ côi này.

Em bé 4 tuổi nhận hũ cốt của mẹ

Đã có quá nhiều day dứt, thương xót cùng nỗi ám ảnh về những mất mát do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong cuộc đời của mình, chưa bao giờ Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên nghĩ rằng, có một ngày anh làm nhiệm vụ đưa tro cốt nạn nhân mất vì COVID-19 về với gia đình của họ. Là người lính kiên cường, rắn rỏi nhưng trước cảnh xót đau của thân nhân người quá cố, anh đã không thể cầm lòng.

Đầu tháng 8-2021, dịch bệnh lan rộng, số ca tử vong cao, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Trợ lý quân khí, Ban Chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh nhận nhiệm vụ đưa tro cốt của nạn nhân tử vong do dịch bệnh COVID-19 về với gia đình. Những ngày ấy, bộ đội cùng nhân dân và các lực lượng khác của TP Hồ Chí Minh đã phải làm việc không ngơi nghỉ, chạy đua với thời gian chống dịch và cứu chữa đồng bào nhiễm bệnh. Anh Kiên và đồng đội nhiều đêm không ngủ hoặc chỉ chợp mắt được 1-2 tiếng đồng hồ. Hễ nhận hũ tro cốt nào là anh em ôm lấy, cẩn thận gói ghém, đặt lên ban thờ thắp nén hương cho người mất, rồi tiến hành tìm kiếm thông tin thân nhân, quê hương bản quán để sớm đưa họ trở về với gia đình một cách nhanh chóng và chu toàn nhất.

Chuyện về người lính đưa tro cốt nạn nhân COVID-19 -0
Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên báo cáo tại Hội nghị tôn vinh tập thể, cá nhân điển hình trong phòng, chống dịch COVID-19 của Quân Khu 7, ngày 14-10.

Trong những chuyến công tác đặc biệt như thế, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên đã chứng kiến một trường hợp khiến anh không thể nào quay lưng bỏ đi. Đó là hũ tro cốt của nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Nga, 44 tuổi, trọ tại P. Tân Phú, TP Thủ Đức.

Cả dãy trọ đều bị nhiễm COVID-19, phải cách ly, phong tỏa, những người trở nặng được đi điều trị tại bệnh viện dã chiến, có người đã không thể trở về. Ngày tìm tới dãy trọ để giao tro cốt, anh nghĩ trong đầu ít nhất phải có người lớn hoặc đại diện ra nhận nhưng anh và đồng đội quá bất ngờ khi thấy một bé gái 4 tuổi lững thững đứng đón mẹ. Bàn tay của đứa trẻ không đủ lớn để ôm trọn hũ tro, bé luống cuống, vụng về mang tro cốt mẹ vào phòng trọ đặt ở một góc tường.

Chứng kiến cảnh tượng ấy, lòng anh xót xa đau nhói. Anh hỏi những người hàng xóm thì được biết, em bé là Phạm Thị Bảo Châu, 4 tuổi. Trước giờ chỉ có hai mẹ con sống cùng nhau trong căn phòng trọ này. Ngày mẹ đi bệnh viện vẫn còn tươi tỉnh ngoái nhìn con gái. Nay mẹ về đã chẳng còn hình hài, bé biết điều đó nhưng không khóc, ánh mắt chỉ ngơ ngác mà thôi.

Anh Kiên không mang theo tiền nên vay tạm của anh em trong đoàn 500 ngàn gửi chị hàng xóm mua đồ cho bé. Anh gọi điện cho Đảng ủy - Ban Chỉ huy quân sự TP Thủ Đức xin đưa tro cốt của chị Nga về lại đơn vị để thờ cúng, đồng thời gọi điện cho gia đình để trao đổi nhận đỡ đầu bé Châu. Hôm sau, anh quay lại đưa bé vào khu cách ly điều trị COVID-19 tại P. Tân Phú, TP Thủ Đức.

