Vật vã… chợ Giời

Chủ Nhật, 02/05/2010, 18:30
Trước nay người ta nói nhiều rằng, hễ ở Hà Nội, nếu bị mất trộm các loại phụ tùng xe máy, ôtô, các đồ điện, đồ gia dụng thì cứ ra chợ Giời, tên nguyên bản là chợ Hòa Bình, sẽ mua lại được chính đồ của mình vừa bị mất… Tuy nhiên, ngay cũng chính với nhiều người dân Hà Nội hoặc đã sinh sống lâu năm tại thành phố này hẳn hoi, thì cái cụm từ "chợ giời" nhiều khi vẫn là một ẩn số.

Mới đây, Công an quận Hai Bà Trưng phối hợp với các ngành chức năng đã "giải mã" một phần ẩn số ấy…

Có người mua thì... cả "giời" cũng bán

Trong một cuộc kiểm tra hành chính tại khu vực đầu ngõ 43 phố Đồng Nhân mới đây, tổ công tác của Công an phường Phố Huế đã thu tại chỗ một số lượng ốp lazang, cần gạt nước và nẹp sườn xe ôtô đủ loại. Tất cả số phụ tùng, phụ kiện ôtô này đều không chứng minh được nguồn gốc. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, không ít người xung quanh chứng kiến đã biểu hiện sự ngỡ ngàng.

Ngỡ ngàng trước hết là bởi theo nhiều người dân xung quanh, việc chuyên chở và buôn bán những loại "mặt hàng" như thế đã trở nên quá... thường ở nơi đây từ lâu rồi. Nó thường đến mức suốt thời gian dài qua người ta đã coi đó là chuyện đương nhiên mà chẳng mấy ai nghĩ tới việc đặt câu hỏi xem nguồn gốc mặt hàng đặc biệt đó từ đâu ra, có phải là của ăn cắp hay không nữa?

Cố nhiên không phải tiểu thương nào ở chợ Giời cũng nhúng chàm với đám hàng trộm cắp đó, nhưng sau khi sự việc xảy ra, nhiều người làm ăn lương thiện trong chợ bỗng chợt giật mình mà nhận ra rằng hóa ra người ta buôn bán đồ ăn cắp, tiếp tay cho đạo tặc ở ngay bên cạnh mình mà lại được coi là chuyện đương nhiên xưa nay.

Và đó cũng không phải là một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên. Nó nằm trong một chủ trương hành động từ lâu nay mà Đại tá Đàm Thanh Thế, Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng từng không ít lần nói ra. Đó là quyết tâm dần lập lại trật tự tại cái nơi được coi là "chợ tạm lớn nhất thủ đô" này. Và cuộc kiểm tra hôm 26/3 vừa rồi cũng chỉ là một trong hàng loạt nỗ lực cụ thể đã và sẽ triển khai của Công an quận Hai Bà Trưng đến thời điểm này.

Sau một thời gian dài theo dõi mọi hành vi của đối tượng Nguyễn Thị Thúy, sinh năm 1968, chỗ ở số 2 xóm Chùa, phường Đồng Nhân, hôm ấy tổ công tác đã bắt quả tang Thúy đang vận chuyển số nẹp sườn xe và logo, ốp lazang xe như trên. Thúy không thể trình được giấy tờ xuất xứ cũng như chứng minh được nguồn gốc số phụ tùng nói trên.

Tại trụ sở Cơ quan Công an, Thúy khai số phụ tùng trên là do Thúy mua của Đinh Thị Xiêm, sinh năm 1954, ở tại 34 Vân Đồn, phường Bạch Đằng, Hà Nội, sau đó đem đến đầu ngõ 43 phố Đồng Nhân để bán cho đối tượng thu mua. Số "hàng" này Thúy mua theo hình thức mua lố, bán mớ, có nghĩa là đếm số trả tiền, bất kể tốt, đẹp có giá hay vỡ gãy, không tiêu thụ được.

Có những chiếc logo hiệu xe ôtô mà nếu mua mới, lắp tại hãng xe giá lên tới cả triệu bạc, thì những kẻ thu gom như Thúy chỉ trả giá chưa tới 100 nghìn. Sau khi lọc sơ, Thúy mới đem bán theo từng chủng loại, với từng giá khác nhau. Trừ đầu trừ đuôi, không kể những chiếc logo bị vỡ ngay từ khi rời xe, không thể tái sử dụng, số còn lại Thúy đem bán mà vẫn có lãi thì đủ biết cái "thị trường chợ đen" linh phụ kiện ôtô ăn cắp nó có sức hấp dẫn như thế nào.

Bất chấp biện pháp phòng ngừa bằng đinh tán, những chiếc logo như thế này vẫn không cánh mà bay.

Qua quá trình điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng đã xác định Đinh Thị Xiêm thuê nhà của một phụ nữ tên là Mai Ngọc Bích để làm địa điểm cất giấu phụ tùng ôtô không rõ nguồn gốc tại số 2 ngõ Trại Hòa Bình thuộc phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng. Một điều bất ngờ là khi các trinh sát ập vào địa chỉ nói trên đã phát hiện và tạm giữ khoảng 4.000 linh kiện, phụ tùng ôtô các loại, nhiều trong số đó là nẹp sườn xe, ốp lazang và logo xe các loại, đa phần không rõ nguồn gốc.

