"Khắc tinh của những đám cháy"

Thứ Hai, 31/08/2009, 18:35
Hỏa hoạn xảy ra, khi mà tất cả mọi người đều hốt hoảng tìm đường... thoát cho nhanh thì các chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CS PCCC) lại phải xông vào với nỗ lực cao nhất để tìm, cứu thoát người còn mắc kẹt và dập tắt đám cháy. Mỗi lần còi báo động hú lên là một lần họ phải đương đầu với cái chết, với hiểm nguy. Và chúng tôi gọi họ là “khắc tinh của những đám cháy”.

Đối mặt với hiểm nguy

"Đại bản doanh" của Đội PCCC Phan Chu Trinh không khó tìm. Chỉ cần đi men theo dãy phố, thấy chỗ nào có 2 chiếc xe cứu hỏa đỏ chót đậu ở đâu thì đích thị đó là nơi đóng quân của lực lượng PCCC.

Trung tá Nguyễn Văn Nguyện, Đội trưởng Đội PCCC Phan Chu Trinh tiếp chúng tôi trong một căn phòng không lấy gì làm rộng rãi. Tấm gỗ ép chia căn phòng chừng 20m2 ra làm nhiều phần. Phần của Đội trưởng đủ để kê một chiếc giường, một tủ và một bàn uống nước. Tiết trời đã sang thu, vậy mà mới ngồi được một lúc, mồ hôi cả chủ lẫn khách đều ướt đầm đìa vai áo. Trung tá Nguyện cười ý nhị: "Các anh thông cảm, trụ sở đang được sửa chữa, xây dựng lại. Cũng chưa có điều kiện lắp điều hòa. Với lại chúng tôi cũng đã... quen với cái nóng rồi!".

Hơn 30 năm gắn bó với lực lượng PCCC trên địa bàn thủ đô, Trung tá Nguyện kể về lần đầu tiên tham gia một vụ cứu hỏa của mình. Đó là vào năm 1975 anh cùng đồng đội chi viện cho chiến trường miền Nam. Đơn vị của anh được phân công bảo vệ kho xăng Nhà Bè.

Một buổi sáng, khi cả đơn vị đang say ngủ thì chuông báo động rúc inh ỏi. Lập tức Nguyện cùng đồng đội bật dậy, mặc đồ bảo hộ rồi phi ra địa điểm có báo cháy. Cây xăng Nhà Bè vốn nằm biệt lập với khu dân cư và được bảo vệ bằng lưới mắt cáo B40, xung quanh toàn cỏ gianh. Có lẽ người dân nào đó đã đốt rác ở khu vực ấy, và nó đã bắt lửa cháy vào đám cỏ trong hàng rào và lăm le... nuốt trọn kho xăng.

Trung tá Nguyện cùng đồng đội bình tĩnh tiến hành các thao tác nghiệp vụ đã được huấn luyện hàng ngàn lần, dùng vòi nước tiêu diệt "bà hỏa". Nhiều người, thấy ngọn lửa hung hãn quá đều chạy dạt cả ra một phía. Bằng sự quả cảm của mình, trung đội chữa cháy của Nguyện đã làm chủ được tình hình trong vòng 30 phút. Sau vụ này, khi đi ra ngoài Nguyện cùng đồng đội hay được bà con khen: "Các anh lính Bắc tài ghê!".

Năm 1978, Trung tá Nguyện được lệnh trở lại Hà Nội công tác. 36 năm công tác chiến đấu trong lực lượng PCCC, đồng chí Nguyện đã tham gia chiến đấu với hàng trăm vụ cháy lớn nhỏ. Nhưng vụ hỏa hoạn gây ấn tượng nhất với anh cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong lực lượng PCCC của thủ đô vẫn là vụ cháy "lịch sử" tại chợ Đồng Xuân vào ngày 14/7/1994.