Việc tìm kiếm người thân cho cháu ban đầu cũng gặp không ít khó khăn vì quá ít thông tin về gia đình cháu. Có một điều trắc trở nữa là khi bé Châu sinh ra, mẹ cháu bị mất giấy tờ nên phải nhờ một người mợ đứng tên trên giấy khai sinh. Do đó, cháu Châu tuy nay đã mất mẹ nhưng trên giấy tờ pháp lý là vẫn còn mẹ, chính là người mợ.

Với mong mỏi đưa cháu về vòng tay yêu thương của gia đình, với tình thương và trách nhiệm của một người lính đã thôi thúc anh quyết tâm tìm bằng được. Một tháng sau, anh Kiên đã tìm được cô ruột của bé Bảo Châu tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua trao đổi, cô của bé Châu đã thống nhất nhận tro cốt của người mẹ và nhận bé về sống với cô ở Vũng Tàu.

Hành trình đưa bé Châu về với người thân không hề suôn sẻ, bởi thời điểm đó cả TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu đều đang phong tỏa để chống dịch. Bé Châu mới điều trị xong COVID-19, lại đang trong vùng dịch nên việc đưa về TP Vũng Tàu gặp không ít trở ngại. Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên đã kết nối, nhờ cậy nhiều mối quan hệ, sau đó trao đổi với địa phương nơi người cô đang cư ngụ xin phép giúp đỡ, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện của lãnh đạo địa phương.

Chuyện về người lính đưa tro cốt nạn nhân COVID-19 -0
Ngày mang tro cốt chị Nga về nhà trọ.

Ngày 7-9-2021 anh đưa tro cốt chị Nga và dắt bé Châu về TP Vũng Tàu cách ly theo quy định. Anh đã vận động bạn bè cùng các nhà hảo tâm quyên góp được hơn 88 triệu đồng giúp đỡ bé. Số tiền này, anh Kiên thống nhất với cô của bé Châu lập một tài khoản chung tại Ngân hàng Quân đội để quản lý, sau này lo cho tương lai của bé.

“Cho con gọi chú bằng ba”

Tìm hiểu sâu về hoàn cảnh của bé Châu, anh Kiên biết được, bé còn anh trai là Nguyễn Đình Huy (10 tuổi) và chị gái ruột Nguyễn Thị Bảo Ngọc (8 tuổi), hiện sống cùng bà ngoại già yếu đã 87 tuổi trong một căn nhà nhỏ tại P. 8, Q. 4, TP Hồ Chí Minh. Do cha mẹ chia tay sớm nên 3 đứa trẻ phải sống xa cách nhau.

Trong một lần qua thăm các bé, bỗng chúng ngước nhìn anh Kiên, nói: “Chú Kiên ơi, cho con gọi chú là ba Kiên nha. Con muốn có ba để được ba quan tâm”. Nghe xong, anh Kiên một lần nữa không thể quay đi, tiếng con trẻ đánh trúng vào trái tim dễ thổn thức của người lính, cũng đang là cha của hai đứa con thơ.

Chuyện về người lính đưa tro cốt nạn nhân COVID-19 -0
Thiếu tá Kiên đưa bé Châu về với cô ở Vũng Tàu.
Mặc dù biết sẽ rất khó khăn trong kinh tế, công việc, gia đình và giải quyết các mối quan hệ nhưng anh Kiên không thể làm ngơ trước những mất mát của các cháu khi còn quá nhỏ. Anh về nhà tâm sự với vợ và được sự cảm thông, đồng tình của gia đình nhận đỡ đầu 3 cháu.

Về phần bé Châu, sau thời gian ngắn sống cùng cô ở Vũng Tàu, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Kiên đã xin phép được đón bé về TP. Hồ Chí Minh giao cho bà ngoại chăm sóc. Dù biết bà sẽ rất cực nhưng theo anh, thời điểm này đó là cách tốt nhất. Đồng thời, cũng xin chuyển tro cốt mẹ bé Châu về một ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh để thuận tiện cho các cháu thăm nom mẹ.

Từ khi nhận làm cha của các cháu, mỗi ngày anh Kiên đều dành thời gian điện thoại hỏi thăm các con việc học hành, ăn uống. Cứ cuối tuần, anh lên đưa 3 anh em về Thủ Đức chơi cùng các con của mình. Trong gia đình, từ ông bà, vợ cho tới hai đứa nhỏ đều vô cùng yêu thương và cảm mến các bé, điều đó làm anh Kiên thấy ấm áp và hạnh phúc.