Chưa hết, qua kiểm tra, các trinh sát còn phát hiện được 2 chiếc biển kiểm soát xe máy đã được xác định là tang vật trong các vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn. Như vậy là không chỉ phụ kiện ôtô bị đánh cắp, mà cả những chiếc xe máy bị mổ thịt cũng "góp phần" thêm vào sự "phong phú" của chợ Giời. Trong quá trình kiểm tra, Đinh Thị Xiêm đã thừa lúc sơ sểnh bỏ trốn...

Chợ tạm “già” nhất giữa lòng Thủ đô

Không chỉ Hà Nội mới có chợ Giời. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đều có chợ Giời - tiếng Anh gọi là swap meet hay flea market - với tính chất là ngày họp mặt, gặp gỡ, mua bán và trao đổi giữa các thành phần xã hội và cũng thường ở những nơi ngoài trời như công viên hay khu đất rộng rãi. Ở một số nước như Mỹ, Pháp, chợ Giời không những là nơi để kiếm sống mà còn là địa điểm thư giãn khá thú vị của du khách và trở thành điểm du lịch. Nhưng ở ta thì khác. Đố ai dám đi "du lịch" chợ Giời Hà Nội! Đã có những câu chuyện về cán bộ thời bao cấp, trước dịp nghỉ phép về thăm nhà tạt vào chợ Giời mong kiếm được một món hàng giá rẻ. Tay dựa ghi-đông xe đạp xem hàng mà đạo chích nó cắt mất hòm đồ buộc néo chằng chịt phía sau lúc nào không hay...

Chợ Giời, nguyên bản từ thời bao cấp vốn dĩ của nó là một "chợ đen" theo đúng nghĩa, ngay giữa thủ đô Hà Nội. Ở chợ Giời, người ta có thể buôn bán đủ thượng vàng hạ cám, từ cái nhỏ nhất như cái đinh, chiếc tụ trong bảng mạch hay những chiếc diots phát sáng cho đến to như chiếc xe máy.--PageBreak--

Chợ được hình thành từ giữa những năm 50 của thế kỷ trước, khởi điểm từ những gia đình di tản vào miền Nam cần thanh lý tài sản đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt cho đỡ phí. Đến thời bao cấp, chợ Giời lại càng phát triển mạnh. Vào thời ấy, những gì không thể mua được bằng tem phiếu, thì chỉ có thể kiếm được ở chợ Giời. Ban đầu, chợ họp chính tại phố Thịnh Yên (thời Pháp thuộc có tên là Dumoutier) và lối vào chùa Vua, về sau mới lan rộng ra một vài tuyến phố lân cận là Đỗ Ngọc Du, Lê Gia Định, Nguyễn Công Trứ... như bây giờ.

Trải dài mấy thập niên, mặc dù chế độ bao cấp đã bị xóa bỏ từ lâu, nhưng chợ Giời, với những diện mạo và cả cách thức thay đổi theo thời gian, vẫn tồn tại và không ngừng sầm uất. Trong lịch sử "chợ tạm" này đã có ít nhất 2 lần chính quyền muốn giải tỏa nhưng không thành. Lần thứ nhất, chính quyền quận Hai Bà Trưng đã chủ trương giải tỏa toàn bộ các kiốt, gian hàng của chợ Giời sang khu vực ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt và khu vực công viên Thống Nhất.

Tuy nhiên, chợ mới quy hoạch chỉ được một thời gian ngắn, sau đó những chủ buôn bán lại quay về chốn cũ. Dư âm còn lại của nó là một chuỗi các gian hàng quần áo sida - hàng thùng (ban đầu là các thùng quần áo cũ do Tổ chức SIDA của Thụy Điển viện trợ, về sau trở thành tên gọi thông dụng ám chỉ quần áo cũ có nguồn gốc nước ngoài trở thành hàng hóa) từng khá quen thuộc với người dân Hà Nội suốt một thời gian dài.

Lần thứ hai, với quyết tâm giải quyết vấn đề "tụ điểm chợ Giời phố Huế", quận Hai Bà Trưng lại chủ trương đầu tư dựng mái che, phân khu, có sạp bày hàng để loại bỏ theo đúng nghĩa đen của chợ Giời: dưới là hàng, nhìn lên là trời. Ban quản lý chợ được thành lập và chợ Giời có thêm tên chính thức là chợ Hòa Bình từ đấy. Nhưng bởi tính chất đặc điểm của chợ và các loại hàng hóa bên trong khiến cho người ta không thể không mô tả nó một cách trần trụi như vốn thế: chợ Giời!

Tuy nhiên, đến thời điểm này, hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ Giời đang có nguy cơ chuyển sang một hình thái biến tướng mới. Phân tích nguy cơ, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Vương Chí Dũng quả quyết, không một nhà nước nào lại cho phép nhập hay sản xuất các loại phụ tùng đã qua sử dụng một cách tràn lan như những thứ đang được bày bán tại chợ Giời. Và như vậy thì hàng hóa chợ Giời sẽ chủ yếu từ 2 nguồn: nhập lậu qua đường tiểu ngạch hoặc hàng ăn cắp, hàng trôi nổi trên thị trường. Cả 2 con đường trên đều đang là những thách thức lớn đối với xã hội.