Trung tá Nguyện nhớ lại, khoảng 21h ngày 14/7 các anh nhận được tin báo cháy lớn ở chợ Đồng Xuân. Ra đến nơi, tất cả đều bàng hoàng trước sự dữ dội của "bà hỏa". Khu chợ đồ sộ với diện tích cả ngàn mét vuông chìm trong khói lửa. Gần như tất cả lực lượng chữa cháy của thủ đô đều được điều về đây để phối hợp tác chiến. Hy vọng chữa cháy cho phần bên trong chợ đã hầu như không còn, lực lượng CS PCCC có nhiệm vụ làm sao không cho đám cháy lan rộng, nhất là ở các khu dân cư đông đúc bên cạnh.

Suốt 5 ngày trời, lực lượng PCCC của thủ đô phải thường trực 24/24 giờ tại khu vực để tổ chức dập lửa. Cho tới ngày 19/7, ngọn lửa mới hoàn toàn được dập tắt. Tất cả lực lượng PCCC ai nấy đều bơ phờ, Trung tá Nguyện cũng... mất giọng do hít phải khói và nói to quá nhiều.

Hạ sĩ Nguyễn Đức Hải (Đội CS PCCC Thanh Trì) hẳn chưa thể quên vụ cháy kinh hoàng ở ga Giáp Bát vào tháng 6 vừa qua. Hải kể lại, ngay khi phát hiện đám cháy, toàn đội đã ngay lập tức xuất quân mặc dù chưa nhận tin báo. Khi lực lượng PCCC có mặt tại hiện trường thì đám cháy ở các kho hàng đã cực lớn. Và điều làm mọi người vô cùng hoang mang là khi thấy xác người ngay ngoài hành lang, chứng tỏ nạn nhân chỉ chạy được vài mét.

Theo hiểu biết của Hải cũng như kinh nghiệm của những thế hệ trước thì một người không thể nào chết nhanh như thế khi gặp hỏa hoạn, đây có thể là một vụ cháy bởi một chất liệu rất đặc biệt gây ra. Nhờ sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng cảnh sát nên chỉ sau khoảng 1 tiếng rưỡi, vụ hỏa hoạn đã được dập tắt.

Trong suốt quá trình chữa cháy, Hải còn nhìn thấy 4 thi thể khác gần như cháy thành than. Những chiến sĩ chữa cháy sau đó đã nhận được rất nhiều lời động viên, khen ngợi của lãnh đạo Công an TP cũng như của người dân. Nhưng hình ảnh 5 người chết, những nỗi đau, những giọt nước mắt của người nhà nạn nhân ngày hôm đó vẫn ám ảnh Hải và đồng đội...

Theo con số thống kê mới nhất của Phòng CS PCCC (PC23), CATP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2009, tổng số vụ cháy, nhất là cháy lớn trên địa bàn thành phố tăng cao, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người dân. Toàn thành phố xảy ra tới 159 vụ cháy (tăng 76 vụ so với cùng kỳ, tăng 27% so với 6 tháng trước); làm 6 người chết (tăng 1), 24 người bị thương (tăng 15 người), thiệt hại tài sản trị giá khoảng 20,2 tỉ đồng (tăng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ). Trong đó, địa bàn xảy ra cháy ở nội thành chiếm 2/3 tổng số vụ.

Đáng chú ý, số vụ cháy do mâu thuẫn dẫn đến phóng hỏa tăng gấp đôi so với cùng kỳ (xảy ra 10 vụ). Ngoài ra thời gian này cũng xảy ra 2 vụ nổ mìn, thuốc súng. Những vụ cháy liên tiếp xảy ra đã khiến lực lượng PCCC CATP phải căng sức ra mọi mặt trận.--PageBreak--

Hàng ngàn giờ đổi lấy một phút

Để trở thành người lính cứu hỏa không phải là điều đơn giản. Ngoài những phẩm chất cần có của một chiến sĩ Công an nhân dân thì họ còn phải có kiến thức và sức khỏe tốt, yêu nghề và có thừa lòng dũng cảm.