Huy và Ngọc học online mà không có điện thoại, máy tính bảng và sách vở, anh Kiên đã đi xin máy cũ, mua tập, sách cũng như vật dụng cần thiết trong học tập gửi đến các con. Anh thường xuyên điện thoại cho cô giáo của các cháu trao đổi về tình hình học tập. Anh lo lắng, sốt lắng và làm tất cả những gì có thể của một người cha.

Chuyện về người lính đưa tro cốt nạn nhân COVID-19 -0
Thiếu tá Kiên thường xuyên thăm hỏi, gửi quà những đứa trẻ mồ côi mẹ mà anh nhận đỡ đầu.

Từ khi có thêm 3 thành viên mới, cuộc sống trong gia đình Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên có thêm niềm vui, niềm tin và hy vọng. Nhưng, vợ chồng anh đã phải cố gắng thật nhiều để vun vén, xoay xở sao cho êm ấm, tròn đầy, để các con không phải thiếu thốn quá nhiều. Trong suốt mùa dịch cho tới tận bây giờ, anh Kiên luôn túc trực ở đơn vị, vợ anh cũng là cán bộ Mặt trận Tổ quốc P. Tam Bình, TP Thủ Đức, cũng đi sớm về khuya và là lực lượng nòng cốt chống dịch tại cơ sở.

“Dù khó khăn trước mắt nhưng tôi chưa bao giờ ân hận hay hối tiếc về những việc mình đã làm. Lương tâm tôi luôn thanh thản, nhẹ nhàng, lòng tôi lúc nào cũng ấm áp khi nghĩ về các con của mình, chúng sẽ được sưởi ấm khi có nơi để tựa vào, có người để gọi một tiếng cha và ở nơi cao xa kia, người mẹ cũng an lòng mà mỉm cười. Các con sẽ lấy đó làm động lực quyết tâm vươn lên trong cuộc sống trở thành người có ích cho xã hội”, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên tâm sự.

Thiết kế robot chống dịch

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên được giao nhiệm vụ tham gia trực tại chốt kiểm soát, phun khử khuẩn các khu cách ly, khu phong tỏa... Khi thực hiện nhiệm vụ phun khử khuẩn tại đây, Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên nhận thấy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn cho anh em làm nhiệm vụ, hơn nữa còn gặp khó khăn lúc di chuyển trong các hẻm nhỏ. Từ đó, anh nảy ý tưởng phát minh và sử dụng robot để thực hiện nhiệm vụ. Sau hơn một tháng bắt tay vào nghiên cứu cùng các cộng sự, nhóm anh Kiên đã kịp thời hoàn thành 2 robot điều khiển từ xa có chức năng xịt khử khuẩn hiệu quả ở những khu vực hẻm nhỏ, khu nhà trọ có bệnh nhân F0 cách ly.

Ngoài ra, robot còn có thể giao tiếp qua Zalo, hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm cho nhân dân đảm bảo an toàn. Tính năng ưu việt của robot là các thiết bị điện tử bố trí rất linh hoạt, dễ dàng chuyển công năng thành thiết bị vận chuyển lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân trong các khu cách ly. Đặc biệt, có thể nâng cấp, gắn thêm cánh tay cho robot để phục vụ thu gom rác thải nguy hại và làm một số công việc khác, vừa tiết kiệm nhân lực, vừa giảm nguy cơ mất an toàn.

Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cho biết, trong quá trình nghiên cứu, sáng chế robot, nhóm tác giả đã tính toán và dự kiến thay đổi công năng, bổ sung thiết bị để bảo đảm tính đa dụng của robot, điều khiển trong khoảng cách tối đa 500m. Để hoàn thành robot, nhóm tác giả tập trung nghiên cứu, thử nghiệm, tận dụng các loại vật liệu sẵn có và mua linh kiện điện tử lắp ráp hoàn thành trong 3 tuần với chi phí gần 40 triệu đồng.

Ngọc Hoa
.
.
.