Chúng ta không thể bỏ tiền ra để mua những thứ đồ cũ, đồ đã qua sử dụng thải loại từ nước ngoài, nôm na là những loại "rác công nghiệp" để rồi cứ thế không ngừng làm giàu cho những con buôn bên kia biên giới mà tự triệt tiêu nền sản xuất trong nước. Người tiêu dùng được quyền lựa chọn sản phẩm ưa thích, phù hợp với túi tiền, nhưng sản phẩm đó phải hợp pháp. Ông Dũng cảnh báo trường hợp của Campuchia, đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi xả "rác xe hơi" của một quốc gia nằm trên khối ASEAN.

Ngần này chiếc logo xe hơi, bao nhiêu người là nạn nhân?

Còn ở một cái chợ lớn mà tiêu thụ tới 60% hàng hóa trôi nổi, hàng ăn cắp (con số do chính ông Vương Chí Dũng đưa ra) thì sẽ là "điều kiện thuận lợi" nảy sinh các loại tội phạm và dịch vụ bất minh ăn theo. Thêm nữa, dù thuộc loại này hay loại kia, thì Nhà nước cũng chẳng thu được đồng thuế nào từ các hoạt động buôn bán ấy.

Chợ Hòa Bình mà chẳng yên bình

Như đã nói ở trên, không phải đến bây giờ các ngành chức năng của quận Hai Bà Trưng và của thành phố mới cụ thể hóa quyết tâm lập lại trật tự chợ Giời. Từ tháng 11-2008, vụ việc đầu tiên liên quan đến hoạt động buôn bán phụ tùng ôtô không rõ nguồn gốc tại chợ Giời đã được xử lý mạnh tay. Trong một lần hợp tác hiếm hoi của người bị hại, Công an quận Hai Bà Trưng đã bắt quả tang Cao Bách Đạt, trú tại 31 Nguyễn Công Trứ, phường Đồng Nhân đang lắp 2 mặt gương cho chiếc xe Mercedes S500 không chứng minh được nguồn gốc.

Qua điều tra, Cơ quan Công an quận đã xác định được 2 mặt gương kia là do Nguyễn Quang Hải, trú tại số 2 xóm Chùa, phường Đồng Nhân mua lại của một đối tượng trộm cắp với giá 2 triệu đồng. Qua một vài cầu, 2 mặt gương được bán với giá hơn 6 triệu đồng. Đối tượng Nguyễn Quang Hải đã bị Công an quận Hai Bà Trưng đề nghị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tuy nhiên, có một vấn đề cực kỳ nan giải đối với các ngành chức năng, đó là nhiều khi chính những bị hại, vì một lý do nào đó, ngại "mất thì giờ" đã không hợp tác, không khai báo với cơ quan chức năng để phối hợp truy tìm phụ tùng của chính mình. Sự hợp tác của người bị hại, ngoài việc trình báo đầy đủ thông tin truy tìm thủ phạm mà còn là thái độ cương quyết không sử dụng hàng gian, đồ chôm chỉa quay vòng. Theo Đại tá Đàm Danh Thế, thì đây là một trở ngại không dễ vượt qua đối với người tiêu dùng. Và nếu như không có sự hợp tác của người bị hại, thì nỗ lực của Cơ quan Công an hay các ngành chức năng chẳng khác gì... mò kim đáy bể!

Ở một khía cạnh khác của giải quyết vấn đề, ông Vương Chí Dũng khẳng định việc mua bán một chiếc gương xe ôtô cũ hay bất cứ món đồ cũ nào khác chưa hẳn đã là hành vi phạm pháp. Một món đồ cũ đối với người này nhưng có giá trị với người khác được đem ra trao đổi là hết sức bình thường và tiết kiệm. Vấn đề là việc mua bán ấy có được công khai trong sổ sách giấy tờ hay không: Mua của ai? Mua khi nào? Mua giá bao nhiêu?... và đó sẽ là cơ sở để truy thu nguồn gốc của sản phẩm. Như vậy, cả người mua và người bán đều biết hành vi buôn bán hàng trôi nổi như thế là phạm pháp. Vậy thì đây phải là cuộc đấu tranh tổng hợp của tất cả những thành phần liên quan: người kinh doanh, người mua hàng, lực lượng chức năng, cơ quan quản lý...

Mới chỉ qua một đợt kiểm tra 60 hộ kinh doanh trong chợ Giời mà đã có 8 hộ hoàn toàn không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa với hơn 80 nghìn bộ linh kiện, phụ kiện xe hơi không rõ nguồn gốc cũng đủ thấy, những gì người ta lo ngại về một "chợ đồ ăn cắp giữa lòng thủ đô" không phải là không có lý. Tồn tại hay không tồn tại nữa một chợ Giời như thế?

Việt Anh
.
.
.