Thượng úy Trương Văn Dương, cán bộ Đội CS PCCC Ba Đình tâm sự. Để được một vài phút xông vào chiến đấu với “bà hỏa” một cách bình tĩnh, tự tin, các chiến sĩ của lực lượng PCCC đã phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" hàng ngàn giờ trong lớp học và trên thao trường. Bên cạnh những kiến thức cơ bản của hệ đào tạo cảnh sát, học viên PCCC sẽ được học kỹ các môn về hóa học, vật lý. Những kiến thức này sẽ giúp học viên hiểu được hóa tính, lý tính của các vật dễ cháy và nguyên tắc cơ bản về chữa cháy bằng nước, bằng bọt khí... Bên cạnh đó là các nguyên lý chữa cháy, các chiến thuật chữa cháy, điều lệnh đội hình chiến đấu... cũng được rèn đi giũa lại hàng trăm ngàn lần.

Hàng tháng, các đội PCCC CATP Hà Nội đều có lịch tập luyện thường xuyên. Trung tá Nguyễn Ích Thọ, Phó đội trưởng Đội CS PCCC Ba Đình cho biết tháng nào anh cũng dẫn quân lên đường Bắc Sơn (Ba Đình, Hà Nội) thực hành các bài tập. Lắm khi khu vực này không được "rảnh rỗi", Trung tá Thọ phải tìm một đoạn đường vắng hoặc khu đô thị đang xây dựng để làm thao trường.

Nhờ những ngày miệt mài trên giảng đường và thao trường, các chiến sĩ CS PCCC dần rèn luyện được sức khỏe, thuần thục các kỹ năng và khả năng phối hợp tác chiến.  Trung tá Nguyễn Ích Thọ vẫn nhớ như in cái ngày mùng 5 tết Kỷ Mùi (năm 1979). Hôm ấy là lần đầu tiên anh chiến sĩ trẻ Nguyễn Ích Thọ về Đội PCCC Ba Đình nhận nhiệm vụ. Và ngay tối hôm đó, Ký túc xá của Trường đại học Ngoại ngữ (Cầu Giấy, Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn lớn. Đơn vị của Thọ được lệnh điều 2 xe chữa cháy tới để hỗ trợ.

"Lần đầu tiên đứng trước ngọn lửa bốc cao cả chục mét, tôi cũng run lắm. Nhưng nghĩ tới những sinh viên có thể còn bị kẹt ở trong, tự nhiên tôi quên hết hiểm nguy. Theo chỉ đạo của đội trưởng, tôi cùng đồng đội ôm vòi lao vào. Sau gần một giờ thì đám cháy được khống chế hoàn toàn. Cho tới khi về đến nhà, nằm trong chăn rồi mà nghĩ lại khoảnh khắc ấy, tôi vẫn còn thấy rờn rợn..." - Trung tá Thọ kể lại.

Bố, con cùng chữa cháy

Theo quy định của lực lượng CS PCCC, trong vòng 1 phút sau khi nghe tiếng còi báo cháy, xe cứu hỏa vào ca trực thời gian đó phải sẵn sàng lăn bánh tới địa điểm xảy ra hỏa hoạn. Thế nên, tất cả CBCS của PC23 CATP Hà Nội  khi nghe thấy tiếng còi đều lập tức bỏ dở hết mọi công việc để ra xe.

"Những tình huống giở khóc giở cười với CBCS chúng tôi xảy ra như "cơm bữa". Ngay bản thân tôi đã từng có một lần chạy xuống xe trong tình trạng đầu trắng xóa... dầu gội" - Thiếu tá Đỗ Minh Quyến, Đội trưởng Đội PCCC Thanh Trì chia sẻ.

Lực lượng PCCC CATP Hà nội đang khẩn trương dập tắt đám cháy tại khu vực gần chợ Đồng Xuân.

Còn theo Trung tá Nguyễn Trọng Mậu, Phó đội trưởng Đội PCCC Ba Đình: "Lính cứu hỏa phải trực 24/24 giờ bởi hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù to hay nhỏ, khi nhận được tin báo, chúng tôi lập tức phải xuất phát để đến ngay hiện trường. Có ngày đơn vị chúng tôi phải chữa cháy đến 5 vụ trên địa bàn cả 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ... Phản ứng nhanh, kịp thời ứng phó với mọi tình huống bất ngờ là tố chất đặc biệt của người lính cứu hỏa".

Thượng tá Trần Văn Vụ, Phó trưởng phòng CS PCCC cho biết: nhiều khi cả ngày, cả tuần không có một vụ cháy nào nhưng cũng có ngày cháy dồn dập. Có khi đi chữa cháy về ướt như chuột lột nhưng không dám giặt quần áo vì nhỡ có cháy nữa thì không biết lấy gì mà mặc. Các sắc lính khác còn có chuyện "lên ca (trực) xuống ca", còn lính cứu hỏa gần như phải "lên ca" thường xuyên, do phải trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ. Một trung tâm cảnh sát PCCC có bao nhiêu xe thì hàng ngày phải bố trí tương ứng bấy nhiêu số cán bộ công nhân viên (1 xe chữa cháy thường có 6 người) trực đủ trên số đầu xe để lúc nào cũng có thể... hoạt động hết công suất!

Trung tá Thọ là một trong những trường hợp hiếm thấy của lực lượng PCCC. Cả gia đình anh đều phục vụ trong lực lượng Công an. Hiện tại, Trung tá Thọ còn có "ông con rể quý hóa" là Thượng úy Dương làm cùng nhiệm sở. Vậy mới có chuyện, tháng 1/2009 khi hết ca trực hai bố con đang đèo nhau từ đơn vị về nhà. Đi qua phố Sơn Tây (Ba Đình, Hà Nội) hai bố con phát hiện tại số nhà 24 có một cột khói bốc cao. Lập tức, Thượng úy Dương xông vào nhà kiểm tra. Còn Trung tá Thọ gọi điện về báo cho Đội PCCC.

"Ngôi nhà này là của một đôi vợ chồng già. Hàng ngày họ chuyên nhặt các loại đồ phế thải về để lọc rồi bán đồng nát. Chính vì thế, để tìm ra vị trí phát hỏa hai cha con Trung tá Thọ phải băng qua biết bao vật cản. Nào là ghế gãy, rồi chai lọ, cả những chiếc xe đạp han rỉ... Khi hai bố con Trung tá Thọ tìm ra căn nguyên của đám cháy thì lực lượng PCCC của TP cũng đến kịp và dập tắt đám cháy. Chủ nhân của ngôi nhà gặp sự cố thì mải đi... ăn cỗ ở đâu đó, mãi đến tối họ mới về và biết nhà mình vừa được CS PCCC thủ đô cứu khỏi một vụ hỏa hoạn lớn.

Mấy chục năm phục vụ trong lực lượng PCCC, Trung tá Thọ hầu như tuần nào, tháng nào cũng phải đối mặt với những khổ đau, mất mát, những giọt nước mắt và cả những cái chết. Và đồng chí  luôn tâm niệm cố gắng giành lại cái còn trong cái mất.

Trước khi chia tay với chúng tôi, Trung tá Thọ mở một ngăn tủ "bí mật", bảo: "Thứ này còn đáng giá gấp nhiều lần những bằng khen, giấy khen... mà năm nào tôi cũng được nhận". Đó là một xấp thư. Rồi ông giở ra cho chúng tôi xem một bức. Đó là lá thư cảm ơn của ông Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Nội dung của bức thư là những lời lẽ đầy cảm động dành cho Trung tá Thọ và đơn vị bởi đồng chí cùng đồng đội đã kịp thời có mặt hạn chế được thiệt hại của gia đình ông Minh trong vụ cháy xảy ra  tập thể Ngọc Khánh tháng 12/2008

Minh Tiến
.
.
.